Chánh Văn:
Âm:
“Phóng tứ đại mạc bả tróc
Tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác
Chư hành vô thường nhất thiết không
Tức thị Như Lai đại viên giác”.
Nghĩa:
“Buông bốn đại đừng nắm bắt
Tánh mình vắng lặng tùy ăn nuốt
Các hạnh vô thường thảy toàn không
Đấy tức Như Lai đại viên giác”.
Lời bình:
“Phóng tứ đại mạc bả tróc”.
Tứ đại: là chỉ cho thân người do bốn đại, đất, nước, gió, lửa hòa hợp mà thành.
1. Địa đại: tính của đất là cứng chắc, chướng ngại, như tóc, lông, răng, da thịt, gân cốt trong thân người đều thuộc về địa đại.
2. Thủy đại: tính của nước là nhuận ướt, như nước mắt, máu mủ, nước miếng, đàm dãi, đại tiểu tiện đều thuộc về thủy đại.
3. Hỏa đại: tính của lửa là khô nóng, như hơi ấm thân người đều thuộc về hỏa đại.
4. Phong đại: tính của gió là chuyển động, như hơi thở ra vào trong thân người và sự chuyển động của thân đều thuộc về phong đại.
Thân con người do bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa hợp thành, cho nên, thân tứ đại này chỉ là giả tạm, không bền chắc. Người đã giác ngộ thì rõ biết thân này chỉ do duyên hợp, giả có nên không đắm luyến, chấp thủ, tùy duyên, tự tại thọ dụng thân này để làm lợi ích cho tha nhân. Đến khi duyên mãn thì an nhiên thị tịch, nào có nắm bắt, hay cố bám giữ thân tứ đại này làm gì.
Chúng ta học trong các sử sách Thiền sư Trung Hoa, Thiền sư Việt Nam… thường thấy chư vị Thiền sư khi duyên mãn, có Thiền sư ngồi kiết già thị tịch, hoặc viết kệ xong ngồi an nhiên thị tịch, có Thiền sư nhào lộn thân người rồi thị tịch (Thiền sư Đặng Ẩn Phong), lại có Thiền sư biết trước ngày thị tịch… khi duyên mãn thì quý Ngài an nhiên thị tịch chứ không hoảng sợ, bám víu, chấp thủ vào thân tứ đại giả tạm này làm gì.
Nhị Tổ Pháp Loa trước lúc thị tịch có viết bài kệ rằng:
Âm:
“Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chủ nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh man khoan”.
Nghĩa:
“Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
Bên kia trăng gió rộng thênh thang”.
Nhị Tổ Pháp Loa đã cắt đứt muôn duyên “chẳng cùng muôn pháp làm bạn”, nay thuận theo thế vô thường mà an nhiên thị tịch. Tứ đại có hợp ắt có tan, thân này rồi sẽ hoại diệt, không có gì phải lo sợ hay nắm giữ, Ngài thật tự tại, vô ngại trước sanh tử. Nhị Tổ Pháp Loa chỉ trụ nơi đời 47 năm, Ngài xem đây chỉ là một giấc mộng dài. Trước khi thị tịch Nhị Tổ Pháp Loa nhắn bảo với hậu thế chớ hỏi han hay thắc mắc thêm gì nữa, bởi lẽ “Bên kia trăng gió rộng thênh thang”, thân tứ đại có sanh ắt có diệt, nhưng nguồn tâm thanh tịnh thì không sanh, không diệt, thênh thang, rộng lớn, như vậy có gì phải bận lòng hay lo sợ trước sanh tử.
“Tịch diệt tánh trung tùy ẩm trác”.
Trong thể tánh thanh tịnh, vắng lặng này hằng phát ra diệu dụng, cần đi thì đi, cần nói thì nói, cần im lặng thì im lặng, cần giáo hóa độ sanh thì giáo hóa độ sanh cho đến cần ăn thì ăn, cần uống thì uống… tất cả đều tự tại, không ngăn ngại.
Luật sư Nguyên đến hỏi Thiền sư Đại Châu Huệ Hải:
– Hòa thượng tu hành có dụng công chăng?
Sư đáp:
– Dụng công:
– Dụng công thế nào?
– Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.
– Tất cả người đều như vậy, đồng chỗ dụng công của Thầy chăng?
– Chẳng đồng.
– Họ khi ăn chẳng chịu ăn, đòi trăm thứ cần dùng, khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán ngàn chuyện, do đó chẳng đồng.
Chỗ dụng công của Thiền sư Đại Châu Huệ Hải thật tiêu dao, tự tại “Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ”. Trong bản tâm thanh tịnh tùy duyên mà ứng cơ tiếp vật. Cần thăng tòa thuyết pháp thì thăng tòa thuyết pháp, cần bố thí thì bố thí, cho đến khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ, tất cả đều trong tự tánh lưu xuất, chẳng phải nhọc nhằn tạo tác hay suy tư, nghĩ tưởng làm gì. Đó cũng chính là chỗ khác biệt của Thiền sư Đại Châu Huệ Hải với chúng sanh. Chúng sanh còn nhiều tập khí, thụ hưởng dục lạc cho nên, khi ăn thì ham muốn thức ăn ngon, hợp khẩu vị, trang trí thật đẹp mắt, cứ như vậy mà đòi hỏi cả trăm thứ. Khi ngủ họ lại chẳng chịu ngủ mà lại tính toán ngàn chuyện, nào là chuyện hơn, chuyện thua, chuyện lời, chuyện lỗ… đủ thứ việc phải tính toán, suy nghĩ, nên không thể nào khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ, không được tự do, tự tại như các Thiền sư vậy.
“Chư hành vô thường nhất thiết không”.
Các hạnh là vô thường, thảy đều không thật, vì còn trong tạo tác, sanh diệt. Phàm những gì có tạo tác thì đều bị vô thường chi phối, cho nên, thảy đều không thật.
Trong Kinh Niết-bàn có bài kệ rằng:
Âm:
“Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc”.
Nghĩa:
“Các hành vô thường
Là pháp sanh diệt
Sanh diệt diệt rồi
Tịch diệt là vui”.
Muôn sự, muôn vật trên thế gian hay các hành động, tạo tác của con người đều luôn biến đổi không ngừng, không thường còn mãi mãi, đều bị vô thường chi phối, sanh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không là quy luật tất yếu. Nhưng khi liễu ngộ bản tâm, trở về với bản tánh không sanh, không diệt thì những cái sanh diệt, vô thường cũng tự diệt mất, chỉ còn lại một tâm thể tịch tĩnh, vắng lặng.
“Tức thị Như Lai đại viên giác”.
Như Lai: còn gọi là Như Khứ. Từ tôn xưng Đức Phật, một trong mười danh hiệu của Đức Phật.
Tiếng Phạn Tathà-gata (Như Khứ) và Tathà-agata Như Lai), nếu chia theo cách thứ nhất thì có nghĩa là nương theo đạo chân như để đến Phật quả Niết-bàn, nên gọi là Như Khứ. Còn nếu chia theo nghĩa thứ hai thì có nghĩa là từ chân lí mà đến (như thật mà đến) và thành chánh giác, nên gọi là Như Lai. Vì Đức Phật theo chân lí mà đến, từ chân như mà hiện thân, nên tôn xưng Đức Phật là Như Lai.
Kinh Thanh Tịnh trong Trường A-hàm 12 (Đại 1, 75 hạ) ghi: “Từ lúc thành đạo cho đến nhập Niết-bàn, trong khoảng thời gian ấy, Đức Phật nói ra điều gì cũng đúng như thật, cho nên gọi là Như Lai. Lại nữa, Như Lai sở thuyết như sự, sự như sở thuyết, cho nên, gọi là Như Lai”.
Theo luận Thành Thật 1 và Hành Tông Kí, thượng, thì người nương theo đạo chân như mà đến (lai) ba cõi hóa độ chúng sinh, đó là Ứng thân Như Lai.
Đại viên giác: sự giác ngộ quảng đại viên mãn, chỉ trí Phật.
Tức thị Như Lai đại viên giác, đây chính là bản tánh thanh tịnh vốn có xưa nay, chưa từng sanh diệt, đến đi.
Khi liễu tri các hành là vô thường, thảy đều không thật có, thì cái biết đó chính là Như Lai đại viên giác. Chúng sanh do si mê lầm tưởng các hành đều là thật, là thường hằng, bất biến. Chấp cái vô thường cho là thường còn, trường cửu cho nên, không thấu suốt được Như Lai đại viên giác. Khi buông xả không nắm bắt, không chấp giữ thân tứ đại, rõ biết các hành là vô thường, không thật thì ngay đó tỏ ngộ Như Lai đại viên giác.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”, nghĩa là “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”. Những gì có hình tướng đều bị chi phối bởi định luật vô thường, hữu hình ắt hữu hoại, không có gì bền chắc, lâu dài. Đức Phật lại dạy rằng khi thấy tướng trạng của các pháp mà không đắm nhiễm, dính mắc thì chính cái thấy, biết đó là tri kiến Phật. Tri kiến Phật là tánh giác bất sanh, bất diệt. Như Lai chính là cái thấy, biết chân thật, thường hằng sẵn có nơi mỗi người.
Hải Trung (ĐSHĐ-133)