Trong khoảng không gian vô tận, chẳng phải chỉ có một cõi Ta-bà của Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật mà còn có vô lượng vô biên thế giới nhưng có nhiều vị Bồ-tát mang hạnh nguyện trở lại cõi Ta-bà cứu độ chúng sanh. Có Ngài lại vào tận chốn địa ngục tối tăm để giáo hóa cứu vớt sinh linh, đó là Ngài Địa Tạng Bồ-tát.
“Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật
Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề.”
Cao cả thay một vị Bồ-tát giáng trần, mang chí nguyện lợi tha, hy sinh tất cả chỉ vì muốn độ chúng sanh nơi ác đạo thoát khỏi trầm luân sanh tử. Chúng sanh đời ngũ trược là chúng sanh nan điều, nan phục khó độ, mà quí Ngài vẫn cố gắng hóa độ. Danh hiệu của Ngài là Địa Tạng Bồ-tát.
“Địa là dày chắc, Tạng chứa đủ”.
Cái gì là dày chắc? Đó là đất. Đất có sức kham nhẫn, dung chứa tất cả, phẩn uế đổ lên đất, đất chẳng than phiền, nước thơm rưới lên đất, đất cũng chẳng vui mừng. Đất lại còn sinh cây lành trái ngọt, là nơi sinh trưởng muôn loài vạn vật. Suối nguồn từ lòng đất lưu xuất, để nuôi dưỡng vạn loại hữu tình, vô tình trên khắp hành tinh này. Các phi hành gia bay lượn trên không trung, nhưng rồi cũng trở về sinh sống trên đất. Các thủy thủ du ngoạn trên đại dương mênh mông, cuối cùng cũng trở lên đất liền sống với gia đình. Đất có sức dung chứa và nuôi dưỡng mọi loài. Địa Tạng Bồ-tát đã vào đời với nguyện vọng là cứu độ chúng sanh như thế, nhờ sức kham nhẫn nên Ngài được danh hiệu là Địa Tạng Vương Bồ-tát.
Các vị Bồ-tát phần nhiều hóa thân Cư sĩ như ngài Duy Ma Cật, hoặc như Quán Thế Âm Bồ-tát, lúc thị hiện Vua, Quan, Bà-la-môn, Tể tướng, v.v… hoặc mang hình tướng phụ nữ là vợ của các vị ấy, để gần gũi chúng sanh mà hóa độ. Còn ở đây Bồ-tát Địa Tạng lại hiện thân một vị Tỳ-kheo, mặc áo ca-sa, tay mặt cầm Tích trượng, tay trái cầm hạt Minh châu, với bổn nguyện cứu chúng sanh thoát khỏi địa ngục, cũng có nghĩa là cứu chúng sanh thoát khỏi tam giới. Qua hình ảnh từ bi giữa chốn u đồ của Ngài, chúng sanh trong cảnh khổ, chí thành khẩn thiết cầu Ngài độ thoát. Tích trượng trong tay, là pháp khí do Phật chế ra, Ngài dùng đó làm phương tiện trên bước đường độ sanh.
“Tích trượng vai gầy thân vạn dặm
Sao trời đưa tiễn khách ly gia”
Những vị Tỳ-kheo ngày xưa đi khất thực, vai mang bình bát, tay cầm tích trượng. Tích trượng có hai công dụng: 1- Rung tích trượng là báo hiệu để tín chủ nghe, đem thức ăn ra cúng dường. 2- Lúc đi đường gặp rắn rít dùng làm dụng cụ đuổi nó, để tránh khỏi tai nạn. Trên đầu tích trượng có 12 khoen, tượng trưng cho 12 nhân duyên. Đức Phật nhờ ngộ lý duyên sanh, mà thành tựu quả vị Chánh đẳng Chánh giác và lý nghĩa này đã xuyên suốt toàn bộ giáo lý của Đức Phật trong suốt 49 năm Ngài giáo hóa chúng sanh. Muốn được giải thoát trước phải ngộ lý 12 nhân duyên, tích trượng 12 khoen được Bồ tát Địa Tạng cầm trên tay đã nhấn mạnh ý nghĩa này.
Tuy nhiên, muốn thấu rõ lý nhân duyên phải nhờ ánh sáng trí tuệ. Chúng sanh sở dĩ trầm luân bởi vô minh che đậy. Viên minh châu trong lòng bàn tay Đức Địa Tạng, biểu trưng cho trí tuệ. Hễ trí tuệ phát sinh thì vô minh bị đẩy lùi, cũng như ngôi nhà tối trăm năm, chỉ cần đốt lên một ngọn đèn, thì bóng tối sẽ lùi dần rồi mất hẳn. Do đó, người tu hành cần trau dồi tam vô lậu học. Giữ Giới thì tâm sẽ Định, tâm có Định sẽ phát sanh trí Tuệ. Ví như một cây đèn trước gió, nhờ có bóng đèn che lại, thì ngọn lửa nơi tim đèn mới được đứng yên, ngọn lửa có đứng yên thì ánh sáng mới tỏa ra trùm khắp.
Bóng đèn dụ cho Giới, ngọn lửa đứng yên dụ cho Định, ánh sáng tỏa ra ấy dụ cho Tuệ. Chúng sanh bởi mê mờ nên không trông thấy các pháp đều do nhiều nhân duyên hợp thành. Từ hữu tình đến vô tình đều nằm trong sự chi phối của bốn tướng. Hễ nói đến hữu tình chúng sanh thì hiểu ngay đến “sanh, lão, bệnh, tử”. Còn vô tình chúng sanh bị chi phối do bốn tướng “thành, trụ, hoại, không”. Đức Phật chúng ta đã dạy như thế, chơn lý đã là thế, thì không ai tránh khỏi định luật vô thường biến diệt ấy được. Nhưng chúng sanh lầm chấp cho là thật ngã, thật pháp, nên bị lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, cho đến ưu bi, khổ não.
Nhờ có tu học biết được các pháp huyễn hóa không còn chấp ngã, chấp pháp nữa, nên vòng luân hồi mới cắt đứt. Khi vô minh diệt thời hành diệt, hành diệt thời thức diệt, thức diệt thời danh sắc diệt, danh sắc diệt thời lục nhập diệt, lục nhập diệt thời xúc diệt, xúc diệt thời thọ diệt, thọ diệt thời ái diệt, ái diệt thời thủ diệt, thủ diệt thời hữu diệt, hữu diệt thời sanh diệt, sanh diệt thời bịnh chết cũng không còn. Các mắt xích đã bị ta tháo gỡ, thì vòng tròn trầm luân sanh tử cũng tiêu tan. Lúc ấy, tâm ta cùng với các pháp là một. Cho nên, trong kinh Đức Phật dạy: “Phiền não tức Bồ đề”. Chỉ cần ta biết được mặt thật của nó,
không lầm chấp tức được an vui.
Vô minh Tôi đứng đây tự bao giờ,
Ngàn muôn ức triệu chơ vơ một mình.
Hành Dưới chân rung động cả kinh,
Giật mình thức tỉnh tâm linh bàng hoàng.
Thức Ôi thôi trở lại trần gian,
Lửa si rực sáng dẫn đường ta đi!
Danh Sắc Ta đi tìm kiếm những gì?
Hữu thân, hữu khổ, vui chi sáu đường.
Lục nhập Nghìn muôn vạn kiếp đau thương,
Tiền trần đậm nét giọt sương đầu gành.
Xúc Gió đùa giỡn bóng trời xanh,
Hằng Nga kiều diễm tranh giành sắc hương.
Thọ Bụi trần bao phủ chiến trường,
Sắc hương mỹ vị vấn vương đêm ngày.
Ái Trần tâm niệm niệm vui say,
Thời gian siêu suốt vị lai chẳng màng.
Thủ Chấp thân đắm nhiễm trần gian,
Một tâm tư, trải muôn ngàn hà sa.
Hữu Tấm thân giả huyễn Ta bà,
Trôi lăn bao kiếp, chuyển qua bao lần.
Sanh Nhận lầm nên phải thọ than,
Vô vàn sự khổ thập phần hiểm nguy.
Lão Tử Tứ đại xí thạnh phân ly,
Chuột vàng ngày tháng chuyển di hình hài.
Tiết mưa ngâu tháng bảy, mười loại cô hồn không nơi nương tựa. Nhờ vào oai thần của mười phương Chư Phật, nhờ vào sự cứu độ của Ngài Địa Tạng. Nhờ vào sức cầu nguyện của Tăng Ni và Phật tử cúng tế, mà các hương linh siêu mồ lạc mả được giải oan bạt nghiệp. Nhân ngày vía của Ngài Địa Tạng Bồ tát, chúng ta nên học theo hạnh của Ngài, làm lợi ích cho nhân quần xã hội, lợi lạc hàm linh.
Ni sư Phước Giác
(Tham khảo theo tài liệu HT. Thích Thanh Từ)