2. Văn học Phật giáo Việt Nam thời đại Lý – Trần
2.1. Vài nét về văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần
Văn học Phật giáo Việt Nam là một bộ phận của kho tàng Văn học dân tộc, được hình thành và phát triển trong bối cảnh nước ta vừa thoát ách đô hộ Bắc thuộc, đó cũng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến văn học: “Đó là thời kỳ Nhà nước phong kiến Việt Nam hình thành và phát triển, với những đặc điểm riêng biệt. Nó có nhiều ưu việt và tích cực. Các triều đại phong kiến này đã có những đóng góp to lớn vào việc kháng chiến, kiến quốc. Âm vang của những chiến công chống xâm lược, của những thành tích xây dựng, và của những thành tựu văn hóa to lớn làm cho văn học thời kỳ này có một dáng vẻ thật huy hoàng, lộng lẫy1.”
Cùng với sự phát triển của nền văn học dân tộc, tư tưởng Phật giáo đang là hệ tư tưởng chính và có vị thế quan trọng trong thời đại bấy giờ, nền văn học Việt Nam phát triển và mang dáng dấp tư tưởng giải thoát và tinh thần hòa quang đồng trần của Phật giáo. Kho tàng văn học Việt Nam thời Lý – Trần cũng chính là kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam. Những tác phẩm văn thơ Lý – Trần đều khoác lên màu giải thoát tự tại và hàm chứa những triết lý sâu xa về nhân sinh quan, vũ trụ quan của Phật giáo nhưng lại rất gần gũi, không tách rời với đời sống bình nhật của con người.
Với tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo bấy giờ, ngoài những giờ cùng vua luận bàn việc dân việc nước, các Thiền sư không chỉ là những nhà sư tu hành thanh tịnh, sớm chiều kinh kệ chốn không môn mà còn là những thi sĩ tài hoa. Qua đôi mắt thiền quán và ngòi bút thanh tịnh của các Thiền sư, mọi sự vật, sự việc diễn ra trong đời dù bình thường giản dị và bị chi phối bởi quy luật vô thường biến thiên của vũ trụ khi được diễn tả trong từng nét chữ câu thơ vẫn mang một vẻ đẹp lạ thường mà một thi sĩ giỏi của cuộc đời cũng khó mà cảm nhận được.
Chính vì lẽ đó, kho tàng văn học Việt Nam trong thời đại Lý – Trần đã xuất hiện dòng thơ Thiền và các Thiền sư chính là những người đã đóng góp nhiều áng văn thơ tuyệt đẹp, tạo nên chất riêng, nét đặc sắc cho dòng văn học dân tộc mà không thể tìm thấy ở thời đại nào. Chiếm một vị trí quan trọng trong toàn thể văn học thời đại Lý – Trần, nội dung của các bài thơ Thiền gắn liền với đời sống thế tục, vận mệnh đất nước mang tính triết học, tôn giáo sâu sắc, cụ thể là triết học Thiền tông Việt Nam được thi vị hóa trở thành những lời thơ nhẹ nhàng thanh thoát, như một mạch nước ngầm len lỏi và thấm sâu vào tâm thức của quần chúng nhân dân góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự cường của nước Đại Việt ta bấy giờ.
2.2. Khái niệm thơ Thiền
Nói về thơ thiền có khá nhiều định nghĩa được đưa ra để giải thích thuật từ này. Theo Nguyễn Phạm Hùng trong luận án Phó Tiến sĩ của mình đã đưa ra định nghĩa: “Thơ Thiền là các bài kệ, là thơ bao gồm cả kệ và thơ, nêu lên một triết lý, một quan niệm Thiền hay một bài học Thiền nào đó, hoặc vừa ảnh hưởng Thiền vừa mang rung động thi ca có tính trần thế. Thơ Thiền là thơ của các nhà Sư và của cả những người không tu hành nhưng am hiểu và yêu thích triết lý Phật giáo, bày tỏ trực tiếp hay gián tiếp triết lý, cảm xúc hay tâm lý Thiền2.”
PGS. TS. Đoàn Thị Thu Vân đúc kết trong “Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam thế kỷ X-XV”. Thơ Thiền là loại thơ đúc kết sự giác ngộ chân lý Phật giáo hay những tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của nhà Sư về cuộc sống tu hành. Nó có thể do các nhà Sư, cũng có thể do những người không đi tu làm ra, nhưng mang tư tưởng thiền. Hình thức phổ biến của nó là những bài thơ bốn hay tám câu, mỗi câu thường có bốn, năm hoặc bảy chữ. Nhưng cũng có những bài thơ Thiền có số câu dài ngắn khác nhau. Ban đầu thơ Thiền là những bài kệ bốn câu (tứ cú kệ), một loại văn bản rất quan trọng của nhà chùa, được các nhà Sư viết ra để ghi lại sự “bùng vỡ giác ngộ thế giới tâm Phật” trước lúc nhập diệt, viên tịch nhằm phó chúc hay truyền đạo cho đệ tử. Vì thế, nó rất được trân trọng, nhiều khi được đặt cùng với kinh Phật. Kệ thiền với kinh Phật là hai loại văn bản truyền đạo quan trọng của nhà chùa3.”
Như vậy, thơ Thiền bao gồm cả thơ và kệ. Nêu lên một triết lý, một quan niệm Thiền hay một bài học mang ý nghĩa Thiền nào đó, hoặc vừa ảnh hưởng Thiền vừa mang âm hưởng của sự rung động thi ca, là sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời. Thơ kệ làm thành một bộ phận của thơ Thiền, tức dòng thơ thể hiện cảm xúc mang ý vị Thiền học nhưng vẫn đậm đà chất thơ. Kệ thường được viết trong những hoàn cảnh: lúc nhà sư sắp viên tịch, khi ngộ đạo, khi trả lời đệ tử về giáo lý đạo Phật… Các bài kệ hầu hết không có tên tựa đề, tên bài kệ là do người đời sau đặt ra.
Theo GS. Trần Đình Sử, thơ Thiền phải hội tụ đủ ba tính chất: Thứ nhất, truyền nhận được cảm nhận thế giới của Thiền học. Thứ hai, bộc lộ được vẻ đẹp của thế giới, của tâm hồn. Thứ ba, thơ của tầng lớp Tăng lữ cao cấp, tầng lớp trí thức đặc biệt, không giống với tình cảm Phật giáo dân gian4. Tóm lại, đặc điểm quan trọng nhất của thơ Thiền là thể hiện cảm xúc thiền, triết lý thiền thông qua việc bàn luận, trình bày của tác giả về mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Muốn biết một bài thơ có phải là thơ Thiền hay không cần phải xem kỹ bài thơ ấy có thể hiện cảm xúc thiền và triết lý thiền hay nói cách khác là có thiền ý hay không. Tuy nhiên, việc xác định chất thiền trong thơ sẽ gặp khó khăn nếu chúng ta không có sự am hiểu về thiền học và không có một trực giác nhạy cảm để nhận ra tính thiền trong một bài thơ, nên người bình thường rất khó tiếp cận được với thể loại thơ Thiền.
3. Vẻ đẹp của con người tự do trong thơ Thiền Lý – Trần
Vẻ đẹp của con người trong thơ Thiền hay nói một cách khác là tính nhân văn trong thơ Thiền đó là những giá trị cao đẹp của con người đã, đang và sẽ đạt đến. Vẻ đẹp đó được thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau, cả hình thức lẫn đời sống tâm linh của mỗi người, nó có thể được bộc lộ ra ngoài hoặc ẩn tàng trong từng ý tứ. Một áng thơ văn được ghi nhận và đánh giá cao khi nó mang đậm tính nhân văn, là khi nó toát lên được vẻ đẹp của con người, đặc biệt là vẻ đẹp của tâm hồn, đời sống nội tâm và mức độ cảm thông, thấu hiểu, hành xử với cuộc đời.
Trong thơ Thiền Lý – Trần, vẻ đẹp của con người được thể hiện một cách khá trọn vẹn với nhiều phương diện, vẻ đẹp của con người điềm tĩnh, thông tuệ, vẻ đẹp của con người vô úy, tự tin, bản lĩnh của thời đại, vẻ đẹp của con người tự do, tự tại trước sự tuần hoàn của vũ trụ, sự biến thiên suy thịnh của cuộc đời. Trong đó, vẻ đẹp của con người tự do nổi bật hơn cả, bởi để có được sự tự do con người phải trải qua một quá trình nỗ lực công phu tu tập mỗi ngày mới có thể sáng tỏ được lẽ thật của cuộc đời là duyên sinh, vô thường, vô ngã, từ đó họ mới không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì, sống thảnh thơi, tâm bất động như nhiên giữa dòng đời với bao thăng trầm biến đổi.
Tự do là minh chứng cho thành quả của công phu hành thiền, quán niệm của các thiền sư. Vẻ đẹp lung linh, huyền ảo và không kém phần chân thực của một con người tự do được thể hiện qua nhiều góc độ trong thơ Thiền thời Lý – Trần.
3.1. Vẻ đẹp tự do của con người tự tại trước sinh tử
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời của vũ trụ, chi phối tất cả mọi người và đa phần con người trên thế gian đều có một nỗi ám ảnh, lo sợ chung là sợ cái chết. Nhưng đối với các Thiền sư, những người tu tập theo lời dạy của Đức Phật, nhờ công phu tu tập, thiền định, các Ngài đã nhận ra được quy luật của vũ trụ, nhân sinh là vô thường, vô ngã.
Sở dĩ con người thế gian lo sợ cái chết đến bởi họ còn nhiều sự vướng mắc, còn tham mà cụ thể là tham sống, ham hưởng thụ, còn vướng mắc vào đời sống gia đình, con cái, tài sản… và chưa một lần chấp nhận sự đổi thay sẽ diễn ra trong cuộc đời mình đó là mình sẽ già, sẽ chết nên khi cái chết đến. Thái độ không chấp nhận sự thay đổi sẽ khiến người ta khổ đau. Đối với các Thiền sư, nhận ra quy luật và sống với quy luật đó nên không bị chướng ngại, không chướng ngại ở đây không phải các thiền sư không bị quy luật của đất trời chi phối mà là tâm thái của các vị đã an hòa, tự tại trước sự đổi thay. Đối với các Ngài “sinh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ”, không có gì phải khổ đau, sầu não như lẽ thường. Các Thiền sư thanh nhàn đón nhận sự già-bệnh-chết đến với mình như một lẽ đương nhiên:
CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai5.
Nghĩa:
CÁO BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa lại nở.
Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.
Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết
Đêm qua, một nhành mai đã nở trước sân.
(Mãn Giác Thiền Sư)
Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh của hoa mai cuối xuân, những cánh mai vàng rơi rụng trên mặt đất. Nếu một người phàm phu khi nhìn thấy sự tàn phai, héo úa khi mùa xuân mùa của sắc hương rộn ràng qua đi hẳn lòng đong đầy những hụt hẫng, luyến tiếc. Nhưng cũng cảnh phai tàn đó, bên xác mai rụng đó, Thiền sư bằng con mắt tuệ quán xem nó như chuyện bình thường, xuân đến hoa nở, xuân qua hoa tàn, đó là quy luật của đất trời, dù muốn dù không nó vẫn xảy đến. Chỉ qua hai câu thơ đầu, không gian và thời gian đã tạo nên sự tiếp nối, cho chúng ta cảm nhân được dòng chảy của thời gian, sự đổi thay của vũ trụ, đất trời. Từ đó, hai câu tiếp theo như một sự phản tỉnh của người trí tuệ:
“Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.”
Theo sự vận hành của thời gian, biến chuyển của không gian, con người cũng không nằm ngoài quy luật vô thường ấy. Những dấu hiệu của già nua đã xuất hiện, mái tóc xanh thuở nào nay đã pha màu sương khói, từng mùa xuân của đất trời qua đi cũng mang theo tuổi xuân của đời người. Xuân qua, hoa tàn, ngày tháng qua con người cũng đi đến chỗ già chết. Tuy nhiên, cái chết không phải là kết thúc tất cả, không phải mất đi hoàn toàn, qua tuệ nhãn của Thiền sư:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Đêm qua, sân trước một cành mai vẫn còn nở rộ trong khi xác mai tàn rơi rụng đầy sân. Đó là một phép ẩn dụ độc đáo trong thơ Thiền về một mùa xuân bất tử. Hình ảnh đóa mai nở đêm qua ngoài sân trước hay là hình ảnh của chân tâm, Phật tính của mỗi người. Dù thân thể này có hữu hạn, tan rã theo thời gian nhưng Phật tính, chân tâm vẫn còn hiện hữu mãi, đó là cõi Niết-bàn vô dư mà mỗi người vẫn hằng ao ước. Bởi không có gì mất đi, nên không có gì phải sợ hãi, các Thiền sư đến đi thong dong trong cuộc đời này như dạo chơi cõi trần, khi mỏi gối thì các Ngài trở về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chặng hành trình kế tiếp.
Bài kệ như một lần nữa xác chứng công phu tu tập của Thiền sư qua những câu thơ nhẹ nhàng, người đọc như cảm nhận giọt thời gian rơi xuống đời người theo từng cánh mai đang rơi khi mùa xuân hết. Vẻ đẹp của thời gian, không gian hòa vào tâm hồn tự do, tự tại, cưỡi trên sóng sinh tử của Thiền sư làm chúng ta phải ngạc nhiên rất nhiều và cũng nhen nhóm trong lòng một ước mong tìm thấy cho mình một mùa xuân bất diệt.
Huệ Quang
Ni sinh. Diệu Lâm diễn đọc
- Việt Nam Phật giáo Sử Luận, tập 1 – Nguyễn Lang – NXB. VH, Hà Nội, 2000.
- Phạm Hùng, Vận dụng quan điểm thể loại vào việc Nghiên cứu Văn học Việt Nam thời Lý – Trần, NXB. Viện Văn học, Hà Nội, 1995.
- Đoàn Thị Thu Vân, Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam thế kỷ X-XV, Trung tâm Nghiên cứu Văn học, NXB. Văn học, 1996.
- Trần Đình Sử, Thi Pháp văn học Trung đại Việt Nam, NXB. Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
- Thơ văn Lý – Trần, tập 1, tr. 298-299.