Chùa Bà Đanh (Bảo Sơn Tự) là ngôi danh lam cổ tự thuộc thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa nằm trong quần thể chùa Bà Đanh – Núi Ngọc thuộc cụm di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. Năm 1994, chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đặc biệt, không chỉ là một ngôi cổ tự, chùa còn là nơi có cảnh trí đẹp, thanh tịnh, u nhã với nhiều cây xanh xung quanh. Trước mặt chùa là con sông Đáy êm đềm chảy qua, phối cùng cảnh trí núi non Thi Sơn Ngũ Động tạo nên thế sơn thủy hữu tình, đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Tên gọi chùa Bà Đanh là do gắn liền với câu nói dân gian “Vắng như chùa Bà Đanh”. Nhiều người dân địa phương giải thích rằng do chùa nằm ở vị trí u tịch, xa làng quê, đồng thời ba mặt giáp với sông, rừng rậm, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên ít ai dám đến chùa hương khói. Trước đây, ngôi chùa thường xuyên vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có khách thập phương lui tới nên được dân gian gọi là chùa Bà Đanh.
Tuy ít người lui tới, cảnh vật u tịch, vắng vẻ và trầm mặc, nhưng tròn 30 năm qua, vẫn có một người ngày đêm hương khói, trông coi giữ gìn ngôi cổ tự, đó chính là Ni trưởng Thích Nữ Đàm Đam. Năm nay, Ni trưởng đã chuẩn bị bước vào tuổi thất thập, nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, dáng người đĩnh đạc, thị hiện Tăng tướng. Ngoài ra, Ni trưởng vốn là người ôn hòa, bản tính khiêm cung, thích tự tại ẩn dật. Từ lúc bước vào cửa thiền đến nay, Ni trưởng Thích Đàm Đam luôn giữ chí hướng an bần thủ đạo, ngày ngày chấp tác, chẳng quản khó nhọc theo hạnh của cổ đức “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Hiện Ni trưởng được suy cử làm Phó ban Trị sự GHPGVN huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Hàng ngày, ngoài giờ kinh kệ, Ni trưởng còn tham gia trồng trọt, chăm sóc cây cảnh trong sân chùa và tiếp khách đến dâng hương lễ Phật.
Ni trưởng Thích Đàm Đam sinh năm 1949, người xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ni trưởng sinh trưởng trong gia đình trung nông, kế xuất gia đầu Phật với Sư cụ Thích Đàm Lê tại chùa Bà Đanh năm 1975. Sau đó, năm 1982, Ni trưởng thọ giới Tỳ kheo ni tại Đàn giới chùa Phúc Chỉnh (tỉnh Ninh Bình) do Hòa thượng Thích Thanh Kính làm Hòa thượng Đàn đầu. Sau khi Sư cụ Thích Đàm Lê mãn duyên Ta bà (năm 1988), Ni trưởng Thích Đàm Đam kế thế Trụ trì ngôi chùa Bà Đanh. Tại Đại hội Phật giáo lần VIII (năm 2017), Ni trưởng được T.Ư GHPGVN tấn phong giáo phẩm Ni trưởng.
Nhờ vào công đức giữ gìn của Ni trưởng nên hiện tại ngôi chùa Bà Đanh còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị lịch sử lẫn mỹ thuật cao. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ VII, chùa này vốn là một ngôi đền thờ gắn với tín ngưỡng Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Điện) tức bốn nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Đời Vua Lê Hy Tông, ngôi đền này được xây dựng mới và trở thành ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân làng. Vì vậy, chùa Bà Đanh thể hiện sự hòa quyện giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Ngày nay, trong chùa có một điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Tượng thờ Đức Thánh Bà trong chùa chính là Pháp Vũ. Dân làng tin rằng nữ thần rất linh thiêng, phù hộ dân làng mưa thuận gió hòa, ngăn trừ lũ lụt giúp dân được mùa màng bội thu.
Bên cạnh đó, Ni trưởng Thích Đàm Đam còn cùng với người dân tổ chức lễ hội chùa Bà Đanh hàng năm vào ngày 16 và 17 tháng Hai âm lịch. Nghi thức đám rước Đức Thánh Bà từ Đình Đanh Xá Hạ về chùa dự lễ khai hội là một nét văn hóa cổ truyền vừa thiêng liêng vừa vui tươi, sống động của cư dân địa phương.
Hoàng Lộc (ĐSHĐ-058)