Nhằm tưởng niệm 60 năm sau biến cố 1963, vừa qua GHPGVN đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức và chư Thánh tử đạo “vị pháp thiêu thân” tại nhiều địa bàn tỉnh thành trên cả nước. Đơn cử như tại Hà Nội, Huế, Khánh Hòa, TP. HCM… Bên cạnh chương trình tưởng niệm thông qua các nghi lễ và hoạt động triển lãm về lịch sử, văn hóa Phật giáo 1963; năm nay TP. HCM và Huế là hai đơn vị dành sự quan tâm đến việc tổ chức các Hội thảo khoa học, nhằm đánh giá lại dấu ấn lịch sử của Phật giáo thời kỳ tranh đấu cho hòa bình dân tộc và tự do tôn giáo. Trong không khí đó, Học viện PGVN tại TP. HCM là đơn vị đi đầu với chủ đề: “Phong trào Phật giáo năm 1963 và kỷ niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (11/6/1963 – 11/6/2023)”. Đồng hành trong hoạt động này có sự kết hợp của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Tôn giáo và tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia TP. HCM. Tại giảng đường Minh Châu (thuộc Nội viện Học viện Phật giáo TP. HCM), hội nghị diễn ra đúng vào ngày tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức.
Ngoài sự hiện diện của các chức sắc Phật giáo, đại diện các cơ quan, viện, ngành, chính quyền lãnh đạo các cấp, các nhà nghiên cứu, học giả cũng như hơn 1000 Tăng Ni, Phật tử, buổi lễ còn được sự quang lâm chứng dự của 2 chứng nhân lịch sử: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng (Pháp chủ GHPGVN) và Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp (Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Ban Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN).
Tại lễ khai mạc; chư Tôn đức giáo phẩm và quý lãnh đạo các ban, viện đã lần lượt được mời phát biểu tại Hội trường chung. Trong đó có khai mạc Hội thảo của HT. Thích Tâm Đức, báo cáo đề dẫn của TT. Thích Nhật Từ; lời đạo từ của Đức Pháp chủ GHPGVN; phát biểu chỉ đạo của HT. Thích Thiện Nhơn (Chủ tịch Hội đồng Trị sự); phát biểu của ông Vũ Hoài Bắc (Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ); đánh giá của TT. Thích Đức Thiện về “bản chất của phong trào Phật giáo năm 1963 và ý nghĩa tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức”. Sau cùng, PGS.TS. Đỗ Lan Hiền (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tín ngưỡng và Tôn giáo) cũng đã trình bày mối quan hệ giữa Phật giáo và chính trị, thông qua sự kiện Thích Quảng Đức.
Điều đặc biệt đáng ghi nhận trong phiên khai mạc này chính là lời huấn từ của Đệ Tứ Pháp chủ – Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng. Đó cũng là lời bộc bạch đầy xúc cảm của một chứng nhân lịch sử trong sự kiện 1963 của Phật giáo nước nhà. Ngài khẳng định: Phong trào Phật giáo năm 1963 được hình thành từ cuộc vận động bảo vệ Phật giáo hòa bình của Ủy ban Liên phái, nhưng nhìn xa thì ảnh hưởng trực tiếp từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam của hơn 30 năm trước; thậm chí phải kể đến tinh thần yêu nước được kết tinh từ thời Bà Trưng, Bà Triệu cho đến các triều đại cực thịnh như Lý – Trần. Qua đó, mở ra một nhận thức mới về tinh thần đấu tranh bất bạo động trong Pháp nạn năm 1963. Trước mắt, phong trào chịu ảnh hưởng từ tinh thần bất bạo động của Thánh Gandhi. Kỳ thực, điều này cũng cần được đính chính lại vì Gandhi đã vay mượn hình thức này từ giáo lý, kinh điển của nhà Phật.
Tưởng nhớ lại gương sáng của chư vị tiền nhân, các bậc Tổ đức; Đệ tứ Pháp chủ đã nhắc đến những hướng đi ưu việt của nhiều nhà Sư Phật giáo trong bối cảnh đặc biệt của đất nước. Trong đó phải kể đến tổ Phi Lai – Chí Thiền, HT. Thích Huệ Đăng, HT. Thích Tịnh Khiết (miền Trung), HT. Thích Đạt Thanh (miền Nam),… Các Ngài đã giảm bớt một phần bế tắc cho Phật giáo trước khi phong trào 1963 nổ ra. Với đỉnh điểm của phong trào, sự kiện tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã tác động đến Đức Pháp chủ những thánh hạnh, thể nghiệm cao quý của một hành giả Pháp Hoa. Để từ đó, Ngài thấu hiểu hơn lời dạy thuở trước của Trưởng lão HT. Thích Trí Hữu. Tất cả đều cô đọng trong sự tri ân, tưởng niệm chư vị tiền nhân và trân trọng những thành quả mà Phật giáo đã thực hiện được trong sứ mạng lợi đạo, ích đời. Ngài cũng không quên nhắn nhủ đến Tăng Ni trẻ cần noi theo gương hạnh sáng ngời của Bồ tát.
Có thể nói, phong trào Phật giáo 1963 đã được khai thác qua rất nhiều công trình nghiên cứu, tọa đàm từ nhiều năm trước; nhưng Hội thảo khoa học năm 2023 vẫn tiếp tục phát hiện những khám phá mới dưới những góc độ tiếp cận khác nhau dựa trên các phương diện sử học, văn hóa, văn học lẫn triết học Phật giáo. Với 178 bài tham luận, Hội thảo tập trung bàn về 4 chuyên đề lớn: 1. Phong trào Phật giáo năm 1963: Bản chất và tiến trình; 2. Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu: Nguyên nhân, bản chất và giá trị; 3. Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu và sự chuyển đổi xã hội ở Việt Nam; 4. Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp đổi mới. Trong đó, có 64 bài được tuyển chọn phát biểu với 12 phiên thảo luận; tương đương với 3 phiên làm việc / 1 chuyên đề. Tất cả đều hướng đến mục tiêu nghiên cứu, đánh giá khách quan về những giá trị vàng son của lịch sử đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi tự do, dân chủ của dân tộc.
Sau chương trình khai mạc, những phiên hội thảo với 4 chuyên đề riêng biệt tiếp tục diễn ra tại các phòng học đường do chư Tôn đức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM cùng chư vị Giáo sư có chuyên môn làm chủ tọa. Trong phạm vi nghiên cứu, thảo luận đó; các phiên làm việc đã mở ra những khám phá mới khi nhìn lại 4 vấn đề: 1. bối cảnh, tiến trình và tác động của phong trào đấu tranh bất bạo động Phật giáo miền Nam qua hiện tượng tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức. 2. Những đóng góp của phong trào Phật giáo ở miền Nam năm 1963. 3. Vai trò và đóng góp của Bồ tát Thích Quảng Đức đối với Phật giáo miền Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. 4. Những bài học lịch sử góp phần cho sự nghiệp nhập thế, hiện đại hóa Phật giáo ở hiện tại và tương lai.
Hơn 6 giờ làm việc, lễ bế mạc khép lại Hội thảo vào lúc 4 giờ 15 phút cùng ngày. Đúc kết cho sự kiện này có sự hiện diện quý báu của GS. TS. Lê Mạnh Thát, GS. TS. Đỗ Quang Hưng, TS. Bùi Hữu Dược, TT. Thích Giác Dũng, HT. Thích Bửu Chánh. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn tiếp tục mở ra những hướng tiếp cận mới chưa được phát hiện đối với phong trào Phật giáo 1963 nói chung và sự kiện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức nói riêng. Hội thảo là cơ hội để ôn cố tri tân về một giai đoạn bi hùng của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đồng thời cũng là bày tỏ lòng tri ân của hậu học đến Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như chư anh linh Thánh Tử Đạo đã ngã xuống để bảo vệ sắc cờ Phật giáo Việt Nam, dành lại hòa bình cho dân tộc và tự do tôn giáo.
Nhật Nhã (ĐSHĐ-118)