Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, theo dòng lịch sử hơn 2000 năm phát triển, từ một tôn giáo ngoại lai, Phật giáo đã trở thành điểm tựa bình an trong nếp sống tâm hồn của mỗi người dân Việt. Lịch sử đã chứng minh, Phật giáo chưa từng tách rời khỏi dân tộc, ngược lại luôn đồng hành cùng dân tộc đi qua từng giai đoạn thăng trầm của thời cuộc.
Theo sự vận hành của nhân duyên, thịnh suy qua từng triều đại, đến thời đại Lý – Trần được xem là thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo trở thành tư tưởng chủ đạo được áp dụng trong các chính sách trị quốc an dân, văn hóa Phật giáo gắn kết chặt chẽ và hòa quyện với văn hóa Đại Việt, tạo thành một nguồn sức mạnh vô hình góp phần vào chiến thắng vang dội của quân dân ta trước giặc Nguyên Mông xâm lược.
Chính vì lẽ đó, các nhà Sư là những Thiền sư đã có nhiều đóng góp và giữ một vị trí quan trọng trong triều đình cũng như trên nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt là sự đóng góp của các Thiền sư trong kho tàng văn học dân tộc. Những áng văn thơ của các Thiền sư đã mở ra một cách nhìn mới mẻ, một không khí lạc quan, yêu đời và thể hiện tinh thần nhập thế nhưng không trụ thế, tư tưởng “hòa quang đồng trần” của Phật giáo đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa, đầy sức sống trong văn học giai đoạn này.
Một trong những nét đẹp được thơ thiền thời đại này mô tả rất đặc sắc và thể hiện cả tinh thần thời đại và tư tưởng giải thoát của Phật giáo đó là vẻ đẹp của con người tự do, vượt ra khỏi mọi ràng buộc để sống an vui, hạnh phúc giữa cuộc đời.
1. Vài nét về thời đại Lý – Trần trong dòng sử Việt
Lật lại trang sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thời đại Lý – Trần được xem là một dấu son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt to lớn trong nhận thức, tư duy của mỗi người dân Việt về lòng yêu nước và tinh thần độc lập, tự cường của dân tộc.
Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, giành được quyền tự chủ, chính quyền phong kiến nước ta bắt đầu nhanh chóng kiện toàn bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Từ cuối thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV, Đại Việt đã dần trở thành một quốc gia phong kiến độc lập vững mạnh.
Kỷ nhà Lý bắt đầu từ năm 1009, dưới sự cố vấn của các Thiền sư có sức ảnh hưởng mạnh đến thời cuộc như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Pháp Thuận… cùng các quan đại thần trong triều đã làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền cuối cùng của thời tiền Lê dưới thời vua Lê Long Đỉnh và đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long, mở ra một trang sử mới cho Đại Việt, triều đại nhà Lý. Và thời nhà Trần (1226-1400), được xem là giai đoạn hào hùng và oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc, đã để lại cho đất nước những trang sử vẻ vang khi quân dân ta đã ba lần giành chiến thắng trước quân Nguyên – Mông xâm lược.
1.1. Về chính trị
Những vị vua Phật giáo đời nhà Lý – Trần đã nhận thức được vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Do đó, các vua bấy giờ rất coi trọng ý kiến của nhân dân, những chính sách xã hội, các hoạt động chính trị như dời đô, thay đổi triều đại, quyết định kế sách chống giặc… đều xuất phát từ lợi ích và quyền lợi của dân, lấy việc hợp với lòng dân là điều tiên quyết.
Vì sống có đạo đức, hợp với lòng dân nên các vua dưới thời Lý và Trần đã tập hợp được sức mạnh của quần chúng, nhân tố quyết định sự thành công của cuộc chiến chống quân xâm lược. Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151) đã từng giải thích về cách thu phục nhân tâm của các đời vua bấy giờ: “Dân ví như một đồ vật, nó sẽ yên khi được đặt ở chỗ yên và nó sẽ nguy hại khi được đặt ở nơi nguy hiểm. Điều quan trọng là tính cách của vua. Nếu đạo đức của vua phù hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu vua như cha mẹ, sẽ ngưỡng nhìn và xem vua như mặt trăng mặt trời. Điều đó có nghĩa là đặt dân vào nơi chỗ yên vậy1.”
1.2. Về kinh tế xã hội
Sản xuất nông nghiệp được triều đình quan tâm và đẩy mạnh với nhiều chính sách khuyến nông về ruộng đất, sức kéo, đê điều… được ban hành, công tác thủy lợi cũng rất được chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho những người nông dân an tâm lao động, nhờ đó nông nghiệp đã nhanh chóng được phục hồi. Những nghề thủ công truyền thống như: nuôi tằm dệt lụa, đúc đồng, làm giấy, khắc bản in… được khuyến khích phát triển, tạo thành những làng nghề, phường nghề nổi tiếng. Nhiều ngành thủ công bấy giờ cũng được khuyến khích mở rộng với nhiều ngành nghề khác nhau như làm đồ gốm tráng men, dệt lụa, chế tạo vũ khí, đóng thuyền và đạt đến trình độ tinh xảo. Thương nghiệp thời kỳ này cũng rất sầm uất, nhiều chợ, đô thị, thương cảng được mở rộng, tầng lớp thương nhân ngày càng tăng. Việc giao lưu, trao đổi hàng hóa với nước ngoài được đẩy mạnh qua cảng Vân Đồn.
Luận về kinh tế ở triều đại nhà Trần (1225 – 1400) đã có ý kiến nhận định: “Không có một giai đoạn nào trong lịch sử trung đại Việt Nam mà kinh tế công thương nghiệp và thành thị lại phát triển như vậy, lại được nhà nước phong kiến tạo điều kiện mở mang như vậy. Thương nhân được tự do kinh doanh, tầng lớp đại thương trở thành tầng lớp tiến bộ nhất trong xã hội ở các thế kỷ XIII – XIV2.”
1.3. Về nghệ thuật kiến trúc
Nghệ thuật, kiến trúc giai đoạn này rất khởi sắc và có những nét đặc sắc riêng. Hình ảnh con Rồng thời Lý được xem là hình tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đương thời. Bên cạnh đó còn có “An Nam tứ đại khí” từng được Trung Quốc ca ngợi: Tháp Bảo Thiên, Phật Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh đã thể hiện sự tinh xảo của các nghệ nhân bấy giờ. Những thành tựu ấy lại tiếp tục được kế thừa và phát huy trong thời đại nhà Trần. Cùng với sức ảnh hưởng của Phật giáo, những tinh hoa nhất của nghệ thuật dưới thời Lý – Trần đa phần đều thể hiện qua các bức tượng Phật, chùa chiền.
1.4. Về tôn giáo
Thời Lý – Trần chủ trương chính sách khoan dung, hòa hợp giữa các tín ngưỡng tôn giáo tín ngưỡng dân gian, Phật, Đạo, Nho. Đó là chính sách “Tam giáo đồng nguyên”. Các tín ngưỡng dân gian cổ truyền như tín ngưỡng thần linh, vật linh, tục thờ Mẫu, thờ các vị anh hùng, cũng được tự do phát triển. Tuy nhiên, Đạo Phật vẫn là tôn giáo thịnh hành nhất trong xã hội thời Lý – Trần và được xem như Quốc giáo thời đó.
Như Hoàng Xuân Hãn viết trong sách “Lý Thường Kiệt”: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật3.” Thời Lý được xem là thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo bấy giờ trở thành quốc giáo, giáo lý đạo Phật được phổ cập ra dân chúng, các tự viện được xây dựng và trùng tu, các vị Thiền sư lỗi lạc có học vấn uyên thâm bấy giờ được triều đình trọng dụng, phong làm Quốc sư như: Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ… làm công việc truyền dạy giáo lý và cố vấn cho nhà vua về chính trị, ngoại giao, quân sự.
Đối với Phật giáo, Phật giáo Việt Nam bấy giờ mang đậm màu sắc của dân tộc Việt. Tinh thần nhập thế của Phật giáo được phát huy cao độ, các nhà Sư lúc này không phải nêu ra những triết lí cao siêu, mang tính trừu tượng, hô hào mà chủ trương đi tìm chân lí ở ngay chính bản thân mình chứ không phải ở một nơi nào xa xôi. Công quả của các nhà Sư, bậc tu hành không phải được đo bằng sự trì giới khổ hạnh, tụng kinh niệm Phật mà được tính bằng những đóng góp thực tế, làm lợi ích nhân sinh, xã hội.
Đây cũng chính là điều mà vua Lý Nhân Tông đã nói với Mãn Giác thiền sư: “Bậc chí nhân hiện thân giữa cõi đời này tất phải tế độ chúng sinh. Làm việc gì cũng phải đầy đủ, không việc gì không làm. Chẳng những đắc lực về thiền định mà cũng có công giúp đỡ nhà nước.” Phật giáo Việt Nam đã góp phần mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho đất nước.
Sự kiện tôn giáo đặc biệt của giai đoạn này là sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, kế thừa tư tưởng thiền học của ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ghi rõ bản sắc dân tộc Việt Nam, tinh hoa của tư tưởng nhà Trần. Trần Nhân Tông, nhà vua và cũng là Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm, với chủ trương Cư trần lạc đạo, đưa tinh thần tùy duyên của đạo Phật vào trong đời sống thế tục. Chính Trần Nhân Tông là người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông (1385 và 1387) thành công, đánh dấu một giai đoạn lịch sử hoàng kim của dân tộc.
Huệ Quang
Diễn đọc: SC Đức Tạng
- Thiền Uyển tập Anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thuý Nga dịch, Hà Nội, 1993, tr. 241.
- Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Hà Nội, 1981, tr. 296.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, NXB. Phương Đông, 2012, tr. 157.