“Tháng ngày chỉ biết hôm nay,
Xuân thu ngày cũ nào ai biết tường.
Hoa vàng trúc biếc cảnh thường,
Trăng trong mâytrắng tỏ tường “toàn chân1.”
Sương giá mờ ảo gió thoảng se lạnh, bên kia nhành đào chớm nở vài nụ hồng tươi… tôi chợt nhận ra năm mới sắp đến rồi. Có lẽ sự êm ấm đã khiến tôi mất cảm giác với thế giới bên ngoài, cảnh vật đổi thay mà con người có thay đổi?
Đời sống vẫn là những vòng lặp tuần hoàn. Từ việc sinh hoạt đến tâm tư tình cảm đều xoay quanh người thân, quyến thuộc, chúng cứ thế trôi chảy vòng quanh từ năm này sang năm khác đến khi giật mình nhìn lại thì bản thân tóc đã bạc rồi.
Ngày thơ bé tôi nhìn người ta hỷ nộ ái ố, ngày ngày bị chi phối hết thứ này đến thứ khác tôi nghĩ nếu bản thân không có bước ngoặt lớn thì chắc chắn tôi cũng sẽ như họ, cũng sẽ trở thành con người vì hai chữ “nhân sinh”. Nếu cứ thế thì vô nghĩa biết bao… nhưng may mắn thay tôi gặp được thiện tri thức dẫn dắt tôi vào Phật pháp, dạy tôi lẽ vô thường và ý nghĩa của hiện tại. Cuộc đời tôi đã thay đổi từ đấy!
Nhân sinh quan trở nên an lạc hơn, cả tam quan của tôi như được bao bọc bởi ánh sáng hiền hòa của Phật. Đúng là năm mới thì người cũng phải mới. Những tư tưởng kì lạ u ám dần tan biến như tuyết mùa đông, chồi non xanh mơn mởn đón chào cuộc sống. Tâm tư tình cảm là chuyện không thể trói buộc, không thể chấp nhất bởi lẽ sự vui vẻ phải xuất phát từ chân thật và trải rộng. Chân thành đối đãi nhưng không vì tư lợi, trải rộng khắp đối tượng và không treo trên một cái cây nào, bình đẳng là biểu hiện của an bình. Bởi lẽ không chấp mới không sanh ngã2 cũng vì thế, không có bát khổ, đời sống tự nhiên an lành.
Khế Kinh có viết: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”.
Chúng sanh nhiều đời trôi lăn trong luân hồi sanh tử tạo nhiều nghiệp báo, sự an vui hay khổ nạn đều do bao kiếp đối đãi sự việc theo chánh hay tà.
Có bốn hạng người trong cuộc sống: Thứ nhất là người mang phước duyên tốt cuộc sống giàu sang nhưng tâm thức buồn khổ. Người thứ hai nghèo nhưng tâm luôn an ổn. Hạng thứ ba là người hoàn toàn không ổn và hạng người thứ tư về tất cả mọi mặt đều tốt đẹp. Thế sự khác biệt đó là vì sao? Vì không hiểu nhân quả, không gặp được chánh pháp.
Trong kinh Pháp Hoa Phật nói: “Các pháp như thị.” Do phước duyên nhiều đời mình gieo tạo, gặp được Chánh pháp thì dù ở hoàn cảnh nào cũng đều ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.
Xưa kia Alexander Đại đế (356 – 323 trước Công nguyên) là vị hoàng đế từng nghiền nát đế chế Ba Tư hùng mạnh và xây dựng nên đế chế Hy Lạp. Ông là một thiên tài quân sự bẩm sinh và cũng được xem là người có những đóng góp lớn trong tiến trình phát triển của lịch sử văn minh nhân loại. Sự ra đi của ông đã để lại bài học lớn cho thế hệ sau này, trước đó ông đã dặn dò:
“Ta muốn cả thế giới biết đến ba nguyên tắc cơ bản sau: Thứ nhất, ta muốn các bác sĩ khiêng quan tài, vì mọi người nên nhận ra rằng không có bác sĩ nào thực sự có thể chiến thắng tử thần. Họ bất lực và không thể cứu một người khỏi nanh vuốt của cái chết.
Điều ước thứ hai của ta là rải vàng, bạc và các loại đá quý khác trên đường đến nghĩa địa là để mọi người biết rằng dù đã dành cả đời để tích lũy của cải, nhưng một hạt vàng cũng sẽ không mang theo khi rời khỏi thế giới này. Ta muốn mọi người hiểu rằng khao khát trở nên giàu có chỉ làm lãng phí thời gian, năng lượng và sự thoải mái.
Với điều ước thứ ba là hai tay để ra ngoài quan tài, ta muốn mọi người biết rằng chúng ta đến thế giới này với hai bàn tay trắng và tương tự như vậy, ra đi cũng chỉ có hai bàn tay trắng”.
Thấy rõ sự vô thường và bất lực trước nó, ông nhắn nhủ nhân loại phải sống một cách ý nghĩa, đừng mê muội chạy theo những cái không có thật để rồi khi chết đi chẳng đem theo thứ gì.
Thế giới đảo điên, chúng ta liên tục tìm kiếm mục đích của cuộc đời, hoặc trở thành người có danh vọng cao, sự nghiệp thành đạt,.. nhưng những điều quan trọng có thể rất nhỏ bé và nó luôn tồn tại trong sinh hoạt hàng ngày của ta. Bản thân ta không điên đảo theo thế cuộc, phải luôn nhớ lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú rằng: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả” và “khi tâm thanh tịnh thấy các pháp đều thanh tịnh.” Do vậy, hãy tự tin khẳng định rằng bạn xứng đáng yêu, được thương, và trên hết là sống một cuộc sống thật sự là chính mình. Điều duy nhất bạn phải sợ không phải cái chết mà là sống trong sự mờ mịt.
Nếu như bạn vẫn đang cố vùng vẫy trong bất lực bởi những tiêu cực cuộc sống thì xin hãy đổi mới! Buông bỏ chiếc áo cũ đầy giả tạo, uể oải và sống thật với chính mình. Nỗ lực hết mình trong công việc yêu thích, chân thật đối đãi người và thương yêu bản thân. Gieo nhân nào gặt quả nấy, việc làm lành hôm nay mang kết quả tốt cho mai sau! Nếu bạn đã dự định làm điều gì tốt cho xã hội, cho bản thân mà chưa thể hoàn thành thì mong bạn hãy thực hiện nhanh chóng đừng để dây dưa trì trệ. Vì quá khứ chẳng thể ngăn dòng chảy thời gian! Một mai bạn hối hận thì đã muộn màng! Sức sống sẽ lớn mạnh nếu ta biết cách nắm bắt đổi thay, cuộc sống sẽ ngày càng rực rỡ và an lành!
“Vạn cây băng giá chết,
Một cội ấm mọc ra.
Đầu xóm trong tuyết đặc,
Một cành đêm nở hoa.
Gió xa đem hương ẩn,
Chim ngắm hoa trắng ngà.
Năm tới như đúng tiết,
Vườn xuân sáng ánh tà3.”
Tịnh Mỹ (ĐSHĐ-Xuân Giáp Thìn)
- Bài thơ Nhật Nguyệt của Ngài Thiền Lão, bản dịch của Lương Trọng Ngàn.
- Chấp ngã là bám vào cái ta. Là sự cố chấp về vật sở hữu của ta, lý luận của ta,…
- Bài Thơ Tảo Mai của Ngài Tề Kỷ, bản dịch của Phí Minh Tâm.