Trải qua thời gian dài và cho đến những năm đầu thế kỷ XX, quan niệm đạo đức phong kiến vẫn còn ăn sâu vào xã hội Việt Nam, và dấu vết rõ ràng nhất chính là nơi sinh hoạt của gia đình. Vòng lễ giáo của đại gia đình phong kiến đã đặt con người vào tam cương (ba mối quan hệ: vua-tôi, vợ-chồng, cha-con) – ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), và đặc biệt người phụ nữ phải tuân theo tam tòng (ở nhà theo cha, rời nhà theo chồng và chồng mất theo con trai) – tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Nếu giữ trọn những ràng buộc này thì quả thật cuộc đời người phụ nữ là một đời hoàn toàn lệ thuộc. Những nguyên tắc này có thể xem như rào cản không cho phép người phụ nữ tìm thấy vị trí bình đẳng trong xã hội và làm chủ cuộc sống của mình trong khát vọng tình yêu, tạo dựng hạnh phúc cá nhân.
Thế nhưng, đó là vòng áp đặt từ lễ giáo hay đó chính là quan niệm, suy nghĩ, tiếng nói nội tâm của cá nhân tự trói buộc? Dựa trên tư tưởng đó, người viết xin được phân tích và so sánh hai nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của Nhất Linh: cô Loan trong tác phẩm “Đoạn tuyệt” và cô Nhung trong tác phẩm “Lạnh lùng”. Đây là hai tác phẩm ra đời vào thập niên 30 thế kỷ XX với chủ đề: Chống lại những tập tục lễ giáo vô nhân đạo của đại gia đình phong kiến áp đặt lên người phụ nữ đương thời.
Loan và Nhung là hai cô gái đôi mươi có nhan sắc, về nhà chồng không do tình yêu mà do sự sắp đặt của cha mẹ. Loan, có học thức (được giáo dục theo Tây học), có nhiều bạn bè, hấp thụ một quan niệm và cách sống mới khác xa quan niệm cổ của xã hội phong kiến. Trước khi về nhà chồng, Loan có một tình yêu (chưa trực tiếp thố lộ) với Dũng và cô rất trân trọng tình yêu đó đến độ cô “tự coi mình là vợ tinh thần của Dũng”. Tuy lấy Thân – bạn thuở nhỏ của Loan – một cách bất đắc dĩ, nhưng Loan cũng biểu lộ thiện chí là “cô gắng yêu chồng”, nhưng hoàn toàn không thể được vì hai quan niệm sống quá khác biệt. Thân không có cách sống cương quyết, rắn rỏi, khí phách như Dũng, cho nên gần Thân nhưng Loan bao giờ cũng nhớ về Dũng. Thật là chua chát khi sống với chồng mà Loan ví thân phận mình như “một gái giang hồ”, một cuộc sống không tình nghĩa mà chỉ có bổn phận, đối phó, đau khổ và không cách nào thoát ra được.
Cuộc hôn nhân của Nhung tuy cũng không thấm đậm tình nghĩa mặn nồng để làm Nhung đau khổ khi chồng chết, và nhớ mãi khôn nguôi đến độ không ai có thể thay thế được. Nhưng quan hệ trong gia đình bên chồng khá êm thắm, cách đối xử giữa mẹ chồng – nàng dâu nhẹ nhàng, ngọt ngào thế lại không phát xuất từ tình thương yêu, mà chỉ là sự trói buộc của một thứ lễ giáo gia phong của bốn chữ “tiết hạnh khả phong” từ bao đời của dòng họ bên chồng.
Nhung lấy chồng năm 18 tuổi. 20 tuổi chồng chết để lại cho Nhung một đứa con. Nhung ở góa đã gần ba năm, chung quanh cũng có người săn đón, nhưng chưa lần nào Nhung cảm động như khi bắt gặp ánh mắt của ông giáo Nghĩa. Từ đó, Nhung cảm thấy mình đang sống một đời thiếu thốn và ngang trái. Nhung hồi hộp biểu tỏ lòng mình và đón nhận tình yêu của Nghĩa, một tình yêu đằm thắm, dịu dàng. Thế nhưng tình yêu đó đòi hỏi một sự gần gũi, hiến trao, cắt đứt với quá khứ để chắp cánh xây dựng một tương lai hạnh phúc. Nhung rất yêu Nghĩa và muốn xây dựng một đời sống vợ chồng, một mái ấm gia đình với Nghĩa danh chính ngôn thuận, nhưng Nhung không can đảm bước ra khỏi tập tục, danh giá của gia đình chồng. Hai tiếng “liêm sỉ” của sự tiết hạnh thờ chồng cũng là danh giá của gia đình nhà mình, gương mẫu cho đàn em và cho kẻ ăn người ở trong nhà.
Sợi dây vô hình của tình gia đình, của gia phong lễ giáo đã trói chặt đời một phụ nữ trẻ góa bụa, vướng phải những nghịch lý. Nhung không cưỡng lại được lòng mình, danh tiếng và cả đứa con thơ cũng không giữ nổi những bước chân lén lút hẹn hò, những lý do được dựng lên để kiếm cớ đi gặp người yêu… dù sau đó là những dằn vặt nội tâm. Nhìn con thơ, Nhung cảm thấy hổ thẹn và tự nhủ “mình là con đàn bà khốn nạn”. Nhung không dám nhìn di ảnh chồng; Nhung sợ những người chung quanh, người hàng xóm biết chuyện của mình, nghi ngờ mình. Nhung thoáng nhận ra rằng cái sợ của nàng “khi làm lỗi không thấm đâu với cái sợ vì lỗi của mình có người biết”.
Nhiều lúc Nhung cảm thấy sống một đời đóng kịch, đạo đức giả thật đê hèn. Nàng tự lẩm bẩm: “mình muốn tốt thành ra xấu; chỉ vì muốn giữ cái tiếng tốt hão ấy mà mình bắt buộc thành ra khốn nạn, đâm ra xảo quyệt, gian trá”. Có lần Nhung cũng nghĩ “cứ bạo là được”. Thế nhưng, Nhung không bao giờ dám liều, dám bạo, dám đạp đổ tất cả để tìm đến với hạnh phúc cá nhân. Soi bóng mình trong gương, Nhung biết mình rất trẻ và tươi đẹp, thế mà phải sống những ngày phòng không chiếc bóng, trái tim cô đơn lạnh lẽo. Ngày đi, tháng đi, tuổi xuân của Nhung cũng đi. Chẳng mấy chốc, ngoảnh lại tóc đã điểm sương, nhan sắc tàn phai để giữ tròn bốn chữ “tiết hạnh khả phong”. Thật là một cái giá quá đắt cho hạnh phúc cá nhân. Nhung cảm thấy lòng buồn man mác nhưng không biết làm sao hơn.
Còn đối với Loan, sống bên cạnh chồng, sống trong gia đình chồng, cô không cảm thấy một ngày hạnh phúc. Ở cái tuổi đôi mươi, nhiều sức sống và đầy ước vọng, vậy mà ngày từng ngày Loan sống như một người thụ động, một đầy tớ trong nhà, làm đủ mọi chuyện, thức khuya dậy sớm mà cũng chẳng yên thân. Sự “chẳng yên thân” của Loan, một phần là do sự đối xử hà khắc của mẹ chồng, thái độ không ưa của em chồng; một phần cũng do quan niệm và cách hành xử của Loan. Một cô gái mới về làm dâu trong một gia đình cổ, không hòa được giữa quan niệm của mình và nếp sống của gia đình chồng.
Hơn nữa, Loan là cô gái có học thức. Đối với xã hội lúc bấy giờ, mọi người không công nhận đây là những người thức thời, thông minh; trái lại, họ cho đó là những cô gái tân thời, chẳng còn biết gì đến gia phong lễ giáo, tôn ti trật tự trong nhà. Họ nghĩ rằng, phận dâu con là phải gọi “dạ” bảo “vâng”, không được quyền giải thích lời hơn lẽ thiệt, không được quyền tham dự vào sự toan tính trong gia đình và có lẽ điều nặng nề nhất là không được phép xây đắp một tương lai, một mái ấm gia đình độc lập.
Hai quan niệm sống khác xa nhau, làm sao Loan không có những phản ứng tiêu cực (như chống đối, lý sự…) đối với mẹ chồng và gia đình chồng. Trước khi về nhà chồng, Loan cho rằng: “có chồng mà sống không được thì về nhà bố mẹ đẻ mà ở, tội gì mà ở đó chịu khổ ”. Nhưng khi có chồng rồi, bao nhiêu cái khổ chồng chất mà cũng không thể nào rứt ra được: sự đau lòng của bố mẹ ruột, sự trói buộc của pháp luật… bao nhiêu thứ trói buộc không thể ruồng bỏ một cách dễ dàng như trước kia Loan tưởng.
Đó là sự thay đổi của Loan khi chạm vào thực tế. Loan cố sống những ngày còn lại trong vô vị, lạnh nhạt, chịu đựng, nhưng cô vẫn luôn tự hỏi: “ Cái gì bắt ta phải đau đớn, khổ nhục mãi mãi?”, tư tưởng đó dẫn đến sự chống đối, tự vệ khi bị chồng và mẹ chồng đánh rồi đưa đến cái chết oan của chồng. Loan rất hối hận nhưng tự thâm tâm Loan nghĩ có lẽ đây là cách để mình bước ra khỏi căn nhà đó cho dù có phải tù tội. Qua sự kiện đó, Loan đứng dậy và bắt đầu làm lại đời mình, sử dụng cái vốn học của mình để mưu sinh và xây dựng một cuộc sống cho riêng tư, tuy đường đời không luôn bằng phẳng và xã hội không dễ dàng chấp nhận, nhưng có bạn bè nâng đỡ, có nghị lực, có tình yêu đằm thắm, sâu xa mà bao năm Loan ôm ấp, cuộc sống sẽ lóe lên một tia sáng hạnh phúc như Loan hằng mong đợi. Vòng lễ giáo đã đẩy Loan và Nhung vào hoàn cảnh đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cá nhân và gia đình. Hai người phụ nữ trẻ phải hy sinh hạnh phúc cá nhân để tuân theo những tập tục, lễ giáo gia phong của gia đình.
Ở Loan có sự đối kháng rõ rệt giữa quan niệm cũ và mới. Nhiều lần Loan muốn thoát ly để cải hóa chồng. Ý định thất bại, Loan phải chịu đựng, nhưng tự thâm tâm Loan luôn quan niệm và đôi lúc hành xử theo cách của mình, và cuối cùng Loan thoát ly được hoàn cảnh (số phận). Với bản lĩnh, tự tin, không sợ dư luận và vốn học, Loan đã làm lại cuộc đời, tuy có phần vất vả nhưng thanh thản và được vui hưởng hạnh phúc. Phải chăng đó là “tính cách tạo nên số phận ?”. Nếu Loan cứ cúi đầu cam chịu theo lệnh của mẹ chồng, theo ý của chồng thì đời Loan sẽ ra sao, khi mà suốt năm năm làm dâu nhà người Loan không nảy sinh một tình cảm tốt đẹp nào. Nếu Loan không chống cự lại, không tự vệ thì có lẽ kết thúc đời Loan còn bi thảm và đau khổ hơn.
Ở Nhung không có sự đối kháng giữa hai quan niệm nhưng trong tâm là một sự giằng co sâu xé giữa hạnh phúc cá nhân và danh dự gia đình. Ở góa thờ chồng thì tốt khi đó là tình cảm tự nguyện cho sự chung thủy với một tình yêu, nhưng ở đây Nhung giữ tiết hạnh thờ chồng là do áp đặt của gia phong lễ giáo, còn thâm tâm Nhung đang khát vọng một mái ấm gia đình mới với người mà Nhung được cảm nếm thế nào là tình yêu. Hoàn cảnh Nhung không nghiệt ngã lắm, gái góa chồng đi thêm bước nữa với trai chưa vợ không có gì là trái đạo lý, chỉ có điều Nhung không xác định được quan niệm của mình, không vượt qua được vòng dây trói buộc của sự nhân danh tình yêu thương để đánh đổ hạnh phúc cá nhân. Nếu Nhung mạnh mẽ hơn, đời Nhung có lẽ kết cục không lạnh lùng, như tên tác phẩm, và điều quan trọng hơn là Nhung có thể sống thanh thản mà lòng không trĩu nặng với tâm trạng “sợ làm lỗi không bằng sợ thấy lỗi của mình”, và tình trạng sẽ xấu hơn “không chồng mà chửa thì sao!”.
Qua kết cục của hai nhân vật Loan và Nhung người viết xin nêu vài ý kiến. Tính cách tạo nên số phận hơn là hoàn cảnh tạo nên số phận , bởi vì tính cách chính là quan niệm của mình được diễn tả qua thái độ, cách xử sự. Nếu một người biết giữ vững tính cách thì có thể cải tạo số phận và vươn tới hạnh phúc hơn là đổ thừa cho hoàn cảnh.
Hạnh phúc cá nhân là một điều đáng đề cao. Thế nhưng, con người có được nhân danh cái tôi cá nhân hay hạnh phúc cá nhân để phá đổ những ràng buộc của gia phong lễ giáo và tập tục truyền thống từ bao đời của gia đình, dòng tộc mình không? Đây là một vấn đề rộng lớn, người viết chỉ xin được khoanh vùng trong hôn nhân và gia đình.
Trong xã hội ngày nay, tự do luyến ái, tự do chọn bạn đời có đồng nghĩa với cha mẹ không còn quyền đối với con cái trong vấn đề hôn nhân của chúng không? Khi đôi lứa yêu nhau, vấn đề gìn giữ trinh tiết cần được nhìn nhận đúng đắn như thế nào? Người ta có thể nhân danh hạnh phúc cá nhân để đánh đổi một gia đình và trách nhiệm đối với con cái không? Tôi nghĩ rằng nếu phá bỏ tất cả mọi lễ giáo từ đạo vợ chồng, nghĩa anh em, lòng hiếu thảo để chỉ vun đắp cho hạnh phúc cá nhân thì sẽ có những người già sức yếu không nơi nương tựa, những trẻ em sống vất vưởng không nhà, tình cảm vợ chồng tan nát vì chỉ lo đi tìm của mới, của lạ. Tôi không quan niệm người phụ nữ phải chịu đựng. Có nhiều cách đấu tranh cho sự bình đẳng và quyền của phụ nữ chẳng hạn như nâng cao trí thức, năng lực. Đó là những tiếp sức bên ngoài. Điều quan trọng là tư tưởng, quan niệm của người phụ nữ. Sự áp đặt của vòng lễ giáo, trước tiên là áp lực từ bên ngoài, dần dần với thời gian và giáo dục, được người phụ nữ nội tâm hóa và chính họ tự trói đời mình trong tư tưởng, quan niệm đó và nó trở thành vòng oan nghiệt khiến họ không thể tìm được hạnh phúc chính đáng cho bản thân.
Mặc dù bản chất người phụ nữ thiên về tình cảm nhưng cũng cần có một lý trí mạnh mẽ, một quan niệm về tình yêu và cuộc sống thật rõ ràng. Như thế, cơ hội thay đổi số phận sẽ dễ dàng hơn và họ biết cần phải đấu tranh cho cái gì và cái gì cần phải lưu giữ, cần phải tuân theo để luôn xứng đáng với tình yêu của chồng và niềm tự hào của con, đồng thời được mọi người tôn trọng.
Tỳ-kheo-ni Thích Nữ Như Thanh (ĐSHĐ-006)