Trong nhiều truyền thống Phật giáo phổ biến ở Canada (Gia Nã Đại) ngày nay như thiền Vipassana, thiền Tây Tạng hoặc thiền Anapanasati, có những truyền thống Phật giáo khác được tìm thấy ở châu Á. Một trong số đó là truyền thống Tịnh độ của Phật giáo Đại thừa, bắt nguồn từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Một nhánh quan trọng của truyền thống này xuất hiện ở Nhật Bản vào thế kỷ XIII là Jodo Shinshu (Tịnh độ Chân tông). Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quan về truyền thống Jodo Shinshu, hình thức Phật giáo phổ biến nhất ở Nhật Bản. Truyền thống này đến Canada vào cuối thế kỷ XIX và ban đầu được duy trì bởi các gia đình nhập cư Nhật Bản.
Dẫn nhập
Từ sự du nhập ban đầu của Jodo Shinshu (Tịnh độ Chân tông) Nhậ Bản ở Canada vào cuối thế kỷ XIX, đến những bước phát triển tiếp theo vào những năm 1980 và 1990, Phật giáo Canada đã trải qua những thay đổi lớn. Mặc dù các chính sách của Chính phủ có tính chất phân biệt đối xử, nhưng việc tái định cư sau đó của người Canada gốc Nhật trong trại thực tập đã giúp truyền bá Jodo Shinshu trên khắp Canada. Các ngôi chùa thuộc truyền thống Jodo Shinshu (Tịnh độ Chân tông) được thành lập xa hơn về phía Đông ở Canada khi cộng đồng người Nhật Bản lan rộng các tỉnh bang khác của Canada.
Khái quát truyền thống Jodo Shinshu (Tịnh độ Chân tông)
Tông Jodo Shu (Tịnh Độ Tông) ở Nhật Bản do Tổ sư Honen1 (Pháp Nhiên 1133-1212) thành lập vào năm 1175. Sau thời gian tu học trên núi Hiei (Tỷ-duệ), Honen đã tham cứu ở nhiều tự viện tại Nara (Nại-lương). Khi trở về Honen được coi là một trong những bậc thầy uyên bác nhất của thời đại. Trong lời phát biểu của mình, Honen (Pháp Nhiên) tóm tắt những con đường khác nhau của Phật giáo: “Trong Con Đường của những vị Thông Tuệ người ta hoàn thiện trí huệ và thành tựu giác ngộ; trong Con Đường Tịnh Độ người ta trở lại chính sự ngu dốt để được cứu độ bởi A Di Đà2.” Theo Honen đạo Phật chia làm hai loại Pháp môn: Pháp môn Khó và Pháp môn Dễ. Pháp môn Khó cho người trí căn cơ cao và Pháp môn Dễ cho người phàm phu nhiều mê lầm. Honen khuyên rằng thời này không có Pháp môn nào khác ngoài Pháp môn Niệm Phật, tức là chỉ duy nhất một Pháp môn Niệm Phật có khả năng đưa đến giải thoát mà thôi.
Niệm “Nembutsu”, hay “Namo- Amida Butsu” không phải là một cụm từ tiếng Nhật hay tiếng Trung Quốc, mà được phiên âm của cụm từ tiếng Phạn “Namos Amita Buddha”. Thuật ngữ “Mida” có nghĩa là “đo lường”. Khi thêm tiền tố phủ định “A” vào “Mida” có nghĩa là “không thể đo lường”. Đối với những gì không thể đo lường, đó là “ánh sáng” và “sự sống” được ngụ ý trong cụm từ “Namo Amida Butsu”. Ánh sáng không thể đo lường (Vô lượng quang) tượng trưng cho “Ánh sáng của Trí tuệ” và sự sống không thể đo lường (Vô lượng thọ) tượng trưng cho “Thể tánh thanh tịnh” không bao giờ mất. Từ “Butsu” là cách phát âm tiếng Nhật của từ “Buddha”, là “Bậc thức tỉnh”. Vậy, “Namo Amida Butsu” là: Kính lễ đấng Giác ngộ vô lượng hoặc cũng có nghĩa là: Trở về với bản tánh sáng suốt và thanh tịnh của chính mình.
Trong số nhiều đệ tử của Honen, Shinran (Thân Loan, 1173-12633) là một đệ tử có tư tưởng mới, người đã từ bỏ đời sống tu sĩ và tuyên bố rằng những người tại gia có thể đạt được sự vãng sanh bằng cách đặt niềm tin tuyệt đối và trì niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà. Theo Shinran (Thân Loan), điều thánh thiện nhất một người có thể đạt được không là gì so với sự thánh thiện tuyệt đối của bản nguyện Đức Phật A-di-đà. Trong lời tựa bản dịch tiếng Việt “Tịnh độ Chân tông Nhật Bản” của HT. Thích Như Điển có đề cập Shinran vẫn tin niệm Phật được vãng sanh, nhưng không tin vào tự lực, mà đặc niềm tin trọn vẹn vào tha lực của Đức Phật A-di-đà, không cần trải qua các giai đoạn hành Bồ tát Đạo hay các giai đoạn Thập Địa như Nhiếp Luận Tông, Tam Luận Tông và Chơn Ngôn Tông chủ trương. Nghĩa là chỉ một đời tu niệm Phật sẽ được thành Phật ngay sau khi chết, do nhờ “Tha Lực Bổn Nguyện4” của Đức Phật A-di-đà. Trên cơ sở nhận thức này, tông Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông) ra đời và truyền bá song song với tông Jodo shu (Tịnh độ tông) của Honen. Về sau người đời xem Shinran là Tổ sáng lập tông Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông).
Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông) trở thành môn phái phổ biến nhất trong một số tông phái xuất hiện trong thời kỳ phục hưng Phật giáo Kamakura (Liêm Thương). Sự hấp dẫn của Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông) trái ngược với các hình thức bí truyền như Nichirenshu (Nhật Liên Tông) hay Zen (Thiền tông), được đưa vào đời sống cung đình Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI và phát triển mạnh mẽ trong giới quý tộc thời kỳ Nara (Nại-lương).
Shinran đã đặt ra thuật ngữ Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông) (Shin có nghĩa là “đúng, chân thực”; Shu ở đây có nghĩa là “giáo lý hay tông”) để chỉ ra rằng giáo lý mà Shinran đã nhận được từ Honen là giáo lý chân chính. Giáo lý Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông) đặt nền tảng trên ba kinh: Sukhāvatīvyūha Sūtra (Tiểu bản kinh), The Longer Sukhāvatīvyūha Sūtra (Đại bản kinh) và Amitayur Dhyàna Sutra (Quán Vô Lượng Thọ kinh). Trong phương pháp thực hành của Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông) chỉ cần có lòng tin chân thật, luôn trì niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà và phát nguyện cầu vãng sanh Tây phương, khi lâm chung nương vào từ lực của Đức Phật A-di-đà được sanh về Tây phương Cực lạc, không còn luân hồi sanh tử.
Jodo shinshu là một giáo phái không có Tăng đoàn mà chỉ có cư sĩ tại gia. Một tính năng của tông phái này là sự kế thừa theo phép cha truyền con nối. Ngày nay Jodo shinshu được biết đến rộng rãi ở phương Tây, còn gọi là Shin Buddhism (Phật giáo Shin).
Người nhập cư Nhật Bản theo đạo Phật ở Canada
9) Sự xuất hiện của Phật giáo ở Canada vào cuối thế kỷ XIX chủ yếu liên quan đến hai nhóm: người Trung Quốc nhập cư và ở mức độ lớn hơn là người Nhật Bản nhập cư. Truyền thống Phật giáo do người Trung Quốc mang đến gồm có các yếu tố của Nho giáo và Đạo giáo, không hoàn toàn là Phật giáo nên họ chưa thành lập cơ sở Phật giáo tại Canada. Đối với người Nhật Bản nhập cư, phần lớn theo truyền thống Jodo shinshu, họ đã thành lập ngôi chùa đầu tiên ở Vancouver vào năm 1905.
Những người nhập cư châu Á đến Canada luôn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng. Một lý do có thể là Phật tử Nhật Bản không phù hợp với nhận thức về cách họ được coi là “người Canada” vào thời điểm đó đối với những người theo đạo Tin lành và Cơ đốc giáo da trắng. Mặc dù sự hiện diện của nhiều nhóm dân tộc làm cho xã hội Canada ngày nay trở nên đặc biệt độc đáo, nhưng xã hội Canada vào thời điểm đó vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận. Kết quả là người Canada gốc Nhật cảm thấy xa lạ và bị cô lập, đặc biệt đối với thế hệ thứ hai người Nhật Bản sinh ra ở Canada.
Một số phần tử chống người châu Á gay gắt ở tỉnh bang British Columbia đã làm mọi cách để buộc những người Nhật Bản rời khỏi Canada. Năm 1907, một đám đông da trắng5 đã hoành hành khắp các khu người Hoa và người Nhật ở Thành phố Vancouver để phản đối sự hiện diện của những người lao động châu Á đang đe dọa sinh kế của họ. Họ vận động Chính phủ liên bang ngăn chặn người nhập cư từ châu Á. Những định kiến đó đã được thể chế hóa thành luật. Người châu Á không được bỏ phiếu bầu cử, bị loại khỏi hầu hết các ngành nghề, dịch vụ dân sự, giảng dạy và trả lương ít hơn so với người da trắng. Người ta có thể lập luận rằng tình trạng hỗn loạn về chủng tộc và đạo đức có thể đồng thời ảnh hưởng đến việc loại trừ về kinh tế xã hội. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Chính phủ Canada sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động chính sách nào để khắc phục tình trạng phân biệt chủng tộc về đạo đức đối với người nhập cư Nhật đã tồn tại và gia tăng trong thời điểm đó.
Giáo dục tôn giáo trở nên rất quan trọng vì đó là cách hiệu quả nhất để truyền đạt các giá trị đạo đức. Trước năm 1905, Canada chỉ có các nhà thờ Giáo hội Anh và Giáo hội Giám lý. Một số người Nhật Bản cân nhắc việc gia nhập Giáo hội Công giáo để giống như người Canada hơn. Những người Canada gốc Nhật thế hệ thứ nhất gia nhập Cơ đốc giáo không nhất thiết là vì họ hiểu những lời dạy của Cơ đốc giáo. Thay vào đó, họ chuyển sang Cơ đốc giáo, vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ cải thiện cuộc sống ở Canada, hoặc vì tư cách thành viên của Nhà thờ Công giáo mang lại những lợi ích khác cho người nhập cư. Trong thời gian này, các Mục sư Cơ đốc đã đến thăm các gia đình người Nhật, đề nghị giúp đỡ, kết bạn và thậm chí cung cấp thức ăn. Tuy nhiên, phần lớn người Nhật lo sợ rằng họ sẽ đánh mất truyền thống văn hóa Nhật Bản nếu gia nhập hội thánh Cơ đốc, đặc biệt là những người theo truyền thống Phật giáo Jodo shinshu.
Giáo hội Phật giáo Canada được thành lập tại Thành phố Vancouver vào tháng 11 năm 1904, một năm trước khi vị Giáo sĩ thường trú đầu tiên của Jodo shinshu (Tịnh độ Chân tông6) đến. Hơn bất kỳ tổ chức nào khác, ngôi chùa cung cấp một không gian quý giá cho những người nhập cư thường bị cô lập giữa bối cảnh mới và cũ. Thông qua ngôi chùa dân tộc giúp họ hoài niệm về cố hương và duy trì bản sắc dân tộc của mình.
Để tạo sự chấp nhận trong xã hội Canada rộng lớn hơn, cộng đồng Phật giáo Nhật Bản đã thay đổi cách thức thực hành nghi lễ Phật giáo, mô phỏng các đặc tính văn hóa của Cơ đốc giáo và Tin lành. Họ tổ chức các buổi lễ vào Chủ nhật, nghi lễ đi kèm với các nhạc cụ phương Tây và hát các câu thơ Phật giáo được mô phỏng theo cách thức của Cơ đốc giáo, ngôi chùa được trang bị băng ghế, bục giảng và được gọi là “Nhà thờ Phật giáo”. Những thay đổi đáng kể trong cách thức Phật giáo Nhật Bản đi kèm với những nỗ lực này để hòa nhập vào xã hội Canada thuận lợi hơn.
Sau chiến thắng của Nhật Bản trong Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), sự hiện diện của những người Nhật nhập cư trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia ở phương Tây. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quốc tế hiện đại7, một quốc gia không thuộc phương Tây đã chinh phục được một trong những cường quốc phương Tây. Điều này đã khiến các nước phương Tây thừa nhận Nhật Bản là một quốc gia có năng lực quân sự và công nghiệp hiện đại. Do đó, có thể lập luận rằng họ coi việc nhập cư của những người Nhật Bản là mối đe dọa an ninh đối với các quốc gia phương Tây.
Ngay sau khi Nhật tham gia Thế chiến II vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, người Nhật Bản bị coi là “Kẻ thù của khối Liên minh”. Theo “Quy chế phòng thủ của Canada 19397”, họ đã chuyển hơn 22.000 người Canada gốc Nhật Bản đến các trại thực tập và đình chỉ các hoạt động Phật giáo cho đến khi các quy định của Chính phủ thay đổi.
Với lệnh cấm các hoạt động tôn giáo và trục xuất các nhà truyền giáo Jodo shinshu đã làm Phật giáo gần như kết thúc ở Canada. Các ngôi chùa rơi vào tay của những người trông coi do Chính phủ chỉ định và được sử dụng để cất giữ đồ đạc và những tài sản khác không được phép mang theo. Hầu hết các ngôi chùa đều bị hư hoại, những thứ bên trong vương vãi, hư hỏng hoặc bị mất trong các vụ hỏa hoạn không thể giải thích được.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ II sắp kết thúc, người Canada gốc Nhật được khuyến khích di cư về miền Đông Canada để chứng minh “lòng trung thành” của họ. Mười tháng sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, những người Canada gốc Nhật bị trục xuất khỏi khu vực được bảo vệ ở phía Tây Canada. Thực tế là không có người Canada gốc Nhật nào bị kết tội phá hoại hoặc không trung thành với đất nước Canada trong thời chiến tranh9.
Năm 1984, Hiệp hội Quốc gia Nhật Bản tại Canada đã phát động Phong trào Công lý Canada để phản ánh những bất công mà người Nhật Bản phải gánh chịu trong chiến tranh. Nhiều đại diện của các đoàn thể, các nhóm dân tộc đa văn hóa và dân sự đã viết thư ủng hộ, tham gia các cuộc biểu tình và thảo luận về vấn đề này. Năm 1988, Thủ tướng Brian Mulroney đã đưa ra lời xin lỗi và bồi thường cho những người Canada gốc Nhật về sự phân biệt đối xử bất công trong thời gian Chiến tranh thế giới II10.
Mặc dù các chính sách của Chính phủ có tính chất phân biệt đối xử, nhưng việc tái định cư sau đó của các người Canada gốc Nhật trong trại thực tập đã giúp truyền bá Jodo shinshu xa hơn về phía Đông Canada khi cộng đồng người Nhật Bản lan rộng: Tỉnh bang Alberta vào cuối những năm 1920, Toronto vào năm 1940, Manitoba năm 1950 và Quebec năm 1960. Các số liệu điều tra dân số trong giai đoạn 1901 đến 1971 cho thấy trong suốt những thập kỷ đó, số lượng người Canada tuyên bố theo đạo Phật vẫn còn thiểu số. Trong cuộc điều tra dân số năm 1971, khoảng hai phần ba người Canada tự nhận là Phật tử vẫn là người gốc Nhật Bản11.
Kết Luận
Truyền thống Jodo shinshu đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập bản sắc Nhật-Canada, truyền tải ngôn ngữ, văn hóa và phát triển mạng lưới xã hội giữa những người Canada gốc Nhật. Đặc biệt, trong thời gian những người Canada gốc Nhật bị đưa vào các trại cách ly, Phật giáo đã giúp họ có được nghị lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, giáo phái này cũng đã nhận nhiều chỉ trích từ các nhóm Phật giáo khác, do mô phỏng các hình thức và thuật ngữ của Tin lành và Cơ đốc giáo. Một số ý kiến khác cho rằng đó là kết quả của nhiều yếu tố lịch sử, bao gồm các áp lực đối với những người nhập cư Nhật Bản thế hệ đầu tiên ở Canada. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đối với người Canada gốc Á, cũng như khi Chính phủ đưa ra các hạn chế về quyền tự do của người Canada gốc Nhật, nhiều người Canada gốc Nhật Bản thấy điều quan trọng là phải thay đổi các hình thức sinh hoạt và tôn giáo của họ để hòa nhập dễ dàng hơn vào xã hội Canada.
Thích Pháp Độ
Học viên Cao học khóa V – HV PGVN tại TP.HCM (ĐSHĐ-118)
- Có thể tìm thấy mô tả ngắn gọn lịch sử Honen (Pháp Nhiên) của GS. Shinsho Hanayama, Lược Sử Phật giáo Nhật Bản, Tiến sĩ Thích Minh Thành dịch, Nhà xuất bản TP.HCM – 2001.
- Taitetsu Unno, River of Fire-River of Water, Việt dịch: An Cư, Sông Lửa, Sông Nước, Nxb. Thiện Tri Thức, 1998, https://thuvienhoasen.org/p27a8114/8/phan-ii.
- Xem Thích Như Điển, Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản, Nxb. Phương Đông (2009) dịch từ nguyên tác của Kakehashi Jitsuen.
- Hán bản: Hạ Liên Cư hội tập – Việt dịch: Hòa thượng Thích Đức Niệm & Cư sĩ Minh Chánh, Kinh Vô Lượng Thọ – Phẩm thứ sáu, NXB Tôn giáo (2016).
- Từ một số cuốn sách thuật lại các biện pháp hạn chế đối với người châu Á nói chung và người Nhật nói riêng, xem A white riot in Vancouver: Tracing the steps of the 1907 anti-Asian mob, by Henry Tsang (Arsenal Pulp Press).
- Giáo sĩ Senju Sasaki là nhà truyền giáo đầu tiên được bổ nhiệm đến Canada. Xem Janet McLellan, Many Petals of the Lotus: Five Asian Buddhist Communities in Toronto, University of Toronto Press (1999), p.42.
- Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim: Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội (2009), tr. 22.
- Các biện pháp an ninh cực đoan được các quy định cho phép bao gồm việc trục xuất, quyền được xét xử, thực tập, cấm một số nhóm chính trị và văn hóa, hạn chế quyền tự do ngôn luận bao gồm cấm một số ấn phẩm nhất định và tịch thu tài sản.
- Thủ tướng MacKenzie King tuyên bố tại Hạ viện vào ngày 4 tháng 8 năm 1944. Xem Roy Miki, Redress: Inside the Japanese Canadian Call for Justice, Inside the Japanese Canadian Call for Justice, Raincoast Books Press (2005), p.241.
- Xem thêm Jordan Stanger-Ross, Landscapes of Injustice (Bối cảnh của sự bất công), McGill-Queen’s University (2020), p.454.
- Peter Beyer, Rubina Ramji, Growing Up Canadian: Muslims, Hindus, Buddhists, McGill-Queen’s Press (2013), p.115.