Đó là một ngày nhiều cung bậc cảm xúc của tân Ni sinh Huệ An – một Ni sinh 24 tuổi vừa tốt nghiệp Trung cấp Phật học và thi đậu vào Học viện Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh Khóa 19, cô hớn hở tay xách, tay kéo đồ đạc vào môi trường mới. Đây cũng là môi trường mà Huệ An đã mơ ước tham gia vào tu học từ lâu.
Bỗng một tiếng nói nhẹ nhàng vọng đến:
– Con pháp danh gì, sao không vào Nội viện đi mà đứng đó ngây người ra vậy con?
Đó là một vị Sư trạc ngoài năm mươi, với đôi mắt sáng và nụ cười từ bi.
– Dạ mô Phật thưa Sư, con pháp danh Huệ An ạ.
– Huệ An hả con, con ở lầu 4, phòng 406, giường 1 nha con.
Nghe đến hai từ “lầu 4”, Huệ An bất ngờ, tay xách hai cái ba lô, kéo một cái vali và 1 bịch đồ gồm kệ lắp ghép cùng vài cuốn sách, cô thở một hơi dài… Thấy thế, các Sư chị khóa trên cùng nhau lại hỏi thăm và xách đồ phụ lên lầu 4. Lên đến nơi cô thở hổn hển nói:
– Dạ em cảm ơn quý chị, lần đầu em xách đồ nặng mà đi lên tới lầu 4, em mệt muốn đứt hơi quý chị ơi.
Các Sư chị khóa trên cùng nhau cười, Chánh An là một chị Khóa 17 nói:
– Không sao đâu em, em đi riết là quen hà, hồi trước chị mới vào cũng ở lầu 4, đi mệt giống em, từ từ cũng quen à em.
Sau đó, các Sư chị đi xuống để tiếp tục đón chào những huynh đệ Khóa 19. Một buổi chiều dọn dẹp, thiết trí chỗ ở cũng đã xong. Huệ An cũng quen hết các Sư chị trong phòng, phòng có 6 người mà ai cũng vui tính hết.
Hôm nay là ngày thứ hai, trải qua một buổi công phu khuya, trai đường sáng, trai đường trưa, mỗi lần như vậy Huệ An lên xuống cầu thang cảm thấy hơi vất vả. Đến giờ tụng kinh tối, trong lúc đi thiền hành sang chánh điện lớn để tụng kinh, cô nói với Tịnh Thanh:
– Chị ơi, không hiểu sao ai cũng đi đôi dép giống nhau mà dép có cái đế cũng khó đi chứ đâu phải dễ, mang dép này đi lên xuống lầu khó chịu quá.
Tuy nói nhỏ nhưng Sư trong Ban Quản viện đã nghe, Sư liền chỉ một chị không mang dép đồng phục và nói với giọng nhẹ nhàng, trìu mến:
– Con mang dép hiệu này Sư biết, dép này cũng mắc tiền à. Sư nói con nghe nè, là một Ni sinh còn nhỏ, con phải luôn biết kiệm phước của mình thì sau này mọi việc mới thuận xuôi nha con. Còn dép đồng phục khó đi vì để cho con giữ oai nghi của mình, nếu con đi mà giỡn cười, không có chánh niệm thì con sẽ bị té, chỉ như thế thì con mới biết giữ oai nghi, chánh niệm, dần dần mới trang nghiêm thân tướng. Còn một điều nữa, đôi dép đồng phục sẽ cho con sự hòa hợp, đồng chúng, đây cũng là yếu tố xây nên lục hòa đó biết không các con?
Nghe đến đây, Huệ An cúi gầm mặt xuống mà đi, không biết sao đôi dép lúc này không còn khó đi nữa, mà cô cảm thấy trân quý đôi dép vô cùng.
Tối nay tụng kinh xong, Ni sư Quản chúng tập hợp các tân Ni sinh Khóa 19 của Nội viện lại và dạy: “Các con là những Ni sinh có nhân duyên xuất gia, xa gia đình, xa Thầy Tổ để vào đây tu học, các con phải luôn nhớ phép lục hòa để cùng chung sống nha con. Với lại các con phải nhớ “thận kỳ độc”, là cẩn thận khi ở một mình. Các con không được treo màn giăng ba bên bốn phía mà phải mở ra để nhìn thấy những điều tích cực từ xung quanh như có chị học bài, có chị siêng tu, có chị đọc sách để mình không giải đãi nè. Với lại để hòa hợp với mọi người không có riêng lẻ. Những điều nhỏ nhặt thôi nhưng đều là những yếu tố góp lên sự hòa hợp trong Ni đoàn đó con”.
Dạy xong, Sư Quản chúng bước xuống cầu thang của tầng trệt để chuẩn bị ngồi thiền trước khi chỉ tịnh. Huệ An thầm nghĩ: Một Ni sư lớn tuổi mà vì sách tấn những hàng hậu học non dại mà chẳng quản ngại sức khỏe leo lên đến tầng 4, chưa kể Sư hay đi nhiều lần trong ngày để xem những ai giải đãi hay mất oai nghi để nhắc nhở mong sao chúng con luôn hoàn thiện, ngày càng tốt hơn. Nghĩ đến đây, lòng cô có một niềm tha thiết, sâu lắng khó tả.
Hôm nay là ngày cuối tuần, cũng là ngày thứ ba từ khi Huệ An bước chân vào Học viện nội trú. Hôm nay cũng là ngày tất cả Ni sinh Nội viện cùng nhau chấp tác nhổ cỏ và trồng hoa. Ai ai cũng chăm chỉ làm việc, Sư Quản viện cũng nhổ cỏ. Một bầu không khí mát mẻ và vui tươi lắm. Ni sư vừa nhổ cỏ vừa mỉm cười, ánh mắt từ bi, giọng nói trầm lắng, nhẹ nhàng:
– Các con ạ, mình nhổ cỏ không chỉ để cho cảnh quan tươi đẹp, mà nhổ cỏ còn là nhổ những cái phiền não, những suy nghĩ tiêu cực, những giải đãi tụng kinh, giải đãi học tập trong tâm của mình. Mỗi ngày các con nhổ cỏ, rồi gieo những hạt giống hoa, hạt giống hoa ở đây chính là sự siêng năng công quả, chăm chỉ học tập và tinh tấn tu tập. Có như thế thì vườn hoa tâm của các con mới ngày càng đẹp hơn. Thôi hôm nay tới giờ quả đường rồi, các con vào rửa tay, rửa chân mang bát lên trai đường nha. Nghe Sư dạy xong, tất cả Ni sinh cùng nhau dọn dẹp công cụ làm vườn trong niềm hỷ lạc rồi cùng vào vệ sinh tay chân lên quả đường dùng cơm.
Sáng hôm sau, đồng hồ báo thức reo lên 3 giờ 30 phút, Huệ An cảm thấy cơ thể mệt mỏi sau nhiều ngày vào môi trường mới với các thời khóa và chấp tác làm vườn vừa qua, cô buồn ngủ lắm. Nhưng nhớ đến lời Sư dạy hôm trước, phải biết nhổ các sự giải đãi và trồng những hạt giống tinh tấn. Huệ An mỉm cười và bật dậy xuống công phu. Một thời công phu an lạc, cô bước lên cầu thang đi lên lầu 4 cảm thấy nhẹ nhàng lạ thường, cô giải y áo và lấy muỗng đũa đi trai đường sáng. Xong một buổi trai đường cô lại leo cầu thang như mọi khi để về liêu trên lầu 4, nhưng cầu thang hôm nay thật gần mà không mệt nữa, chỉ là mỏi chân một chút.
Huệ An pha một ấm trà, ra ngoài hành lang đứng hóng mát, ánh sáng mặt trời cũng dần ló dạng phía trước mặt, xóa tan màn đêm tối vừa qua. Cô nhìn chung trà khói bay nghi ngút, hít thật sâu, thở thật nhẹ và mỉm cười nghĩ về những lời dạy của Ni sư Quản chúng như: pháp lục hòa, nhắc nhở những điều về sự kiệm phước, rồi “thận kỳ độc”, nhớ đến những người Sư chị hoan hỷ chào đón Sư em khi vào Học viện nội trú, … Cô hiểu rằng: “Được sống chung, giao tiếp qua lại với những người có lối sống lạc quan tích cực, có tư cách đạo đức, có trí tuệ, có tâm hướng thiện thì ta sẽ thường nghe, thường thấy những điều tốt đẹp lương thiện lạc quan, tâm ta sẽ có những hạt giống tốt đẹp, sẽ phát sinh những cảm xúc suy nghĩ hân hoan thư thái, tích cực vui vẻ. Đây là nền tảng của cuộc sống hạnh phúc, an lạc”.
Đứng trên lầu 4, cô nhìn về phía xa xa của bầu trời bao la rộng lớn, nơi có mặt trời tinh mơ ban ánh sáng khắp nơi, nơi bắt nguồn cho mọi sự sống trên trái đất. Cô thấy mình nhỏ bé quá. Thế nhưng, tinh thần cô như mạnh mẽ hơn, cô đã thích nghi với môi trường mới, giờ đây việc leo cầu thang không làm cô mệt mỏi, chán nản nữa, những bước đi với đôi dép đồng phục trông nhẹ nhàng và dễ thương làm sao. Đặc biệt, những Ni sinh trong màu y vàng, đội nón lá mộc mạc giản dị, xếp hàng trang nghiêm đi trai đường hay buổi tối tụng kinh thật trang nghiêm và đẹp tuyệt vời, những giờ tụng kinh cùng đại chúng hòa nhịp linh thiêng làm sao. Người tu sĩ mình đẹp quá. Cô đã hiểu ra một điều quan trọng: “Ai cũng nên có cho mình một mục tiêu, hoài bão, biết vượt qua những khó khăn, đặc biệt là sự mệt mỏi của thân và giải đãi của tâm để chiến thắng mình, đây là chiến công vĩ đại nhất”.
Giờ đây, Huệ An nhìn đâu đâu trong môi trường Học viện cô cũng thấy dễ thương, thoải mái. Cô mỉm cười hít một hơi thật sâu, hòa vào cảnh quan thiên nhiên của Học viện, nhấp một ngụm trà cảm tác một bài thơ như lời của cõi lòng an lạc, hạnh phúc:
Môi trường Học viện tuyệt vời
Song hành tu – học rạng ngời thân tâm
Giáo thọ tài đức thậm thâm
Dạy con điều thiện gieo mầm tương lai
Cho con biết dừng lại ngay
Xóa tan giải đãi còn hoài từ xưa
Dạy con tinh tấn sớm trưa
Biết lo tu học để vừa khỏe vui
Mong con đường đạo thuận xuôi
Mai sau góp sức làm người có công
Ích đời, đẹp đạo, non sông
Là người thiện mỹ trong lòng muôn dân
Mong con nhiệt huyết, dấn thân
Là người tài đức trả ân Phật Đà
Học viện – nội trú thiết tha
Chẳng đâu xa lạ – chính nhà Như Lai.
Huệ Giác (ĐSHĐ-133)