Sau những ngày nghỉ Tết, công nhân, viên chức đã trở lại nơi làm việc. Ai cũng cố gắng khởi động thật tốt với hy vọng một năm mới nhiều may mắn, sung túc. Nhưng đâu đó còn rất nhiều người có tâm lý “Còn mồng còn Tết”, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên mặc sức rượu chè, cờ bạc, thăm thú khắp nơi dẫn đến bê trễ công việc. Nhất là những người làm việc tự do, không gò bó bởi công ty, cơ quan nên mặc sức nghỉ thả ga: “Thủng thẳng rồi làm lại”.
Tất nhiên, đó là quyền cá nhân. Nhưng việc chơi Tết quá độ, sa đà vào những thói hư tật xấu không những ảnh hưởng đến gia đình mà còn hệ lụy cho xã hội. Thử tưởng tượng, đã hết mồng, nhưng ngày nào những tay đá gà, đánh bài đều tụ tập tại một điểm sát phạt nhau. Khi có Công an truy quét thì chạy tán loạn. Từ việc thua đỏ đen, tài sản, giấy tờ nhà mang đi cầm cố, vay nóng xã hội đen, khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Có trường hợp “bần cùng sinh đạo tặc”, trộm cắp để có tiền tiếp tục thỏa mãn thói tệ nạn.
Những đệ tử ma men thì chìm trong bia rượu mãi không thôi. Hết nhậu chỗ này kéo đi chỗ khác, chén tạc chén thù đến say bí tỉ. Có tiền thì nhậu bia, cạn túi thì uống rượu. Rượu vào lời ra, lời qua tiếng lại sinh chuyện đánh nhau, mất lòng tình làng nghĩa xóm. Có nhóm, cứ nhậu vào là hát hò như hội chợ. Hát từ trưa cho đến tận khuya, qua giờ giới nghiêm vẫn còn “luyện thanh làm ca sĩ” khiến không ai ngủ được. Bà con định góp ý thì sợ mất lòng, mà không nói thì thiệt thòi. Đó là chưa nói việc xỉn say nhưng vẫn cố chạy xe về nhà, xui rủi gây ra tai nạn giao thông làm khổ gia đình, gánh nặng xã hội.
Từ việc ăn chơi sa đọa, quá đà, theo thói quen, sinh ra lười biếng, chỉ muốn hưởng thụ. Sức khỏe sa sút, người bệ rạc, sinh bệnh, ảnh hưởng đến gia đình. Vui Tết vừa đủ thôi, như thế sẽ hay và ý nghĩa. Hãy để thời gian lao động tạo ra của cải giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Có tiền, chúng ta làm được nhiều việc ý nghĩa trong cuộc sống này, thay vì cờ bạc và nhậu nhẹt.
Nguyễn Thanh Vũ (ĐSHĐ-114)