Hàng năm, khi gần đến Tết Nguyên đán, mọi người trong gia đình tất bật, cố gắng tìm cách tăng thu nhập mong có thêm một khoản tiền để mua sắm. Tùy từng hoàn cảnh, những gia đình khá giả thì tìm mua những loại hàng cao cấp, mới lạ, hàng ngoại… dù giá có cao. Những gia đình bình thường cố gắng để có một cái Tết tươm tất. Những gia đình khó khăn cũng phấn đấu để đạt được nhu cầu tối thiểu: “No ba ngày Tết!”. Nhưng dù ăn Tết to hay nhỏ, người Việt Nam nào cũng nghĩ đến tổ tiên. Đó chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Từ đó mà ngày xuân về, Tết đến thường nhắc câu tục ngữ: “Ông vải thì mừng, con cháu thì lo!”
Ông vải là tổ tiên, là linh hồn của những người thân trong gia đình đã từ biệt cõi đời. Đối với người Việt Nam và một số dân tộc khác, thường ở phương Đông, chết không phải là hết. Theo quan niệm của đạo thờ cúng tổ tiên, con người gồm hai phần: phần xác và phần hồn. Khi chết, phần xác tiêu tan đi bằng nhiều hình thức tùy theo phong tục của từng dân tộc (địa táng, hỏa táng, thủy táng…), nhưng phần hồn thì vẫn tồn tại ở một thế giới nào đó bên ta, thế giới “âm phủ” với quan niệm: “Trần sao, âm vậy”. Tại đó, những linh hồn vẫn thường lắng nghe, phù hộ cho thân nhân còn sống trên cõi đời được “tai qua nạn khỏi”, vẫn liên lạc với người thân qua nhiều hình thức, vẫn nhận các thứ về vật chất, thật (cỗ, cơm) hoặc giả (vàng mã…). Khi cúng tổ tiên, gia chủ thắp đèn, hương để kiến lập mối quan hệ giữa linh hồn với người thân còn sống. Vì vậy, trong những ngày giỗ, ngày Tết, con cháu những người đã khuất đều làm cơm, nhiều ít tùy nhà, tối thiểu là “bát cơm, quả trứng” đặt lên bàn thờ có ảnh, có bài vị người chết hoặc chỉ có bát hương rồi thắp đèn hương, khấn người khuất mặt. Vào dịp Tết Nguyên đán – một cái Tết trân trọng nhất trong năm – diễn ra chừng ba bốn ngày thì việc đón tổ tiên về ăn Tết với gia đình, với con cháu là một việc cực kỳ quan trọng đối với mọi gia đình nề nếp Việt Nam.
Bởi vậy, sau ngày tiễn ông Táo chầu Trời (23 Tết), hầu hết các gia đình, dòng họ tổ chức đi thăm mộ để mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu, đông nhất là mấy ngày trước Tết (27 hoặc 28 tháng chạp âm). Những người chết vào những ngày giáp Tết được người dân gọi là “Tết âm phủ”. Mấy hôm đó, người đến thăm nghĩa trang đông nghịt, ngoài hoa quả, mứt Tết, bánh chưng, giò chả, xáo… bày cúng trên mộ, nhà nào cũng cắm bên cạnh mỗi mộ của thân nhân một cành hoa mai, khiến toàn cảnh nghĩa trang rực rỡ lên màu hoa Tết.
Hầu hết các gia đình có thờ cúng tổ tiên xưa đều cúng Tết Nguyên đán từ chiều 30 Tết (tháng thiếu là chiều 29), người dân gọi là “cúng đón Tổ”. Chiều hôm đó, gia đình nào cũng làm một mâm cỗ tươm tất đặt lên bàn thờ, chủ nhà thắp đèn, hương và khấn mời tổ tiên. Khi còn được đốt pháo, chủ nhà khấn xong liền ra cửa đốt một bánh pháo gọi là “pháo đón Tổ”. Từ đó cho đến khi hết Tết, trên bàn thờ lúc nào cũng thắp đèn, hương, mọi thứ hoa quả, bánh chưng, mứt… vẫn để nguyên suốt mấy ngày Tết, coi như tổ tiên vẫn ngự trên đó, chủ nhà chỉ hạ cỗ cúng các bữa ăn xuống để con cháu “xin lộc”. Các con, cháu ở các nơi khác về chúc Tết ông bà, cha mẹ… trước tiên phải vào bàn thờ thắp hương lễ bái tổ tiên.
Gần đến giao thừa, chủ nhà thắp tuần hương mới trên bàn thờ, khấn mời tổ tiên cùng con cháu đón thần linh của năm mới, xem vong linh tổ tiên như thành viên quan trọng của gia đình. Sau đó, gia chủ mới ra sân cúng thần linh với lễ vật thường là đĩa xôi gấc, gà luộc nguyên con và các thứ hoa quả, bánh, mứt cùng bộ quần áo, ngựa (vàng mã).
Trong suốt ba ngày Tết xưa, gia đình nào cũng cúng tổ tiên ngày ba lần, bữa sáng thường là chiếc bánh tét (ngoài Bắc là bánh chưng) nguyên mới bóc lá và khoanh giò mới cắt, bữa trưa và bữa chiều là một mâm cỗ mới nấu, coi như tổ tiên vẫn sống và “ăn Tết” cùng con cháu. Trong số đó, mâm cỗ to nhất là mâm cỗ cúng vào sáng Mùng một Tết.
Bữa cúng Tết cuối cùng thường tổ chức vào sáng mùng 4 hoặc mùng 5 Tết tùy gia đình và được gọi là “cúng tiên Tổ”. Đây là một bữa cúng quan trọng và là bữa họp mặt đông đủ nhất của đại gia đình. Xưa có lệ: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”… “Tết cha” là Tết bên nội, “Tết mẹ” là Tết bên ngoại, nhưng mùng hai Tết, các cô gái cùng chồng con thường chỉ về lễ bên ngoại (nếu ở gần), còn sum họp với gia đình bên ngoại hoặc nhà ngoại ở xa thì để đến hôm tiễn Tổ. Hôm đó, những bà mẹ, bà chị sẽ làm những món ăn lạ để con cháu “tổng kết” Tết cho đỡ chán (cuốn tôm, bún thang, lẩu…). Cúng xong, tất cả vàng mã trên bàn thờ được đem ra đốt nên gọi là “lễ tiễn Tổ” còn gọi là “lễ hóa vàng”. Sau khi “hóa” xong, chủ nhà đốt một bánh pháo, gọi là “pháo tiễn Tổ”, sau đó mới được phép tắt đèn trên bàn thờ và hạ các đồ lễ từ chiều 30 Tết xuống mang chia cho các con cháu làm “lộc tổ tiên”.
Ngày nay, phong tục mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu và thờ cúng tổ tiên trong mấy ngày Tết Nguyên đán đã đơn giản: đại diện gia đình thường chỉ đến thăm mộ và mời vong linh những người thân trong gia đình mới mất, bữa cúng đón Tổ chiều 30 Tết được kết hợp với bữa cúng năm mới vào trưa mùng một Tết và cuối cùng là cúng hóa vàng “tiễn Tổ”. Người Việt Nam trong mấy ngày Tết, nhiều gia đình vẫn duy trì việc thắp đèn, hương thờ tổ tiên suốt ngày đêm.
Việc mời tổ tiên về “ăn Tết” với con cháu và việc thờ cúng suốt mấy ngày đầu xuân vốn là một phong tục mang tính tâm linh và là biểu hiện của “Uống nước nhớ nguồn”, đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Vũ Chi (ĐSHĐ- Xuân Giáp Thìn)