(1908 -2007)
I. Thân thế
Ni trưởng Thích Đàm Khang, thế danh Hoàng Thị Lương, sinh năm Mậu Thân (1908) tại thôn Phấn Động, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Mảnh đất thuộc trung tâm Luy Lâu (cái nôi của Phật giáo Việt Nam) xưa kia.
Thân phụ là cụ ông Hoàng Đắc Liêu, tự Huy Hiệu ; cụ là một nhà Nho có truyền thống yêu nước, giàu lòng tin Phật; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tòng, hiệu Diệu Tùy.
Ni trưởng là con thứ hai trong gia đình có tất cả chín chị em (bốn trai, năm gái) thuộc gia đình danh gia, vọng tộc.
II. Thời kỳ xuất gia tu học
Thân mẫu thường đi lễ Phật tại chùa làng và cũng nhờ nhân duyên ấy mà Ni trưởng đã phát tâm đầu Phật xuất gia từ nhỏ. Năm 16 tuổi, Ni trưởng được cha mẹ truyền dạy chữ Nho, cho đi học chữ Quốc ngữ. Khi nhân duyên hội đủ, Ni trưởng từ giã gia đình, làm lễ tạ song thân xin được xuất gia tu học.
Bước chân đầu tiên của Ni trưởng tới cửa thiền, được Ni trưởng Đàm Hiếu, trụ trì chùa Ái Mộ, thôn Ái Mộ, xã Gia Thụy, huyện Gia Lâm (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội) cho thế phát xuất gia.
Là một người vốn có bẩm tính ôn hòa, nhã nhặn, thiên tư đĩnh ngộ, quả thiện kết thành, ngọc khiết băng thanh, tuổi thanh xuân quyết chí tu hành cầu Vô thượng Bồ-đề tịch tĩnh. Vì thế sau ba năm dốc chí tu hành, Nghiệp sư đã cho Ni trưởng đăng đàn thọ giới Sa-di-Ni tại chốn Tổ Mai Phúc, lúc đó Ni trưởng vừa tròn 18 tuổi.
Sau khi Ni trưởng đã lãnh thọ giới pháp Sa-di, thì luôn tinh tấn tu hành, ngày đêm khêu đèn thờ Phật, hầu thầy. Với ý chí cần mẫn, Ni trưởng thể hiện tinh thần giác ngộ của hàng nữ lưu. Năm 20 tuổi (1928), Ni trưởng được Nghiệp sư cho đăng đàn thụ giới Tỳ-kheo-Ni tại Giới đàn Tổ đình Mai Phúc, Giới đàn này do các bậc cao Tăng đương thời chứng đàn và quý Sư cụ Đàm Tính chùa Mai Phúc, Đàm Đăng chùa Ái Mộ, Đàm Hợi chùa Vũ Xá – Hưng Yên, Đàm Vượn chùa So Lâm – Hà Tây, Đàm Huệ chùa Mai Phúc trong hàng Giới sư trao truyền giới châu tuệ mệnh. Sau khi đã đắc giới, Ni trưởng luôn nêu chí nguyện: “Trên cầu học giáo pháp Phật Đà, hầu thầy”, “Dưới giúp dân xa lìa điều ác”.
Sau khi Nghiệp sư Đàm Hiếu viên tịch, Ni trưởng là người được Sơn môn pháp phái giao cho thừa kế ngôi vị trụ trì chùa Ái Mộ cho đến ngày viên tịch.
Năm 1935, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập (1930), phong trào Cách mạng dâng cao với cương vị trụ trì, là một vị Ni trẻ giác ngộ lời Phật dạy : “Phật pháp bất ly thế gian giác” để được lợi ích cho số đông, sự hào hùng của dân tộc, Ni trưởng đã nuôi giấu cán bộ hoạt động Cách mạng tại chùa Ái Mộ. Đây là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của thị trấn Gia Lâm.
Năm 1945 – 1946, thực dân Pháp quay lại bắn phá miền Bắc, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch “toàn quốc kháng chiến”, nhân dân thực hiện “vườn không, nhà trống”, Ni trưởng và Ni chúng chùa Ái Mộ tạm lánh ra vùng tự do, thôn Phấn Động, xã Tam Đa, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tu hành và ủng hộ kháng chiến.
Năm 1946, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Bắc Ninh thành lập khu Ngọc Thụy và yêu cầu nhân dân hồi cư, Ni trưởng và Ni chúng cùng nhân dân lại trở về chùa Ái Mộ. Ni trưởng Đàm Khang và Ni trưởng Đàm Nhượng là huynh đệ kết nghĩa cùng tu, cùng ở một trụ xứ đã bắt tay vào việc sửa sang chùa cảnh bị chiến tranh tàn phá.
Hai vai gánh nặng tinh thần Đạo pháp và Dân tộc, hai Ni trưởng vẫn nhiệt tình tham gia Cách mạng, đóng góp từng đồng tiền chén gạo cho tiền tuyến. Khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, nhân dân ca khúc khải hoàn, Ni trưởng cùng Ni chúng chùa Ái Mộ và nhân dân bắt đầu đi vào trùng tu chùa cảnh và đào tạo Ni chúng đệ tử để có người thừa kế khêu đèn thờ Phật.
Hơn 80 năm tu hành, gần 70 năm tu hành hoằng dương Phật pháp, Ni trưởng đã xây dựng cơ sở vật chất ở chùa Ái Mộ được khang trang như ngày hôm nay.
Đối với Đạo pháp, Ni trưởng luôn tinh tấn tu trì, giữ gìn thanh quy Bách Trượng, Bát kính pháp, xứng đáng là đệ tử của Kiều Đàm Di Mẫu. Hàng năm, Ni trưởng tham gia các kỳ An cư Kiết hạ để trau giồi Tam vô Lậu học, tấn đạo nghiêm thân.
Đối với Dân tộc, người đã thể hiện trọn vẹn nghĩa tình với quê hương xứ sở, cầu mong quốc thới dân an, tham gia Ủy ban Mặt trận, hội Chữ thập đỏ, hội Khuyến học các cấp; hướng dẫn nhân dân Phật tử tu hành đúng Chánh pháp, phát huy chính tín, bài trừ mê tín dị đoan.
Thực hiện lời chư Tổ dạy: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, Ni trưởng đã độ được nhiều đệ tử xuất gia, hiện nay có vị đã tốt nghiệp các trường Phật học do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đào tạo và đi trụ trì hoằng dương Phật pháp ở nhiều nơi.
Với tuổi thọ vào hàng xưa nay hiếm có, Ni trưởng đã được hội Người cao tuổi phường Ngọc Lâm hỗ trợ chùa Ái Mộ tổ chức lễ mừng thọ cho Ni trưởng tròn 100 tuổi vào đầu năm 2007.
Do có nhiều công lao đóng góp cho hai cuộc kháng chiến, góp một phần nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Ni trưởng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến, Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Văn hóa và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.
Thật đúng là:
“ Hoa đời hoa đạo đua nhau nở
Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.
IV. Thời kỳ viên tịch
“Sinh, trụ, dị, diệt”, “thành, trụ, hoại, không” vốn là quy luật muôn đời của tạo hóa không gì thay đổi được. Thông thường sự chuyển dịch vô thường của bốn núi sinh, già, bệnh, chết chi phối con người, nhưng Ni trưởng với tinh thần nhiếp phục tự thân, biết an trú chính mình, liễu ngộ được thân ngũ uẩn này là giả tạm, chân tâm thường trú, thể tính tịnh minh nên không một sự lo âu, lúc nào cũng an nhiên trong từng niệm.
Ni trưởng đã viên tịch vào lúc 4 giờ 45 phút ngày 31 tháng 07 năm 2007 (nhằm ngày 18 tháng 6 năm Đinh Hợi), trụ thế 100 tuổi, 84 năm trong đạo, hơn 60 năm hạ lạp.
Ni trưởng mất đi là một tổn thất lớn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Tăng Ni, Phật tử quận Long Biên cũng như môn đồ pháp quyến nói riêng. Hội người cao tuổi mất đi một hội viên có tuổi thọ xưa nay hiếm.
Năm tháng có qua đi, không gian có biến dịch, nhưng công đức, sự nghiệp đạo phong khả kính của Ni trưởng còn đọng mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni và Phật tử trong hiện tại và mai sau.
Công hạnh của Ni trưởng đã để lại cho Ni chúng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. Hà Nội, quận Long Biên một tấm gương sáng để hậu thế noi theo, cùng nhau xây dựng một Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc.
Sc Nhẫn Hoà diễn đọc