Ghi nhận vai trò đồng hành của Phật giáo cùng dân tộc
Ngày 31/7/2024 đã trở thành dấu son rực rỡ đối với Phật giáo Việt Nam khi thành phố Hà Nội chính thức lấy tên Sư bà Phương Dung, một nhân vật lịch sử đặc biệt, đặt cho tuyến đường dài 2.750m, rộng 20m, kết nối cầu Ngọc Hồi đến cầu Quán Gánh. Sự kiện này, được thực hiện qua Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 02/7/2024 và Quyết định số 3967/QĐ-UBND, không chỉ là niềm tự hào về sự vinh danh một vị nữ tu xuất chúng trong Phật giáo, mà còn khẳng định giá trị cao đẹp của Sư bà trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Việc đặt tên đường Sư bà Phương Dung tại thủ đô Hà Nội là một sự kiện có ý nghĩa lớn lao trong hành trình tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc Việt; giá trị biểu tượng về tinh thần yêu nước và sự đồng hành bất biến giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.
Một nhân vật Phật giáo với lòng yêu nước nồng nàn
Thực tế, đất nước ta không lớn so với các cường quốc trên thế giới. Song, thiên nhiên ban tặng cho vị trí địa lí vô cùng thuận lợi với cảng biển tự nhiên dài hơn 3.200 km, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, điểm giao thoa quan trọng Đông Á – Đông Nam Á, góp phần đưa hàng hóa từ các nước trong khu vực đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ và ngược lại. Bên cạnh đó, Giao Chỉ nằm ở trung tâm bán đảo Đông Dương, thuận tiện kết nối với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, và toàn khu vực ASEAN với mạng lưới giao thông đường bộ dày đặc các cửa khẩu lớn như Móng Cái, Lào Cai, Tân Thanh (giáp Trung Quốc), Lao Bảo, và Bờ Y (giáp Lào và Campuchia) thúc đẩy mạnh mẽ giao thương hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, nhà Hán đã nhiều lần đem quân sang xâm lấn hòng đưa Giao Chỉ thành một phần đất của mình.
Vào thời điểm Giao Chỉ nằm dưới sự thống trị bạo ngược của nhà Hán, nhân dân chịu cảnh lầm than, áp bức không lối thoát; Sư bà tạm gác lại trách nhiệm “Truyền đăng tục diệm kế vãng khai lai”, trực tiếp cùng Hai Bà Trưng lãnh đạo binh lính đánh dẹp quân Tô Định, khẳng định độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Giặc tan, khi Hai Bà Trưng luận công ban thưởng, Công chúa Phương Dung khi đó chỉ xin được phép lập am, sớm khuya mõ kinh, trao truyền Chánh pháp.
Cuộc khởi nghĩa không chỉ làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc mà còn tỏ sáng sự hòa quyện sâu sắc giữa tinh thần Phật giáo và tình cảm thiêng liêng với quê hương, minh định rằng Phật giáo luôn nhập thế, đồng hành và gắn bó với vận mệnh của đất nước và Sư bà đã cho thấy cốt tủy của tinh thần ấy.
Sư bà, biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước và trí tuệ Phật giáo hòa quyện, ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ hôm nay và mai sau, trong hành trình gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa, lịch sử thiêng liêng của đất nước.
23 Đạo sắc phong
Đình Yên Phú, nơi thờ tự Sư bà và hai đệ tử, là địa điểm không chỉ có giá trị tâm linh mà còn mang trên mình một ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Nơi đây được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố, lưu giữ 23 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê đến triều Nguyễn, khắc ghi công trạng của Sư bà trong cả lĩnh vực Phật giáo và nghĩa vụ bảo vệ đất nước.
Các sắc phong này không chỉ là di sản văn hóa vô giá mà còn là bằng chứng lịch sử cho sự tôn kính của các triều đại dành cho Sư bà nói riêng và Ni lưu nói chung. Từ vua chúa đến người dân, tất cả đều trân trọng những đóng góp không thể phai mờ của Sư bà. 23 đạo sắc phong đã khẳng định vị trí của Sư bà trong lịch sử và truyền tải thông điệp rằng “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu” (Cư trần lạc đạo phú).
Hơn thế nữa, đây là sự đồng thuận rằng tiềm lực của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ và khả năng cống hiến của toàn dân tộc, mà còn nằm ở giềng dây kết mối với Phật giáo trong khởi đầu khát vọng xây dựng Đại Việt dưới hào khí Đông A.
Nhìn về Đình Yên Phú, nơi gìn giữ 23 đạo sắc phong biểu tượng lòng tôn kính và sự biết ơn, lời nhắc nhở về sức mạnh của sự đoàn kết giữa đạo và đời; chúng ta thật may mắn khi 23 đạo sắc phong ấy qua năm tháng vẫn còn được lưu giữ cho ngày sau Ni lưu soi đường tiếp nối.
Thông điệp xuyên suốt lịch sử
Sư bà Phương Dung hiện thân của tinh thần nhập thế. Đứng lên kháng chiến dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng minh chứng cho Phật giáo không chỉ hướng về giải thoát tâm linh mà còn mãi mãi đứng về phía bảo vệ độc lập và toàn vẹn phúc lợi của nhân dân trong vai trò không thể thay thế.
Ngoài Sư bà Phương Dung, nhiều vị Cao Tăng Phật giáo Việt Nam đã được vinh danh qua việc đặt tên đường, thể hiện sự kính trọng và ghi nhận những đóng góp to lớn của chư vị đối với dân tộc và đạo pháp.
– Thiền sư Vạn Hạnh: Tại TP.HCM, đường Sư Vạn Hạnh kéo dài qua quận 5 và quận 10 được đặt theo tên Thiền sư Vạn Hạnh, vị Thiền sư có nhiều đóng góp cho triều đại nhà Lý.
– Hòa thượng Thích Quảng Đức: Đường Thích Quảng Đức ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, được đặt theo tên Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu vào năm 1963 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo.
– Hòa thượng Thích Trí Hải: Thành phố Hải Phòng đã đặt tên “Phố Thích Trí Hải” cho một con đường tại quận Lê Chân, với điểm đầu là số 122 Hồ Sen và điểm cuối là số 171 phố Chùa Hàng. Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979) là một trong những bậc Cao Tăng có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.
– Hòa thượng Thích Thiện Chiếu: Đường Sư Thiện Chiếu ở quận 3, TP.HCM, mang tên Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, một nhà Sư có nhiều đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo và hoạt động cách mạng.
Những con đường mang tên các vị Cao Tăng Phật giáo Việt Nam không chỉ là sự vinh danh cá nhân mà còn khẳng định tinh thần đồng hành bền vững của Phật giáo với dân tộc. Từ Sư bà Phương Dung đến Thiền sư Vạn Hạnh, Hòa thượng Thích Quảng Đức, Thích Trí Hải, và Thích Thiện Chiếu, tất cả đều cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa đạo pháp và cuộc đời, nơi Phật giáo luôn là nguồn lực tinh thần mạnh mẽ, góp phần dựng xây và bảo vệ đất nước qua từng giai đoạn lịch sử.
Ý nghĩa của việc đặt tên đường
Đường Sư bà Phương Dung không chỉ là một tuyến phố bình thường mà còn là một dòng chảy lịch sử, mang theo những giá trị văn hóa sâu sắc, nuôi dưỡng tâm hồn người Việt qua bao thế hệ. Khi đi trên con đường này, người ta không chỉ cảm nhận được sự phát triển của đô thị mà còn như đang được hòa mình vào dòng chảy lịch sử, lắng nghe những câu chuyện về một quá khứ hào hùng.
– Tôn vinh vai trò lịch sử của Phật giáo: Tên con đường là lời khẳng định rằng Phật giáo đã, đang, và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của lịch sử dân tộc Việt Nam.
– Giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ: Tên đường không chỉ là danh xưng mà còn là bài học về lòng yêu nước, ý chí bất khuất và đạo đức dân tộc dành cho con cháu mai sau.
– Bảo tồn giá trị di sản văn hóa: Kết hợp với việc bảo tồn Đình Yên Phú, tuyến đường mang tên Sư bà sẽ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, góp phần phát triển văn hóa của thủ đô Hà Nội.
Kết luận
Việc đặt tên đường Sư bà Phương Dung là chính sách đúng đắn, tri ân xứng đáng dành cho một vị Ni sư xuất chúng, người không chỉ góp phần trong lĩnh vực Phật giáo mà còn ghi dấu trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Đường Sư bà Phương Dung, sợi dây đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, nối liền những thế hệ Ni sư. Mỗi bước chân trên con đường ấy, chư Ni mai hậu sẽ cảm nhận được hơi ấm của Sư bà, được truyền cảm hứng để vượt qua mọi khó khăn; Và một mai sẽ là những bông hoa thơm ngát, nở rộ trên mảnh đất mà Sư bà đã vun trồng, góp phần tô điểm cho bức tranh Phật giáo Việt Nam thêm phần rạng rỡ hơn.
Đồng thời, đây cũng là một lời nhắc nhở chúng ta ý thức rằng lòng yêu nước, tinh thần phụng sự và đạo lý cao cả không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là động lực để thế hệ hôm nay tiếp nối và phát huy.
Ngọc Thủy (ĐSHĐ-136)