(1885 – 1967)
I. Thân thế
Ni trưởng thế danh là Nguyễn Thị Khói, hiệu Minh Mẫn, tự Lạc Lạc; sinh năm 1885 (Ất Dậu) tại Khuyến Lương, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Pháp Cẩn, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Viễn, Pháp danh Diệu Hạnh.
Năm lên 6 tuổi, song thân qua đời, được người thân thường dẫn đến chùa Khuyến Lương, Thanh Trì, Hà Nội để lễ Phật và quy y với cụ Tổ Đàm Thuần.
II. Thời kỳ tu học
Ni trưởng không được may mắn như bao đứa trẻ khác, từ thuở bé đã mồ côi cha mẹ, nhưng lại có duyên với Phật pháp, nên mới vừa tròn 6 tuổi đã cảm nhận được sự tử biệt sinh ly khi song thân cởi hạc quy tiên và Ni trưởng đã chọn cho mình một lý tưởng giải thoát sanh tử khổ đau và quy y đầu Phật. Sau khi quy y không bao lâu, Ni trưởng được cụ Tổ Đàm Thuần làm lễ thế phát xuất gia. Khi chính thức bước chân vào chốn không môn, Ni trưởng được cụ Tổ cho theo học Phật pháp với các bậc cao Tăng nổi tiếng thời bấy giờ như Hòa thượng Tố Liên – chùa Quán Sứ, Hòa thượng Trí Hải ở Hải Phòng … Nhờ sự cần mẫn gia tâm tu học, nên chẳng bao lâu Ni trưởng đã am tường giáo nghĩa, trí tuệ khai thông, rộng đường hành đạo.
III. Thời kỳ hành đạo
Sau khi xuất gia, ngoài việc tham học Phật pháp, Ni trưởng theo hầu thầy đến khi cụ Tổ viên tịch. Theo lời di huấn của cụ Tổ, Ni trưởng nhận lãnh ngôi chùa Khuyến Lương để trụ trì và hoằng dương Phật pháp. Bấy giờ tuổi đời Ni trưởng khoảng 30; tiếp theo là nhận trụ trì chùa Hai Bà Trưng, tuy công việc rất bận rộn, nhưng Ni trưởng vẫn làm tròn trọng trách chăm lo hai Tòng lâm.
Vào thời Pháp thuộc, chùa Khuyến Lương bị thực dân Pháp thiêu hủy toàn bộ, nên Ni trưởng đến nơi khác hành đạo, kiến lập đạo tràng, tiếp độ Ni chúng để báo đáp ân Tổ thầy.
Trong suốt thời kỳ chấn hưng Phật giáo, chư Hòa thượng bị thực dân, phong kiến triều Nguyễn đàn áp, Ni trưởng đón các Cụ về chùa để phụng dưỡng, hầu cận mà không sợ sệt gì cả. Ni trưởng nhờ thông thạo tiếng Pháp, nên trong thời kỳ hoạt động cách mạng, Ni trưởng cũng từng tham gia ký tên kêu gọi thực dân Pháp trao trả độc lập, tự do cho Việt Nam.
Trong thời gian 1949-1954, Ni trưởng tham gia hoạt động cách mạng, luôn tìm mọi cách tiếp tế lương thực và nuôi giấu, che chở cho các chiến sĩ cách mạng.
Trong suốt thời gian hành đạo, Ni trưởng đã làm Thập sư truyền giới cho nhiều Đàn giới ở các tỉnh phía Bắc, tham gia giảng dạy tại các trường Hạ tại Hà Nội và tổ chức nhiều khóa Kiết hạ An cư tại chùa Hai Bà Trưng.
IV. Thời kỳ viên tịch
Cuộc hành trình nào rồi cũng phải dừng chân, suốt nhiều năm phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, như củi hết lửa tắt, vào ngày 20 tháng Giêng năm Đinh Mùi (1967), Ni trưởng an nhiên viên tịch. Trụ thế 82 năm, hạ lạp 62 năm(1)
Chú thích:
(1) Trích Khoa Cúng Giác Linh chùa Hai Bà Trưng và lời kể của Ni sư Đàm Vinh –
Trụ trì chùa Hai Bà Trưng
Diễn đọc: Sc Tn Viên Châu