Cứ sau mỗi cái Tết cổ truyền ấm cúng, vui vẻ bên gia đình và người thân, ba tôi lại xăng xái, năng động ra vườn cuốc đất, đắp bờ để chuẩn bị cho việc trồng đu đủ. Đất được ủ một tháng cùng với phân hữu cơ cho tơi xốp. Đến tháng ba là ba mẹ tôi bắt đầu gieo hạt đu đủ để kịp cho cây ra quả đúng dịp Tết cổ truyền sắp tới.
Gia đình tôi làm nông theo kiểu truyền thống, không hiện đại hóa nên những hạt đu đủ giống được lấy từ những “quả chiến” của vụ trước, mang ra nắng hong khô rồi bỏ vào ruột xơ mướp già treo trên giàn khói. Giờ chỉ việc lấy xuống và ươm mầm vào hũ nhỏ được làm từ lá dừa, lá bang có đất bên trong. Đến khi cây lên cao độ chừng một gang tay thì ba chọn cây khỏe mạnh rồi đem ra đặt vào bồn đã được bón phân sẵn. Ba cẩn thận rào lại để tránh những chú gà phá bĩnh ăn mất đọt non. Ngộ ở chỗ, đu đủ phải trồng nghiêng một góc 15 độ chứ không thẳng đứng như những cây khác thì mới cho trái sai trĩu cành và tránh được dông gió.
Tiếp những ngày sau đó, cả nhà thay phiên nhau chăm sóc vườn đu đủ để cây không còi cọc. Dù lấy kinh tế làm trọng tâm nhưng không vì thế, mà ba mẹ tôi dùng đến các loại phân, thuốc hóa học mà chỉ dùng phân chuồng và nuôi dưỡng theo kiểu thủ công truyền thống. Tất nhiên với kiểu trồng thủ công thì tỉ lệ sâu bệnh cao hơn, năng suất ít hơn nhưng những quả đu đủ của nhà tôi luôn ngon ngọt, được khách hàng ưa thích. Nhất là trong thời đại người tiêu dùng có xu hướng quay về thời rau-củ-quả hữu cơ.
Phải mất 7 tháng cây mới ra hoa kết trái. Đến 9 tháng thì cây cho quả mỏ vịt (tức quả hườm hườm ngả màu sọc vàng). Đây cũng là dịp đu đủ vào mùa thu hoạch ngay những ngày cuối năm âm lịch. Thương lái vào tận vườn chọn những quả to mang đi phân phối những chợ trong khu vực. Những quả nhỏ được mẹ mang ra chợ bán cho người ta bổ sung vào mâm ngũ quả (cầu-dừa-sung-đủ-xoài) chưng lên bàn thờ gia tiên vào dịp Tết cổ truyền. Quả nào bị loại thì mẹ làm nem, dưa, rau bào… Nói chung mẹ tận dụng tất cả những quả dạt để có thêm thu nhập cho gia đình. Riêng ở một góc vườn, bao giờ ba cũng để lại ba cây đu đủ trái to, sai (theo quan niệm của ba là bộ tam đa: Phước – Lộc – Thọ) cho cả nhà dùng và làm hạt giống.
Ngày ba mươi tết, mẹ ra vườn cẩn thận chọn những quả chín hườm hườm đặt vào mâm ngũ quả để cúng ông bà. Riêng những quả còn nằm trên cành, khi nào ăn mới hái. Bởi vị của đu đủ chín cây ngọt lịm không sao diễn tả hết. Nhất là những quả bị chim, dơi ăn, đối với dân làm vườn được coi là tuyệt hảo. Cũng từ những quả ấy, phảng phất hương đu đủ chín hòa vào gió xuân lan tỏa tận trong nhà khiến ai cũng thèm thuồng.
Trần Thái Học (ĐSHĐ-101)
Sc Nhuận Anh diễn đọc