Hôm nay ngày Hiến chương Nhà giáo, ngày mà những người học trò nô nức hướng về các bậc Ân Sư của mình với tất cả lòng tôn kính tri ân, con ở đây lặng thầm thắp lên nén hương, đứng nhìn làn khói bay ngang di ảnh của Thầy, lại bùi ngùi nhớ ơn Người lái đò thầm lặng.
“Người lái đò” vĩ đại nhất cuộc đời con, chính là Thầy. Từ ngày Thầy đi xa, con đò nhỏ là con cứ chập chùng trước mấy đợt sóng đời nhấp nhô. Mỗi bận như thế, con thường tự nhủ: “Phải chi Thầy còn”! Câu nói này cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong tâm trí đứa học trò chưa kịp lớn đã phải xa Thầy đột ngột như con. Vì giờ đây con đã hiểu sâu sắc rằng: Một người đệ tử, dù nhỏ hay lớn thì việc “còn Thầy” với “không còn Thầy” đều rất khác nhau, thật sự rất rất khác nhau!
Nếu Thầy còn, hẳn con sẽ luôn được nghe lời Người căn dặn mỗi khi về thăm: “Cố gắng tu học nghen con. Tu hành nghiêm túc, chưa thành Phật cũng thành Tổ, chứ mà lem nhem thì chỉ có mắc đọa.” Nếu Thầy còn, mỗi khi học xong một khóa học, hay làm được chút thành tựu gì, con liền có thể về “kể công”, Thầy sẽ mỉm cười sách tấn và kết thúc luôn là câu “cố gắng nha con!” Nếu Thầy còn, mỗi bước đi của con sẽ bình yên và an ổn lắm, vì con biết sau lưng có một ánh mắt luôn dõi theo, nâng đỡ… Ngặt nỗi, cuộc đời này không thể sống với chữ “nếu”, nên con đành phải học cách chập chững bước đi một mình, với tấm lòng tri ân Người đã xuất hiện và khai mở cho con một hướng đi tốt đẹp!
Mỗi khi lặng ngắm di ảnh, con thường nhớ lời Người dặn: “Còn nhỏ phải lo học hành. Tốt nghiệp Tú tài thời này phải thi Đại học, xong thì lên Cao học, rồi Thạc sĩ, Tiến sĩ… Cái gì cũng phải học nghe con! Học hành rồi phải tu hành nữa, không được lười biếng!” Thầy hay kể “ngày xưa chiến tranh, Thầy ở trên núi không được đi học nhiều”, mà chủ yếu tự học chữ Hán. Nhờ vậy, mà Thầy rất giỏi chữ Hán. Thầy hay “nói Nho” và dùng chữ Hán để ghi các công tác cần nhắc nhớ hằng ngày lên một tấm bảng đen. Mỗi lần đi ngang, con thường ghé mắt nhìn qua, hôm nào đọc được thêm một chữ Hán trên đó, cảm thấy bản thân như lớn thêm một chút, vui vui! Chắc Thầy cũng không biết: Chính tấm bảng đen đó đã tạo động lực to lớn để con rị mọ chữ Hán, cho đến tận bây giờ!
Vì học Nho, nên những hành xử của Thầy ít nhiều cũng mang cốt cách nhà Nho, nguyên tắc và cẩn trọng. Thầy sắp đặt các đồ vật rất ngăn nắp và dạy con cách đặt để, cái nào cũng phải “ngang ngay, sổ thẳng” y như những chữ Hán trên tấm bảng đen kia. Thú vị nhất là cách Thầy cho con tiền. Nhớ ngày đó, dù chưa có nhu cầu tiêu tiền nhưng thỉnh thoảng vẫn được Thầy cho, nhất là khoảng thời gian con đi học Đại học bên ngoài. Mỗi lần về phụ công việc, tiền cho đệ tử luôn được Sư phụ xếp gọn trong bao thư, xong kẹp vào quyển sách hoặc cuốn báo Giác Ngộ. Có khi Thầy dặn rõ “trong sách có tiền để con chi dùng cho việc học”, nhiều khi chỉ nói “Thầy cho tờ báo về đọc nè!”. Vì đó gần như là phong cách của Thầy, nên mỗi lần nhận cuốn sách, hay tờ báo từ tay Người, là con biết bên trong còn có thêm sự quan tâm thật tinh tế mà ấm áp của Sư phụ. Tiếc thay, cảm giác “lật sách tìm bì thư” vui vẻ đó đã vĩnh viễn chấm dứt vào một buổi sáng tháng ba, khi con vừa thi đậu Cao học mà chưa kịp báo tin vui, thì Thầy đã ra đi. Người đã bước qua một thế giới khác nhẹ nhàng như thế. Chỉ có con, đứa học trò chưa kịp lớn, vẫn còn lưu luyến muốn học thêm nhiều bài học quý, mà lúc nhỏ chưa kịp nhận ra…
Thoáng chốc đã mười lăm năm trôi qua từ ngày Thầy đi xa. Mười lăm năm vật đổi sao dời, nhưng dù đi đâu làm gì, con vẫn luôn nhớ công ơn người khai mở con đường học vấn mênh mông để ngày nay con thỏa sức lựa chọn, là Thầy. Ai đó đã từng nói “Chừng nào còn biết ơn, chừng đó còn hạnh phúc”, con thấy mình thật sự diễm phúc, khi được làm đệ tử của Thầy, được gặp một người lái đò thầm lặng quá tuyệt vời như Thầy.
TKN. Hạnh Đức (ĐSHĐ-134)