Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn cấp Thành phố năm học 2017-2018 vào ngày 29/3/2018 vừa qua, dư luận rất quan tâm với lối ra đề văn thú vị theo kiểu kết hợp toán học: “Theo em, chiếc ô tô đang đậu ở ô số mấy? (có hình minh họa).
Thật khó phải không? 16 – 06 – 68 – 88 – ? – 98 (dấu chấm ? là chiếc xe ô tô). Dường như bãi đậu xe này đánh số không theo một quy tắc nào cả.
Không phải thế đâu. Chỉ cần quay ngược tấm hình lại, em có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời.
Cũng như vậy, trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn, ta sẽ khám phá ra bao điều thú vị.
Em có đồng ý như vậy không ? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em.”
Quả thật đề văn này rất thú vị. Không ít lời bình luận trên các trang Facebook, Twiter, diễn đàn báo mạng dành những lời khen ngợi vì đề văn “chưa từng có trong lịch sử đề thi ngữ văn” ở Việt Nam. Từ trước tới nay, những bài thi văn nghị luận thường có dạng cổ điển theo ngôn ngữ văn học, được minh họa bằng những hình ảnh phản ánh đời sống trong xã hội. Nhưng với đề văn này thì hoàn toàn ngược lại ở những dòng mào đầu theo tư duy toán học (có hình minh họa), dù cuối đề vẫn theo quy tắc ngữ văn là làm một bài nghị luận. Thật ra kiểu ra đề thi như thế này không lạ gì đối với học sinh nước ngoài. Bởi theo nhiều giáo viên dạy môn tiếng Anh người bản địa, thì việc ra đề thi kiểu này vừa giúp các em tư duy nhiều hơn, có nhiều góc nhìn cho bài văn mình viết mới lạ, hấp dẫn. Mặt khác là cách để những em học kém môn toán có những cách tiếp cận toán học gần gũi, không khô khan, dễ thu hút hơn (và ngược lại).
Trong khi ở ta, rất nhiều năm qua, đề văn thường ra nhàm chán theo một khuôn phép. Điều đó không những khiến các em học giỏi ban C chán nản mà ngay cả những em ban A cảm thấy “khó nuốt”. Với việc kết hợp này sẽ làm cho hai ban đối lập trở nên hài hòa, kích thích trí não học sinh học tốt hơn, dẫn đến kết quả học lực cân bằng.
Ai cũng hiểu, để làm một bài văn hay, mượt mà, lay động thì cần phải thay đổi trong cách ra đề, đa dạng góc nhìn, cởi mở, không khuôn sáo. Vì thế, học sinh và phụ huynh rất cần ở giáo viên dạy văn cho những đề thi kiểu này. Nếu các thầy cô ban C có ý tưởng nhưng lại khó khăn trong cách biểu đạt theo kiểu toán học có thể nhờ giáo viên ban A hỗ trợ.
Nguyễn Hoàng Duy (ĐSHĐ-056)