Tinh thần tri ân và báo ân là nét đẹp truyền thống của người Phật tử nói riêng, cũng như dân tộc Việt Nam nói chung. Việc làm báo ân của người dân không chỉ thể hiện bằng lời nói suông cửa miệng, mà đã được thể hiện bằng hành động cụ thể trong thời kỳ đỉnh dịch tại Thành phố mang tên vị cha già kính yêu của dân tộc. Cuộc sống an cư lạc nghiệp của người dân hào sảng nghĩa tình nơi đây, bỗng chốc thay đổi 180 độ chỉ vì một trận đại dịch mang tên Covid-19. Không khí ảm đạm, chết chóc, sợ hãi bao trùm toàn thành phố với con số người không may bị nhiễm bệnh hay thậm chí không thể vượt qua ranh giới tử sinh tăng vọt mỗi ngày. Tuy vậy, tinh thần không khuất phục trước mọi khó khăn, vốn luôn đong đầy trong ý chí của người dân Thành phố này. Bên cạnh sự hiệu triệu của lãnh đạo Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, quyền pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi bức tâm thư đến Tăng Ni, Phật tử từ Hạ trường chùa Huê Nghiêm trong khi toàn Thành phố thực hiện chỉ thị 16: “Con đường tâm linh của người Phật tử, cả xuất gia và tại gia, phải luôn giữ được sự hài hòa lợi mình, ích người và tốt đẹp cho môi trường chung. Do đó, trong lúc này, tôi mong chư Tăng Ni, Phật tử các giới, ngoài việc giữ gìn thời khóa hành trì theo Pháp môn căn bản, còn nên phát huy sự dấn thân chia sẻ với bà con chung quanh mình. Đó là hành động thiết thực theo tinh thần mà Đức Phật đã dạy: Hiến tặng sự không sợ hãi, chia sẻ đồ dùng thiết yếu, xoa dịu nỗi khổ niềm đau. Đồng thời, chúng ta còn cần tỉnh giác, đừng vì bất cứ lý do gì mà quên nguyên tắc phòng, ngừa dịch bệnh đã được ngành y tế phổ biến.” Trong cuộc chiến không cân sức này, giữa con người và một thế lực vô hình, đã rộ lên phong trào “Cởi áo cà sa khoác blouse trắng”. Điển hình là sư cô Minh Đạt, Ni sinh khóa 12, một trong các tình nguyện viên xung phong tuyến đầu bồi hồi nhớ lại: “Không có bài học nào đáng quý bằng sự tự trải nghiệm và trực tiếp chứng kiến những khó khăn trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 của nhân dân. Điều may mắn là tôi đã được sống và chứng kiến những vật lộn trong cuộc sanh tử của người dân và cả những hy sinh, vất vả mà lãnh đạo các cấp chính quyền đã trải qua trong quá trình cùng toàn xã hội căng mình phòng chống dịch bệnh. Nếu bạn có mặt trong những ngày dịch bệnh hoành hành tại TP. Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấu hiểu những điều mà tôi đã từng chứng kiến.
Khi dịch bệnh bùng phát, toàn Thành phố phải đối mặt với bao khó khăn từ đối nội cho đến đối ngoại mà từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ. Mặc dù có những bất cập trong quản lý, giám sát; nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của Chính phủ và các Ban ngành hữu quan mà đời sống người dân dần được cải thiện và dần thích ứng với hoàn cảnh mới. Ngoài việc hướng dẫn, ban hành những quy định, các nhà lãnh đạo còn trực tiếp khảo sát thực tế, tổ chức những cuộc vận động các đoàn thể tham gia cùng thành phố trong việc đảm bảo nhu cầu cần thiết của đời sống cho người dân. Có người phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao trong khi làm nhiệm vụ. Mặc dù họ không trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch như những y bác sĩ, nhưng họ là những hậu phương hết lòng ủng hộ cho tiền tuyến. Nhờ sự kết hợp giữa Giáo hội và chính quyền mà những người tu sĩ trẻ như chúng tôi mới có dịp tham gia làm tình nguyện viên.”
Những hy sinh thầm lặng nơi hậu phương vững chắc không riêng chỉ có các tu sĩ trẻ, đặc biệt chúng ta không thể không nhắc đến một đội ngũ cũng hết sức xông xáo, dưới sự cầm quân của MC lừng danh Quỳnh Hoa, Phó giám đốc nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM. Đội tình nguyện viên gồm các nghệ sĩ, người mẫu, những người của công chúng, đã xông pha trong khu cách ly, hỗ trợ các y bác sĩ lấy mẫu tầm soát, tiêm ngừa vaccine, thậm chí trực điện thoại, đi chợ giùm người dân,… hay mang lời ca tiếng hát phục vụ tại các bệnh viện dã chiến nhằm xoa dịu niềm đau của bệnh tật, cổ vũ tinh thần người bệnh cũng như đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu. Khi được người viết đặt câu hỏi động lực nào đã giúp nhóm hoàn thành nhiệm vụ gian nan như thế trong khi có không ít lời bàn tán họ là những bình hoa di động trên sân khấu, những việc làm của họ chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi khi sân khấu đang tạm ngưng hoạt động, chị Quỳnh Hoa chỉ mỉm cười trả lời đơn giản đó chỉ là việc làm theo chỉ đạo của Thành đoàn. Thật là một sự chỉ đạo đầy ý nghĩa thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Những hành động tô đẹp cho đời như thế, đã trở thành mảng màu rực rỡ niềm tin yêu và hy vọng trong những ngày Thành phố “bị thương”. Thành phố mang tên Bác kính yêu đang dần hồi phục bằng liều thuốc mang tên “cảm ơn” của những người con Thành phố. Họ những người công dân trẻ, bằng tinh thần tri ân những cha anh đi trước, đã dùng cả tuổi thanh xuân đổi lấy cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay, tiếp tục kế thừa để khoác lên cho Thành phố chiếc áo hoa xã hội phồn vinh, công bằng và văn minh trong ngày sinh nhật lần thứ 47 của mình.
Vu Kiệt (ĐSHĐ-103)