Các loại gia vị không những làm cho món ăn ngon hơn mà nhiều loại còn có vị thuốc trong thành phần chức năng của mình.
° Tỏi: Dùng tỏi không bất cứ trong loại thịt nào mà chỉ dùng tỏi trong những loại thịt, cá có nhiều mùi tanh. Tỏi có chứa một chất sulfur làm kích thích niêm mạc tiêu hóa, ngoài ra còn có tác dụng trị mụn nhọt, trĩ, tiêu chảy, nhiễm trùng, vì trong tỏi có chất Alicin kháng khuẩn.
Tỏi còn có tác dụng: chống thừa mỡ trong máu, giảm tính đông của máu. Qua công trình nghiên cứu, tỏi còn có tác dụng hạ cholesterol huyết. Tỏi còn là một loại thuốc bổ, lợi tiểu, trị giun, là một chất giải độc và sau cùng là loại thuốc trị hen suyễn, đau răng và các bệnh ngoài da. Trong 100g tỏi có 67,7% là nước, 6% chất đạm, 1,5% là chất xơ, 181mg phosphore và còn một số vitamin B1, B12, C, D. Nhà bếp nào cũng giữ vài củ tỏi để sẵn, vừa làm thức ăn, vừa làm thuốc. Tỏi cũng dùng trong trường hợp đau đầu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, hạn chế tiểu đường, tính kháng viêm của tỏi rất cao. Tỏi đã đi vào dược phẩm của một số nước.
Tỏi còn làm mềm các mạch máu, kích thích tim não và tuyến sinh dục.
° Hành: Hành củ, hành lá rất phổ biến trong những món ăn khai vị, phần nhiều là thức ăn nguội, mà hành lại có chất kháng khuẩn, ít bị phá hủy do các men tiêu hóa như pepsin, tripsin. Hầu như tất cả các món ăn đều có hành lá. Đơn giản ta có câu: “Trăm thứ canh không hành không ổn”. Từ món kho, xào, chưng, chiên, chả, canh đều có mặt cọng hành hay củ hành.
Hành có silic, tinh dầu sulfur. Vì hành có vị cay tính nóng nên có tác dụng làm toát mồ hôi, lợi tiểu, chống viêm.
Bát cháo hành để giải cảm, rất quen thuộc với mọi người. Chỉ cần hành tươi 30g, gừng xắt lát 10g, tía tô 20g, gạo, dùng làm một toa thuốc thức ăn, vì loại thuốc này được đánh giá rất cao, trên cả những loại Aspirine, đôi khi còn làm niêm mạc dạ dày xuất huyết.
° Ớt: Không có nước nào không sử dụng ớt trong bữa ăn, nhưng ớt cay là vì có chất Alcaloit capsicaine. Chính nhờ chất cay này nên ớt kích thích niêm mạc miệng làm cho ăn ngon.
Nghe nói người phía Nam ăn ớt hơn người phương Tây. Ở xứ càng nóng người ta ăn ớt càng nhiều, ở vùng Caucase (Liên Xô) là nơi mà những người sống lâu nhất trong toàn liên bang có truyền thống ăn ớt rất nhiều. Ớt hiện nay được chế thành nhiều dạng: bột ớt, tương ớt, ớt tươi, ớt khô… tùy theo sở thích của chủ nhà. Theo nghiên cứu ớt giúp chuyển hóa lipid, giảm xu thế huyết áp tăng, theo quá trình tích tuổi làm nhịp co bóp tim giảm, làm tan sợi huyết của máu, giảm bớt nguy cơ tắc mạch. Nhưng ăn ớt quá nhiều cũng không tốt, vì nó thúc đẩy một số bệnh đường tiêu hóa phát triển.
° Hẹ: Hẹ dùng để, nấu canh, nấu mì, hủ tiếu xào, gỏi cuốn, đặc biệt ở Nam bộ món hẹ xào giá, hẹ nấu canh với tàu hủ non. Trong hẹ có chứa protid, glucid. Hẹ còn có tác dụng cầm máu, chữa đau lưng, hen suyễn, ra mồ hôi trộm, viêm các đường tai mũi họng, đôi khi cho trẻ con ăn còn thấy tác dụng tẩy được giun kim.
° Tiêu hột: Trên đĩa thức ăn khai vị thường có tiêu sọ vì nó kích thích tiêu hóa làm ăn ngon.
° Nghệ: Nghệ chứa trên 1,5% tinh dầu, chất curcumin 0,76 – 1%, nhờ có tinh dầu và curcumin nghệ có tính lợi mật, thông mật và kháng khuẩn. Người ta đau dạ dày hay bị bệnh đường gan mật cần dùng nghệ để trị. Mùi nghệ làm cho món ăn có một hương vị đặc biệt. Tính kháng khuẩn đối với Staphylococus Aureus của nghệ được chứng minh trong ngành Dược Đông y.
° Rau răm: Là vị thuốc kích thích tiêu hóa làm ăn ngon miệng, nhờ trong thức ăn rau răm có một mùi dễ chịu. Xắt nhỏ trộn gỏi. Rau răm có nguồn đạm thực vật dồi dào, 4,7g/100g, trong khi rau muống chỉ có 3,2g/100g. Rau răm còn có tác dụng kháng khuẩn.
Có truyền thuyết nói rằng rau răm làm giảm tình dục, kéo dài kinh nguyệt, làm rong huyết. Có kinh nghiệm cho rằng dùng rau răm để chữa bệnh tim. Ăn gỏi mà không có rau răm thì sẽ mất ngon.
Đàm Vũ (ĐSHĐ-127)
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc