Ni giới Đà Nẵng phụng Đạo pháp và Dân tộc (Phần 1)

Tóm tắt

Ni giới Phật giáo đã có lịch sử hơn 2.500 năm ngay từ khi Đức Phật còn tại thế. Từ khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam hơn 2.000 năm trước, theo đó Ni giới Phật giáo Việt Nam cũng có mặt, cũng như đã có những đóng góp tích cực cho Phật giáo dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Cho nên, việc nghiên cứu vai trò, vị trí và những đóng góp của Ni giới Phật giáo Việt Nam là rất cần thiết. Bài tham luận này của chúng con tập trung vào nghiên cứu Ni giới Phật giáo thành phố Đà Nẵng trong sự kế thừa tinh thần nhập thế phụng sự đạo pháp và dân tộc của Ni giới Việt Nam.

Nội dung

1. Dẫn nhập

Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di (Mahaprajapati) khẩn cầu Đức Thế Tôn nhiều lần nỗ lực cố gắng: “Thưa Đại đức A Nan! Chúng tôi đã xuống tóc, đã bỏ hết đồ trang sức và mọi tiện nghi vật chất của đời sống thế tục, đi bộ đến đây. Trong thời gian gần hai mươi ngày qua, chúng tôi đã xin ăn dọc đường, ban đêm ngủ dưới gốc cây. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng, giới nữ chúng tôi cũng có quyết tâm và có khả năng sống đời sống xuất gia. Xin Đại đức tìm lời khéo léo bạch giùm với Đức Thế Tôn, xin chấp thuận cho phái nữ chúng tôi được xuất gia” và cuối cùng đã được cho phép. Từ đó, hình ảnh Ni đoàn bắt đầu xuất hiện, trở thành một trong bảy chúng của Đức Phật. Ni sư Kiều Đàm Di không lâu sau đã đắc quả A-la-hán, giáo hóa, dìu dắt hàng ngàn Ni chúng vào nếp sống tinh cần, nghiêm túc, giúp đỡ người nghèo khổ, truyền bá chánh pháp và khuyên người làm việc thiện. Rất đông trong số Ni cùng xuất gia với Ni trưởng đạt thành công lớn trong sự tu học và cũng chứng quả A-la-hán.

Hòa thượng Tinh Vân.

Học thuyết của Đức Phật đề cao khả năng chứng đạo của phụ nữ cũng như người nam đã một thời làm rúng động và thay đổi định kiến bấy giờ: “Ni giới có thể làm được những gì mà họ ao ước, thậm chí vươn đến Thánh quả, bởi tố chất người nữ không những giàu đức hy sinh, siêng năng, nhẫn chịu mà còn giàu lòng từ hòa1. Ngày nay, trên đà phát triển, được sự khích lệ của Tăng già, Ni giới không dừng lại ở mức độ tu dưỡng phạm hạnh mà còn là trụ cột vững chắc cho quá trình nhập thế, an sinh.

Trên mảnh đất hình chữ S đất mẹ, lưu chảy trong nguồn mạch chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni giới với khả năng và trí tuệ của mình, vượt qua mọi rào cản, đã kế thừa, phát huy truyền thống nhập thế phụng sự đạo pháp và dân tộc, có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội.

2. Khái niệm nhập thế

Năm 1937, khái niệm nhập thế được Nguyễn Trọng Thuật nhắc tới trên báo Đuốc Tuệ như sau: “Chủ nghĩa Nhân gian Phật giáo đối với đạo Phật là phát biểu những điều chân chính có quan thiết đối với đời người, ra để làm lợi ích cho đời, chứ không có gì là lạ khác” (số 55, ngày 15-2-1937).

Năm 1964, tác phẩm Đạo Phật đi vào cuộc đời và năm 1966 trong cuốn sách Hoa sen trong biển lửa của Thiền sư Nhất Hạnh có nói về nhập thế: “Cái tự thân của đạo Phật là đi vào cuộc đời rồi. Nếu không đi vào cuộc đời thì đâu còn là đạo Phật nữa? Điều này rất dễ hiểu… Vậy thì ngay trong sự hình thành của Phật giáo ta đã thấy cái tính chất dấn thân rồi. Vì nếu không là dấn thân, nếu không phải là nhân gian, nếu không phải là đi vào cuộc đời, thì đạo Phật đâu còn là đạo Phật nữa2? Mọi sự trí tuệ, thông đạt trong Phật học phải được vận dụng trong cuộc sống hàng ngày, cả trong môi trường tu học lẫn môi trường xã hội, mới thấy được hữu dụng của Phật học, mới thấy được dấn thân. Nếu thiếu đi việc dấn thân, như thiếu đi một phần tất yếu ý nghĩa của Đạo Phật.

Hòa thượng Tinh Vân khi còn tại thế cho rằng: “Nói một cách đơn giản, chính là đưa Phật pháp vào trong đời sống, chính là chú trọng thực hiện Tịnh độ ngay trong thế giới này, chứ không phải là trông chờ ở sự báo đáp trong tương lai3”. Đó cũng chính là mục đích mà tổ chức Phật Quang Sơn do Hòa thượng thành lập không chỉ quan tâm đến lĩnh vực giáo dục mà còn cung cấp những chương trình văn hóa thông qua lời Phật dạy đến hàng vạn người trên khắp thế giới.

Tóm lại, nhập là bước vào, ở trong, cuộc sống của con người tại thế gian. Phật giáo với tổ chức, lực lượng, giáo lý của mình, không quan trọng là Tăng hay Ni, xuất gia hay tại gia, đều tham gia trực tiếp trong việc áp dụng những lý thuyết của Phật học vào cuộc sống hàng ngày, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, chung tay giúp cho cuộc sống xã hội và con người trở nên tốt đẹp hơn từng ngày.

3. Khái niệm Phật giáo nhập thế

Hơn 2500 năm trước, Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đã khuyến tấn: “Này các Thầy, hãy đi, hãy đi vì lợi lạc, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các Thầy hãy đi, đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá Chánh pháp4”. Hay như lời khuyên dạy: “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”. Như vậy, người xuất gia phải đem đức hạnh của mình để cứu khổ cứu nạn cho tất cả các chúng sinh.

Sách Giới Sa-di và Giới Sa-di-ni, Quy Sơn cảnh sách thuyết về nhập thế như sau: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chúng, chấn nhiếp ma quân, thượng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” (Phàm là người xuất gia, bước đi một bước vượt đến chân trời cao rộng, hình tướng và tâm hồn khác với người thế tục, làm cho dòng thánh hưng thịnh, nhiếp phục ma quân, để trên báo đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ cho ba đường5). Đó chính là tinh thần, phương pháp và mục đích nhập thế của Phật giáo.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, bài kệ tụng phẩm sau của phẩm Bát Nhã, Tổ sư Huệ Năng (638-713) – vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa, đã chỉ ra: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác6” đại ý là: Phật pháp ở ngay trong đời, quả vị giác ngộ không lìa đời mà tựu thành, tách xa trần thế tìm bồ đề thì cũng tựa như đi tìm lông rùa sừng thỏ. Bất cứ ở thời đại nào, Phật pháp cũng đều thích hợp với những hiểu biết, với trí tuệ của thế gian.

Nhập thế là tinh thần tất yếu và bản sắc vốn có của Phật giáo, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã bày tỏ như sau:“Chư Ni có thể tham gia mọi lĩnh vực hoạt động. Hãy đừng vì những quan niệm phân biệt giới tính mà quên đi tiềm năng siêu việt của mỗi con người. Đó là một sức cản lớn kìm hãm sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Tận dụng chất xám của từng người để xây dựng chánh pháp là thể hiện được chân lý bình đẳng của Đức Phật dạy, vừa xây dựng thế giới Ta bà được an vui và phát triển bền vững7”. Nhập thế thì không chỉ dành cho riêng một đối tượng nào, một giới tính riêng biệt nào.

Trong tiến trình phát triển của giáo đoàn Ni giới nói riêng và trong sự nghiệp xiển dương chánh pháp của Phật giáo Việt Nam nói chung, nhập thế không chỉ là cơ hội để hành động mà qua đó còn thực hiện tinh thần từ bi vô ngã vị tha của nhà Phật. Ni sư Đàm Hân cũng từng khẳng định: “Mỗi người mỗi vẻ, hành đạo mỗi người mỗi hạnh, chứng ngộ mỗi người mỗi môn, niên đại mỗi người mỗi khác nhưng các Ngài đều có chung một tâm nguyện, một hoài bão là noi gương theo tư tưởng của Đức Phật, bỏ đi thói nhi nữ thường tình, lòng tự ti mặc cảm, mà nêu cao ý thức “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ8”. Mỗi một cá nhân phải thực hiện trách nhiệm công dân để cống hiến cho lợi ích cộng đồng, an vui cho mọi người, lợi lạc cho quốc gia và an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh.

4. Biểu hiện nhập thế của Ni giới Phật giáo Việt Nam và Ni giới Phật giáo Đà Nẵng

Lịch sử Phật giáo xưa nay luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với vận mệnh của đất nước, nhất là qua các giai đoạn thịnh suy của nước nhà. Những trang sử Ni giới cũng không tách rời lịch sử đất nước, trải qua các triều đại như: Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đã xuất hiện rất nhiều những vị Trưởng lão Ni nghiên cứu Phật pháp uyên thâm, nghiêm trì giới luật, hành thiền đắc định được môn đồ học chúng rất kính mộ. Đặc biệt vào thời Lý Thánh Tông có Ni sư Diệu Nhân (1041-1113) là một vị thiền sư, tinh nghiêm giới luật, hành thiền được chính định, được trao truyền Tâm ấn, nối dõi dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, là Ni sư duy nhất được chính sử ghi lại và nhắc đến trong tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục thời ấy. Khoảng giữa thế kỷ XIV, thời vua Trần Nghệ Tông có Ni sư Tuệ Thông, tu trên núi Thanh Lương, hành khổ hạnh, trì giới chuyên cần, tuệ giải thông suốt. Thế kỷ XVII, thời vua Lê chúa Trịnh, có Ni sư Diệu Đăng, Ni sư Diệu Tín xuất thân danh gia quý tộc, giác ngộ lẽ vô thường nên từ bỏ phú quý, tìm về Yên Tử xuất gia tu tập. Ngoài ra, còn rất nhiều các bậc Ni lưu ẩn mình tu hành trong những chốn am tranh cùng cốc, tài liệu lưu lại trong nhân gian.

Nối tiếp truyền thống xuất gia tu học hành đạo của chư Trưởng lão Ni tiền bối, chư Ni thời cận đại đã không ngừng thúc liễm thân tâm trau giồi tam vô lậu học hoằng pháp độ nhân. Thời chống Pháp, chống Mỹ, các Ni sư đã tham gia hoạt động chống lại ách thống trị của giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho Tổ quốc, như: Ni trưởng Đàm Thu, Ni trưởng Đàm Soạn, Ni trưởng Đàm Hữu, Ni trưởng Đàm Tín, Ni trưởng Đàm Xương…

Trong chiến tranh, nhiều Ni viện được thành lập tại khắp các tỉnh thành để đào tạo Ni chúng, nhưng phần lớn có hình thức là lớp Gia giáo, mục đích là giáo dục Ni chúng trở thành những tu sĩ Phật giáo chân chính, học để am tường lời dạy của Phật và vận dụng vào cuộc sống nội tại cho chính bản thân cũng như đối với mọi người xung quanh, nhằm làm cho con người hướng đến chỗ hiền thiện hơn. Có 04 Ni viện được Ni bộ công nhận đó là: Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư (Sài Gòn), Diệu Quang (Nha Trang), Diệu Đức (Huế), chương trình giáo dục của Ni viện theo các cấp từ Sơ đẳng, Trung đẳng, Trung đẳng chuyên khoa, Cao đẳng, Đại học và Cao học đã đào tạo nên nhiều vị Tôn túc Ni hiện nay thuộc hàng giáo phẩm lãnh đạo Ni giới Việt Nam trong và ngoài nước. Ngoài ra, không ngừng mở các đạo tràng truyền giới, dạy luật khai mở đạo tràng giảng dạy Phật pháp, kiến tạo già lam, tổ chức các khóa An cư kiết hạ.

Khi đất nước thống nhất, Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng đã phấn đấu, chung sức chung lòng cùng toàn dân chia sẻ những khó khăn của đất nước về mọi mặt. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tự hào nói: “Vai trò của nữ giới nói chung và đoàn thể Ni giới Phật giáo nói riêng chính là một mạch nguồn mang Chính pháp đến xua đi những khổ đau, bất hạnh, lan tỏa hạnh phúc, vinh quang cho đời, cho xã hội và non sông Việt Nam9”. Tích cực tham gia gánh vác trọng trách làm tốt đạo đẹp đời, các vị Ni tạm thời xếp gọn đèn sách để tham gia lao động sản xuất, xây dựng đất nước theo lời dạy của Tổ Bách Trượng “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm, một ngày không ăn), vừa lo thực phẩm cho nhà chùa, vừa góp phần đem lại nhiều của cải vật chất cho xã hội. Linh hoạt trong nhập thế – xuất thế, sau khi hoàn thành việc xã hội, thì các Ni sư trở về chùa tiếp tục cuộc sống tu hành, nghiêm trì giới luật, hoằng dương chính pháp, độ chúng đệ tử xuất gia và tại gia, tu sửa trang nghiêm tự viện, là chỗ dựa tinh thần cho mọi người sau những mất mát mà chiến tranh để lại. Ngoài ra, còn tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể như HĐND, UBMTTQ, BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Chữ Thập Đỏ các cấp… đã được Nhà nước, các tổ chức khen thưởng như: Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen, Bằng tuyên dương công đức…

Các bậc Ni sư thời cận – hiện đại như Diệu Ngọc (1885-1952), Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942), Sư trưởng Như Thanh (1911-1999), Ni trưởng Giác Nhẫn (1919 – 2003), Ni trưởng Huỳnh Liên (1923- 1987), Ni trưởng Bạch Liên (1924-1996); Ni trưởng Trí Hải (1938 – 2003)…, Ni sư Huệ Từ (chùa Giác Tâm – TP.HCM), Ni sư Như Đức (Thiền viện Viên Chiếu – Long Thành), Ni sư Như Như (Tu viện Đại Tòng Lâm – Bà Rịa Vũng Tàu), Ni trưởng Huệ Giác (Quan Âm Tu Viện – Biên Hòa) luôn được giới nữ Phật tử học tập, noi theo trong việc học tập trau giồi hạnh tuệ đến việc nhập thế hành xử trong đời sống hàng ngày, giáo dưỡng con cháu gìn giữ nếp nhà, công quả kinh kệ chăm lo chùa cảnh. Sự hình thành và phát triển của Ni giới từ thời Đức Phật đến nay chính là nhờ sự tri ân và báo ân của toàn thể Ni giới đối với Thánh Tổ, chư Ni Tiền bối hữu công trong việc duy trì Giới luật để góp phần làm lớn mạnh dòng mạch nhập thế, nguồn mạch Phật pháp được tồn tại lâu dài.

Tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Ni giới có thể giảng dạy tất cả các môn học cho cả Tăng Ni và được khuyến khích đăng đàn thuyết pháp trong các hội chúng Phật tử, thuyết trình trong các hội thảo ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Từ dẫn chứng cụ thể trên đây, rõ ràng là Ni giới Việt Nam đã chứng tỏ năng lực của mình trong đời sống tu hành và trong lĩnh vực của cuộc sống hiện nay. Ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ nhận định: “Thấm nhuần tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác” của Đức Phật, Ni giới Việt Nam đã hướng dẫn Phật tử sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, làm tròn bổn phận của Phật tử với đạo pháp và nghĩa vụ công dân với đất nước. Phật giáo lưu chuyển trong mạch sống của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm, các Ni đã góp phần truyền bá chính pháp bằng những phương pháp uyển chuyển, dung dị, gần gũi, giúp giáo lý nhà Phật in sâu vào đời sống và tư tưởng người Việt. Thành quả của Ni giới Việt Nam từ xưa tới nay đã được lịch sử ghi nhận… ”

Phân ban Ni giới T.Ư thăm chư Ni hành giả an cư tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Hiện cả nước có gần 7.000 ngôi tự viện Ni và hơn 25.000 chư Ni. Thực hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, nhằm vơi bớt khó khăn của những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, Ni giới cả nước tích cực thực hiện nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa như tặng quà từ thiện vào những dịp lễ lớn của Phật giáo hay dân tộc như Tết Nguyên đán, Đại lễ Phật Đản, Đại lễ Vu Lan báo hiếu, Tết Trung Thu… Ni giới trong cả nước thực hiện các hoạt động cứu trợ đồng bào các tỉnh, thành phố bị thiên tai bão lũ. Gần đây nhất, đoàn Ni giới Trung ương đã tặng 1.500 phần quà từ thiện cho đồng bào nghèo và 1.180 học sinh nội trú 3 tỉnh miền núi: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.

TS. TN. Thanh Quế (ĐSHĐ-127)
Sc. Đức Tạng diễn đọc


  1. Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Lời thưa, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.7.
  2. Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Lời thưa, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.7.
  3. Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.1.
  4. Đại phẩm Mahāvagga, Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch, Đại phẩm 19, 20.
  5. Thích Hành Trụ (1970), Quy Sơn Cảnh Sách, NXB. Sen Vàng, tr.32.
  6. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB. TP. HCM, tr.385
  7. HT. Thích Trí Quảng, Vai trò của Ni giới Việt Nam trong xã hội hiện nay. Nguồn: https://thuvienhoasen.org/p80a4699/2/vai-tro-cua-ni-gioi-viet-nam-trong-xa-hoi-hien-nay-thich-tri-quang.
  8. Ni sư Đàm Hân, Vai trò của Ni giới Phật giáo với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời hiện nay. Nguồn: https://vbgh.vn/index.p?language=vi&nv=news&op=le-tuong-niem-ns-dieu-nhan/14-vai-tro-cua-ni-gioi-phat-giao-voi-viec-giu-gin-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-trong-thoi-hien-nay-747.html.
  9. HT.TS. Thích Thanh Nhiễu, Vai trò của Ni giới đối với sự phát triển Phật giáo Việt Nam hiện nay, Nguồn: https://phatgiao.org.vn/vai-tro-cua-ni-gioi-doi-voi-su-phat-trien-cua-phat-giao-viet-nam-hien-nay-d37691.html
SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
Video thumbnail
PBNG TW thăm trường Hạ 5 tỉnh Tây Nguyên - PL.2568 - DL.2024
16:46
Video thumbnail
Ni sinh trường Cao Trung Phật học Tiền Giang tụng kinh Pháp Hoa Kính mừng Phật đản - 11/5/2024
03:34
Video thumbnail
HỌP MẶT - MÓN QUÀ CAO QUÝ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
09:32
Video thumbnail
THIỀN HÀNH SAU KHI THỌ THỰC
02:18
Video thumbnail
Ni giới Phật giáo TP.HCM kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 - DL.2024
09:45
Video thumbnail
Lễ Húy Kỵ lần thứ 25 Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH tại Tổ đình Huê Lâm - Q11, TP.HCM
33:24
Video thumbnail
PBNGTW: Tiểu ban Thông tin Truyền thông | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
03:37
Video thumbnail
PBNGTW: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:51
Video thumbnail
Hội đồng Thập Sư 3 đàn phát thưởng cho các Giới tử - Đại giới đàn Bửu Huệ 2023
03:44
Video thumbnail
Tuần Chiếu tại Giới Đàn Ni Chùa Thanh Tâm
03:02
Video thumbnail
Đại Giới đàn Bửu Huệ tại Giới trường Ni - Chùa Thanh Tâm - 2023
09:53
Video thumbnail
Lễ Huý Kỵ lần thứ 3 cố NT. TN. thượng Như hạ Hải - Chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên - 26/9/2023
07:38
Video thumbnail
Lễ Khai đàn Dược sư Thất Châu - Chùa Pháp Hải
17:47
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 17 cố Ni trưởng Thượng Như Hạ Bổn - Viện chủ TĐ Kim Sơn (27/7/2006 - 23/7/2023)
45:08
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Nhật Quang tại Hội Sơn Cổ tự
16:37
Video thumbnail
Tọa đàm “Bình đẳng giới trong Nữ giới Phật giáo - 2023” – Chùa Huê Lâm, TP.HCM
19:56
Video thumbnail
Lễ húy nhật lần thứ 6 cố Sư trưởng Thượng Huyền Hạ Huệ - Hải Ấn Ni Tự, TP.HCM
14:11
Video thumbnail
Lễ Vu Lan và Dâng Y tại chùa Vạn Phước - Bình Tân - TP.HCM
11:04
Video thumbnail
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Pháp Võ - Nhà Bè - TP.HCM
12:37
Video thumbnail
“Rửa Chân Tri Ân Song Thân” - Chùa A Di Đà - Củ Chi - Tp.HCM
19:13
Video thumbnail
PBNG TW thăm, sách tấn Chư hành giả an cư tại các Hạ trường tỉnh miền Đông, 28/7/2023 (11/6/Quý Mão)
20:02
Video thumbnail
PBNG TW hoàn tất chuyến thăm và cúng dường Hạ trường tại Tây Nguyên 2023
18:50
Video thumbnail
PBNG TW thăm 4 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum
08:16
Video thumbnail
Kính mừng Đại lễ Phật đản - PL.2567 - DL.2023 - BTS Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang
08:05
Video thumbnail
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo & Chư Tôn Đức Tiền Bối Hữu Công PGVN | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
10:47
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước 2023: Triển lãm - Dâng hương - Tọa đàm - Thắp nến tưởng niệm
34:37
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước - 22 & 23/04/2023: Công tác chuẩn bị
04:59
Video thumbnail
Lễ Vinh danh cá nhân xuất sắc trong lãnh đạo Phật giáo tỉnh Tiền Giang năm 2023
06:55
Video thumbnail
Lễ công bố văn phòng PBNG & Khai giảng lớp luật dành cho chư Ni - Chùa Bảo An, TP. Cần Thơ
22:46
Video thumbnail
PBNG TW: Tổ chức khóa bồi dưỡng về các pháp Yết-ma, nghi thức giới đàn cho chư Ni
03:35
Video thumbnail
Lễ Hoàn Kinh Dược Sư Thất Châu & An vị tôn tượng Đức thánh tổ Kiều Đàm Di - Chùa Kiều Đàm
06:18
Video thumbnail
Khóa tu báo ân - Lễ Húy kỵ cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
17:23
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 24 cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
14:58
Video thumbnail
Chùa Từ Nguyên - Tân Phú: Lễ Khánh Tạ - Hoàn Nguyện - Lễ Húy Kỵ lần thứ 39 cố Ni trưởng khai sơn
08:50
Video thumbnail
Khí Xuân Quý Mão 2023
11:37
Video thumbnail
Hành hương thập tự 10 cảnh Chùa - Xuân Quý Mão 2023
15:24
Video thumbnail
Chùa Liên Trì - Củ Chi: Lễ cúng dường trai tăng - Xuân Quý Mão 2023
21:22
Video thumbnail
Tổ đình Huê Lâm: Mừng xuân Di lặc - PL.2566 DL.2023
09:08
Video thumbnail
PBNG Trung Ương: Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự - Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:42
Video thumbnail
Chùa Huê Nghiêm: Lễ Khánh Đản A Di Đà Phật với hơn 1000 Tăng Ni Sinh tham dự | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
04:24
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Các Công Trình Chùa Pháp Võ - Huyện Nhà Bè - TP.HCM | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
06:46
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Chùa Pháp Võ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
07:42
Video thumbnail
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:27
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ - Tưởng niệm lần thứ 14 cố Hòa thượng Thích Hoằng Từ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:55
Video thumbnail
#2: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư Vị Tiền Bối Ni Hữu Công (02/10/2020)
13:15
Video thumbnail
#1: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư vị Tiền Bối Ni Hữu Công (01/10/2020)
05:52
Video thumbnail
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo - Kiên Giang: Tổ chức Lễ húy kỵ lần II của cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải
09:14
Video thumbnail
Lễ Công bố & Quyết định Chuẩn y nhân sự Phân ban Ni giới - Nhiệm kỳ X (2022-2027) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
17:11
Video thumbnail
Kiên Giang: Tịnh xá Ngọc Hưng tổ chức Đại lễ Vu Lan – Dâng Y Ca sa – Cài hoa hồng - PL.2566
06:21
Video thumbnail
Tịnh xá Ngọc Phương: Lễ trao giáo chỉ - Tấn phong giáo phẩm – Lễ xuất gia & truyền giới
08:39
CÁC BÀI KHÁC