Nếu niềm tin có thể viết bằng ngôn ngữ thì phải viết như thế nào đây? Nếu niềm xúc cảm có thể giãi bày bằng ngôn từ thì phải dùng ngôn từ nào cho xứng đây? Có phải đỉnh cao của ngôn ngữ là sự im lặng? Im lặng để cảm nhận những cảm xúc đang kết tinh ở trong lòng, muốn nói ra thành lời mà ngôn ngữ bất lực. Bất lực vì trạng thái ấy vượt trên cả ngôn ngữ, khó có thể giãi bày được.
Ngày 15/6/2014, khi được tận mắt nhìn thấy hình ảnh chư Tôn đức Ni thuộc Phân ban Ni giới TP.HCM dù niên cao lạp trưởng nhưng vẫn ân cần đi thăm từng ngôi hạ trường để sách tấn chư hành giả, tiếp thêm sức mạnh và năng lượng cho thế hệ Ni trẻ, ta mới hiểu được sự thao thức của các bậc tiền bối. Đó không phải là những lời dạy mang tính sách vở, không phải là “nghi thức” của chuyến đi và cũng chẳng phải là những lời dạy cầu kỳ hoa mỹ của thế gian, mà đơn giản là “Ráng tu nha các con!”. Vậy thôi, mà trong lòng không diễn đạt được cảm xúc đó. Chư Tôn Ni đặt tất cả niềm tin vào một thế hệ Ni trẻ có tâm huyết, sẵn sàng cho con đường dấn thân, cống hiến và phụng sự. Quý Ni trưởng đã tiếp thêm “lửa” cho đàn hậu học, mạnh dạn trong bước chân vững chãi của chính mình, tiếp nối những giá trị cao quý mà chư vị Tôn Ni từ nhiều đời đã làm. Khoa học kỹ thuật phát triển, con người lại đang quằn quại trong những cơn đau của nhiều chứng bệnh từ thể chất đến tâm lý, Đạo Pháp rất cần phải đi vào tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời. Trách nhiệm này, thế hệ Tăng Ni trẻ cần phải ý thức. Tu nhưng không quên làm việc, làm việc nhưng không ngừng tu bởi Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng chỉ thực sự phát triển khi mối truyền thông giữa các thế hệ không bị đánh mất, thế hệ đi trước sẽ là những cây cao bóng cả che mát cho hàng hậu học vững bước đi lên, những cây tùng, cây bách sẽ là chỗ dựa cho những mầm non đang cố vươn ra để hòa mình vào cuộc đời. Ba tháng an cư luôn là một nét đẹp của Phật giáo. Đó là dịp để người xuất gia hạ thủ công phu nhiều hơn nữa, thúc liễm sơ tâm, có thời gian nhìn lại chính mình, gần gũi với các bậc đạo cao đức trọng, tiến tu đạo nghiệp. Thêm một tuổi hạ, các vị Ni trẻ cảm thấy vui hơn vì mình đã lớn thêm một chút trong đường đạo, nhưng với các bậc Sư trưởng, chúng ta biết, thêm một tuổi nghĩa là sức khỏe của quý Sư đã giảm đi khá nhiều. Dù vậy, ở chư vị vẫn luôn toát lên một năng lượng bình an, một sự vững chãi trong nội tâm để thế hệ sau cần phải học hỏi. Là người mẹ hơn cả những người mẹ, quý Tôn đức Ni đang ân cần nắm tay dìu dắt những bước chân chập chững bước vào đời của chúng Ni trẻ, hiểu được những hạn chế, những nhược điểm dễ có của người nữ, quý Sư trưởng đã chỉ bày tận tình để hàng Ni trẻ không phải vướng vào những pháp hữu lậu đáng tiếc trên đường tu.
Tu là phải nhìn ra mình rõ hơn, nhìn mọi thứ phải như thật. Tỳ-kheo Ni phải là những bậc đại trượng phu, những vị xuất trần thượng sĩ, không còn những tính cách của nữ nhân ở thế gian. Hơn nữa, Ni trưởng Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM đã nhấn mạnh thọ giới mà không biết giữ giới thì giới thể sẽ không có, như vậy không xứng đáng là hàng đệ tử của Đức Phật, giới luật không những bảo vệ cho chính mình mà còn bảo vệ cho muôn loài ở xung quanh ta. Tinh tấn tu học, nghiêm trì giới luật nhưng không phải trì giới một cách cứng nhắc đến nỗi hiện tướng lạnh lùng, không thể gần gũi được với chúng sanh. Học Phật phải thẩm thấu để không đi ngược với tinh thần lời dạy của Đức Phật. Dưới tôn tượng của Đại Trưởng lão Ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề, quý Ni trưởng dẫn đoàn đã ôn tồn dạy bảo chư vị hành giả, âm giọng từ hòa nhưng lại đầy chất “thép”, hàng Phật tử tháp tùng lại được chiêm ngưỡng những bức tranh tuyệt tác của tình pháp lữ khi thế hệ trước đang dẫn dắt người đi sau. Nếu từ hơn 25 thế kỷ trước, bức tranh vĩ đại về hình ảnh của Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề cùng 500 người con gái dòng họ Thích với đôi chân trần rướm máu, tóc đã cạo, năm lần bảy lượt xin Đức Phật cho nữ giới được xuất gia, đã làm rúng động cả một thể chế của xã hội đầy khắc nghiệt thì bây giờ, thời đại của kỹ thuật số, bức tranh về một giáo đoàn Ni với hình ảnh của chư vị Tôn Ni niên cao lạp trưởng ngày đêm tận tụy dẫn dắt những bước chân đang còn dò dẫm của chúng Ni trẻ sẽ là một tác phẩm nghệ thuật không lời họa bày.
Chuyến viếng thăm các trường hạ không đơn thuần chỉ là chuyến đi bình thường, bởi đó cũng là bài pháp thoại không lời để hàng Phật tử hiểu thêm về mùa an cư, hiểu được những giá trị cao quý khi họ đang đội lên đầu những tịnh tài, tịnh vật để cúng dường chư Tăng – Ni trong ba tháng tu học. Một vị Phật tử đã xúc động khi tác bạch giữa đạo tràng:
“Kính bạch chư Tôn đức Ni.
Nếu Đức Phật không thị hiện ở thế gian này thì bóng đêm của vô minh có được xua tan? Nếu không nương theo Chánh pháp để tu học thì liệu chúng sanh có thể thoát khỏi cuộc đời lầm than, khổ đau cực cùng? Và, nếu thiếu những bước chân hoằng Pháp của chư vị Thích tử thì liệu Đạo Pháp có đi vào cuộc đời?Biết phải nói gì hơn trong nỗi niềm xúc động khi hàng năm, mùa An cư trở về, Phật tử chúng con lại có dịp được thăm viếng từng ngôi đạo tràng, phủ phục dưới chân chư vị hành giả an cư thanh tịnh và dâng lên chút tịnh tài, tịnh vật với tất cả tấm lòng chí thành, chí kính”.
Hơn 300 vị Phật tử tháp tùng cùng quý Sư, tất cả một niềm tin mãnh liệt vào Tam Bảo, họ cảm thấy hạnh phúc khi được làm hàng ngũ ngoại hộ cho Phật pháp, những nụ cười mãn nguyện về một chuyến đi đầy ý nghĩa không họa nên lời.Phật pháp không dạy con người ta bằng những lời nói suông mà bằng những hành động cụ thể, mỗi một hành động phải chứa đựng ý nghĩa của Chánh pháp. Cũng vậy, viếng thăm trường hạ không phải là thủ tục hình thức, không phải để tham quan cảnh chùa mà cốt yếu để hàng Phật tử cảm nhận được sự thanh tịnh của chư hành giả, ý nghĩa rốt ráo của cái gọi là “như Pháp cúng dường”. Và, quan trọng hơn hết, hành giả từng ngôi đạo tràng lại được “tiếp tế” thêm năng lượng của tinh thần tu học, kinh nghiệm vượt qua những cạm bẫy trên đường tu. Thời gian quý báu để huynh đệ ngồi lại với nhau, gỡ bỏ những thiếu sót còn mắc phải, chia sẻ những điều đã học được hay những kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa chỉ 3 tháng hạ mới tu nhiều, 9 tháng còn lại thì tu ít, mà là cả cuộc đời phải sống đúng với tư cách của người xuất sĩ, có như vậy mới xứng đáng là bậc “thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân”, bậc thầy của trời, người.
12 tiếng đồng hồ với 15 điểm đến trong ngày, nên thời gian viếng thăm từng trường hạ không kéo dài lâu, thế nhưng, ở mỗi nơi, quý Ni trưởng đều luôn ân cần thăm hỏi Ban Chức sự, dù chỉ chia sẻ, động viên, sách tấn chư hành giả rất ngắn gọn nhưng mỗi câu, mỗi lời là một bài học, là kinh nghiệm đáng giá để hàng Ni trẻ noi theo và thực hành. Tại Tổ đình Kim Sơn, đại diện chư vị hành giả an cư năm nay, một vị Tỳ-kheo Ni đã tác bạch chư Tôn đức Ni về lòng biết ơn sâu sắc khi quý Ni trưởng luôn dành mọi sự quan tâm đến chúng tu học, lời dạy của quý Sư sẽ làm kim chỉ nam trên con đường tấn tu đạo nghiệp. 120 vị hành giả tại Tổ đình Kim Sơn nói riêng và hơn 1000 hành giả các trường hạ nói chung đều nguyện y giáo phụng hành lời chỉ dạy của chư Tôn đức Ni, tiếp nối bước chân của chư vị Tôn Ni trên con đường hoằng pháp lợi sanh.
Chuyến đi kết thúc vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày, quý Phật tử cùng nhau hứa hẹn sẽ tiếp tục gặp lại vào mùa an cư năm sau để được thăm viếng các trường hạ, được dâng cúng các phẩm vật thanh tịnh cho các vị đang mang trên mình trách nhiệm “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”.
Truyền thống an cư luôn là nét đẹp của Phật giáo, nét đẹp ấy sẽ được toàn vẹn hơn nữa khi mỗi mùa an cư kết thúc sẽ có những bông hoa đạo nở giữa cuộc đời, hương thơm của giới đức sẽ nuôi dưỡng thế gian này không còn những nhiễm ô bởi lòng tham giận và si mê của con người.
Nguyên Giác Hạnh (ĐSHĐ-010)