Tuổi Giáp Tuất
– Lý Thái Tổ (974 – 1028) tên thật là Lý Công Uẩn, là vị hoàng đế anh minh sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028. Ông cũng là vị vua đã ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) vào năm Canh Tuất 1010.
– Trần Danh Án (1754 – 1794) hiệu Liễu Am, Tản Ông, sinh ra tại làng Bảo Triện, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), Trần Danh Án thi đỗ Hoàng Giáp khoa Đinh Mùi (khoa thi cuối cùng của triều Hậu Lê), ra quan nhà Lê Trung Hưng. Ngoài ra ông còn là nhà thơ, tác giả của Nam phong giải trào, một công trình sưu tập ca dao được nhiều nhà nghiên cứu xem là xưa nhất.
– Kỳ Đồng (1875 – 1929) tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, người làng Trung Lập (theo cuốn Danh nhân Thái Bình thì quê ông là làng Ngọc Đình), phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông vốn có tư chất thông minh từ nhỏ, được Pháp cho đi du học nước ngoài nhưng trong lòng ông vẫn một mực yêu nước và từ chối làm quan cho Pháp. Vì sợ ông liên lạc với Đề Thám nên Pháp đã đày ông sang quần đảo Marquesas.
– Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932) tên thật là Đỗ Thái Bửu, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc (Yên Phúc), huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Yên Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Ông là một doanh nhân nổi tiếng, yêu nước, luôn khẳng khái, bất bình trước những thế lực ngoại bang hiếp đáp người Việt. Dù tiếp xúc thường xuyên với người Pháp, học tập kỹ thuật tân tiến của người phương Tây, nhưng Bạch Thái Bưởi luôn thể hiện tinh thần dân tộc trong hoạt động kinh doanh. Ông đặt tên các con tàu mua lại từ đối thủ nước ngoài bằng những tên Việt như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi.
Tuổi Mậu Tuất
– Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, quê ở làng Uy Viễn (nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), là một nhà chính trị, nhà quân sự và một nhà thơ thời nhà Nguyễn. Ông làm quan qua các đời vua Gia Long Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông nổi bật về việc khai hoang, mộ dân trên một vùng đất lớn ở miền Bắc, lập nhiều chiến công trong việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống triều đình và trong chiến tranh Việt – Xiêm (1841 – 1845).
– Dương Quảng Hàm (1898 – 1946) hiệu là Hải Lượng, sinh tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Là nhà giáo dục Việt Nam, trong hơn 20 năm (1920 – 1945), ông đã làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa văn học và sử học cho nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Việt. Với tác phẩm Việt Nam văn học sử yếu, do ông dày công biên soạn, được xem là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Tuổi Nhâm Tuất
– Lê Thánh Tông (1442 – 1497), tên húy là Lê Tư Thành, là hoàng đế thứ năm của nhà Lê sơ nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1460 đến năm 1497, tổng cộng 38 năm, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Lê sơ và cũng là một trong những vị vua cai trị trong thời kỳ hòa bình lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông nổi tiếng với việc minh oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên.
– Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905)là một danh sĩ triều Nguyễn, hiệu Trúc Vân, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tại khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1892), ông đậu Tiến sĩ. Sau khi đỗ Tam giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (đời Thành Thái thứ tư), Chu Mạnh Trinh được bổ làm Tri phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội, có tiếng là công minh chính trực. Ông là tác giả bài phú Hàm Tử quan hoài cổ.
– Nguyễn Sinh Sắc (1862 – 1929), còn gọi là Nguyễn Sinh Huy (người dân gọi thân mật là cụ Phó Bảng), quê ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà nho yêu nước và được biết đến là cha đẻ của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tuổi Canh Tuất
– Nguyễn Thị Minh Khai (1910 – 1941), tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ra tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bà là nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1930-1940.
Nguyễn Hoàng Duy (Tổng hợp)
Diễn đọc: Sc Nhuận Anh