Đúng 5 giờ xe lăn bánh, đoàn sinh viên khoa Lịch sử Phật giáo Việt Nam TP.HCM chúng tôi khởi hành chuyến đi khảo cứu ngoại khóa về miền Tây Nam Bộ.
Đồng Khởi Bến Tre, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn, vùng đất thiêng ghi dấu biết bao tấm gương anh hùng liệt sĩ hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc. Tọa lạc giữa trung tâm Bến Tre, Trường Trung cấp Phật học Bến Tre do Thượng tọa Tiến sĩ Thích Trung San kiêm giáo thọ sư khoa Lịch sử của chúng tôi làm Hiệu trưởng. Điều làm chúng tôi bất ngờ và vô cùng kính phục ở Thượng tọa là đức tính khiêm cung cao quý; thường nhật khi lên lớp Thầy chuyên tâm làm tròn vai trò một giáo thọ sư như bao giảng viên khác, đến cuối niên khóa chúng tôi vẫn chưa từng biết Thượng tọa có địa vị cao trọng như thế. Đây là bài học cao quý đầu tiên về thân giáo của Người mà chúng tôi được học.
Tiếp đến buổi giao lưu Phật học với trường Phật học Bến Tre diễn ra vô cùng sôi nổi, Thầy hiệu phó khẳng định: “Trường Phật học là thao trường nơi đào luyện người tu sĩ“. Tiếp lời Thầy, nhiều câu hỏi về quá trình du nhập Phật giáo vào Giao Chỉ (Việt Nam), Giới luật Thanh văn và Bồ tát, pháp tu Thiền – Tịnh – Mật, quá trình phân chia Thượng tọa Bộ và Đại Chúng Bộ… được huynh đệ khóa 4 Trung cấp Bến Tre đưa ra cho khoa sử khóa 14 chúng tôi đã làm hội trường sớm tăng nhiệt ngay từ những giây phút đầu giao lưu. Đây quả thật là một điều làm huynh đệ khoa Sử bất ngờ và khá thú vị.
Sự điềm tĩnh, nhanh chóng trả lời và các luận cứ cùng nguồn tư liệu khá rõ ràng của chúng tôi làm hài lòng thầy Hiệu trưởng cũng như chư huynh đệ trường Trung cấp đến 95%, 5% còn lại thuộc về yếu tố bất ngờ không báo trước. 4h ngắn ngủi trôi qua thật nhanh, buổi giao lưu khép lại, chúng tôi tạm chia tay chư huynh đệ Trường Trung cấp Bến Tre để tiếp tục cuộc hành trình về nguồn khám phá lịch sử, lắng nghe tiếng vọng của ngàn xưa.
Miền cát trắng Hà Tiên – Kiên Giang, điểm dừng chân thứ hai, vùng đất giàu tài nguyên cùng nhiều di tích lịch sử Việt Nam có nguồn gốc gắn liền với Phật giáo. Tiêu biểu là ngôi chùa Phù Dung với vị Ni sư đầu tiên của miền Nam Việt Nam xuất gia tu Phật, thọ Bồ tát giới tiên phong trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Ni sư Phù Cừ tục danh Nguyễn Thị Xuân. Ni sư Phù Cừ cùng bước song hành với đoàn người đi mở đất, dưới sự chủ trương của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu lấy tinh thần Phật pháp định hướng cho đời sống dân tộc, mở đất phương Nam bằng con đường Phật giáo. Sau cuộc chiến thảm khốc biên cương Ai Lao, bà mồ côi mẹ, lúc bấy giờ chỉ mới 10 tuổi, phải cùng anh cải nam trang theo cha vào Nam lánh nạn. Lúc bấy giờ vùng đất Hà Tiên do Ngài Quốc công Mạc Cửu cai quản. Ngài Mạc Cửu nguyên là tướng người Trung Hoa do có công khai trấn Hà Tiên và dâng vùng đất này lên cho Chúa Nguyễn nên được phong chức Khai Trấn Công Thần. Trung Hoa nhiều lần tham vọng muốn thôn tính Hà Tiên, đòi Việt Nam ta trao trả Hà Tiên cho chúng với lý do Mạc Cửu là tướng Trung Hoa. Đòi hỏi của chúng vốn sai luật vì vùng đất này đã được Mạc Cửu cung hiến cho Chúa Nguyễn nên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Việt Nam.
Năm 16 tuổi, Bà vẫn cải nam trang sánh vai đồng học cùng con trai Mạc Cửu là Mạc Tứ Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn. Mạc Thiên Tích vốn học trò của cha Bà. Trong đêm Hoa Đăng trổ tài thi phú, Mạc Tứ phát hiện Thị Xuân một giai nhân tài sắc vẹn toàn. Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn, sắm lễ vật xin cưới nàng làm thứ thiếp. Thị Xuân cho rằng “Mình nên chấp thuận cuộc hôn nhân này, để có cơ hội gần gũi trợ duyên một học trò ưu tú của cha mình, một bạn học xuất sắc cùng thầy, một Tướng công văn võ kiêm toàn, người có tài thao lược trấn biên giữ ải, góp phần tốt Đời đẹp Đạo, nước thịnh an dân, nơi vùng đất mới cực Nam biên cương Tổ quốc.” Vì thế, sau tiết Đoan dương năm Đinh Tỵ (1737) việc tiến nạp Phù Cừ kể như đã định. Nhưng vì 3 năm thọ tang của cố khai trấn Mạc Cửu, cũng như trong thời gian này Mạc tướng công xây dựng một biệt viện cho Thị Xuân, cho nên, đến thượng nguơn năm Mậu Ngọ (1738) thì lễ nghinh hôn mới tiến hành. Hôn lễ tổ chức tại một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ mang tên Điệp Thúy Lầu dưới chân dãy Bình Sơn Điệp Thúy, mặt tiền hướng về Đông Hồ Ấn Nguyệt, trước lâu đài có một Tịnh Thủy Hồ với tên gọi Bửu Nguyệt Liên Trì, trồng toàn sen trắng, trên mặt hồ xây dựng một tòa Thủy tạ có tên Hương Viễn Kiều nằm uốn mình vắt ngang nối ngay giữa hai tòa lầu tô điểm thêm phần trang nhã cho Điệp Thúy Lầu. Với vẻ đẹp thanh cao, trong trắng như hoa sen và tài năng thi phú sánh ngang nam tử, nàng được yêu quý với tên thường gọi Ái Cơ. Cũng từ đây bà chánh phu nhân đem lòng đố kỵ, đợi thời cơ bắt nhốt Thị Xuân vào trong một cái chậu, úp lại cho ngộp mà chết. Bất thình lình, vừa lúc đó trời bỗng đổ mưa to và Mạc Lịnh công cũng vừa về đến giải cứu được Ái Cơ. Đúng là:
Tình đời bến mộng mênh mông,
Cuộc đời xoay chuyển như trong bàn cờ.
Sau những lần biến nạn, Ái Cơ thức tỉnh, ngộ lý vô thường, huyễn hóa kiếp nhân sinh quyết tìm đường giải thoát giác ngộ của Phật pháp và khẩn thiết xin đoạn tuyệt duyên thơ với Mạc tướng công, quyết chí tu hành. Từ đó bà thọ Bồ tát giới hiệu Phù Cừ trụ trì ngôi Am Tự do Mạc tướng công xây dựng (sau này đổi thành Phù Dung Cổ Tự), gắn liền với biên cương Tổ quốc và được nhân gian truyền tụng:
Hà Tiên xứ Phật người Hiền;
Bởi bước đầu tiền nhân mở đất,
trước dựng chùa,
sau mới an cư lạc nghiệp cho dân.
Ni sư Phù Cừ là một trong những sứ giả Như Lai cùng chư Tôn đức Tăng già và các quan lại thọ Bồ tát giới đã theo gót chân của các bậc Thánh triết, Hiền nhân đi trước vào thời Lý, Trần; dùng chủ nghĩa Từ bi, hiện thực lý tưởng Bồ tát đạo, Quốc sách an dân kiện toàn trong mọi lĩnh vực. Ni sư an nhiên thị tịch vào ngày rằm tháng 02 đầu xuân Tân Tỵ (1761). Hưởng dương 41 tuổi. Hơn 10 năm tu tập. Nhục thân Ni sư an táng dưới chân núi Bình San Điệp Thúy, bên tả Phù Dung Cổ Tự hiện nay. Du khách mỗi khi đến kính viếng Phù Dung Cổ Tự, thường nghe câu chuyện tình lịch sử thấm đẫm văn chương và nước mắt giữa Mạc Tổng Trấn và Ái Cơ Phù Cừ. Năm 1959, nhà văn, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà viết vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” theo tác phẩm “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của nữ sĩ Mộng Tuyết. Vở cải lương thu hút không biết bao nhiêu con tim của khán thính giả thời bấy giờ. Tuy nhiên, tình huống trong vở tuồng chỉ là hư cấu thêm vào không đúng sự thật về Ni sư.
Điều bất ngờ thứ hai của đoàn khi đến chùa Phù Dung Hà Tiên này là đủ duyên lành được diện kiến người bạn đồng thời với thầy Trưởng khoa Lịch sử Thích Chơn Minh của chúng tôi. Thượng tọa là vị uyên thâm Phật học, sử học nhưng lại chọn cuộc sống ẩn dật nơi chùa Phù Dung Hà Tiên này để duy trì và bảo vệ những chứng tích lịch sử Phật giáo. Nhờ phúc duyên này, chúng tôi được Thượng tọa khai ngộ về sự thật của lịch sử ngôi cổ tự Phù Dung. Lâu nay chúng tôi đều bị các vở tuồng che mắt nên hiểu sai về lịch sử Ni sư Phù Cừ. Một vị Ni sư tài sắc vẹn toàn, người Ni đầu tiên của miền Nam và là người Ni đầu tiên thọ Bồ Tát giới ở miền Nam Việt Nam ta.
Rời Phù Dung Tự, đoàn chúng tôi tiếp tục viếng di tích lịch sử nhà mồ xương người. Bước vào nhà mồ, tận mắt chứng kiến núi xương người, không khí đoàn chúng tôi bỗng chùng xuống bi thương một cách kỳ lạ. Có cái gì nóng rát, cay cay nơi khóe mắt của chúng tôi… Sau 10 phút mặc niệm, hồi hướng cho những hương linh cổ xưa, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường thẳng tiến về biển đảo Phú Quốc.
Di tích lịch sử đầu tiên đoàn chúng tôi đến viếng là nhà tù Phú Quốc, một nơi được mệnh danh là địa ngục chốn trần gian do bọn thực dân tạo nên để giam giữ và hành hạ những anh hùng chiến sĩ Cách mạng. Có đến chứng kiến tận mắt chúng ta mới cảm nhận được dòng máu yêu nước căm thù giặc sục sôi trong trái tim của mỗi người con đất Việt.
Điểm cuối cùng đoàn chúng tôi dừng chân là 2 ngôi chùa nổi tiếng nhất trong quần thể 8 ngôi chùa ở biển đảo Phú Quốc. Đó là chùa Sùng Đức và chùa Hộ Quốc. Ấn tượng đầu tiên đặt chân đến vùng đất biển đảo Việt Nam hùng vĩ, tươi đẹp này là không khí trong lành mang hơi mặn của biển cả. Việt Nam ta tươi đẹp, hiền hòa với bóng dáng những người dân miền Tây sông nước hiền lành, quê mùa, mộc mạc.
Tuy là vùng biển đảo xa xôi, Phật tử không nhiều như thành phố xa hoa, không là cái nôi của nền kinh tế Việt Nam thế nhưng Phú Quốc được mệnh danh vùng đất vàng của lịch sử và du lịch. Niềm tin vào Tam Bảo của những người Phật tử nơi đây rất mãnh liệt và đơn sơ như con người của họ vậy. Theo lời của Thầy Trụ trì chùa Sùng Đức, Phật tử trên đảo chỉ khoảng trăm mấy vị, thế mà ngày nào cũng tinh tấn đến chùa tham gia các khóa tu tịnh độ, ngồi thiền… cuộc sống nơi đây không ồn ào, náo nhiệt như chốn thị thành nhưng bình an, tĩnh lặng như mặt biển ngày trời không nổi gió. Thật đẹp thay! Đáng trân trọng thay!
Tấm lòng hiếu khách và tôn kính người xuất gia là nét đẹp đầu tiên của người Phật tử biển đảo. Điều này mặc nhiên trở thành những hình ảnh khó phai trong lòng của mỗi thành viên đoàn du khảo chúng tôi. Thời gian thấm thoắt qua nhanh, chia tay biển đảo và Phật tử chùa Sùng Đức, chúng tôi về lại Sài Gòn trong lòng thoáng chút bâng khuâng…
Chuyến du khảo ngoại khóa chỉ vỏn vẹn có 4 ngày, thế nhưng cũng đủ mang đến cho huynh đệ Khoa Lịch sử khóa 14 chúng tôi một luồng sinh khí mới, những kinh nghiệm thực tiễn sống động khi trực tiếp chạm vào thực tế; những bài học đạo đức cao quý từ những bậc Thầy hướng đạo và hơn hết đó là những ghi nhận có chánh kiến về sự thật của lịch sử về đạo pháp và dân tộc. Chúng tôi tự hào khi chọn ngành Lịch sử học này. Tuy chúng tôi không nói giỏi như những nhà hùng biện nhưng chắc chắn một điều chúng tôi là những nhà nghiên cứu năng động và sẵn sàng đương đầu trước bất kỳ mọi thế lực tà kiến nào trên cuộc đời này để bảo vệ chánh pháp trường tồn bất biến với thời gian.
TN. Giác Nguyện
Diễn đọc: Sc Thánh Thảo