Sự xuất hiện và lan rộng của Phật giáo ở Bắc Mỹ là chủ đề được nghiên cứu và thảo luận rất nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo, nhưng Phật giáo ở Nam Mỹ lại nhận được rất ít sự quan tâm. Phật giáo được truyền đến Brazil vào cuối thế kỷ XIX cùng với sự di cư của người Nhật và những ngôi chùa Phật giáo trở thành những trung tâm văn hóa của người Nhật ở hải ngoại. Vào nửa sau thế kỷ XX, những giảng sư Phật giáo giới thiệu một loạt truyền thống Phật giáo mới, đại diện cho truyền thống Theravāda, Mahāyāna Trung Hoa, Zen, và Kim Cang Thừa (Vajrayāna) Tây Tạng. Trong những thập niên gần đây, nữ giới đã rất tích cực trong nhiều ngôi chùa Phật giáo mới và các trung tâm Dharma ở Brazil. Bài viết này sẽ mô tả những đóng góp và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự nổi trội của nữ giới trong việc truyền bá Phật giáo đến Brazil.
Dự án này bắt đầu với việc nghiên cứu trên thư viện về một vài trong hàng chục ngôi chùa Phật giáo được thiết lập ở Brazil sáu thập niên qua. Ngoài ra, vào tháng 5 và tháng 6 năm 2016, tôi đã tiến hành nghiên cứu thực địa ở nhiều ngôi chùa, trung tâm Phật giáo và các trung tâm cộng đồng ở Rio de Janeiro, Brasilia, Recife, Natal, Sao Paulo, Belo Horizonte, Viamão, Tres Coroas, và Caxias de Sul. Là một người tham gia/quan sát viên, phối hợp với các học giả Brazil và những người thực hành Phật giáo, tôi đã khảo sát lịch sử, sự phát triển, nhân khẩu học, phong cách thực hành và phong cách tổ chức của những ngôi chùa và trung tâm này với sự chú ý đặc biệt đến vai trò của nữ giới. Bài viết này tìm hiểu quy trình độc đáo của Brazil trong việc thích ứng những truyền thống Phật giáo châu Á cả trong lịch sử lẫn hiện tại. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng khám phá những nguyên nhân dẫn đến sự nổi trội của nữ giới trong những ngôi chùa và truyền thống nhất định. Luận đề của tôi là sự nổi trội của nữ giới trong Phật giáo Brazil và sự nổi lên của những nữ giảng sư là kết quả sự kết hợp của ba nhân tố chính: giáo dục phổ cập, bản chất bao trùm ngôn từ hùng biện của Phật giáo (Buddhist rhetoric) và sự khích lệ từ bi của những nam giảng sư. Bởi vì có thể lập luận rằng những nhân tố này cũng hiển hiện ở những quốc gia khác nên trọng tâm bài phân tích của tôi sẽ nhằm vào việc khám phá những nhân tố cụ thể dẫn tới sự nổi trội của nữ giới trong Phật giáo Brazil.
Truy nguyên lịch sử Phật giáo ở Brazil
Frank Usarski đưa ra một loại hình học ba lớp (three-fold typology) về Phật giáo ở Brazil: (1) truyền thống Phật giáo bắt nguồn từ sắc tộc, đặc biệt là những trường phái Phật giáo truyền thống Nhật Bản; (2) Phật giáo tri thức hoặc “toàn cầu” (cosmopolitan) và (3) Những hình thức gần đây của Phật giáo, bao gồm Zen, Soka Gakkai, Tây Tạng đương đại và những nhóm khác.1 Trong nghiên cứu này, tôi sẽ thảo luận về hai trong số những hình thức này theo thứ tự niên đại: Thứ nhất, truyền thống Phật giáo bắt nguồn từ sắc tộc; thứ hai, những nhóm gần đây hơn và kết luận bằng việc xem xét tác động về văn hóa và tri thức của Phật giáo ở Brazil đương đại.
Mặc dù Brazil được cho là một đất nước chủ yếu theo Công giáo, trên thực tế, đời sống tôn giáo ở Brazil cũng đa dạng với một loạt những truyền thống tôn giáo phong phú. Hình ảnh biểu tượng của Christ Đấng Cứu Thế chiếm ưu thế ở cảnh quan đô thị của Rio de Janeiro với những cánh tay vươn ra ngoài, nhưng trái tim và cuộc sống của người dân Brazil bao gồm nhiều nhánh tôn giáo: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo Phúc âm, Tôn kính Chúa Thánh Thần, thuyết duy linh, tôn giáo Afro – Brazil (Yoruba, Candomblé), trị liệu bằng đức tin, tôn giáo Brazil bản địa và những tôn giáo khác – bên cạnh Cơ Đốc giáo La Mã. Nhiều tôn giáo mới được đánh dấu bằng mức độ dung hợp của nó.2
Bức tranh tôn giáo của Brazil đã biến chuyển liên tục qua nhiều thế kỷ, với những làn sóng nhập cư liên tiếp của người châu Phi, người Bồ Đào Nha và người Nhật cho đến hôm nay. Từ những ngày còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha, cùng với những nhà truyền giáo Jesuit, Công giáo La Mã là tôn giáo thống trị ở Brazil, nhưng một cuộc điều tra dân số gần đây chỉ ra rằng số người theo Công giáo ở Brazil đã giảm mạnh, từ 90% xuống còn 65% chỉ trong năm 2010. Những tôn giáo Afro-Brazil (Phi-Brazil), một sự kết hợp của các truyền thống tôn giáo phát triển giữa những người nô lệ châu Phi được đưa đến Brazil vào những thế kỷ XVI và XVIII, được thực hành rộng rãi. Làn sóng di dân tôn giáo gần đây nhất là Cơ Đốc giáo Phúc Âm trong nhiều dạng thức.
Những làn sóng di dân Phật giáo đầu tiên
Lịch sử của mỗi truyền thống Phật giáo được đưa đến Brazil đều độc đáo. Những câu chuyện về sự xuất hiện, lựa chọn và thích nghi của những truyền thống nói trên ở Brazil khá khác biệt với những mô hình tiếp biến Phật giáo Nhật Bản trước đó. Trong khi sự phát triển của Phật giáo Nhật Bản ở Brazil gắn bó mật thiết với kinh nghiệm nhập cư, các truyền thống Phật giáo Theravāda, Mahāyāna Trung Hoa, Zen và Truyền thống Phật giáo Kim Cang Thừa (Vajrayāna) Tây Tạng phát triển sau đó đã được người Brazil bản địa lựa chọn. Trong số này, truyền thống Theravāda và Mahayāna Trung Hoa đã được truyền từ châu Á bởi những giảng sư Phật giáo châu Á và đã phát triển rất chậm trong những năm qua. Ngược lại, các truyền thống Thiền (chủ yếu là Soto) và Kim Cang Thừa Tây Tạng (Vajrayāna) (chủ yếu là Kagyu và Nyingma) đã được truyền từ Hoa Kỳ. Các giảng sư Tây Tạng tị nạn đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Nữ giới đã đóng nhiều vai trò khác nhau trong những truyền thống này, nổi lên như những nhà lãnh đạo trong một số truyền thống và đóng vai trò hỗ trợ trong những truyền thống khác. Những người Nhật Bản nhập cư đã đến Brazil bắt đầu từ năm 1908 chủ yếu là nông dân.3 Nhiều người mang theo niềm tin thực hành Phật giáo truyền thống của họ và dần dần thiết lập những ngôi chùa trong các thành phố Brazil.4 Từ thập niên 1990, như Cristina Rocha lưu ý trong quyển Zen in Brazil (Thiền ở Brazil), Phật giáo đã trở nên phổ biến trong giới ưu tú trí thức đô thị và đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông.5 Theo quan điểm của Rocha, Phật giáo đã có ảnh hưởng rộng lớn đến nền văn hóa đại chúng “như là một hệ giá trị nhân văn để chống lại bạo lực và tội ác lan tràn trong xã hội Brazil”. Bản miêu tả của bà về sự nhập cư của người Nhật và cái mà bà gọi là “sự kết hợp” (creolization) của Sōtō Zen rất hữu ích.6 Trong những phát triển gần đây của giới “Phật tử tri thức”, bà tin rằng Phật giáo là một phần của quá trình “tháo dỡ… cái khác hiện đại để trở nên hiện đại… bị chi phối bởi khát vọng tìm kiếm và tích lũy vốn văn hóa cả ở địa phương và ở hải ngoại.” Mặc dù Phật giáo chắc chắn đã trở thành xu thế trong giới ưu tú hiện đại, sự phổ biến của nó không nhất thiết chỉ là bề ngoài. Theo kinh nghiệm của tôi, người Brazil dường như đang tạo nên nhiều dạng thức của Phật giáo vừa mang tính Phật giáo xác thực và vừa mang tính Brazil độc đáo.
Rocha lưu ý, nhiều người Brazil nghiên cứu và thực hành nhiều hơn một truyền thống Phật giáo mà không cảm thấy có bất kỳ sự xung đột nào.7 Họ hướng về những ngôi chùa và trung tâm nơi có giảng Pháp và đào tạo về Thiền, nhiều người thấy những truyền thống khác nhau làm giàu cho nhau. Những người bị Phật giáo thu hút thường khám phá các tôn giáo Thời kỳ mới (New Age Religions) và chuyển từ truyền thống này sang truyền thống khác một cách dễ dàng cho tới khi họ tìm được một trung tâm hoặc một phương pháp đáp ứng được nhu cầu và sự kỳ vọng của họ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải đi đến những trung tâm Phật giáo ở những vùng khác của đất nước hay ở nước ngoài. Sự sốt sắng học hỏi càng nhiều càng tốt từ tất cả các nguồn sẵn có đã dẫn đến sự gia tăng nhất định về mức độ của Chủ nghĩa phổ quát của Phật giáo, được đánh dấu bởi sự khoan dung, tôn trọng và đánh giá cao các truyền thống triết học và thực hành Phật giáo.
Thiền đương đại ở Brazil
Đa số những người nhập cư Nhật Bản ở Brazil đến từ những gia đình Phật giáo. Những người định cư ở khu vực đô thị dần dần bắt đầu thiết lập những ngôi chùa Nhật Bản liên kết với những trường phái Phật giáo khác nhau. Thiền phái đã có được một vị trí khá sớm và tiến triển thành một nhánh chính của Phật giáo ở Brazil, thiết lập chùa Bushinji như là trụ sở của Thiền phái Sōtō ở São Paulo, Brazil. Đối với nhiều thành viên lớn tuổi, ngôi chùa hoạt động không chỉ như một nơi thực hiện những nghi lễ tôn giáo mà còn là một trung tâm văn hóa của Nhật Bản, giúp củng cố ý thức về bản sắc dân tộc và xã hội độc đáo của họ. Vì tro và những tấm bia tưởng niệm của cha mẹ, ông bà của họ có thể được thờ ở đó nên những thành viên này thường cảm thấy có sự gắn kết tình cảm với ngôi chùa. Nhiều thành viên của thế hệ trước vẫn nói tiếng Nhật và cố gắng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của họ. Điều này được phản ánh qua kiến trúc, thẩm mỹ, thực phẩm và những hoạt động văn hóa được tổ chức tại chùa, bao gồm các lớp học cắm hoa, võ thuật,… Các kiểu tư duy, ứng xử gia trưởng truyền thống được duy trì trong cơ cấu tổ chức và trong các hoạt động hàng ngày của chùa.
Những Thiền tự ở Brazil thường phản chiếu những ngôi chùa Thiền ở Nhật Bản nhưng nhỏ hơn và ít chi tiết tỉ mỉ hơn. Một sự khác biệt đáng chú ý là sự đa dạng hơn trong các thành viên của chùa Thiền ở Brazil. Lấy ví dụ, tại chùa Bushinji ở São Paulo, những người Brazil không phải gốc Nhật đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đối với việc nghiên cứu và thực hành thiền. Trong đó có nhiều phụ nữ, bao gồm một số người thực hành và giảng sư nghiêm túc. Rocha ghi lại một trường hợp khác thường về sự đảo ngược của những tục lệ xã hội và thể chế Phật giáo truyền thống của Nhật Bản. Trong vụ việc nổi tiếng này, vị trí Trụ trì chùa Bushinji của một Thiền sư người Nhật đã bị thay thế bởi một Nữ Thiền sư ở Brazil để thích ứng với những thành viên chủ yếu là người Nhật Bản – Brazil của chùa.8 Cả hai vị đều được đào tạo ở Nhật Bản, nhưng họ đến từ những nền tảng văn hóa khác nhau và có những cách tiếp cận khác nhau tại chùa – những cách tiếp cận trái với mong đợi. Moriyama Roshi nhấn mạnh vào Thiền và nghiên cứu Thiền hơn là những nghi lễ tôn giáo và ưu tiên tiếp cận với những người Brazil không có gốc Nhật. Theo Rocha, Bushinji quyết định thay thế ông bằng Monja Coen, một nữ Thiền sư người Brazil, người dành ưu tiên cho truyền thống và nhu cầu nghi lễ của các giáo dân.
Karma Lekshe Tsomo
Như Nguyệt (Việt dịch) {ĐSHĐ-058}
1. Frank Usarski, Buddhism in Brazil and its Impact on the Larger Brazilian Society, Westward Dharma: Buddhism Beyond Asia, ed. Martin Baumann and Charles Prebish (Berkeley: NXB. Đại học California, 2002), tr.163-176.
2. Peter B. Clarke, Japanese New Religious Movements in Brazil: From Ethnic to ‘Universal’ Religions, New Religious Movements: Challenge and Response, ed. Bryan Wilson and Jamie Crosswell (London: Routledge, 1999), tr.191-210.
3. Yukio Fujii và T. Lynn Smith, The Acculturation of the Japanese Immigrants in Brazil (Gainesville, FL: NXB. Đại học Florida, 1959).
4. John Sasaki, Japanese Emigrants in Brazil: A Study of Integration of the Japanese People, (Rio de Janeiro: Sesi, 1957).
5. Cristina Moreira Rocha, Zen Buddhism in Brazil, Journal of Global Buddhism 1 (2000), tr.31-55.
6. Cristina Rocha, Zen in Brazil: The Quest for Cosmopolitan Modernity (Honolulu: NXB. Đại học Hawaii, 2005).
7. Cristina Rocha, All Roads Come from Zen: Busshinji as a Reference to Buddhism, Japanese Journal of Religious Studies 35:1 (2008), tr.81-94.
8. Christina Moreira da Rocha, The Appropriation of Japanese Zen Buddhism in Brazil, Japanese Studies Review 4 (2000), tr.33-52.