Việt Nam là đất nước ngàn năm văn hiến, truyền thống kính trọng người già đã có từ lâu đời. Người Việt Nam ta thường hãnh diện là gia đình có phúc khi có cha mẹ ông bà sống trường thọ cùng con cháu đến 4-5 đời (gọi là tứ/ngũ đại đồng đường). Truyền thống kính trọng ông bà, người cao tuổi (NCT) thật sự là một nét đẹp trong đạo lý Việt Nam.
Đã từ lâu, trong dân gian câu tục ngữ “Kính già, già để tuổi cho”, hay “Kính lão đắc thọ” vừa biểu thị một lời khuyên răn dạy dỗ vừa nói lên một phương châm xử thế trong gia đình và ngoài xã hội. Việc kính trọng NCT trước hết bắt đầu từ ngay trong gia đình là kính trọng cha mẹ già, người đã sinh thành và nuôi dưỡng giáo dục con cái nên người;
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau”.
Nhiều làng ở Việt Nam trước đây có tục yến lão hàng năm hoặc hai, ba năm một lần thết mừng thọ những NCT trong làng. Những NCT có vinh dự được cả làng kính trọng “sống lâu lên lão làng”, không phải có tiền của hay quyền thế mà có được và cũng không phải tranh giành mới có. Các cụ cao tuổi được dân làng đem cờ quạt, phường bát âm rước ra đình làng một cách rất trọng thể để dự buổi tế lão cũng long trọng như tế thần làng, có đọc văn tế, văn chúc thọ, có phường bát âm tấu nhạc. Sau lễ tế là cỗ yến rất thịnh soạn, có giò nem, bánh giày, bánh chưng… Trước đây, nơi đình trung không hề có bóng phụ nữ nhưng trong tục chúc thọ NCT có mặt cả các lão bà, thể hiện sự bình đẳng trong việc kính trọng, làm cho các gia đình còn cả ông bà già cả vui vẻ, đầm ấm và cũng có ý nghĩa giáo dục kính trọng chung. Phong tục này thật sự chứng tỏ việc kính trọng NCT đã có từ lâu đời và là một truyền thống đạo lý cao đẹp của nhân dân ta từ ngàn xưa.
Đến đời Lê, Luật Hồng Đức trị tội con cái không phụng dưỡng ông bà, cha mẹ già: “Con, cháu trái lời dạy bảo và không phụng dưỡng bề trên mà bị ông bà, cha mẹ trình lên quan thì xử tội Đồ làm khao đinh… ” (Điều 506-Đồ làm khao đinh là tội bị đánh và bắt đi phục dịch trong quân đội một thời hạn). Nếu tội nặng hơn như: “Lăng mạ ông bà, cha mẹ thì xử tội Lưu châu ngoài, đánh thì xử tội Lưu châu xa, đánh bị thương thì xử tội Giảo…” (Lưu là bị đánh bằng trượng, thích chữ vào mặt đưa đi đày. Giảo là bị tội chết bằng cách bị thắt cổ – điều 475). Đặc biệt, Điều 38 bộ Luật Hồng Đức khuyến khích con cháu hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, ông bà nhiều tuổi, nếu chẳng may gây ra tội bị phạt thì con cháu chịu tội thay và được giảm nhẹ: “Con cháu thay thế cha mẹ, ông bà chịu tội đánh roi hoặc đánh trượng thì đều được giảm một bậc”. Luật Hồng Đức còn chiếu cố người có tuổi khi phạm tội: “Những người từ 70 tuổi trở lên, phạm tội từ Lưu trở xuống đều cho chuộc bằng tiền… Từ 80 tuổi trở lên… nếu phạm tội phản nghịch giết người, đáng bị tội chết, thì phải tâu lên vua để xét định, nếu ăn trộm và đánh người bị thương thì cho chuộc, còn ngoài ra thì không bắt tội. Từ 90 tuổi trở lên dẫu có tội chết cũng không hành hình…” (Điều 16).
Việc phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng của Nhà nước và cơ quan đoàn thể thực hiện, chăm sóc lúc các mẹ bệnh và thường xuyên thăm hỏi, chu cấp hàng tháng…, đã thể hiện lòng biết ơn uống nước nhớ nguồn, săn sóc và kính trọng người cao tuổi của dân tộc ta. Nhiều người cao tuổi đã hăng hái rèn luyện chống lại bệnh tật, nâng cao sức khỏe, sống lạc quan thoải mái, vẫn cống hiến cho xã hội, thật sự là những gương sáng cho con cháu trong nhà và tầng lớp thanh thiếu niên noi theo. Nhiều người cao tuổi vẫn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để học tập:
“Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.
Tuy nhiên, hiện nay không ít người coi khinh cha mẹ, bạc đãi ông bà vì cho rằng họ… vô dụng. Xét về tình – đó là một hành động trái với đạo lý dân tộc, và xét về lý – trái với pháp luật mà Hiến pháp đã quy định. Vì vậy, mong rằng người trẻ nên biết kính trọng người già một cách tốt nhất. Không phải vì nghĩa vụ mới phụng dưỡng mà hãy để việc làm này xuất phát từ trái tim. Bởi chính họ là những người đã từng có một thời gian dài lao động cật lực để nuôi con cháu nên người. Phận làm con, làm cháu hãy luôn ghi nhớ cây ca dao dưới đây:
“Ngày đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Đàm Vũ Tri (ĐSHĐ-133)