Đất nước Ấn Độ là quê hương xứ sở của nhiều tôn giáo khác nhau, đời sống tâm linh đã thấm nhuần vào xã hội cũng như văn hóa của con người ở nơi đây. Đạo Phật từng phát sinh tại Ấn Độ vào thế kỷ 5 TCN, có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới văn hóa Ấn Độ, thậm chí còn vượt xa khỏi phạm vi nội bộ và vươn xa tới các nước láng giềng và cho tới ngày nay trở thành một tôn giáo lớn trên toàn cầu. Trên khắp thế giới, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ vào khoảng 488 triệu người, chiếm 7% tới 8%. Quay trở lại Ấn Độ, Phật giáo chỉ có 0.7% tín đồ, điều này có thể khẳng định một sự thật vô cùng khập khiễng, khi mà ở chính nơi được cho là quê hương của đạo Phật lại không còn ảnh hưởng nữa, có rất ít tín đồ thực thụ.
Đạo Phật với giáo lý đề cao lòng từ bi hỷ xả và tinh thần bình đẳng bác ái, ngay từ khi xuất hiện, đạo Phật đã nhanh chóng chinh phục được đông đảo các tầng lớp xã hội tại Ấn Độ, từ các vua chúa, quan thần, thương gia, các đạo sĩ khác tôn giáo, nông dân cho tới những nhóm người thuộc tầng lớp thấp hèn. Thời Đức Phật đã có các vị vua sùng đạo như Bimbisara, sau khi Phật nhập diệt còn nhều vị vua khác như Ashoka, Kanishka…Những vị vua sùng đạo này đã tôn đạo Phật thành quốc giáo, đạo Phật lan rộng khắp cả Ấn Độ và phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu cho tới ngày nay.
Sau những thế kỷ phát triển cực thịnh từ triều đại Gupra (thế kỷ V) trở đi, Phật giáo Ấn Độ bắt đầu có những dấu hiệu suy tàn. Một số nguyên nhân suy tàn được nêu ra như sau:
a. Ngoại tại
– Bà-la-môn giáo phục hưng
– Mất đi sự ủng hộ của giới cầm quyền
– Nội chiến
– Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ
b. Nội tại
– Không kế thừa sự nghiệp của tiền nhân
– Sử dụng ngôn ngữ cổ
– Sự trà trộn của Bà-la-môn
– Suy đồi đạo đức trong hàng ngũ Tăng già
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình. Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, Phật giáo Việt Nam có bước phát triển mới cùng với nền độc lập của dân tộc. Thời Lý-Trần (từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIV) là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo ở Việt Nam. Cho tới ngày nay, theo Tổng cục thống kê: “Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước, trong đó số người theo Phật giáo với 4,6 triệu người, chiếm 35,0% tổng số người theo tôn giáo”.
Từ các nguyên nhân nội tại và ngoại tại dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo Ấn Độ, người viết có những quan điểm cá nhân về thực trạng Phật giáo Việt Nam ngày nay và phương pháp nhằm chỉnh đốn những việc làm để bài học lịch sử không phải lặp lại:
a. Ngoại tại
Thực tại của Phật giáo ở Việt Nam so với ngoại tại Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ:
– Sự phục hưng của các tôn giáo khác
Ngày nay các tôn giáo tại Việt Nam đều đang phát triển và lan rộng bởi sự ổn định của đất nước, dù không có sự cạnh tranh theo kiểu dành giật tín đồ nhưng vẫn có những tính toán âm thầm nhằm đưa tôn giáo của mình phát triển. Xét xem như một số tôn giáo khi xưa họ có những quy định về việc không cho thờ cúng ông bà tổ tiên hay đốt hương thì ngày nay họ đã dần xóa nhòa những quy định đó. Họ đẩy mạnh việc từ thiện cho những gia đình nghèo khó, mở lối cho đạo của họ phát triển lên những vùng sâu vùng xa. Thêm nữa, quy định ngầm phải theo đạo họ mới được lấy người của đạo họ cũng là một điều cực kì đáng lưu ý bởi như vậy họ sẽ nhân rộng tín đồ nhanh chóng.
– Phật giáo mất đi sự ủng hộ của giới cầm quyền
Trong nhiều giai đoạn lịch sử, Phật giáo Việt Nam nhiều lần được sự ủng hộ của giới cầm quyền, nhất là Thời Lý-Trần (từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIV) là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo ở Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông là người sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên tử mang bản sắc Việt Nam với tinh thần sáng tạo, dung hợp và nhập thế. Ngày nay, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã thành lập được 40 năm, trải qua nhiều khó khăn thử thách đã có được nhiều thành tựu đáng kể. Với phương châm Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, ngày nay giới chức chính quyền đã ưu ái nhiều hơn so với sau năm 1975 hay thời kì bao cấp. Nói như vậy không có nghĩa để tự phụ, mà cần tiếp tục nỗ lực nhằm có được sự hậu thuẫn từ chính quyền, người dân và tín đồ Phật tử.
– Nội chiến
Việt Nam đang ở giai đoạn ổn định về chính trị với một Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo nên tạm thời không có nội chiến xảy ra.
– Sự xâm chiếm của thế lực ngoại bang
Đất nước ta có một vị trí địa lý rất đặc biệt, lại giàu tài nguyên thiên nhiên nên thường bị các nước láng giềng nhóm ngó. Sự hòa bình của cả đất nước luôn có công sức của đạo Phật bởi trong thời bình đạo Phật giúp người bớt đi khổ đau, chung tay xây dựng đất nước. Khi thời chiến, những tu sĩ lại khoác áo bào ra chiến trường chiến đầu chống giặc ngoại xâm. Cái mà chúng ta có thể nhìn rõ ràng nhất là trong đại dịch Covid đang diễn ra GHPGVN đã phát động nhiều phong trào để giới tu sĩ và Phật tử chung tay chống dịch với cộng đồng. Các chùa, tịnh xá đã chia sẻ thực phẩm, tiền bạc để giúp đỡ người dân. Lại có những tu sĩ Phật giáo xung phong tới tuyến đầu chống dịch. Như vậy khi nhìn về lịch sử hơn 2000 năm từ khi đạo Phật có mặt tại Việt Nam, dù đất nước nhiều lần bị ngoại xâm nhưng đạo Phật vẫn được giữ gìn, duy trì và phát triển.
b. Nội tại
Thực tại của Phật giáo ở Việt Nam so với nội tại Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ:
– Không kế thừa được sự nghiệp của tiền nhân
Đạo Phật cho đến ngày nay vẫn là một tôn giáo lớn tại Việt Nam, điều này trái ngược với đạo Phật tại Ấn Độ. Thống kê trên toàn quốc nhận thấy tại Việt Nam có 35 trường Trung cấp, 09 trường Cao đẳng Phật học, 04 Học viện Phật giáo, và còn đào tạo trên cấp cử nhân Phật học là thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên nếu sai mục đích chỉ chạy theo bằng cấp mà quên đi giá trị giải thoát giác ngộ thì thật là đáng tiếc. Nếu cứ chạy theo văn bằng và học vị mà quên tu tập thì có thể đi theo vết xe đổ của đạo Phật tại Ấn Độ.
– Sử dụng ngôn ngữ cổ
Từ góc nhìn cá nhân, người viết nhận thấy đạo Phật tại Việt Nam đang phổ cập giáo dục Phật học. Việc giảng dạy không chỉ dừng lại ở giới tu sĩ mà còn phổ biến mạnh tới cư sĩ Phật tử. Điều nổi bật là Kinh sách ngày nay được sử dụng đã được dịch và biên soạn hầu hết bằng chữ quốc ngữ. Việc giảng dạy cổ ngữ tại các trường nhằm hướng tới việc nghiên cứu học thuật nhằm tìm hiểu sâu hơn. Phật giáo Việt Nam đang biên soạn Tam Tạng Kinh điển bằng tiếng Việt, đây là một điều đáng tự hào cho thế hệ sau bởi ân đức của liệt vị đã có công dịch từ cổ ngữ ra chữ quốc ngữ.
– Sự trà trộn của Bà-la-môn
Người Việt được cho là thích sính ngoại, và ngay cả giới tu sĩ dường như cũng bị nhiễm theo kiểu cách đó. Lâu lâu lại thấy một đoàn tu sĩ Phật giáo Tây Tạng qua Việt Nam hành đạo. Các vị tu sĩ ấy thì không sai, nhưng có thể cái sai là ở cách làm của tu sĩ Việt. Sự phô trương nhằm thu hút công chúng, điều đó dẫn theo cả sự tốn kém từ tiền bạc cho tới nhân lực.
Có một số tu sĩ không lo tu tập, chỉ thích thưởng trà, du lịch, hay làm những thứ khác người để nhằm mục đích nổi bật. Những người ấy lóe lên trong đêm rồi tắt lịm, thử nhìn lại biết bao vị tổ xưa nay, tiếng thơm của họ vẫn bay đi xa mà đâu ai làm trò như thế.
– Suy đồi đạo đức trong hàng ngũ Tăng già
Phật giáo Việt Nam đã có những bước chuyển mình quan trọng để phục hưng lại như ngày hôm nay, cộng với sự phát triển kinh tế dẫn đến việc người Phật tử phát tâm cúng vào chùa nhiều hơn. Từ việc thiếu tu kém học, đạo đức của một số cá nhân đi xuống trầm trọng. Mà đồng tiền và lợi dưỡng không phải là nguyên nhân chính, cái chính nằm ở con người sử dụng nó như thế nào. Những vật phẩm giá trị được tích trữ, chùa mới xây dựng rồi lại đập đi xây lại, quá hoang phí.
Sự suy đồi đạo đức của một số tu sĩ lại làm miếng mồi ngon cho những kẻ có âm mưu phá hoại Phật giáo tại Việt Nam. Những vụ phạm trai phá giới lâu lâu lại được phát tán lên mạng xã hội, và điều đó làm trung tâm của sự bàn tán và thổi phồng. Họ đánh đồng Phật giáo là những con người đó, nhưng thực chất đạo Phật không hề có lỗi. Chỉ trách những kẻ “thật thầy tu giả” đã tiếp tay cho ngoại đạo chống phá, quả thật rất đau lòng!
Tu sĩ trẻ sớm xa rời sư phụ bổn sư để đi học, lạm dụng mạng xã hội nên thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng khiến Phật tử, ngoại đạo có cái nhìn không tốt. Chạy theo văn bằng và học vị nên quên đi giá trị thực của việc tu học là giải thoát giác ngộ.
Thích Bửu Đắc (ĐSHĐ-116)
Diễn đọc: SC Đức Tạng