Cõi lòng mầu nhiệm Quán Thế Âm
Trở về quán niệm tại bản tâm
VIÊN, THÔNG, THƯỜNG hiện nơi tự tánh
Tu tập vận hành trí năng thâm.
Bồ tát Quán Thế Âm rất quen thuộc với chúng sanh ở cõi Ta bà này. Ngài được chúng sanh mỗi khi cầu cứu với tên gọi thân thương là “Mẹ hiền Quán Thế Âm”. Cầu cứu trong mọi trường hợp lâm nguy, khổ nạn. Vì trong đời sống hàng ngày có rất nhiều sự bất trắc, do thiên tai bão lụt gây nên, hoặc do lòng người đố kỵ tranh giành tài sản, cướp giật v.v… gây nên các thảm họa. Trong lúc thập tử nhất sinh ấy, chúng sanh thường tìm nơi nương tựa, một chỗ để an trú tinh thần, nên nghĩ ngay đến Mẹ hiền Quán Thế Âm. Qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm uy nghiêm đĩnh đạc, thong dong tự tại, luôn luôn bảo bọc chúng sanh trong vòng tay của người Mẹ hiền. “Thiên xứ hữu cầu, thiên xứ ứng”, nghĩa là cùng một lúc ngàn nơi cầu cứu, Ngài đều ứng hiện ngàn nơi để cứu vớt chúng sanh đang lâm nguy kêu cứu, hiện thân khắp nơi khắp chốn. Có khi Ngài thị hiện thân Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, hoặc hiện thân phụ nữ của Tể quan, Bà la môn v.v… tùy theo trường hợp nào thích nghi với hoàn cảnh chúng sanh đang cần. Ngài không chấp danh dự, cho đến làm vợ của Vua, Quan, để giải cứu chúng sanh thoát nạn, Ngài vẫn thị hiện
“Quán Thế Âm lòng từ cứu khổ
Độ chúng sanh nơi chốn phù đồ
Trái tim Ngài, lắng nghe cứu độ
Tình thương cao cả, tận hư vô”.
° Ngài luôn lắng nghe tiếng lòng mầu nhiệm của chính mình, dù Ngài đang tham thiền một nơi yên tĩnh, nhưng cùng một lúc chúng sanh kêu cứu ở mười phương, Ngài đều nghe mà đến tiếp cứu, đó gọi là Ngài chứng được tánh VIÊN.
° Cách vách, Ngài có thể nghe các thứ tiếng mà không bị nhầm lẫn, đó gọi là Ngài đã chứng được tánh THÔNG. Mỗi khi thời khóa thọ trì đến danh hiệu Ngài, chúng ta thường xướng: “Nam mô nhĩ căn viên thông tầm thinh cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ tát”, đó là chúng ta tán dương đức tánh viên thông của Ngài.
° Có tiếng nghe đã đành, khi không có tiếng, tánh nghe vẫn có, đó là đức THƯỜNG của nhĩ căn vậy.
Đây là Ngài thực hành quán niệm, dựa trên âm văn của Nhĩ căn và thanh trần.
Thanh trần là ÂM. Nhĩ căn là VĂN.
Quán Thế Âm là danh hiệu của một vị Bồ tát, vừa là phương pháp tu hành “phản văn, văn tự tánh”.
° Quán: là vận dụng cái trí năng soi rọi vào tâm, để nhận thức đối tượng.
° Thế: có nghĩa là sự vận động tương tục không ngừng của sự vật, ở đây nhằm chỉ bày sự tương tục của tâm tưởng chúng ta.
° Âm: tiếng, là đối tượng của nhĩ căn.
Mọi âm thanh ở đời có lúc vui nhộn, có lúc lâm li, bi đát, nghe u buồn não nuột, rồi cũng có lúc ngưng bặt, không có tiếng nào còn mãi với thời gian. Chỉ có tiếng lòng mầu nhiệm của tâm ta, là thứ tiếng thường xuyên và liên tục không ngừng. Nó luôn nói với chúng ta rằng: “Hãy trở về với thể tánh tịnh minh, chơn tâm thường trú, lắng nghe mọi âm thanh một cách khách quan, đừng chia chẽ hay phân biệt. Đừng để sáu căn duyên vào sáu trần, mà làm vẩn đục bản tánh thanh tịnh, vốn có trong mỗi chúng ta”. Kinh nói:
“Diệu âm, Quán Thế Âm
Phạm âm, hải triều âm
Thắng bỉ thế gian âm
Thị cố tu thường niệm”.
Nghĩa là: tiếng của Ngài Diệu Âm, Ngài Quán Thế Âm, tiếng phạm âm và tiếng sóng vỗ của hải triều, hơn cả âm thanh xướng ca gào thét của thế gian. Cho nên, chúng ta thường phải niệm, tức chúng ta luôn theo dõi dòng chảy của tâm thức, lắng nghe tiếng gọi của lòng mình, hướng về chúng sanh đang kêu cứu, lắng đọng tâm tư vào tận cùng sâu thẳm của tâm ta. Như khi chúng sanh tâm nổi lên những điều xằng bậy bất chánh, hay thực hiện những hành động, những nghiệp ác trái với luân thường đạo lý, chúng ta liền dừng lại, không chạy theo tâm tà vạy, rồi chuyển hóa vọng tâm trở về chơn tâm sáng suốt, chuyển phiền não thành Bồ đề. Đó là lúc chúng ta độ được chúng sanh tâm, tránh khỏi đường mê lối hiểm, khiến thân chúng ta khỏi bị sa hầm sụp hố, để đời đời kiếp kiếp thân này phải chịu trầm luân trong sanh tử luân hồi.
Thương thay kiếp sống trần gian
Vô minh che lấp muôn ngàn khổ đau
Tĩnh tâm trở lại cho mau
Hồi đầu thị ngạn ngày sau thanh nhàn.
Hồi đầu thị ngạn tức quay trở về bờ giác, là trở về nương tựa ba ngôi quý báu, đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo trong ta.
° Phật bảo: là sự giác ngộ thấy biết sáng suốt, có đủ lương tri lương năng, động, tịnh đều hợp với chánh pháp, các điều tà vạy đều dứt tuyệt. Nếu giữ tự tánh được như thế, thì tự tánh ấy tức là Phật.
° Pháp bảo: là những lời dạy của Đức Thế Tôn, điều quan trọng nhứt của người tu hành là phải giữ giới. Người Phật tử tại gia có năm điều ngăn cấm đó là: bất sát, bất đạo, bất dâm, bất lưỡng thiệt, bất ẩm tửu. Chỉ cần giữ trọn năm giới thì cũng được hạnh phúc. Ví dụ như mình giữ giới không sát sanh, mình không giết người, mình không cướp của người khác v.v… thì chốn lao tù mình đâu đến đó làm gì? Nên đời sống của mình được thong dong tự tại. Còn đệ tử xuất gia của Ngài, Tỳ kheo Tăng giữ 250 giới, Tỳ kheo Ni giữ 348 giới cộng thêm 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ tát giới, giới này dành cho đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia (nếu phát tâm thọ trì). Nếu phát tâm tinh tấn giữ gìn tịnh giới của Phật thì đời đời qua lại chốn nhơn thiên. Còn nếu tâm mình mê muội tà vạy thấy biết chẳng chơn chánh, sanh: tham, sân, si theo các điều tà kiến, làm những sự vô minh bất chánh. Ấy thật là ma vương ở nơi tâm mình, chứ không có ma vương nào khác. Giác ngộ chánh kiến tức là Phật, mê muội tà kiến là ma vương, tâm mình có mê có giác, có tà có chánh, người tu phải biết cách chuyển ma thành Phật, phản vọng quy chơn.
° Tăng bảo: là sự hòa hợp không chống trái nhau, vẫn chúng sanh này, vẫn ba nghiệp thân tam, khẩu tứ, ý tam. Nay trở về nương tựa đấng Chánh giác, đấng đại hùng, đại lực, đại từ bi. Chúng ta không thực hành thập ác, mà tâm chúng ta luôn luôn nghĩ đến việc làm lợi ích cho chúng sanh, nên đã chuyển thập ác thành thập thiện nghiệp đạo.
Thân: không sát, không đạo, không dâm.
Khẩu: không vọng ngôn, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ.
Ý: không tham, không sân, không si.
Đó là chúng ta đã quy y Tam bảo của chính mình.
Đường đời lắm nỗi chông gai
Trí tuệ dứt hết đêm dài tối tăm
Nghiệp duyên từ kiếp xa xăm
Bát nhã vận dụng thậm thâm pháp mầu.
° Nếu người tu hành chẳng biết cái Chánh pháp này, tu theo hạnh Quán Thế Âm, đi tìm cái đạo bên ngoài, rốt cuộc cũng luống công, chẳng được chút gì trí tuệ, luôn luôn chấp ngã, chấp pháp, chẳng thấy được “Ngũ uẩn bổn giai không”. Suốt đời chỉ quanh quẩn, quẩn quanh, chừng nhớ lại thì ôi thôi, răng long, tóc bạc, vô thường đã đến có vị nể ai đâu!
Như Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy:
“Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ
Làm người một kiếp cũng như không”.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-133)