Tiểu Tâm năm nay đã 16 tuổi, nhớ thời mới vào chùa cô chỉ mới có 7 tuổi, thấp thoáng vậy mà đã 9 năm trôi qua. Tiểu Tâm có đôi mắt to tròn, ánh nhìn xa xăm mà sáng lắm. Năm nay cô Tiểu đã học lớp 10, ấy vậy mà nhìn đã cao hơn Sư phụ cô, chắc có lẽ là khoảng một mét sáu.
Lớn lên tại ngôi chùa trong lòng thành phố Sài Gòn, nơi người ta hay gọi là “hoa lệ” hay “thành phố sống về đêm” bởi ánh đèn rực rỡ ngoài kia nhìn chớp nhoáng mà xa hoa quá. Ấy vậy, mặc dù ngay trung tâm thành phố, thế nhưng ngôi chùa nơi Tiểu Tâm ở vẫn ngày ngày thanh bình, yên ả như một ngôi chùa quê.
Năm nay học lớp 10 nên Tiểu Tâm được Sư chú cho cái “xì-mát-phon” để học online thêm môn ngoại ngữ. Đối với một cô Tiểu mới lớn, trong tay có chiếc “xì-mát-phon” thì thật thích. Từ khi có chiếc “xì-mát-phon”, Tiểu Tâm lên mạng học thêm được nhiều kiến thức, hay những bài giảng ngoài giờ. Từ đó thành tích học của cô cũng tiến triển hơn nhiều so với trước. Tiểu Tâm khoe với Sư phụ giấy khen được học sinh giỏi, xếp hạng Ba của lớp trong học kỳ 1 này. Sư phụ rất vui. Vào những giờ ra chơi, Tiểu Tâm thư giãn bằng cách lướt “tiktok” để xem các clip giải trí hay tranh thủ thời gian đăng hình mình lên facebook.
Nhưng hôm nay đi học về, Tiểu Tâm đã toát lên vẻ buồn, cô Tiểu ngồi vào bàn học rồi úp mặt xuống bàn như mệt mỏi lắm. Thấy thế, Sư phụ lại gần hỏi:
– Hôm nay con có chuyện gì sao mà Phụ thấy con buồn vậy Tiểu Tâm?
Cô Tiểu nhìn Sư phụ với ánh mắt buồn, thở dài một cái, rồi cô nói:
– Dạ Phụ ơi, hôm nay con nghe được nhiều bạn trong lớp nói con học giỏi mà chảnh Sư phụ ạ. Con lướt trên facebook thấy trong hình chụp lớp có vài bạn nói bóng gió con dạo này chảnh, không cần chơi với các bạn nữa Sư phụ ơi.
– Vậy trong lớp con thường làm những việc gì nói Sư phụ nghe, chẳng hạn giờ ra chơi con có nói chuyện với các bạn không con?
Suy nghĩ một lát cô Tiểu trả lời:
– Thưa Sư phụ, thường thì con đi học con lo tập trung nghe giảng bài, ra chơi thì con lấy cái điện thoại của Sư chú cho rồi lướt tiktok hoặc đăng vài tấm hình của con lên facebook thưa Sư phụ. Ngoài ra, con không có làm gì hết ạ. Nhưng các bạn nhìn con bằng ánh mắt xa lánh và xì xầm sau lưng con nữa thưa Sư phụ.
Nghe thế, Sư phụ xoa đầu Tiểu Tâm rồi ôn tồn, với ánh mắt từ hòa, Sư phụ nói:
– Sư phụ có biết một câu chuyện thế này, để Sư phụ kể con nghe. Có một đàn ếch cùng đi qua một cánh rừng nọ, đột nhiên có hai con ếch trong đàn bị té xuống một cái hố. Cả hai đều cố gắng nhảy lên. Sau một lúc quan sát, nhìn nhận thì những con ếch ở trên miệng hố cho rằng hố quá sâu và không thể nào từ dưới hố mà nhảy lên được. Chúng kêu hai con ếch dưới hố hãy bỏ cuộc, đừng phí sức nhảy lên nữa. Trong đàn ếch đó còn có con cho rằng chúng sẽ chết thôi, đừng làm những việc vô ích. Trong hai con đó, một con nghe được nên mất bình tĩnh, buồn bã nên nhanh kiệt sức rồi bỏ cuộc. Còn một con ếch từ đầu đến cuối vẫn cố gắng nhảy lên. Cuối cùng, nó đã nhảy lên được trên miệng hố. Một con ếch trong đàn thấy thế lại hỏi vì sao nó lên được. Nó mỉm cười rồi nói: “Tui bị điếc, nhưng thấy các bạn cổ vũ quá nên tui cố gắng nhảy riết rồi lên được thôi.” Tiểu Tâm à, qua câu truyện này Sư phụ muốn cho con biết hai điều là: Thứ nhất, dù cho những người xung quanh có suy nghĩ và nói những điều không đúng về con, thì con đừng nên vì những lời đó mà buồn bã, muộn phiền. Con phải luôn suy nghĩ tích cực, phải lạc quan. Từ những hành động, lời nói, suy nghĩ của con phải luôn thiện lành và tích cực nghe con. Thứ hai, Sư phụ muốn con hiểu rằng hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, thời mà mạng xã hội lên ngôi, giúp con người khắp nơi trên thế giới gần lại với nhau hơn, cho con nhiều kiến thức hơn, đó chính là mặt tốt của truyền thông mạng xã hội. Nhưng con à, cũng chính mạng xã hội đó lại khiến con ngày càng xa rời những người bạn của mình. Nếu ngày xưa vào giờ ra chơi con sẽ cùng các bạn nói chuyện, ăn uống. Thì bây giờ khi có điện thoại con chỉ biết lướt những cái trang như tiktok, facebook,… để giao lưu với những người ở xa mà con chưa từng gặp. Con lơ là đi những người bạn học cùng con, thậm chí những người xung quanh yêu thương và quan tâm con. Vì thế, con đang đánh mất dần những người bạn của mình con ạ. Và con biết không, tính chất của truyền thông còn có một mặt tiêu cực là những tấm ảnh con đăng lên có khi bị cắt ghép vào một mục đích xấu. Mà sau này khi con lớn lên, trở thành một Sư cô đi hoằng pháp khắp nơi, những tấm hình con đăng sẽ được đào lại rồi cắt ghép thành những tấm hình sai lệch. Đó là một ví dụ về mặt trái của truyền thông, còn rất nhiều việc khác nữa. Con biết không Tiểu Tâm.
Tiểu Tâm cười rồi chắp tay thưa Sư phụ:
– Dạ con nhớ rồi ạ, từ nay con chỉ chia sẻ những hình ảnh hay những thông điệp có ý nghĩa lên mạng thôi ạ. Và con sẽ quan tâm những người xung quanh con và bạn bè nhiều hơn thưa Sư phụ.
Ngày hôm sau đi học, vào giờ ra chơi, cô Tiểu Tâm đã không còn lướt điện thoại nữa. Cô Tiểu lấy trong balo của mình ra hai bịch bánh tráng trộn chay, gọi các bạn lại ăn với mình. Những người bạn của cô vui vẻ, mỗi người ai có xoài đem xoài, ai có bánh đem bánh. Cứ thế, bàn của cô Tiểu Tâm lại xôm tụ như trước. Những tiếng cười giòn giã vui tươi còn đọng lại chưa tan thì tiếng trống trường đã vang lên giải tán đám đông.
Chiều hôm ấy ra về, dưới tàng cây phượng trong sân trường, hoa đã nở rộ đỏ thắm báo hiệu hè sắp đến. Cô Tiểu ngẫm thấy thời gian qua nhanh quá, mới đây đã gần hết lớp 10, rồi cô sẽ ra trường, trở thành người lớn,… Thật vậy, thời gian như dòng nước trôi qua mà không trở lại. Cô Tiểu nhìn những người bạn đi kế bên mình và biết rằng tuổi học trò dưới mái trường chỉ còn hai năm, rồi mỗi người một ngả. Ôi… mạng xã hội là thứ khiến con người ta tuy gần mà xa, ngày càng trở nên cô đơn bởi đam mê những cái phù phiếm, hư ảo, giả tạm kia ư? Thứ khiến bữa cơm gia đình không còn nói cười, mà mỗi người sẽ có một cái “xì-mát-phon” để sống trong “thế giới cô đơn, giả tạm” ư?
Dưới tàng cây rợp bóng, cô Tiểu nhìn về phía trước. Nơi mà cô sẽ đi đến, cái nơi thực tại chứ không phải hão huyền. Cái nơi có tình bạn, có những người thân yêu, quan tâm chứ không phải câu “hello” rồi vụt mất, để chờ nhau trả lời qua loa. Cái cô nhìn thấy, cảm nhận được chứ không phải ứng dụng “làm đẹp bằng app”, nơi bình yên chứ không phải “mối hiểm họa âm ỉ đợi thời cơ bùng cháy”,… Cô hiểu rằng “ngay hiện tại, phải biết trân trọng những người xung quanh mình. Đừng vì một chút giả tạm, hào quang tạm thời, những lời khen vội lướt qua từ những người bạn ở xa chưa hề quen biết mà quên đi những người quan tâm, luôn bên cạnh mình – cái gọi là chân thành.”
Huệ Giác(ĐSHĐ-114)
Sc Nhẫn Hoà diễn đọc