Thông điệp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
tại Đối thoại Shangri-La, Singapore
Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) đầu tiên được Singapore đăng cai vào năm 2002, còn được coi là một Hội nghị Thượng đỉnh Quốc phòng không chính thức, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức. Từ đó đến nay, Đối thoại Shangri-La được tổ chức hàng năm, trở thành diễn đàn an ninh liên chính phủ hàng đầu, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, tướng lĩnh quân đội, chính khách, nhà nghiên cứu từ 28 quốc gia khu vực châu Á, trong đó có 10 nước khu vực ASEAN và hầu hết các nước lớn thuộc vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Chính phủ Modi đối với khu vực ASEAN, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới tại Singapore vào ngày 01/6/2018.
Tôi vui mừng được trở lại khu vực Ấn Độ được biết đến từ thời cổ đại như là “vùng đất vàng”. Tôi cũng vui mừng được ở đây trong một năm đặc biệt, một năm đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Ấn Độ với ASEAN.
Tháng 01 năm nay, chúng tôi đã vinh dự đặc biệt tiếp đón 10 nhà lãnh đạo ASEAN vào Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/01) nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ. Đây là một minh chứng về cam kết của chúng tôi với ASEAN và với Chính sách Hành động Phía Đông của chúng tôi.
Hàng ngàn năm qua, người Ấn Độ đã hướng về phương Đông, không chỉ để thấy mặt trời mọc, mà còn để cầu nguyện cho ánh sáng của nó sẽ lan tỏa khắp thế giới. Nhân loại hôm nay nhìn về phương Đông đang trỗi dậy với hy vọng nhìn thấy lời hẹn ước rằng thế kỷ XXI này sẽ thu hút toàn thế giới, bởi vì vận mệnh của thế giới sẽ chịu sự ảnh hưởng sâu sắc bởi quá trình phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bởi vì, kỷ nguyên đầy hứa hẹn này cũng là kỷ nguyên của những mảng kiến tạo dịch chuyển trong nền chính trị toàn cầu và những đứt gãy của lịch sử. Tôi ở đây để nói rằng tương lai mà chúng ta tìm kiếm không phải khó nắm bắt như Shangri-La; rằng chúng ta có thể định hình khu vực này bằng những hy vọng và khát vọng tập thể. Không có nơi nào để theo đuổi điều này thích hợp hơn là ở Singapore. Dân tộc vĩ đại này đã chỉ cho chúng ta thấy rằng khi các đại dương mở ra, các vùng biển an toàn, các quốc gia được kết nối, quyền lực của luật pháp thắng thế và khu vực được ổn định, các dân tộc, nhỏ và lớn, phát triển thịnh vượng như những quốc gia có chủ quyền. Tự do và không sợ hãi trong những lựa chọn của họ.
Singapore cũng cho thấy rằng khi các quốc gia đứng về phía các nguyên tắc, không phải phía sau cường quốc này hay cường quốc khác, họ sẽ có được sự tôn trọng của thế giới và có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế. Khi họ nắm chặt được sự đa dạng ở trong nước, họ sẽ tìm kiếm một thế giới bao trùm ở bên ngoài.
Dù vậy, đối với Ấn Độ, Singapore có ý nghĩa nhiều hơn thế. Đó là tinh thần đoàn kết thống nhất một quốc gia sư tử và một Thành phố sư tử. Singapore là ván bật của chúng tôi ở ASEAN. Quốc gia này trong nhiều thế kỷ đã là cửa ngõ để Ấn Độ đi về phương Đông. Trong hơn hai ngàn năm, những luồng gió của gió mùa, dòng chảy của biển và sức mạnh của khát vọng con người đã xây dựng những liên kết muôn đời giữa Ấn Độ và khu vực này, được đúc kết trong hòa bình và hữu nghị, tôn giáo và văn hóa, nghệ thuật và thương mại, ngôn ngữ và văn học. Những kết nối giữa người với người này đã kéo dài, ngay cả khi dòng thủy triều của chính trị và thương mại có lúc thăng lúc trầm.
Trong ba thập kỷ qua, chúng tôi đã tái khẳng định di sản đó để khôi phục vai trò và mối quan hệ của chúng tôi trong khu vực. Đối với Ấn Độ, không có khu vực nào hiện nay nhận được nhiều sự chú ý như khu vực này và vì những lý do thích hợp.
Đại dương có vị trí quan trọng trong tư duy Ấn Độ kể từ thời kỳ tiền Veda. Hàng ngàn năm trước đây, nền Văn minh Thung lũng sông Ấn cũng như bán đảo Ấn Độ đã có thương mại hàng hải. Đại dương và Varuna – Thủy Thần (Chúa tể của các vùng biển) – có vị trí nổi bật trong những cuốn sách cổ nhất của thế giới – những cuốn Veda. Trong các sách cổ Purana được viết cách đây hàng ngàn năm, xác định không gian địa lý của Ấn Độ liên quan đến biển cả.
Lothal, ở bang Gujarat quê hương tôi, là một trong những cảng lâu đời nhất thế giới. Thậm chí ngày nay vẫn còn lại một vũng tàu neo đậu. Không có gì ngạc nhiên khi người Gujarat mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và đi du lịch rộng rãi ngay cả hôm nay! Ấn Độ Dương đã định hình phần lớn lịch sử của Ấn Độ. Nó hiện nay nắm giữ chìa khóa cho tương lai của chúng tôi. Đại dương chuyên chở 90% thương mại của Ấn Độ và các nguồn năng lượng của Ấn Độ. Đó cũng là huyết mạch của thương mại toàn cầu. Ấn Độ Dương kết nối các khu vực của các nền văn hóa đa dạng và mức độ hòa bình và thịnh vượng khác nhau. Nó cũng mang những chuyến tàu của các cường quốc lớn. Cả hai điều trên dẫn đến mối lo về sự ổn định và cạnh tranh.
Về phía Đông, Eo biển Malacca và Biển Đông kết nối Ấn Độ với Thái Bình Dương và hầu hết các đối tác lớn của chúng tôi – ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Mỹ. Thương mại của chúng tôi trong khu vực đang tăng lên nhanh chóng. Và một phần đáng kể trong đầu tư nước ngoài của chúng tôi chảy theo hướng này. Chỉ riêng ASEAN chiếm tới hơn 20%.
Lợi ích của chúng tôi trong khu vực là rộng lớn, và sự gắn kết của chúng tôi là sâu sắc. Ở khu vực Ấn Độ Dương, các mối quan hệ của chúng tôi đang trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cũng đang giúp xây dựng khả năng kinh tế và cải thiện an ninh hàng hải cho những nước bạn và đối tác của chúng tôi. Chúng tôi thúc đẩy an ninh tập thể thông qua các diễn đàn như Hội nghị Hải quân Ấn Độ Dương (Indian Ocean Naval Symposium).
Chúng tôi đang thúc đẩy một chương trình nghị sự toàn diện về hợp tác khu vực thông qua Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương. Và chúng tôi cũng làm việc với các đối tác bên ngoài Khu vực Ấn Độ Dương để đảm bảo rằng những tuyến đường vận chuyển toàn cầu vẫn hòa bình và tự do cho tất cả.
Ba năm trước đây, ở Mauritius, tôi đã mô tả tầm nhìn của chúng tôi trong một từ – Sagar, có nghĩa là đại dương trong tiếng Hindi. Và Sagar lại là từ viết tắt của “Security and Growth for All” (An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả) trong Khu vực, đó là tín ngưỡng mà chúng tôi theo đuổi khi hướng Đông và bây giờ thậm chí còn mạnh mẽ hơn thông qua Chính sách Hành động Phía Đông, bằng việc nỗ lực kết nối Ấn Độ, đặc biệt là vùng phía Đông và Đông Bắc Ấn, với các đối tác trên đất liền và trên biển của chúng tôi ở phía Đông.
Đông Nam Á là láng giềng của chúng tôi cả trên đất liền và trên biển. Với mỗi quốc gia Đông Nam Á, chúng tôi đều có mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng đang tăng trưởng. Với ASEAN, từ đối tác đối thoại, chúng tôi đã trở thành đối tác chiến lược trong 25 năm qua. Chúng tôi theo đuổi mối quan hệ thông qua các hội nghị thượng đỉnh hàng năm và 30 cơ chế đối thoại. Nhưng thậm chí còn hơn thế thông qua sự chia sẻ về tầm nhìn khu vực, và sự thoải mái cũng như quen thuộc trong các kết nối xa xưa của chúng tôi.
Chúng tôi là những người tham gia tích cực trong các thể chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, A.D.M.M + và A.R.F. Chúng tôi là một phần của BIMSTEC và Hành lang Kinh tế Mekong- Ganga – nhịp cầu nối giữa Nam và Đông Nam Á.
Mối quan hệ của chúng tôi với Nhật Bản – từ kinh tế đến chiến lược – đã hoàn toàn biến đổi. Đó là mối quan hệ đối tác với thực chất và mục đích tuyệt vời, là hòn đá tảng trong Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ. Hợp tác của chúng tôi với Hàn Quốc có động lực mạnh mẽ. Và, mối quan hệ của chúng tôi với Australia, và cả với New Zealand cũng có nguồn năng lượng mới.
Với một số đối tác của chúng tôi, chúng tôi gặp nhau trong dạng thức ba hoặc nhiều hơn. Hơn ba năm trước đây, tôi đã hạ cánh vào lúc bình minh ở Fiji để bắt đầu một giai đoạn gắn kết thành công mới với các Quốc đảo Thái Bình Dương. Những cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ – Quốc đảo Thái Bình Dương, hay FIPIC, đã thu hẹp khoảng cách địa lý thông qua các lợi ích và hành động chung.
Ngoài Đông và Đông Nam Á, các quan hệ đối tác của chúng tôi mạnh mẽ và đang phát triển. Thước đo về quyền tự chủ chiến lược của chúng tôi chính là mối quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với Nga đã trưởng thành, trở thành mối quan hệ đặc biệt và đặc quyền.
10 ngày trước, trong một hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Sochi, Nga, Tổng thống Putin và tôi đã chia sẻ quan điểm của chúng tôi về sự cần thiết có một trật tự thế giới đa cực mạnh mẽ để đối phó với những thách thức của thời đại chúng ta. Đồng thời, quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu của Ấn Độ với Hoa Kỳ đã vượt qua sự do dự của lịch sử và tiếp tục trở nên sâu sắc hơn qua chiều rộng lạ thường của mối quan hệ. Mối quan hệ này có ý nghĩa mới trong một thế giới đang thay đổi. Và, một trụ cột quan trọng của mối quan hệ đối tác này là tầm nhìn chung của chúng tôi về một Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, ổn định, an toàn và thịnh vượng. Không có mối quan hệ nào của Ấn Độ có nhiều tầng nấc như mối quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi là hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới và nằm trong số những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất. Sự hợp tác của chúng tôi đang mở rộng. Thương mại đang tăng trưởng. Và, chúng tôi đã thể hiện sự trưởng thành và sáng suốt trong việc quản lý các vấn đề và đảm bảo một biên giới hòa bình.
Hồi tháng Tư, một Hội nghị thượng đỉnh không chính thức hai ngày với Chủ tịch Tập Cận Bình đã giúp củng cố sự hiểu biết của chúng tôi rằng, mối quan hệ vững mạnh và ổn định giữa hai quốc gia là nhân tố quan trọng cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu. Tôi tin chắc rằng châu Á và thế giới sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn khi Ấn Độ và Trung Quốc làm việc cùng nhau trong niềm tin và sự tin cậy, cảm thông với lợi ích của nhau.
Ấn Độ có quan hệ đối tác ngày càng tăng lên với châu Phi, được thúc đẩy thông qua những cơ chế như Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ – châu Phi (India-Africa Forum Summits). Cốt lõi của nó là sự hợp tác dựa trên những yêu cầu của châu Phi, và một lịch sử của sự nồng ấm và tôn trọng lẫn nhau.
Trở lại khu vực của chúng ta, sự gắn kết ngày càng tăng của Ấn Độ đi kèm với sự hợp tác kinh tế và quốc phòng sâu sắc hơn. Chúng tôi có nhiều hiệp định thương mại ở khu vực này hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Chúng tôi có các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chúng tôi có các Hiệp định Thương mại Tự do với ASEAN và Thái Lan. Và, chúng tôi hiện nay tham gia tích cực vào việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Tôi vừa mới thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Indonesia, quốc gia láng giềng chỉ cách Ấn Độ 90 hải lý.
Người bạn của tôi, Tổng thống Widodo và tôi đã nâng cấp quan hệ Ấn Độ – Indonexia lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong số các lợi ích chung khác, chúng tôi có tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trên đường từ Indonesia, tôi đã dừng lại một thời gian ngắn ở Malaysia để gặp một trong những nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất của ASEAN, Thủ tướng Mahathir.
Lực lượng vũ trang Ấn Độ, đặc biệt là Hải quân của chúng tôi, đang xây dựng quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì hòa bình và an ninh, cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Họ đào tạo, diễn tập và thực hiện các sứ mệnh thiện chí xuyên khu vực. Ví dụ, với Singapore, chúng tôi có diễn tập hải quân không gián đoạn dài nhất, hiện nay đang ở năm thứ 25.
Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu một cuộc diễn tập ba bên với Singapore và chúng tôi hy vọng mở rộng với các quốc gia ASEAN khác. Chúng tôi làm việc với các đối tác như Việt Nam để xây dựng năng lực cho nhau. Ấn Độ tiến hành Diễn tập Malabar với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhiều đối tác khu vực tham gia cuộc Diễn tập của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và tham gia Diễn tập hải quân RIMPAC ở Thái Bình Dương.
Chúng tôi tích cực trong Hiệp định Hợp tác Khu vực về Chống Cướp biển và Cướp có vũ trang chống lại các tàu ở châu Á – ngay trong thành phố này.
Thưa các quý vị khán giả thượng khách, ở trong nước, sứ mệnh chính của chúng tôi là biến Ấn Độ thành một nước Ấn Độ Mới vào năm 2022, khi nền Độc lập Ấn Độ sẽ được 75 năm tuổi trẻ.
Chúng tôi sẽ duy trì tăng trưởng từ 7,5 đến 8% mỗi năm. Khi nền kinh tế của chúng tôi tăng trưởng, hội nhập khu vực và toàn cầu của chúng tôi sẽ tăng lên. Một quốc gia với trên 800 triệu thanh niên biết rằng tương lai của họ sẽ được đảm bảo không chỉ bằng quy mô của nền kinh tế Ấn Độ mà còn bởi độ sâu của sự gắn kết toàn cầu. Hơn bất cứ nơi nào khác, mối quan hệ của chúng tôi sẽ sâu sắc hơn và sự hiện diện của chúng tôi sẽ tăng lên trong khu vực. Nhưng, tương lai mà chúng tôi tìm cách xây dựng cần một nền tảng ổn định của hòa bình. Và, điều này chưa có gì chắc chắn.
Có những dịch chuyển trong quyền lực toàn cầu, sự thay đổi trong đặc tính của nền kinh tế toàn cầu và sự gián đoạn hàng ngày trong công nghệ. Nền tảng của trật tự toàn cầu dường như rung chuyển. Và, tương lai có vẻ ít chắc chắn hơn. Đối với tất cả sự tiến bộ của chúng ta, chúng ta sống bên bờ vực của sự không chắc chắn, của những câu hỏi chưa có lời đáp và những tranh chấp chưa được giải quyết; các cuộc đấu tranh và những tuyên bố; những tầm nhìn va chạm và những mô hình cạnh tranh.
Chúng tôi thấy sự bất an về nhau và sự tăng chi tiêu cho quân sự; sự xáo trộn bên trong biến thành sự căng thẳng bên ngoài; và những đường đứt gãy trong thương mại và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Trên tất cả, chúng tôi thấy sự áp đảo của quyền lực hơn là sự trông cậy vào những chuẩn mực quốc tế. Giữa tất cả những điều này, có những thách thức chạm vào tất cả chúng ta, bao gồm mối đe dọa không hồi kết của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Đây là một thế giới của những vận may và thất bại phụ thuộc lẫn nhau. Và, không quốc gia nào có thể tự định hình và tự bảo vệ mình.
Đó là một thế giới đòi hỏi chúng ta phải vượt lên trên những chia rẽ và cạnh tranh để làm việc cùng nhau. Liệu điều đó có thể không?
Vâng. Điều đó là có thể. Tôi xem ASEAN như là một hình mẫu và nguồn cảm hứng. ASEAN đại diện cho mức độ đa dạng nhất về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, quản trị và thịnh vượng của bất kỳ tổ chức nhóm nào trên thế giới.
Nó được hình thành khi Đông Nam Á là tiền tuyến của cuộc cạnh tranh toàn cầu, sân khấu của một cuộc chiến tranh tàn khốc và một khu vực của những quốc gia không chắc chắn. Tuy nhiên, hôm nay, ASEAN đã thống nhất mười quốc gia đằng sau một mục đích chung. Sự thống nhất của ASEAN là thiết yếu cho một tương lai ổn định của khu vực này.
Và, mỗi chúng ta phải ủng hộ (ASEAN), không làm suy yếu (ASEAN). Tôi đã tham dự bốn Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tôi tin rằng ASEAN có thể gắn kết một khu vực rộng lớn hơn. Bằng nhiều cách, ASEAN đã dẫn dắt quá trình này. Khi làm như vậy, nó đã đặt nền móng cho Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – hai sáng kiến quan trọng của ASEAN – bao trùm khu vực địa lý này.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực tự nhiên. Đó là nơi của rất nhiều cơ hội và thách thức toàn cầu. Mỗi ngày trôi qua, tôi càng tin rằng, vận mệnh của những người sống trong khu vực như chúng ta được liên kết với nhau. Hôm nay, chúng ta được kêu gọi để vượt lên trên những chia rẽ và cạnh tranh để làm việc cùng nhau.
Mười quốc gia của Đông Nam Á kết nối hai đại dương trong cả ý nghĩa về địa lý và văn minh. Do đó, tính bao trùm, tính mở và sự trung tâm của ASEAN nằm ở trái tim của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới. Ấn Độ không xem Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một chiến lược hay như một câu lạc bộ của những thành viên giới hạn.
Cũng không phải là một nhóm tập hợp để tìm cách thống trị. Và chúng tôi hoàn toàn không xem đó là nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào. Một định nghĩa về địa lý như vậy không thể nào tồn tại. Do đó, tầm nhìn của Ấn Độ về Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một tầm nhìn tích cực. Và, tầm nhìn đó có nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, nó đại diện cho một khu vực tự do, mở, bao trùm, bao gồm tất cả chúng ta trong một sự nghiệp chung vì sự tiến bộ và thịnh vượng. Nó bao gồm tất cả các quốc gia trong vùng địa lý này cũng như các quốc gia khác bên ngoài khu vực có lợi ích trong đó.
Thứ hai, Đông Nam Á là trung tâm của nó. Và, ASEAN đã đang và sẽ là trung tâm của nó trong tương lai. Đó là tầm nhìn sẽ luôn hướng dẫn Ấn Độ, bởi vì chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác cho một kiến trúc vì hòa bình và an ninh trong khu vực này.
Thứ ba, chúng tôi tin rằng sự thịnh vượng và an ninh chung của chúng ta yêu cầu chúng ta tiến triển, thông qua đối thoại, một trật tự dựa trên các quy tắc chung cho khu vực. Và, nó phải áp dụng như nhau cho tất cả các cá nhân cũng như toàn cầu. Một trật tự như thế phải tin vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, bất chấp kích cỡ (lãnh thổ) và sức mạnh. Những quy tắc và chuẩn mực này nên được dựa trên sự đồng thuận của tất cả chứ không phải dựa trên sức mạnh của một số ít. Điều này phải dựa trên niềm tin vào đối thoại và không dựa vào vũ lực. Điều đó cũng có nghĩa là khi các quốc gia đưa ra các cam kết quốc tế thì phải thực hiện chúng. Đây là nền móng của niềm tin của Ấn Độ trong chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa khu vực; và của sự cam kết nguyên tắc của chúng tôi đối với quyền lực của luật pháp.
Thứ tư, chúng ta đều phải có quyền tiếp cận bình đẳng theo luật pháp quốc tế đối với việc sử dụng không gian chung trên biển và trên không, điều sẽ đòi hỏi sự tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và sự giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Khi tất cả chúng ta đều thống nhất tuân theo quy tắc đó, các tuyến đường biển của chúng ta sẽ là những con đường dẫn đến sự thịnh vượng và hành lang hòa bình. Chúng ta cũng sẽ có thể cùng nhau ngăn chặn tội ác hàng hải, bảo tồn sinh thái biển, bảo vệ chống lại thiên tai và phát triển thịnh vượng từ nền kinh tế xanh.
Thứ năm, khu vực này, và tất cả chúng ta, đã được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Ẩm thực Ấn Độ là một trong những ví dụ tốt nhất về những lợi ích này! Nhưng, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng lên – trong hàng hóa và dịch vụ. Các giải pháp không thể được tìm thấy phía sau những bức tường bảo hộ, mà phải trong sự chấp nhận thay đổi. Những gì chúng tôi tìm kiếm là một sân chơi bình đẳng cho tất cả. Ấn Độ ủng hộ chế độ thương mại quốc tế mở và ổn định. Chúng tôi cũng ủng hộ môi trường thương mại dựa trên quy tắc, mở, cân bằng và ổn định ở Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giúp tất cả các quốc gia được nâng lên trên dòng thủy triều của thương mại và đầu tư. Đó là những gì chúng tôi kỳ vọng ở quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. RCEP cần phải toàn diện, như cái tên của nó gợi ra, và những nguyên tắc mà nó tuyên bố. Nó phải có sự cân bằng giữa thương mại, đầu tư và dịch vụ.
Thứ sáu, sự kết nối là thiết yếu. Nó không chỉ thúc đẩy thương mại và sự thịnh vượng. Nó thống nhất một khu vực. Ấn Độ đã ở ngã tư đường trong nhiều thế kỷ. Chúng tôi hiểu lợi ích của sự kết nối. Có nhiều sáng kiến kết nối trong khu vực. Để những sáng kiến này thành công, chúng ta không chỉ cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng ta còn phải xây những cây cầu của sự tin cậy. Và để có được điều đó, những sáng kiến này phải dựa trên sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sự tham vấn, quản trị tốt, minh bạch, tính khả thi và bền vững. Chúng phải trao quyền cho các quốc gia, không phải là đặt họ dưới gánh nặng của những khoản nợ không thể trả. Chúng phải thúc đẩy thương mại, không phải làm gia tăng sự cạnh tranh chiến lược. Dựa trên những quy tắc này, chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả mọi người. Ấn Độ đang làm phần việc của mình, tự mình và trong quan hệ đối tác với các quốc gia khác như Nhật Bản – ở Nam Á và Đông Nam Á, ở Ấn Độ Dương, châu Phi, Tây Á và xa hơn. Và, chúng tôi là những cổ đông quan trọng trong Ngân hàng Phát triển Mới và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á.
Cuối cùng, tất cả những điều này là có thể, nếu chúng ta không quay trở lại thời đại của những kình địch, ganh đua giữa các cường quốc, tôi đã nói điều này trước đây: Châu Á của sự ganh đua sẽ khiến tất cả chúng ta tụt lại phía sau. Châu Á của sự hợp tác sẽ định hình thế kỷ này. Vì vậy, mỗi quốc gia cần phải tự hỏi mình: Lựa chọn xây dựng một thế giới thống nhất hơn, hay là ép buộc những chia rẽ mới? Đó là trách nhiệm của cả những cường quốc hiện tồn và những cường quốc đang trỗi dậy. Sự cạnh tranh là bình thường. Nhưng, cạnh tranh không được biến thành xung đột; sự khác biệt không được phép trở thành tranh chấp.
Việc duy trì quan hệ đối tác trên cơ sở những giá trị và lợi ích chung là bình thường. Ấn Độ cũng có nhiều đối tác trong khu vực và xa hơn.
Chúng tôi sẽ làm việc với họ, riêng lẻ hoặc trong các dạng thức ba quốc gia hoặc nhiều hơn, vì một khu vực ổn định và hòa bình. Nhưng, mối quan hệ hữu nghị của chúng tôi không phải là những liên minh kiềm chế (ngăn chặn). Chúng tôi lựa chọn phía của những nguyên tắc và giá trị, của hòa bình và tiến bộ, không phải phía của sự chia rẽ hay phía nào khác. Mối quan hệ của chúng tôi trên khắp thế giới sẽ khẳng định vị trí của chúng tôi.
Và, khi chúng ta có thể làm việc cùng nhau, chúng ta sẽ có thể đối mặt với những thách thức thực sự của thời đại. Chúng ta sẽ có thể bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chúng ta sẽ có thể đảm bảo sự không phổ biến (vũ khí hạt nhân). Chúng ta sẽ có thể bảo vệ người dân của chúng ta trước các mối đe dọa khủng bố và an ninh mạng.
Để kết luận, hãy cho phép tôi nói lại điều này: Sự tham gia của Ấn Độ ở Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – từ bờ biển châu Phi đến bờ biển châu Mỹ – sẽ mang tính bao trùm. Chúng tôi là những người kế thừa triết lý Vedanta, tin vào tính hợp nhất thiết yếu của tất cả, và tôn vinh sự thống nhất trong đa dạng. Chân lý chỉ có một, người có học nói về nó theo nhiều cách khác nhau. Đó là nền tảng của đặc tính văn minh của chúng tôi – của chủ nghĩa đa nguyên, cùng tồn tại, tính mở và đối thoại. Những lý tưởng về dân chủ xác định chúng tôi là một quốc gia đồng thời định hình cách chúng tôi gắn kết với thế giới.
Vì vậy, điều đó được diễn dịch thành năm chữ S trong tiếng Hindi: सम्मान (Tôn trọng – respect); सम्वाद (đối thoại – dialogue); सह्योग (hợp tác – cooperation), शांति (hòa bình – peace), và समृद्धि (thịnh vượng – prosperity). Thật dễ dàng để học những từ này! Vì vậy, chúng ta hãy gắn kết với thế giới trong hòa bình, tôn trọng, thông qua đối thoại và sự cam kết tuyệt đối với luật pháp quốc tế.
Chúng tôi sẽ thúc đẩy một trật tự quốc tế dân chủ và dựa trên các quy tắc, trong đó tất cả các quốc gia, nhỏ và lớn, phát triển thịnh vượng như những quốc gia bình đẳng và có chủ quyền. Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia khác để giữ cho các vùng biển, không gian và đường hàng không được tự do và mở; các quốc gia của chúng ta được bảo vệ chống lại chủ nghĩa khủng bố; và không gian mạng của chúng ta không bị gián đoạn và xung đột. Chúng tôi sẽ giữ cho nền kinh tế của chúng tôi mở và sự gắn kết của chúng tôi minh bạch. Chúng tôi sẽ chia sẻ tài nguyên, thị trường và sự thịnh vượng với các bạn và các đối tác của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm kiếm một tương lai bền vững cho hành tinh của chúng ta, thông qua Liên minh Năng lương mặt trời Quốc tế mới (International Solar Alliance) cùng với Pháp và các đối tác khác.
Đây là cách chúng tôi mong muốn bản thân và các đối tác của chúng tôi tiến bước trong khu vực rộng lớn này và xa hơn. Trí tuệ cổ xưa của khu vực là di sản chung của chúng ta. Thông điệp của Đức Phật về hòa bình và lòng từ bi bác ái đã kết nối tất cả chúng ta. Cùng nhau, chúng ta đã đóng góp nhiều cho nền văn minh nhân loại. Và, chúng ta đã trải qua sự tàn phá của chiến tranh và hi vọng của hòa bình. Chúng ta đã nhìn thấy giới hạn của quyền lực. Và, chúng ta đã nhìn thấy thành quả của sự hợp tác.
Thế giới này đang ở ngã tư đường. Có những cám dỗ của những bài học tồi tệ nhất trong lịch sử. Nhưng, cũng có con đường của tuệ giác. Nó đưa chúng ta tới mục đích cao hơn: vượt lên trên tầm nhìn hẹp hòi về lợi ích và thừa nhận rằng mỗi chúng ta có thể phục vụ cho lợi ích của mình tốt hơn khi chúng ta làm việc cùng nhau như những đồng đẳng vì lợi ích lớn hơn của tất cả các quốc gia. Tôi ở đây để hối thúc tất cả đi theo con đường đó.”
Lê Thị Hằng Nga (Việt dịch và giới thiệu){ĐSHĐ-058}