Người Việt Nam ta ai cũng có Tổ họ riêng, Thánh làng riêng nên có câu:
Trống họ nào họ nấy đánh
Thánh làng nào làng ấy thờ.
Nhưng vượt lên, tập trung trên tất cả là Đức Tổ Hùng Vương – Ông Tổ của tất cả các ông Tổ của mỗi một gia đình, mỗi một dòng họ, mỗi một làng của người dân Việt.
Có lẽ trên thế giới này, không nhiều dân tộc có Tổ tiên chung để mà thờ cúng và cũng hiếm có dân tộc nào trên thế giới thành kính thờ cúng Tổ tiên như dân tộc Việt Nam ta. Mọi dân tộc sống trên đất Việt thành kính thờ cúng Đức Tổ Hùng Vương chính là để tôn vinh dân tộc mình, đất nước mình. Và chính vì thế, mà dù ai đi đâu, ở đâu trên khắp thế giới (trong đó có Mỹ) cũng đều cố xây dựng cho được ngôi Đền Hùng để hàng năm ngày mùng 10/3 cùng rủ nhau về đó để vọng bái Tổ tiên.
Trong tâm khảm của người dân Việt cả cộng đồng người Việt được sinh ra từ lòng mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Các vua Hùng là những người có công đầu tiên dựng nước:
Nước Nam riêng một góc trời
Hùng Vương gầy dựng đời đời nghiệp vua
Phong Châu là chốn kinh đô
Chia mười lăm quận bản đồ mênh mông
Trứng Rồng lại nở ra Rồng
Nghìn con muôn cháu nối dòng Lạc Long.
Theo con số thống kê cho biết, trên cả nước ta có 1.417 đền thờ Hùng Vương, riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc có 587 đền thờ. Nhưng nổi tiếng hơn cả là Đền Hùng, tại núi Cả, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chả thế mà trong cuốn “Ngọc Phả” của nhà sử học xưa Nguyễn Cổ Phụng soạn năm 1470 đã ghi: “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần, rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích). Ở đấy nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của Thánh Tổ xưa… ”
Theo truyền thuyết, đền Hùng được xây dựng từ các thời vua Hùng, dùng làm nơi cúng tế trời đất mong mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi, muôn dân ấm no, hạnh phúc. Trong các vật thờ cúng của các vua Hùng thì linh thiêng nhất vẫn là hạt thóc bằng đá khổng lồ. Hạt thóc là tâm ước của mọi người Việt cổ tượng trưng cho nền văn minh lúa nước trên vùng đất châu thổ sông Hồng. Dân muôn đời đã lấy nơi đây làm nơi thờ phụng các vua Hùng. Mỗi một di tích còn lại ở đây đều được gắn với những sự kiện lịch sử cụ thể của nó. Đền hạ nơi được coi là vị trí “chôn nhau cắt rốn” của tất cả mọi dân tộc trên đất Việt, bởi lẽ chính tại nơi đây Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con. Đền Trung chính là nơi các vua Hùng (thuộc 18 đời vua) thường bàn việc nước, việc dân… Lang Liêu là người dâng lên vua cha những mâm bánh chưng bánh giầy. Còn đền Thượng là nơi các vua Hùng làm lễ tế trời đất và cũng là nơi Thục Phán An Dương Vương long trọng thề nguyện quyết giữ vững giang sơn mà vua Hùng trao cho. Riêng đền Giếng gắn với cuộc sống thường nhật của hai công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung.
Đền Hùng là sản phẩm hữu hình của tín ngưỡng tôn thờ Tổ tiên và những người có công lớn đối với dân tộc. Đền Hùng quyết không phải là gốc của một tôn giáo. Các vua Hùng không phải là giáo chủ và việc thờ Hùng Vương cũng không phải là một tổ chức Giáo hội, mà Đền Hùng là biểu tượng cội nguồn của dân tộc Việt Nam là hiện thân của những con người khai sáng ra đất nước Việt. Hay nói một cách chính xác hơn: Đền Hùng là hiện thân của các vua Hùng trong ý tưởng và khát vọng dựng nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam ta. Tín ngưỡng tôn thờ Hùng Vương đã trở thành phong tục, tập quán thiêng liêng và là bản sắc văn hóa riêng của người Việt Nam:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Câu dặn dò này bất cứ người Việt Nam nào của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam đều nhớ đều thuộc vì tất cả đều là con Rồng cháu Tiên, đến ngày giỗ Tổ tất cả đều hành hương về đất Tổ. Lễ vật giỗ Tổ là những mâm bánh chưng, bánh giầy, lễ vật thì đơn giản nhưng lòng thành là vô hạn. Bây giờ, lễ vật dâng lên có bổ sung, nhưng cái tâm của cháu con vẫn ngời sáng như nghìn năm trước.
Đền Hùng và tôn thờ các vua Hùng là cội nguồn để hướng về đạo lý sâu xa: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta. Trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam ta qua ngàn đời, suốt từ Bắc chí Nam đều coi Tổ Thánh Hùng Vương là vị bảo hộ cao nhất trong đời sống tâm linh của cả dân tộc mình, đúng như trong bài vị thờ các vua Hùng ở trên đền: “Đột ngột cao sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương thánh vị”. Đó là sự tôn vinh Tổ thánh Hùng Vương của biết bao thế hệ người Việt Nam cao chót vót như núi vậy và cũng chính là sự khẳng định tiếp nối truyền thống cao đẹp của dân tộc trong lịch sử hiện đại, như lời dạy của Bác Hồ ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”
Đàm Vũ Tri (ĐSHĐ-103)