Công ty Đặng Lê, Sài Gòn, là đơn vị tổ chức tour lần này, viếng thăm miền Trung Nhật Bản như thủ đô Tokyo, núi Phú Sĩ (Fuji), thành phố Kyoto và Osaka. Phái đoàn gồm có 30 vị trong đó có 19 chư Tôn đức Tăng Ni như TT. Thiện Hảo (Trưởng đoàn), TT. Tâm Hiếu, TT. Lệ Thọ, TT. Nguyên Sĩ, TT. Phước Chí, TT. Trung San, Sư bà Như Cảnh, NS. Hạnh Quang, NS. Giới Hương,… và 11 vị Phật tử. Thời gian đi từ ngày 17/10/2017 đến 22/10/2017. Tháng 10 là tháng bắt đầu mùa thu, nhiều nơi lá bắt đầu chuyển màu đỏ vàng, nên tour được gọi là “Japan – Điểm đến mùa thu lãng mạn”.
Buổi trưa, chúng tôi thường được đãi ăn dạng “Japanese set”, nghĩa là mỗi người một mâm cơm nhỏ nhỏ xinh xinh riêng biệt. Cơm Nhật dẻo và thơm, nhưng thức ăn lạt, hơi khó ăn, ví dụ như bún mì Udon lạt (mì sợi to như bánh canh), rau và đậu hủ trắng luộc trong nồi lẩu tí hon không nêm và khoai lang hay củ súng được chiên ăn với đồ chua… May có quý Sư cô Bạc Liêu và Ni sư Hạnh Quang mang theo nhiều món Việt như mứt rong, đồ kho, tàu hủ ki chiên, chao… nên đoàn ăn khỏe mạnh và thỏa mãn bao tử. Bữa sáng và tối thường là dạng buffet (tự chọn lấy thức ăn).
Dự báo thời tiết:
– Ngày 18/10: Tokyo, 15-18°C, có mưa.
– Ngày 19/10: Hakone, 14-17°C, đôi lúc có mưa.
– Ngày 20/10: Osaka, 20-25°C, nhiều mây.
– Ngày 21/10: Osaka, 20-25°C, nắng đẹp.
Nhưng thật ra chỉ ngày 18/10 có nắng, những ngày còn lại đều mưa dầm dề và trời âm u, nhưng vẫn không cản bước du khách đến viếng thăm những nơi này.
NGÀY 1: TP.HCM – TOKYO
9 giờ tối, đoàn tập trung tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, hướng dẫn viên đón đoàn, làm thủ tục cho chuyến bay đến Tokyo – Nhật Bản. Đoàn nghỉ đêm trên máy bay. Chuyến bay bắt đầu từ 0 giờ 40 phút đến 7 giờ 45 phút sáng hôm sau.
NGÀY 2: TOKYO
Đoàn viếng thăm chùa Asakusa, Cung điện Hoàng gia Nhật Bản và chùa Việt Nam, chùa Nhật Bản.
9 giờ sáng, xe đón đoàn tại sân bay, đưa đoàn đi về Tokyo, viếng thăm chùa Asakusa. Đây là ngôi chùa cổ nhất Nhật Bản. Theo truyền thuyết, vào năm 628, khi đang đánh cá trên dòng sông Sumida, hai anh em Hinokuma Hamanari và Hinokuma Takenari tìm thấy một tượng Quan Âm cao khoảng 5,5m vướng vào lưới của họ. Nhiều lần, họ thả tượng Bồ tát về với dòng sông, nhưng bức tượng vẫn quay trở lại. Vị trưởng lão Hajino Nakamoto nhận ra sự linh thiêng của bức tượng, nên đã hiến một phần đất nhà mình lập nên ngôi đền nhỏ thờ tôn tượng Bồ tát Quan Âm để dân chúng có thể đến cầu viếng. Ngày nay, ngôi đền trở thành một ngôi chùa trang nghiêm và hoành tráng.
Chùa Asakusa nằm ngay trung tâm Tokyo với hơn 12 hecta đất. Hiện nay, Thiên Hoàng Minh Trị quản lý chùa nên nhiều hoàng tử, giới quý tộc và quan chức đến chùa quy y và làm lễ. Người Nhật có phong tục thường đến hồ nước trước tiên khi vào chùa hay đền. Họ dùng tay phải múc nước rửa tay trái, thực hiện ngược lại với tay trái và ném hai đồng xu xuống giếng hay trước chánh điện để cầu Thần Đạo (Shinto) hay Quan Âm. Ở đây, có những nhiều chiếc chuông nhỏ với dây treo bằng vải nhiều màu, khách chiêm bái có thể cầm dây để dộng chuông, cầu Phật hay thần chứng minh cho lời nguyện.
Tháp truyền hình Skytree, tọa lạc tại Sumida, Tokyo, được xây dựng vào tháng 3/2011, là tòa tháp cao thứ hai thế giới với 634 m, sau tòa tháp Burj Khalifa cao 829,8 m ở Dubai.
Dòng sông Tokyo dài 70 km và có 50 cây cầu nhỏ bắc qua để di chuyển giao thông. Lối kiến trúc nhà cửa ở đây xây cách nhau 4 tấc, hai nhà cạnh nhau không dùng chung tường. Nếu hai nhà nào dùng chung vách, tức là được xây trước 1950). Đa số nhà từ tầng 3 trở lên đều được lắp kính hạt lựu, để khi có hỏa hoạn, người bên ngoài dễ dàng đập vỡ kính xông vào mà không bị thương nặng.
Buổi trưa, đoàn dừng chân tại nhà hàng Hokaido Akihabara ở lầu hai khu Akihabara để dùng bữa theo phong cách Nhật. Sau đó, đoàn đi mua sắm tự do tại trung tâm thương mại Akihabara. Ở đây, du khách có thể mua hàng lưu niệm, điện tử, máy massage có chất lượng tốt của Nhật Bản. Có người mua máy massage với giá đến 200 USD, khoảng 22.000 Yen, có chế độ rung xoa mắt, không âm nhạc, có nước thơm thoang thoảng nơi mũi và phun hơi nước làm dịu mắt. Nếu du khách mua trên 5.000 Yen và cung cấp hộ chiếu, còn được giảm thuế (tax) 0.8%. Công ty Aeon cũng vậy, nếu mua trên 5.400 Yen, khách hàng sẽ được giảm 0.8%. Tuy nhiên, các công ty nhỏ không có chương trình miễn thuế này.
Ở đất nước này, người muốn mua xe ô tô, trước tiên phải trình với hãng xe giấy đậu xe, bãi đỗ hợp lệ và cửa hàng mới được phép bán xe. Học sinh lớp 7 mới bắt đầu được học tiếng Anh. Thanh niên Nhật Bản 20 tuổi mới gọi là trưởng thành, mới được uống bia. Tại các nhà vệ sinh, biểu tượng và chữ được phân biệt bằng màu sắc, màu đỏ cho nữ và màu xanh cho nam. Cho nên, nếu ai không biết tiếng Nhật, có thể nhìn màu sắc biểu tượng để phân biệt.
Buổi chiều, đoàn tham quan Cung điện Hoàng gia Nhật Bản (Imperial Palace). Cung điện được xây dựng trên nền cũ của tòa thành cổ Edo, một vùng công viên rộng lớn được bao bọc bởi những hào nước và những bức tường thành ngay giữa trung tâm Tokyo. Vua và hoàng hậu ở dinh thự trên đồi rộng 7 hecta. Để giữ xanh mát cho hoàng cung, mỗi năm, vua chi trả cho nhân công chăm sóc cây cảnh 200 tỷ Yen.
Sau đó, đoàn nhận phòng ở khách sạn Shinjuku Granbell (2-14-5 Kabuki Cho, Shinjuku, Tokyo). Tiếp theo, đoàn hướng về Aikawa-machi, Hambara, cách khách sạn khoảng một giờ đồng hồ lái xe (nếu không tắc nghẽn giao thông), để viếng thăm chùa Việt Nam do Cố Hòa thượng Minh Tuyền thành lập (địa chỉ 243 – 0307 Kasagawaken, Aigokun, Aikawa-machi, Hambara 4889, email: chuavietnamjapan@gmail.com). Đoàn mang thực phẩm, nấm đông cô, nhiều quyển Kinh Pháp Hoa, Kinh Nhật Tụng và sách của Ni sư Giới Hương viết với lời giới thiệu của Hòa thượng Như Điển (Phương trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc) như Kinh A Hàm, Đạt Lai Lạt Ma và Kinh Kim Cang để tặng thư viện chùa cùng Phật tử địa phương. Đoàn được Thượng tọa Nhuận Ân, Sư cô Giới Bảo cùng quý Phật tử tiếp đón nồng hậu, ấm cúng và chiêu đãi nhiều món ngon, đặc biệt món bún mì Udon nêm rất đậm đà, ngon miệng. Nghe nói, cảnh quan quanh chùa rất đẹp, vì đi ban đêm không thấy rõ, hy vọng lần sau chúng tôi có thể đến thăm viếng và được tham quan. Đoàn trở về khách sạn đúng 9 giờ tối.
NGÀY 3: TOKYO – Phú Sĩ Sơn (Fuji-san)
Nếu như Kokyo cổ kính được xem như thủ đô Hà Nội, thì Kyoto và Osaka, nơi xe chúng tôi đang hướng đến, được ví như Sài Gòn năng động. Vì Tokyo thuộc phía Đông Nhật Bản, để đi về miền Trung, phải mất nhiều thời gian di chuyển bằng xe buýt. Tuy nhiên, vị Trưởng đoàn nói: “Hạnh phúc không phải điểm đến, mà là hành trình đến”. Vì thế, đi xa ngồi xe lâu một chút, chúng tôi đã vui trở lại.
8 giờ 30 phút sáng, đoàn dùng điểm tâm theo cách buffet tại khách sạn và làm thủ tục trả phòng. Sau đó, di chuyển bằng xe khoảng 2 giờ đồng hồ để thăm vườn nho gần khu vực núi Phú Sĩ.
Đến vườn nho, du khách đăng ký dịch vụ tự hái nho (Fruites/grapes picking). Nho đen và đỏ sai trĩu lủng lẳng từng chùm trên giàn. Tại vườn, du khách được tự tay hái ăn thoải mái không giới hạn, nhưng sẽ phải trả tiền cho phần mang ra khỏi vườn, tức là phần mua về. Nho ngọt nhưng hơi dai và dẻo, không như nho Mỹ hay nho Việt Nam. Đoàn dùng bữa trưa tại nhà hàng địa phương Funatsuya theo kiểu Japanese set.
Trời bắt đầu mưa dầm dề và như dự định, xe vẫn phải chạy về hướng núi Phú Sĩ. Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản và cũng là biểu tượng nổi tiếng của quốc gia này, nên đây thường là đề tài cảm hứng hội họa, nhiếp ảnh nghệ thuật, văn chương cũng như âm nhạc. Đây là một trong “Ba núi Thánh” của Nhật Bản, cùng với núi Tate và núi Haku, là một di tích thắng cảnh đặc biệt và được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 22/6/2013. Núi Phú Sĩ trải dài trên địa phận tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi, phía Tây Nam Tokyo. Đây là ngọn núi lửa còn hoạt động và là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao tuyệt đối 3.776m. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ. Dưới chân núi có năm hồ nước ngọt lớn: Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motosu và Shoji, cùng với hồ Ashi ở gần đó tạo nên một cảnh quang tuyệt đẹp cho ngọn núi. Đây là một phần trong Công viên Quốc gia Phú Sĩ – Hakone-Izu.
Theo lời hướng dẫn viên, Nhật Bản có bốn hải đảo chính và thuần chủng. Vì thuần chủng nên hầu như chỉ người Nhật mới hiểu người Nhật và sống được tại đất nước Nhật. Có một câu nói như sau: “Đã sinh ra là người Nhật, chỉ có họ mới hiểu họ, khó ai học được cách làm của người Nhật được.”
Vì thế, nhiều người châu Á đến sống ở đây, sau một thời gian, phần nhiều họ chuyển sang định cư ở những nước khác như Hoa Kỳ, Canada… Dân số Nhật Bản khoảng 3-4 năm giảm 1 triệu dân, vì tuổi thọ người Nhật vốn cao và họ hạn chế sinh sản. Trong khi tại Việt Nam, mỗi năm dân số tăng 1 triệu dân vì chưa kế hoạch sinh sản triệt để. Vì thế, trẻ con ở Nhật rất được quý mến. Phụ nữ mang thai và sinh sản đều được hưởng trợ cấp từ Chính phủ. Tiến tiến nhất là mỗi đứa trẻ đều được gắn chip định vị để phụ huynh có thể dễ dàng theo dõi vị trí của trẻ trên điện thoại.
Khi người Nhật chưa có chữ viết, thái tử Sô-tô-kaski gọi núi này là Bất Nhị (nghĩa là độc nhất, không có núi thứ hai trên thế giới). Sau đó, vì muốn đất nước thịnh vượng nên đổi tên núi lại thành Phú Sĩ. Trong viện bảo tàng vẽ núi Phú Sĩ, âm đọc là Phú Sĩ, nhưng chữ viết lại là tên Bất Nhị. Núi cao khoảng 3.370m, chia thành 10 tầng. Các trường học Nhật Bản đều có môn thực hành thể thao leo núi (thường leo núi đến tầng 8 là mệt ngất).
Tích truyện kể rằng có một vị Sư đem đèn dầu thông, đốt đèn vào ban đêm để leo lên đỉnh núi. Khi dầu hết, Sư phát sạch cỏ rừng tại nơi đó và ghi là “Trạm dừng chân 1”. Tối hôm sau, Sư lại đốt lửa đi tiếp, cho đến trạm 10. Càng lên cao, gió càng nhiều, lửa càng mau tắt, đồng nghĩa khoảng cách các trạm càng gần nhau. 16 km đường từ tầng 1 đến tầng 5 đã được cải tạo, mỗi xe du lịch từ chân núi lên tầng 5 phải đóng 76 USD lệ phí.
Mỗi năm, từ ngày 01/7 đến ngày 01/9 (tức tháng 7 và 8) là hai tháng con đường này mở cửa, sinh viên, dân chúng hay du khách được leo núi tự do. Các tháng còn lại đóng cửa vì tuyết rơi nhiều sẽ nguy hiểm. Thường 2 giờ chiều hôm nay bắt đầu leo núi, khoảng 3 giờ 30 phút chiều ngày mai là đến đỉnh núi. Nhiều sinh viên châu Á leo đến trạm nào thì mua bưu thiếp để gửi tặng gia đình và bạn bè làm kỷ niệm. Mệt và lạnh nên chữ viết “phượt thủ” ngoằn ngoèo, không đọc được. Thế là, người nhận vô tình để rơi rớt những bưu thiếp đó và không biết hết giá trị của nó, đó chính là niềm tự hào chinh phục thiên nhiên của người đã gửi.
Ở Nhật Bản cũng có nhiều vụ tự sát, trung bình mỗi ngày có 100 vụ. Ai cũng đều thắc mắc vì sao một đất nước có nền kinh tế giàu có như thế lại có nhiều người tự sát. Trong sâu thẳm trái tim của người Nhật, Samurai là niềm tự hào và tự tôn của người cầm kiếm. Cho nên, khi họ cảm thấy làm phiền đến nhiều người khác, không được kính trọng, không còn mục đích sống, chán nản, tốt hơn họ nên tự sát và họ tin rằng linh hồn mình sẽ hóa sanh vào cây cỏ thiên nhiên. Nếu có tu sĩ Phật giáo hay Thần Đạo cúng, họ càng tin rằng mình sẽ tái sanh làm thần, nếu không thì làm hồn ma. Họ tôn kính núi Phú Sĩ nên đều chọn nơi đây để “chết”, cũng giống như người Ấn Độ thường “trở về” ở sông Hằng. Vì thế, khu rừng phía Tây núi Phú Sĩ được gọi là “Khu rừng ma”.
Nếu như theo văn hóa người Việt, chén cơm cuối cùng trong bữa ăn sẽ được nhường cho cha mẹ, người lớn, thì ở Nhật ngược lại, chén cơm đó sẽ dành cho con trẻ, vì họ con trẻ là tương lai, trong khi cha mẹ già rồi cũng sớm mất đi. Người Nhật không tổ chức cũng giỗ, thờ phượng tổ tiên. Con cái đa phần đều đưa cha mẹ vào Viện Dưỡng lão.
Chúng tôi tình cờ được biết người hướng dẫn viên của đoàn có một người cháu làm ở Viện Dưỡng lão với mức lương 100 triệu Yen/tháng. Một tuần làm việc 3 ngày 10 giờ/ngày và 3 ngày 14 giờ/ngày. Trong ngày làm việc 10 giờ, đã có 4 giờ chỉ nằm và quan sát camera để có mặt kịp thời khi có người già gọi khẩn cấp hay gây rối.
Buổi sáng, các y tá điều dưỡng phải tắm gội cho hơn 100 người già. Họ cố định tay chân các cụ vào thành ghế, cho xà phòng lên đầu và bắt đầu xoa gội. Có cụ đáng yêu còn xin y tá gãi đầu cho họ lâu hơn nữa, vì họ cảm thấy hạnh phúc khi có bàn tay xoa dịu, nhưng cũng có nhiều cụ khác lại la hét inh ỏi, hối thúc y tá nhanh tay để đến phiên họ được xoa xà phòng. Sau khi được tắm gội sạch sẽ, các cụ được robot xả nước gội và đưa vào phòng khác để sấy khô tóc. Tất cả mọi công đoạn đều do robot thực hiện trừ công đoạn xoa gội xà phòng do con người trực tiếp thực hiện. Cũng nhờ có robot nên Viện giảm bớt đi chi phí nhân viên. Khi có người già chết, nhân viên báo tin cho thân nhân. Có người chỉ nói gọn: “Ba tôi chết rồi hả? Tôi có mua bảo hiểm hậu sự (hay mua packet của tôn giáo phục vụ, còn gọi là Thầy cúng), cô gọi họ đến làm giùm, tôi khỏi lên. Làm xong cô thiêu và thả tro ra sông hồ giùm luôn.”
Thời gian cúng theo dịch vụ và khách thăm viếng là 6 giờ đồng hồ. Có những người già không thân nhân nên lúc mất sẽ được đưa đi hỏa thiêu ngay. Trước nghi thức hậu sự, thi thể các cụ đều được khám tử thi để xác định nguyên nhân tử vong: chết do tự nhiên, già bệnh hay bị đầu độc. Một đời người: thời sinh viên cật lực giảng đường Đại học, cả 40 năm dành cho công việc, tuổi già vào Viện Dưỡng lão và chờ chết, thả tro theo gió bụi. Cuộc đời chấm dứt buồn tẻ như vậy!
Nhật Bản càng ngày càng sụt giảm dân số. Gia đình hai con đã quá mệt mỏi, nên không có con thứ ba. Lý do là:
– Con cái đông, cha mẹ cực nhọc, không còn nhiều thời gian rảnh rỗi;
– Học phí cao, nhất là Đại học (thà nuôi thú cưng, không tốn kém học phí);
– Công việc căng thẳng, các cặp vợ chồng không còn nhiều sức khỏe cũng như thời gian để âu yếm, ân ái…
Một số nhân vật Việt Nam có ảnh hưởng lớn và liên quan đến văn hóa Nhật Bản:
1. Nhà Sư Đông Triết: Người Chàm, đã cống hiến điệu múa “An Nam vũ khúc” trầm hùng cho văn hóa đền thần Nhật Bản.
2. Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Mai: (theo tục răng đen, biểu tượng cho vẻ đẹp) được gả cho một Samurai. Hằng năm, vào 3 ngày 7-9/10, người Nhật tổ chức lễ hội đón mừng công chúa Việt. Trong lễ hội, có hai đứa bé mặc sắc phục Samurai và hàng ngàn cô gái Nhật mặc áo dài Việt Nam kết hợp quần jean và giày Adidas.
Tương truyền công chúa không biết ngôn ngữ bản địa ngoại trừ hai tiếng “Anh ơi!” Khi bà chết, Samurai xây tháp bà trên núi thuộc thành phố Nagasaki, hướng về Việt Nam và nơi đó có tên là “Đại Ân Tự”. Bà đã để lại sự yêu mến nơi người Nhật tại thành phố đó.
3. Cụ Phan Bội Châu: Người Nhật có một bộ phim mang tên “Người cộng sự – Cuộc đời Bác sĩ Phan Bội Châu” để tán thán sự cống hiến của cụ.
Trở lại núi Phú Sĩ, nhiều đoàn xe đã lên núi đến trạm số 5 và chỉ thấy mưa, mây mù và sương mờ. Du khách mang áo mưa và dù, tập trung mua sắm trong cơn mưa là chính. Nơi đây có sản phẩm độc đáo là gối thơm có mùi hoa oải hương Aroma Fragrance Pillow – Lavender, được chiết xuất 100% từ hoa oải hương, khi muỗi nghe thấy mùi hương này, chúng sẽ không đến gần. Mỗi hai tuần, nên phơi nắng gối một lần để tinh dầu tiết ra hương thơm và thời gian sử dụng gối được vài năm. Giá mỗi chiếc gối khoảng 10 – 40 USD tùy lớn hay nhỏ.
Mùa Thu là thời điểm thu hút nhiều du khách nhất. Vì vào mùa này, cây lá trên núi đều chuyển vàng hoặc đỏ xinh đẹp một cách nên thơ và lãng mạn. Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, trên đỉnh núi nhiều tuyết trắng. Vào cuối tháng 10, lá cây nơi đây bắt đầu rụng, chỉ cần một cơn gió se lạnh mang hơi thở của Thu cũng làm chúng thi nhau rơi xuống phủ kín cả mặt đất, tô đậm thêm thắng cảnh lãng mạn nơi đây.
Trước khi đến Phú Sĩ khoảng 50-60 km, tất cả phương tiện sẽ chạy qua một đoạn đường và nghe một bài hát với nội dung ca ngợi núi Phú Sĩ. Khi xe chạy qua, trọng lượng của xe kích hoạt lên mặt đường khiến bài hát phát lên, một sáng tạo mới lạ, độc đáo của người Nhật.
Cách núi Phú Sĩ khoảng 3 km, tại khu rừng ma, chúng tôi thấy có 3 câu được ghi như sau:
“Mọi thứ đều có thể làm lại từ đầu, ngoại trừ cái chết.”
“Hãy yêu thương gia đình!”
“Tôi sẵn sàng chờ các vị!”
Ngày 23/02/2017, một trường Đại học chấm điểm cao cho luận văn của một cô sinh viên, vì chứng minh hồn ma có thật. Trong đó, có câu chuyện do một bác tài taxi kể lại. Khoảng 5 giờ chiều, bác chở một vị khách đi xa khoảng 30 km. Tài xế rất mừng vì trúng mối. Chạy khoảng 30 phút, bác tài xế chợt nhớ ra thành phố đang đi đến là nơi có sóng thần, người dân đã chết hết, nên hỏi cô gái đến đó làm gì. Cô trả lời: “Xin lỗi bác tài, tôi chết rồi, nhưng tôi nhớ nhà, nên xin về.” Bác tài quay lại không thấy ai cả. Bác ngưng máy tính tiền (theo km) và in ra biên nhận, cô sinh viên lấy biên nhận này làm bằng chứng để viết luận án chứng minh có ma thật.
Có một câu chuyện về cô gái sanh con rơi. Một nữ du học sinh người Việt làm công việc rửa chén. Trên đường về nhà vào ban đêm, cô đau bụng sinh con non giữa đường. Cô gói con trong áo ấm bỏ trước một căn nhà và bỏ đi. Một cụ già người Nhật nửa đêm nghe tiếng con nít khóc, chạy ra thấy một đứa bé sơ sinh còn đỏ hỏn trong áo ấm, bà ngất xỉu. Chồng bà gọi cảnh sát và đưa hài nhi vào bệnh viện cứu sống đứa bé. Mười ngày sau, cảnh sát dựa theo đoạn ghi hình từ camera của biệt thự cạnh bên, biết được sau khi sanh con phía sân trước biệt thự, cô gái dùng răng cắn đứt nhau rốn của đứa bé. Cuối cùng, cảnh sát đã tìm ra người mẹ trẻ đó. Truyền hình Nhật Bản chỉ nêu thông tin cô là du học sinh Đông Nam Á và che mặt cô. Cô chia sẻ ba má ở quê không giàu có, lỡ biết cô có thai, ba má sẽ đánh cô chết. Cũng vì áp lực xã hội, nếu chưa cưới hỏi mà cô có con, tuyệt đối không được, nên đất nước Nhật Bản chính là nơi đã cưu mang hai mẹ con cô. Chính phủ cho hai mẹ con căn nhà rộng 36 m2. Người dân trong thành phố nơi cô ở cũng cho hai mẹ con quần áo, xe đẩy trẻ em và vật dụng trẻ nhỏ rất nhiều.
Ở đây, cứ khoảng 3 giờ đồng hồ, có người đến hướng dẫn cô cách chăm sóc con nhỏ từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi. Cô thoát nạn và cháu bé là người mang may mắn đến cho cô. Nếu cháu bé chết, cô sẽ phải bị phạt tù khoảng 7 năm.
3 giờ chiều, đoàn chúng tôi thăm làng cổ Oshino Hakkai. Trời vẫn mưa rả rít. Một khung cảnh đẹp như tranh vẽ hiện ra phía cuối đường: hồ nước màu xanh ngọc bích ẩn hiện giữa vành cỏ xanh mướt, phía xa xa là bóng cây cổ thụ xòe tán rộng soi mình xuống hồ nước tĩnh lặng. Tham quan nhanh gọn và chụp hình, đoàn nhận phòng nghỉ đêm tại khách sạn Fujinobou Kaen, 495-201 Subashiri, Oyamacho, Sunto-gun. Ở khách sạn có phòng tắm Onsen, nước có chất lưu huỳnh tốt cho da, có hai phòng tắm lớn cho nam và nữ riêng biệt. Có phòng phục vụ chụp hình miễn phí, du khách được mặc trang phục Kimono từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối. Gối thơm oải hương ở đây rẻ hơn trên núi Phú Sĩ khoảng 300 Yen/chiếc, nhưng không nhiều bằng. Lên núi xa nên họ bán mắc hơn cũng phải. Đoàn dùng bữa tối buffet tại khách sạn.
TKN. Giới Hương (Hoa Kỳ) {ĐSHĐ-056}