Đây là lời mà Đức Hòa thượng Pháp chủ, kiêm Viện trưởng Học viện Phật giáo TP. HCM nhắc nhở Tăng Ni sinh trong buổi pháp thoại sáng hôm chủ nhật (ngày 2/4/2023) tại Học viện. Mình thấy cần ghi lại một chút, để nhắc bản thân và chia sẻ với mọi người luôn!
Phát biểu câu nói trên xong, Hòa thượng còn giảng giải thêm: Các bậc Thánh ngày xưa dù chứng quả rồi nhưng nếu không gặp được người có quả vị cao hơn mình (để hiểu và ấn chứng cho), thì cũng không hé môi nửa lời. Còn người bình thường, nếu phát ngôn không đúng lúc, không đúng người, không đúng cách, dù lời nói có đúng lý, vẫn bị thiệt hại như thường.
Nghe đến đây, mình chợt nhớ một câu nói trong “Nghệ thuật đàm phán”, rằng: Rất nhiều khi, cách nói còn quan trọng hơn cả mục tiêu! Có những mục tiêu rất tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta không khéo léo trong cách thể hiện, nhất là lạm dùng những từ ngữ tiêu cực, khó nghe (ví dụ như kiểu ra lệnh, áp đặt), sẽ khó lòng tìm được sự đồng thuận từ người nghe. Một khi cảm thấy “khó nghe”, người ta dễ mắc kẹt ở đó, và chỉ nhớ lỗi của mình để bắt bẻ, phản biện lại.
Vậy nên, nếu thấy cần phát ngôn, muốn người đối diện lắng nghe và tiếp nhận, thì việc điều chỉnh thái độ và lựa chọn ngôn từ phù hợp là rất quan trọng. Khi người nghe cảm thấy được tôn trọng, sẽ dễ dàng mở lòng đón nhận, mục tiêu truyền tải thông tin của mình xem như là thành công. Còn nếu dự cảm phần trăm thành công chưa đủ, tốt nhất nên tu luyện thêm câu thần chú “im lặng là vàng” cho lành.
Chúng ta cùng nhau thực tập nhé!
Suối Thông (ĐSHĐ-116)