Khi ánh mặt trời dần tắt, màn đêm lại trở về và bao trùm cả thành phố. Tuy những giọt sương đã bắt đầu xuất hiện, nhưng cũng không thể xoa dịu cái không khí nóng bức của mùa hè. Một mình dạo bước ra khuôn viên chùa, tôi như cố tìm một cái gì đó mát mẻ để lau khô những giọt mồ hôi còn đọng trên vai áo. Vô tình có làn gió từ đâu đó thổi lại, khi đối diện với hai trạng thái nóng và lạnh tôi bất chợt rùng mình như một phản xạ tự nhiên. Trong lúc vẫn còn mải mê tận hưởng sự hiện hữu vô tình của thiên nhiên, bất chợt tôi ngoảnh mặt nhìn lại, chiếc lá của cây hoa sứ trắng bên thềm đã bắt đầu rơi rụng. Phải chăng ngọn gió kia mang sinh khí đến cho con người nhưng nó cướp đi sức sống vạn vật? Đem tâm đối cảnh, trong đầu tôi chợt hiện lên ý nghĩ: Con người rồi có lúc phải đối diện với “bát phong”, với định luật “vô thường” của cuộc sống.
Từ ngày rời xa ngôi chùa quê lên thành phố tu học, tôi đã có nhiều sự thay đổi về con người, thời khóa, thậm chí là cả những sở thích để phù hợp với môi trường mới. Giờ đây, được dạo chơi bằng đôi chân đất trên nền gạch cũ của chùa, ký ức về một thời hành điệu lại hiện về trong tôi. Lòng bàn chân khi xưa không phải được đi trên những viên gạch sang trọng mà là những hạt sỏi đá khô cằn của miền Trung. Tuy nhiên, trong lúc ấy, tôi không cảm thấy đau đớn hay khó chịu mà thay vào đó là một cảm giác mát lạnh và thích thú. Đã lâu lắm rồi cảm giác đó không còn nữa, một phần là do thời gian, một phần là do tôi hững hờ. Vậy mà, giờ đây đôi chân trần đi trên nền gạch của sân thượng, tôi như cảm nhận được sự giao thoa giữa đất trời và lòng người.
Nhìn chiếc lá rời cành rơi xuống, tôi như cảm nhận được lý vô thường của cuộc sống. Mới ngày nào đó nó chỉ là chiếc lá non đầy sức sống luôn kiêu hãnh đùa vui giữa đất trời, mà giờ đây, nó khoác lên mình một màu vàng khô héo và tiều tụy. Sự ra đi hay nói đúng hơn là sự hy sinh âm thầm của chiếc lá kia là muốn nhường chỗ cho một sự sống của chiếc lá mới bắt đầu xuất hiện, hay nó là tiếng chuông báo hiệu sự hoại diệt của thân cây. Nếu chịu khó suy ngẫm về vấn đề này chúng ta thấy nó có mối quan hệ với đời sống hằng ngày.
Thân cây dụ cho Phật pháp, lá cây là dụ cho người xuất gia. Vì vậy, trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, người xuất gia cũng phải biết hy sinh, biết buông bỏ những cái của riêng mình, nhằm góp phần nhỏ bé vào sự hòa hợp và phát triển của Tăng đoàn. Khi viết về điều này tôi như có một sự liên tưởng về bản thân. Mặc dù chưa được chính thức bước vào hàng chúng trung tôn, nhưng thềm thang của giới phẩm Thức-xoa-ma-na là một khoảng thời gian đầy thử thách để tôi rèn luyện. Giờ đây, những chiếc áo nâu sòng cũ kỹ ngày xưa không còn sử dụng được nữa mà thay vào đó là chiếc áo mới còn thơm mùi vải.
Dường như tôi thấy mình cũng có sự thay đổi giống cây hoa sứ kia. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy là biểu hiện cho một cách mạng về tư tưởng, quan điểm và nhận thức tích cực trong quá trình tu tập, hay nó là nấc thang để “tự ngã” leo trèo và kiêu hãnh. Đó là điều tôi luôn cân nhắc và trăn trở. Lời Cổ đức dạy: “Tu hành bất dục, đạo quả nan thành”. “Dục” ở đây không có nghĩa là những ham muốn của ngũ dục, lục trần, mà nó là sự tha thiết mong cầu tìm đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát. Xưa nay đã có rất nhiều ý kiến định nghĩa về cõi Cực lạc. Nhưng với riêng tôi cõi Cực lạc là những buổi chiều cắp sách đến trường cùng pháp lữ, là những bữa cơm đạm bạc rau dưa, là những cơn ngủ gật gù trong thời khóa Tịnh độ, là những bước chân thầm lặng trong mỗi đêm khuya… Tất cả đều đưa tôi về với bản lai diện mục, với thực tại khách quan. Như thiền sư Nhất Hạnh từng viết:
“Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây
Vững chãi thảnh thơi, quay về nương tựa
Nay tôi đã về, nay tôi đã tới
An trú bây giờ, an trú ở đây
Vững chãi như núi xanh
Thảnh thơi dường mây trắng”.
Và biết đâu chiếc lá kia cũng rời cành ra đi trong trạng thái trạm nhiên và bất động. Nó dường như cũng hiểu rõ luật vô thường của cuộc sống, đến để rồi đi, sanh để rồi diệt, sanh sanh diệt diệt nhưng an nhiên tự tại đến bất ngờ. Tuy nhiên, trong đời sống tu tập không phải ai cũng dễ dàng nhận ra được chân lý ấy. Cho nên, kết quả là hạt giống “ngã chấp” âm thầm xuất hiện mà chúng ta không hay biết. Một minh chứng tiêu biểu trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, vào một mùa An cư, đức Phật dạy cho hàng đệ tử của ngài phương pháp quán bất tịnh để nhàm chán thân thể, đoạn trừ ái dục.
Một số đông Tỳ-kheo khi hành trì pháp môn này đâm ra chán nản và muốn đoạn tận sự sống. Họ đã tụ tập và nhờ một vị đồ tể giết chết thân mình. Như vậy, hành động các vị đó là do có sự chấp ngã quá nặng. Vì thế, đức Phật dạy các hàng đệ tử, hãy lấy hiểu biết của mình để hành không phải để giữ. Bởi lẽ, khi quá gìn giữ nó chúng ta dễ bị rơi vào trạng thái cực đoan như các vị Tỳ-kheo trên. Muốn làm được như vậy, trước hết mỗi hành giả xuất gia phải không ngừng nỗ lực trong mỗi thời khóa tu tập, lấy Văn- Tư- Tu soi rọi mà tìm ra chân lý, “đừng bắt chước cái tự tại vô ngại mà bỏ sự tu hành, đừng ỷ lại bản tánh vốn không mà tùy thuận tập khí, đừng chấp thật có ràng buộc mà muốn đoạn trừ”.
Đó là lời sách tấn của ngài Vĩnh Minh khi nhận thấy hàng xuất gia luôn bị gia duyên ràng buộc, tập khí sâu dày. Con đường nào cũng có nhiều gian nan và thử thách và vấn đề quan trọng là làm sao để vượt qua điều đó. Theo tôi, nên lập hạnh nguyện tinh tấn làm đầu chỉ vì một lý do đơn giản: Không ngừng bước đi nghĩa là sẽ đến đích, nếu dừng lại ắt sẽ lui sụt về sau, để rồi chúng ta nhận ra một điều: Bản tánh viên giác vốn chẳng phải là kho tàng bí mật mà Như Lai phải che giấu làm cho hàng đệ tử nhọc công tìm kiếm, mà nó luôn hiển lộ và hiện hữu ở trong ta.
Đường về đất Phật không phải xa mà cũng chẳng phải gần, nếu để vô minh tác động và ràng buộc, thì ngay nơi ấy cõi Ta bà trở thành uế trược, nếu biết thu nhiếp lục căn, an nhiên tự tại trước lục trần thì ngay nơi ấy cõi Ta bà trở thành Tịnh độ. Vì vậy, Ta bà hay Tịnh độ là do mỗi người quyết định, như người xưa từng dạy: “Thanh bần thường lạc. Trọng phú đa ưu”. Cho nên, làm thế nào để có được “thường lạc”? Đó là điều nan giải đối với tôi. Vật chất là phương tiện để nghiên cứu và học tập Phật pháp nhưng nó cũng dễ lôi kéo con người vào biển khổ. Ánh sáng chỉ có ở ban ngày, bóng tối chỉ xuất hiện ở ban đêm nhưng làm thế nào để đi trong đêm mà ánh sáng vẫn hiển lộ? Biết đủ trước những gì đang có, an trú trong tĩnh lặng thì dù “vô thường” có đến đi chúng ta vẫn an nhiên, tự tại trước pháp trần.
Thành phố càng về đêm, lá cũng bắt đầu rụng nhiều, mỗi chiếc lá là một thông điệp về sự “vô thường” của cuộc sống. Theo dòng thời gian, Đông qua rồi Xuân lại về, đã bao lần chiếc lá bên thềm cứ rơi nhưng lòng người dường như vô tâm, hững hờ với nó. Và trên bước đường tu tập, đã bao lần tôi cũng bị những dục trần làm tâm trí mê mờ mà quên đi sự sanh diệt của các pháp. Nhưng trong những lúc ấy tôi lại nhớ về những lời dạy của đức Phật:
“Ai sống một trăm năm
Không thấy pháp sinh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp diệt sanh”.
(Pháp cú 113)
Cho nên, dụng công tu tập là phương pháp đưa tôi trở về với đời sống chánh niệm, mặc cho dòng đời cứ trôi, vạn vật cứ thay đổi và từng chiếc lá cứ rụng rơi…
Thanh Nhã (ĐSHĐ-008)
Diễn đọc: SC Cát Nhã Liên