Kính dâng Giác linh Cố Ni trưởng thượng NHƯ hạ NGỘ
Viện chủ chùa Vạn Hạnh quận 10
“Sư về thế giới ba ngàn
Đủ duyên nối lại cung đàn độ sanh.”
Sư ra đi là một sự mất mát lớn lao cho các em và đàn đệ tử. Thời gian chung sống bên nhau, tại Ni trường Từ Nghiêm, rồi đến canh tác ở Bình Tuy, nói sao cho hết thâm tình của người Sư chị một mực hy sinh cho đại chúng.
Thương xót thay, tình pháp lữ, kim bằng
Đau đớn quá, tình Linh Sơn gắn bó!
Bao kỷ niệm năm xưa nay còn đó
Sư Chị đi về thế giới vĩnh hằng
Tình Sư Chị, lai láng tợ ánh trăng
Đàn đệ tử ngẩn ngơ, Thầy vắng bóng
Trước linh đài chúng em thầm ước vọng
Cầu Giác linh Sư Chị mãi tiêu dao!
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ra canh tác ở Bình Tuy, Ni trưởng lãnh mười lăm người chúng, là những Ni sinh chân yếu tay mềm, vừa xếp bút nghiêng, giã từ lớp học ra Bình Tuy xới đất trồng rau. Hoa mầu trồng được thì thỏ rừng ra ăn hết. Mỗi ngày chúng em đều theo Ni trưởng ra đào rễ, để dọn sạch đất trồng khoai. Đầu giờ chiều, chúng em đều dậy cả, nhưng chân tay rã rời vì không quen lao động. Nướng qua, lăn lại, đợi Sư chị bỏ vào tay mỗi Sư em hai cây kẹo mới chịu leo xuống giường, thế mà Sư chị vẫn chiều, không hề la rầy, lúc nào cũng nở nụ cười hoan hỷ. Rồi việc canh tác không thành, Ni chúng giải tán trở về chùa Từ Nghiêm, chiếc nôi đầu đời trên đường học đạo. Ni trưởng được Phật bổ xứ về chùa Vạn Hạnh quận 10, để hoằng hóa độ sanh. Em lang thang ra vùng Long Hải được Phật tử cúng cho miếng đất rất đẹp, ở nơi thung lũng, bốn mùa, vách núi cỏ hoa cây cối xanh rì. Em nhớ có lần Sư bà Giám Luật thượng HUYỀN hạ HỌC cũng kết duyên lưu lại nơi đây. Ngài dạy rằng: “Nơi đây phong cảnh hữu tình, nếu cất được Tịnh thất để tu hành thật là lý tưởng”. Một hôm, Sư chị đúc bánh xèo, đường lộ chưa thông thương, nên Sư phó Phước Giác gánh bánh xèo vào núi để cúng dường. Chuyến đi này có khoảng 10 người bổn đạo. Trưa hôm ấy, có Hòa thượng Thông Lạc ghé thăm Sư bà Giám Luật và cũng thời bánh xèo. Trăng thanh gió mát, cảnh trí tao nhã, ai một lần ghé thăm cũng muốn lưu lại, để có phút giây lắng đọng tâm hồn. Mỗi năm vào mùa Hạ, em thường về Vạn Hạnh, cùng nhau An cư tu học, thời khóa được chia rõ ràng. Sáng Sư chị thỉnh chuông U Minh, trì Chú Đại Bi, còn em và Sư Phước Giác lên lầu để lạy Vạn Phật, 13 giờ 30 phút tập trung tại phòng Sư chị để uống nước và dùng trái cây, xong lên lầu ba ngồi thiền, đến 15 giờ 30 phút xả thiền, rồi đem Luật Tỳ Kheo Ni sao, hoặc Trùng Trị hay Tứ phần luật ra đọc, chỗ nào không hiểu, đọc đi, đọc lại, nhiều lần hay nghiên cứu “Phật học từ điển”, nhờ thế mà những năm cuối thế kỷ XX, chúng ta có cuộc sống an lạc, gần như tuyệt đối.
Cách Phật thời gian rất lâu xa
Tùy duyên hóa độ cõi Ta bà
Nay Ngài lưu lại cho hậu thế
Cả một kho tàng “Đề mộc xoa”
Ôn tầm bối diệp nên sách tấn
Tìm lại trong tâm Phật tại tòa
Thời gian liều thuốc gắng tu tập
Tịnh độ, Ta bà, chẳng cách xa.
Giờ ngồi đây ôn lại những kỷ niệm đã qua, tuy không phải đồng hương, đồng môn phái gì cả, mà Sư chị đã thương và lo cho em, như người chị Cả. Kể cả việc đi lãnh chùa, Sư chị đã lo từ mùng, mền, chiếu gối, gạo thóc, bánh trái, không thiếu thứ gì, lâu lâu về thăm, Sư chị còn mở túi tiền ra lì xì. Có lần Hòa thượng thượng NHƯ hạ NIỆM vừa cười vừa nói: “Đãy càn khôn tuy nhỏ, mà xài hoài không hết”.
Ôi lai láng đạo tình nồng thắm
Mỗi lần về Thành phố viếng thăm
Sống giản dị, nhưng đầy lòng nhân ái
Sống thật lòng, không câu nệ tiếng tăm.
TKN. Minh Thường – Kỳ Viên Phú Nhuận (ĐSHĐ-115)