Chánh Văn:
Âm:
“Thùy vô niệm thùy vô sanh
Nhược thực vô sanh vô bất sanh
Hoán thủ cơ quan mộc nhân vấn
Cầu Phật thi công tảo vãng thành.”
Nghĩa:
“Ai không niệm ai không sanh
Ví thực không sanh không chẳng sanh
Gọi người gỗ hỏi nguồn cơn ấy
Cầu Phật thi công mấy thuở thành.”
Lời bình:
“Thùy vô niệm thùy vô sanh.”
Vô niệm: là một trong các giáo nghĩa quan trọng của Thiền tông do chư Tổ đời Đường, Trung Hoa là các Ngài Vô Tướng của chùa Tịnh Chúng và Ngài Vô Trụ chùa Bảo Đường nêu ra.
Vô niệm, nghĩa là không có vọng niệm, chỉ ý thức không còn sự nhớ tưởng phân biệt của thế tục, phù hợp với niệm Chân như, được coi là Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo.
Theo Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự, biết các tướng là Không, tâm tự vô niệm, niệm khởi liền biết, biết thì liền không, đây là diệu pháp của sự tu hành, cho nên, tuy tu đủ muôn hạnh nhưng chỉ lấy Vô niệm làm tông. Truyền Tâm Pháp Yếu cũng cho rằng một niệm không khởi thì không có Thập bát giới, ngay nơi thân chính là hoa trái Bồ-đề, ngay nơi tâm chính là linh trí. Ngoài ra, người đời thường gọi Thất sách, Di hận là Vô niệm, Vô niệm này nghĩa là vô chánh niệm.
Vô niệm: tên gọi khác của Chân như. Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Kí quyển 2, tất cả các pháp chỉ nương theo vọng niệm mà có sai khác, nếu lìa bỏ tâm niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới, cho nên, tất cả pháp vốn lìa Ngôn thuyết tướng, lìa Danh tự tướng, lìa Tâm duyên tướng, đạt được sự rốt ráo bình đẳng mà không bị biến đổi, không thể phá hoại, chỉ là nhất tâm, nên gọi là Chân như. Do vọng niệm mà hình thành ra thế giới thế tục, cho nên, nếu vô vọng niệm thì chính là Chân như, Chân như này cũng được gọi là Vô niệm như.
Vô sanh: còn gọi là vô khởi, nghĩa là Vô sanh diệt, Vô sanh vô diệt.
Thật tướng không sanh diệt của tất cả các pháp. Tất cả các pháp tồn tại không thật thể, là không, cho nên, không thể nói là sanh diệt, biến hóa. Nhưng vì phàm phu mê mờ lí Vô sanh này, khởi phiền não sanh diệt nên trôi lăn trong sanh tử, nếu y theo các Kinh luận quán lí Vô sanh thì phá trừ được phiền não sanh diệt.
Vô sanh: từ ngữ dịch ý của A-la-hán hay Niết-bàn. A-la-hán có nghĩa là Bất sanh, tức là đoạn hết phiền não trong ba cõi, không còn thọ sanh trở lại trong ba cõi.
Người nương bản nguyện của Đức Phật Di Đà mà được vãng sanh Tịnh Độ chính là khế hợp với bản nguyện của Phật Di Đà, đó là do vô sanh là lí của Niết-bàn, cho nên, khác với cái sanh hư huyễn mà phàm phu nghĩ trong tâm. Đối với việc Vãng sanh này, Vãng Sanh Luận Chú, quyển hạ của Ngài Đàm Loan gọi là “Sanh mà vô sanh”.
Nói theo quan điểm “Niết-bàn không sanh diệt” thì vô sanh chỉ giác ngộ Niết-bàn, cũng tức là chứng được Vô sanh thân, Cực lạc là thế giới khế hợp với Niết-bàn, do nghĩa này nên gọi là Vô sanh giới.
“Ai không niệm ai không sanh”, nếu có “ai” tức vẫn còn có cái ta, mà có cái ta là còn tạo tác thì làm sao vô niệm, vô sanh được. Tự tánh của mỗi người vốn tự vô niệm, vô sanh, chỉ do tâm mê duyên theo trần cảnh nên thành hữu niệm, hữu sanh. Thế nên, trong Khóa Hư Lục vua Trần Thái Tông có bảo rằng:
Âm:
“Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm
Khước bối vô sanh thọ hữu sanh”.
Nghĩa:
“Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm
Liền trái không sanh nhận có sanh”.
Chỉ vì một niệm bất giác duyên theo trần cảnh mà vọng sanh muôn ngàn vọng tưởng, niệm khởi. Từ đó mà quên mất đi thể tánh vô niệm, vô sanh sẵn có nơi mỗi người.
“Nhược thực vô sanh vô bất sanh”.
Nếu thực là vô sanh thì không còn sanh khởi, tạo tác thêm nữa, tức là ngay nơi thấy, nghe, ngửi, nếm… vẫn rõ ràng thường biết mà không sanh khởi thêm vọng niệm so sánh, dính mắc, phân biệt.
Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm thấy Thầy Tri Viên trồng rau, Sư bảo rằng:
– Trồng thì không ngăn ông trồng, chớ cho nó mọc rễ.
Trồng rau mà không cho mọc rễ, tức là làm trong chánh niệm, tỉnh giác, thể dụng song hành, rõ biết từng hành động cuốc đất, gieo hạt, tưới rau… nhưng chớ cho mọc rễ, chớ sanh khởi tạp niệm, cũng chớ để cái ta xen vào.
Ngài Đạo Ưng cất am ở nơi Tam Phong, trải qua tuần nhật không xuống trai đường. Thiền sư Động Sơn thấy lạ hỏi:
– Mấy ngày nay sao không thấy ngươi đến thọ trai?
Ngài Đạo Ưng thưa:
– Mỗi ngày có thiên thần cúng dường.
Thiền sư Động Sơn bảo:
– Ta bảo ngươi là kẻ vẫn còn kiến giải, ngươi rảnh chiều lại.
Chiều Sư đến, Thiền sư Động Sơn gọi:
– Ưng am chủ!
Sư ứng thanh:
– Dạ!
Thiền sư Động Sơn bảo:
– Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?
Sư trở về am ngồi yên lặng lẽ. Thiên thần tìm mãi không thấy, trải qua ba ngày như thế mới thôi cúng dường.
Ngài Đạo Ưng mỗi ngày được thiên thần cúng dường, tại sao Thiền sư Động Sơn bảo vẫn còn kiến giải? Vì còn có tâm để thiên thần thấy, tức vẫn còn kiến giải, chưa đạt được lý vô sanh. Đến khi được Thiền sư Động Sơn khai thị: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?”, đến đây Ngài Đạo Ưng thực sự dứt bặt tâm niệm, đạt được lý vô sanh, do đó thiên thần không thấy chỗ dấy khởi của tâm, nên mới thôi cúng dường. Thế nên, khi đã vô sanh thì không còn sanh khởi, tạo tác thêm nữa, tâm như như, vắng lặng, nên có muốn tìm chỗ dấy khởi của tâm cũng không thể được.
“Hoán thủ cơ quan mộc nhân vấn”.
Người si mê muốn thành Phật bằng cách ra công, tạo tác để được thành tựu, việc này chẳng khác nào đi hỏi người gỗ, thì người gỗ có trả lời được chăng?
Ngài Động Sơn hỏi Hòa thượng Hưng Bình:
– Thế nào là tâm Phật?
Hòa thượng Hưng Bình đáp:
– Chính là tâm ông
Ngài Động Sơn thưa:
– Tuy nhiên, như thế chính là chỗ con nghi.
Hòa thượng Hưng Bình bảo:
– Nếu thế ấy, hãy hỏi lấy người gỗ đi.
Ngài Động Sơn được Hòa thượng Hưng Bình khai thị tâm Phật chính là tâm ông, tức ngay nơi tự tâm thanh tịnh của Ngài Động Sơn chính là tâm Phật, Phật tánh luôn sẵn có nơi mỗi người. Tuy nhiên đây vẫn là chỗ nghi của Ngài Động Sơn, thế nên Hòa thượng Hưng Bình bảo: “Nếu thế ấy, hãy hỏi lấy người gỗ đi”. Hòa thượng Hưng Bình với tâm từ bi muốn Ngài Động Sơn dứt bặt nghi ngờ, sạch hết dấu vết suy tư, nghĩ tưởng, không để cho tình thức xen vào nên mới bảo: “Nếu thế ấy, hãy hỏi lấy người gỗ đi”.
“Cầu Phật thi công tảo vãn thành”.
Còn tạo tác, ra công để mong cầu thành Phật thì biết bao giờ mới được viên thành. Bởi còn tạo tác, ra công thì vẫn là pháp hữu vi, sanh diệt. Phật đâu phải do tạo tác mà thành, mà Phật chỉ cho Phật tánh vốn sẵn có nơi mỗi người, chỉ khi tỉnh giác, sống với tánh giác bất sanh bất diệt thì Phật hiện tiền.
Có một vị Tăng tên Huệ Siêu lên Tham vấn đường của Ngài Tịnh Huệ, hỏi:
– Thế nào là Phật?
Ngài Tịnh Huệ đáp rằng:
– Ngươi là Huệ Siêu.
Ngài Huệ Siêu từ đây được tỉnh ngộ.
Ngài Huệ siêu giác ngộ được Phật tánh của chính mình, có phải do ra công, tạo tác mà được chăng? Khi Ngài Huệ Siêu đến thưa hỏi, được Thiền Sư Tịnh Huệ khai thị, Ngài Huệ Siêu liền tỉnh ngộ, rõ biết Phật chính là tánh giác sẵn có nơi mình. Khi mê thì đem tâm cầu Phật, đến khi giác ngộ rồi mới rõ biết Phật chính là tánh giác sẵn có nơi mỗi người, đâu cần phải nhọc nhằn ra công, tạo tác thêm nữa.
Thiền sư Nghĩa Thanh đến Viên Thông không thưa hỏi gì, chỉ ăn cơm xong rồi ngủ. Tri sự thấy thế, bạch với Viên Thông:
– Trong Tăng đường có vị Tăng cả ngày lo ngủ, xin thực hành theo quy chế.
Viên Thông hỏi:
– Người nào?
Tri sự thưa:
– Thượng tọa Thanh.
Viên Thông bảo:
– Khoan! Đợi ta xét qua.
Viên Thông cầm gậy đi vào Tăng đường, thấy Sư đang nằm ngủ. Viên Thông gõ vào giường quở:
– Trong đây tôi không có cơm dư cho Thượng tọa ăn xong rồi ngủ.
Sư thưa:
– Hòa thượng dạy tôi làm gì?
Viên Thông bảo:
– Sao chẳng tham thiền?
Sư thưa:
– Món ăn ngon không cần đối với người no bụng.
Viên Thông bảo:
– Tại sao có nhiều người không chấp nhận Thượng tọa?
Sư thưa:
– Đợi họ chấp nhận để làm gì?
Viên Thông hỏi:
– Thượng tọa đã gặp ai rồi đến đây?
Sư thưa:
– Phù Sơn.
Viên Thông bảo:
– Lạ! Được cái gì mà lười biếng.
Viên Thông bèn nắm tay, hai người cười rồi trở về phương trượng. Do đây tiếng tăm Sư vang lừng.
“Món ăn ngon không cần với người no bụng” là dụ cho Phật tánh vốn sẵn có, vốn tự đầy đủ. Thiền sư Nghĩa Thanh đã thể nhập Phật tánh của chính mình, nên không còn tạo tác, ra công để mong cầu thêm điều gì nữa.
Hải Trung(ĐSHĐ-132)
Thiền sinh Hải Thảo diễn đọc