Đó là một câu chuyện dài tương thông giữa hai thế giới với hai đấng Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni và Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Hai cõi giới dường như xa cách nhưng đâu đó trong cõi đời nhiều đau thương, con người ta chợt nhận ra những cuộc hội ngộ, trùng phùng mà các Ngài cũng vì thương tưởng chúng sanh rồi dạo chơi trong sanh tử. Còn nhớ, trước khi đức Thích Ca thành đạo, Ngài là một con người bằng xương bằng thịt như bao con người khác. Ấy vậy mà cái gạch nối giữa hai đức Phật dường như đã gặp nhau kể từ lúc Thái tử Tất Đạt Đa cầu xin vua cha trả lời cho 4 câu hỏi trọng đại của kiếp người: “Làm sao trẻ mãi không già, mạnh mãi không đau, sống hoài không chết? Làm sao cho mọi loài hết khổ”? Phải chăng đó là mối dây sau cùng trong con đường Bồ tát đạo mà Thái tử phải đi qua?
Bao nhiêu lần nhìn lại loạt câu hỏi, bao nhiêu lần trì tụng Dược Sư kinh cũng là bấy nhiêu lần con người ta không ngừng thắc mắc về Bổn hạnh thế độ của chư Phật. Mùa Xuân năm nay, câu chuyện ấy lại bắt đầu viết tiếp khi mà các Đàn tràng, Pháp hội đã được bài trí trang nghiêm trên các không gian tự viện giữa lòng Thành phố. Hàng ngàn người lại nô nức, lại chen chân vào một thế giới với hàng vạn lời khấn nguyện, cầu xin. Chuyến xe cầu nguyện về cõi Phật đầu Xuân dường như đông hơn bao giờ hết. Có lẽ nó đã trở thành thông lệ, hay cũng được coi như một truyền thống của tín đồ nhà Phật.
Trong cõi Ta bà, thế giới của chư Phật dường như xoay quanh theo các mùa trong năm và thế giới Dược Sư dường như đã vô tình được an định vào những tháng ngày mùa Xuân như thế. Đó là mùa lễ hội, không chỉ mong mỏi cho một sự khởi đầu suôn sẻ, bình an trong năm mà còn là thời điểm mà những người con Phật biết làm mới mình trong muôn vạn điều hối hả, chật vật với hành trình mưu sinh nối tiếp.
Chuyến phà cầu nguyện vẫn đông nghẹt, sớ điệp, nhang đèn hòa trong tôn hiệu bậc Đại Y Vương. Tín đồ học Phật không ai là chưa từng biết đến lễ nghi cầu an đó. Tất nhiên, chưa ai bảo cầu nguyện là điều lỗi đạo, trái phép, vì Phật chưa bao giờ cấm cản trong kinh điển và đạo Phật cũng không có tiền lệ là một tôn giáo với những khuôn khổ, giáo điều. Đó là nhu cầu tâm linh của con người và nó thể hiện một phần nào quyền tự do tôn giáo. Song, trong nhìn nhận của không ít tín đồ, niềm tin và lễ nghi cầu nguyện Đức Dược Sư lại có phần thiên lệch. Bởi con người ít muốn tạo “nhân” hơn cầu hưởng “quả”.
Hành trình lý giải 4 nỗi sợ của Thái tử Tất Đạt Đa là một minh chứng được tồn tại hơn hai ngàn sáu trăm năm qua và Ngài cũng là một Đại Y Vương xuất hiện nơi trần thế. Nơi hình hài xác thân vật lý ấy, Bậc Đạo Sư vẫn thuận theo quy luật sanh, già, bệnh, chết của kiếp người. Riêng nỗi thống khổ thì đã thực sự viễn ly, tịch tịnh. Giáo chủ Ta bà và Giáo chủ phương Đông đến đi theo nguyện; chẩn bệnh, chữa bệnh bằng phương tiện, dược liệu khác nhau; thế nhưng kết quả đều giúp chúng sanh an ổn, giải thoát. Hơn nữa, bổn nguyện của các Ngài không hàm chứa hoàn toàn yếu tố “tha lực”, cũng không phải phù phép để ban rải phước lành. Hành trình giác ngộ của các Ngài là một hành trình dài vô lượng và nhân lành được gieo trồng từ vô số kiếp. Ở đó, yếu tố “tự lực” luôn là điều kiện tiên quyết… Ấy vậy mà lắm lúc, giới Phật tử tôn sùng các Ngài như một vị Thánh, rồi quên mất con đường thực hành và niềm tin trong chánh đạo.
Một năm, hai năm rồi ba năm ngoảnh lại vẫn thế, vẫn đốt đèn cầu Phật phóng quang, cầu ánh sáng Ngài dẫn dắt chúng sanh ra khỏi u mê sinh tử. Trước bàn Phật râm ran cầu nguyện nhưng sau bóng Phật, tâm ý biết nương đâu? Trong khi cõi “Tịnh Lưu Ly” cần được xây dựng bằng những chất liệu vô cấu, vô nhiễm. Hào quang của Phật có thể chiếu rọi cùng khắp nhưng một khi lòng tin bị pha tạp thì càng chiếu càng thấy rõ bợn nhơ. Chừng nào lòng người không vấy bẩn bởi tạp niệm, bợn nhơ thì ngay lúc đó được sống trong ánh hào quang của Phật. Tiếc thay, chúng sanh chỉ biết réo tên Ngài mỗi khi hoạn nạn ập đến và sự linh ứng, nhiệm mầu cũng chỉ được nâng tầm giá trị khi Phật hộ độ, gia trì cho người qua cơn nguy khốn, tai ương. Hoạn nạn đi qua, bóng hình và ánh sáng của Phật cũng dường như dần lịm tắt trong cõi lòng, trong nhận thức của người cầu nguyện. Ánh sáng thường trực mất đi, cuộc sống lại tiếp tục lao vào bấp bênh, lo lắng và bất ổn. Đời người, nếu không thường xuyên diện kiến, tưởng nhớ Phật thì ít có cơ hội soi lại tâm mình và làm sáng thêm ánh sáng ấy. Một người Phật tử biết lan rộng niềm tin chánh tín về Phật Dược Sư thì vùng sáng ấy không chỉ chiếu cho bản thân mà còn cho gia đình, nhân quần xã hội. Có được như thế, thời mới xây dựng được một quốc độ, một trú xứ an ổn, thịnh trị, hòa bình.
Bao nhiêu mùa xuân qua, bấy nhiêu lần tự nhủ: Tự dặn lòng nỗ lực tu hành để thân tâm vững chãi, để “cầu nguyện” không còn bám lấy sớ điệp, lễ nghi. Tự dặn lòng thường xuyên dọn dẹp vườn tâm để chiêu cảm được cõi giới trang nghiêm và hạnh nguyện, ân đức thù thắng của Phật. Tự dặn lòng phải biết Thần lực của Ngài, ánh sáng của Ngài nằm ở đâu trong việc làm của chính bản thân. Tự dặn lòng chủ động huân tập chủng tử thiện lành để không đến với Ngài bằng tất cả sự nương tựa “tha lực” hay thuần túy “tín ngưỡng”. Tự dặn lòng không xem Ngài như một vị thần có quyền năng ban phước. Tự dặn lòng, phải biết cân bằng tự lợi và lợi tha để không mong mạnh khỏe, an ổn bằng mạng sống và sự thương tổn của chúng sanh và người khác. Tự dặn lòng ngăn chặn lỗi lầm từ thân để quản thúc sự rong ruổi của tâm và giữ gìn tịnh giới của Phật. Tự dặn lòng, tụng niệm từ tâm không bằng đồn đoán, lan truyền xằng bậy. Tự dặn lòng, muốn có sức khỏe phải hỗ trợ cho người những lúc ốm đau…
Có vẻ, trong một loạt những lời tự nhủ ấy cũng không ngoài tin tưởng các bậc Đại Y Vương bằng tất cả lòng thành và sự hiểu biết. Một bảo hiểm dài hạn và trọn vẹn không chỉ bảo vệ thân tâm mà còn bảo đảm cho cả sự tái sanh sau khi mãn kiếp. Sự thường trực của Ngài trong tâm niệm sẽ là cánh cửa mở lối để cho muôn vạn tai ương được đi qua; những rủi ro, tật bệnh cũng không còn là chiếc bóng âm thầm, đáng kinh sợ của người đuối sức.
Chữa bệnh theo Phật không bao giờ được hiểu bằng các kiểu xin vía từ việc thờ cúng nước uống, trái cây, thức ăn, trì “chú”, luyện bùa… “Chú” của Phật là phương thuốc giúp cho người tu học định tâm chứ không phải là phép thuật để giải quyết những vấn đề mang tính ma mị. Một người có niềm tin chân chánh hẳn cũng tỏ rõ việc “chữa lành” còn được thực hiện bằng sự hỗ trợ thuốc thang, giúp đỡ người bệnh tật, mua bảo hiểm, bảo hộ mạng sống cho người khác, gieo duyên cho người khác trong quá trình điều trị những thương tổn về thân tâm.
Tinh thần cứu độ của đức Dược Sư cũng chính từ nơi ấy mà được hiển lộ, mà chính người thực hiện cũng được phước báu vô lượng trong việc hộ mạng này. Lời Đức Thế Tôn vẫn còn đó: “Ai chăm sóc người bệnh thì chính người ấy đang chăm sóc Phật”. Một hành giả thật tu thì lòng luôn chủ động; chủ động lan tỏa hình ảnh, thông điệp của đức Dược Sư, biến mọi ô trược thành Tịnh Lưu Ly; xây dựng cõi tâm thành “Đông Phương thế giới”. Thân khỏe, tâm an, đất Phật trong lòng, chớ phải chờ đợi tiếp dẫn lúc lâm chung.
Như Nguyệt (ĐSHĐ- Xuân Giáp Thìn)