Phật giáo hình thành tại Ấn Độ từ thế kỷ VI trước Công nguyên đến nay đã trải qua hơn 2.500 lịch sử. Quá trình hình thành và phát triển có thể phân thành ba thời kỳ là Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa.
Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy – tức thời Đức Phật còn tại thế cho đến sau 100 năm Phật nhập diệt, A-la-hán – vị đã đoạn tận tham, sân, si là quả vị cao nhất trong tứ thánh quả và Đức Phật là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác đầu tiên. Thời kỳ Phật giáo bộ phái – khoảng đầu thế kỷ II trước Công nguyên sau Phật nhập diệt 100 đến 500 năm, lúc này Tăng đoàn do ngài Ca-diếp lãnh đạo, giai đoạn này A-la-hán được mô tả mang tính thần thoại và Phật giáo phân chia thành hai phái lớn Thượng tọa bộ (Sthavira) và Đại chúng bộ
(Mahāsanghika) do xảy ra tranh chấp về 5 việc của Đại Thiên (Mahādeva). Thời kỳ Phật giáo Đại thừa – sau Phật nhập diệt 600 năm; A-la-hán không còn được xem là sự chứng đắc sau cùng trong sự tu tập mà được xếp vào hàng Thanh văn thừa trong Tam thừa. Ở các mốc lịch sử Phật giáo này có một điểm chung đó là người nữ luôn chịu vấn nạn “trọng nam khinh nữ” hay kỳ thị người nữ, được đem lại từ hệ thống giai cấp của Bà-la-môn giáo.
Trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật cho phép người nữ xuất gia, một mặt kiện toàn hệ thống Tăng già với đầy đủ tứ chúng, đồng thời xác nhận khả năng chứng đắc Thánh quả A-la-hán của họ; mặt khác đã gián tiếp đưa vị trí người nữ lên ngang hàng với nam giới. Khi Phật giáo diễn ra sự phân chia bộ phái, xuất hiện quan điểm tư tưởng trái với lời dạy của Thế Tôn. Cụ thể phái Thượng tọa bộ đưa ra quan điểm nữ nhân không thể chứng A-la-hán, quan điểm này tồn tại đến ngày nay dẫn đến ở một số nước không có Tỳ-kheo-ni chỉ có tu nữ.
Nhằm hiểu rõ về những điều đã nêu trên người viết sẽ trình bày “Nữ tính A-la-hán trong các kinh A Hàm và Nikāya” với trình tự đi từ khi Đức Phật là một con người tu tập chứng A-la-hán Chánh Đẳng Giác cho đến sự kiện thành lập Ni đoàn và xác chứng nữ nhân có thể đạt Thánh quả. Trên cơ sở đó bác bỏ quan niệm của phái Thượng tọa bộ.
Người viết căn cứ vào Kinh A Hàm, Nikāya, Tạng Luật (Vinayapiṭaka) trong Tam Tạng Pāli, chú giải Trưởng lão Ni kệ và các tác phẩm của giáo viên bộ môn với phương pháp sử học, phân tích, so sánh và đánh giá tư liệu để làm sáng tỏ vấn đề trên.
1. Khái niệm A-la-hán
A-la-hán tiếng Phạn là Araha, Arhat; Pāli là Arahant; Hán là 呵羅漢 dịch là “Ứng cúng1” “Thanh văn2.” A-la-hán là một trong bốn quả Thánh Thanh văn chỉ cho cảnh giới của bậc đã giác ngộ, giải thoát.
Khái niệm này không chỉ có ở Phật giáo mà còn có trong Kỳ Na giáo (Jaina); cả khái niệm Sa-môn, Tỳ-kheo-ni3 cũng được dùng trong Kỳ Na Giáo. Tuy nhiên, A-la-hán trong Phật giáo là vị đã đoạn trừ tham, sân, si được nói đến trong kinh Tạp A Hàm, kinh số 490, Diêm Phù Xa hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất “Gọi là A-la-hán, thế nào là A-la-hán? Xá Lợi Phật đáp: Tham dục đã dứt sạch, không còn sót, sân nhuế và ngu si đã dứt sạch không còn sót, thì gọi là A-la-hán4” thì trong đạo Jaina lại là bậc Toàn tri toàn kiến “Thưa Hiền giả Nigaṇṭha Nātaputta là bậc Toàn tri toàn kiến, tự xưng là có tri kiến toàn diện như sau: dầu Ta có đi, có đứng, có ngủ và có thức tri kiến luôn luôn được tồn tại liên tục ở nơi Ta5.” Qua hai đoạn kinh cho thấy đạo Phật dựa trên tính cách cơ bản của con người là tham-sân-si để nói: “Thế nào là A-la-hán”, Jaina lại xây dựng hình tượng siêu việt cái gì cũng biết trong cả lúc đi, đứng, ngủ tri kiến luôn hiện diện.
Trong Phật giáo, lại có quan điểm khác nhau về quả vị tu chứng giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Theo Thượng tọa bộ, A-la-hán là quả vị cao nhất vì phái này cho rằng trong Phật giáo chỉ có bốn quả vị tu chứng “Này các Tỳ-kheo thế nào là quả Sa-môn-hạnh? Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Lai quả, A-la-hán. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là quả Sa-môn-hạnh6.” Danh hiệu “Phật” nằm trong mười hiệu “Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn” chỉ dùng tán thán công đức của Thế Tôn không phải để khẳng định A-la-hán và Phật khác nhau.
Phái Đại chúng bộ cho rằng con đường tu chứng của Thượng tọa bộ không thể độ được các chúng sinh khác mà chỉ giúp cho người tu hành chứng ngộ và chia quả vị tu chứng thành: Ngũ thừa, Tam thừa, Nhị thừa, Nhất thừa; A-la-hán còn nằm trong Ngũ thừa (Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa) phải tiếp tục tu tập để đạt đến quả vị Phật (nhất thừa).
2. Đức Phật vị A La Hán đầu tiên trong Phật giáo
a. Đức Phật là một con người
Về phương diện khảo cổ học
Ngôi làng Piprāhwā ở quận Basti thuộc bang Uttar Pradesh nước Ấn Độ đã trải qua hai cuộc khai quật lớn để tìm ra và xác định xá lợi thật của Đức Phật. Năm 1897-1898, Ông William Claxton Peppé đã tiến hành cuộc khai quật lần thứ nhất tìm ra bình đá đựng xá lợi; năm 1962 Chính phủ Ấn Độ đưa đoàn khoa học do Bà tiến sĩ D.Mita đến làng Piprāhwā lần nữa và Bà đã tái xác định nơi đây chính là Kapilavastu (mới). “Piprahwa is the place where the Buddha spent the first 29 years of his life. This is where he saw as prince Siddharta, the miseries of human existence which provoked him to leave his family and Kingdom in quest of salvation. Amongst the most precious archaeological finds at piprahwa are two beautiful soapstone caskets containing the charred bones of the Buddha. His kinsmen had then built a stupa over the caskets and three dishes containing ashes7.”
Người viết xin tạm dịch: “Piprahwa là nơi Đức Phật đã trải qua 29 năm đầu tiên của cuộc đời. Đây là nơi khi Ngài còn là Hoàng tử Siddhartha, sự đau khổ của kiếp người đã khiến Ngài rời bỏ gia đình và vương quốc của mình để tìm kiếm sự cứu rỗi. Trong số những vật khảo cổ quý giá nhất được tìm thấy tại Piprahwa là hai hộp đá tuyệt đẹp có chứa xương của Đức Phật.”
Ông William Claxton Peppé đã tìm thấy hộp đá Sandstone lớn, bên trong chứa bốn bình đá hình tròn và một bình pha lê (cái nhỏ được đặt trong cái lớn, xá lợi của Đức Phật được chứa trong bình đá này), hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ tại New Delhi. Đây là bia ký cổ xưa nhất của Ấn Độ, qua dó chứng minh được Đức Phật là một con người, một nhân vật lịch sử.
Về phương diện Phật học. Khảo cổ học với việc tìm ra xá lợi Phật đã cung cấp cho chúng ta một thông tin quan trọng “Đức Phật là một con người”; về mặt khoa học các nhà khoa học-sử học, khảo cổ học có thể xác định niên đại bằng phương pháp Carbon – 14 [Phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ được phát minh vào cuối những năm 1940 bởi nhà hóa học Willard Libby. Phương pháp này trở thành công cụ tiêu chuẩn cho các nhà khảo cổ học, để xác định niên đại của một vật thể cổ nào đó]. Từ đây xác định được niên đại tương thích với Đức Phật.
Tuy nhiên, không phải đến ngày nay điều này mới được xác chứng mà ngay khi Thế Tôn còn tại thế, trong kinh Trường A Hàm, kinh Đại Bản Duyên Thế Tôn đã nói với chư vị Tỳ-kheo về thời khi còn là Thái tử Siddhārtha “Ta có thân phụ tên là Tịnh Phạn (Suddhodana) dòng vua Sát-lị (Sakya), mẹ tên Đại-hóa (Maya), thành của vua trị là Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavattu8),” khi đến tuổi trưởng thành thái tử kết hôn với công chúa Yasodharā sanh được Rahula “Ta nay có con tên là La-hầu-la (Rahula).” Khi du hành bốn cửa thành nhìn thấy cảnh sanh-già-bệnh-chết, Thái tử từ bỏ đời sống thế gian xuất gia trải qua sáu năm khổ hạnh chứng ngộ chân lý thành Phật. Đoạn kinh này cho chúng ta cái nhìn chân thật về đời sống trước khi xuất gia của Thế Tôn do chính Người xác chứng, đời sống như một người thế tục: được sanh ra từ tinh cha huyết mẹ, lớn lên kết hôn có con.
Sau khi chứng Chánh Đẳng Chánh Giác, nếu Nigaṇṭha Nātaputta (giáo chủ đạo Jaina) tự xưng là bậc toàn tri toàn kiến trong khi đi, đứng, thức, ngủ tri kiến luôn có mặt mang tính thần bí thì Thế Tôn lại phủ nhận: khả năng nhất thiết trí, khi ngủ tri kiến vẫn hiện khởi.
Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau trong vấn đề này. Tư tưởng Đại thừa cho rằng Phật là bậc “Nhất thiết trí.” Cuốn 25 chương 37 giải thích bốn việc không sợ, bốn trí vô ngại Đại Trí Độ luận của Nāgārjuna (Long Thọ) viết “Bốn việc không sợ, Phật nói lời chân thật rằng: Ta là bậc Nhất thiết chánh trí9.” Điều này mang ý nghĩa Thế Tôn tự xưng là Nhất thiết chánh trí, vốn là quan điểm của sáu phái ngoại đạo. Tuy nhiên, quan điểm này được viết bởi Nāgārjuna sau khi Phật diệt độ cho nên, đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng từ các tôn giáo thời bấy giờ tại Ấn Độ. Các tín đồ ngoại đạo có xu hướng thần thánh hóa vị giáo chủ của mình với nhiều năng lực siêu nhiên, vượt cao hơn khả năng bình thường của con người. Vậy Nāgārjuna đưa ra quan điểm này nhằm thần thánh hóa sự giáng thế, trí tuệ của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác là sự kiện hy hữu, đạo Phật là đạo vượt lên trên Bà-la-môn, Jaina. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý dân Ấn, từ cơ sở này khuyến hóa họ theo Phật giáo dễ dàng hơn.
Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, Thế Tôn phủ nhận loại tri kiến không thật này, phủ nhận khi ngủ tri kiến vẫn hiện khởi trong kinh Trung Bộ bài kinh Ba Minh Vacchagotta “Vaccha những ai nói như sau: Sa-môn Gotama là bậc Nhứt thiết trí, là bậc Nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn “khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, liên tục”. Họ nói về Ta không đúng với điều đã được nói, họ đã vu khống Ta với điều không thực, hư ngụy10.” Lời dạy của Thế Tôn cho Vaccha cách đây hơn 2.500 năm không chỉ phủ nhận hoàn toàn quan điểm của Kỳ Na Giáo, mà còn xác định Thế Tôn là một con người của thế gian, lại phù hợp với khoa học – y học ngày nay. Tức khi não bộ chuyển vào trạng thái ngủ sâu thì ý thức, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tạm ngưng hoạt động không thể thấy biết sự việc đang diễn ra bên ngoài.
Từ hai phương diện khảo cổ học và Phật học xác chứng Đức Phật là một con người, Ngài sinh ra và thành đạo cũng tại trong thế gian này, vì vậy Thế Tôn phủ nhận khả năng siêu việt nhất thiết trí, nhất thiết kiến, thấy biết tất cả. Đồng thời, hình ảnh Thái tử trải qua sáu năm khổ hạnh cho đến chứng đạt Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ đề, mang ý nghĩa chứng chuyển (tự chứng dạy người chứng), khẳng định con người hoàn toàn đầy đủ khả năng tu tập chứng quả vị A-la-hán.
b. Đức Phật vị A La Hán đầu tiên trong Phật giáo
Thượng tọa bộ đưa ra quan điểm giữa Phật và A-la-hán không có sự khác nhau. Mười danh hiệu chỉ có ý nghĩa tôn xưng, tán thán công đức của Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả chư Phật thời quá khứ như Đức Phật: Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá-bà, “hai là nếu xuất gia học đạo, thì sẽ thành bậc Chánh giác, đầy đủ mười danh hiệu11”. Và Thế Tôn được gọi là bậc A-la-hán do làm cho sung mãn bốn như ý túc “Này các Tỳ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành… tinh tấn định… tâm định… tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỳ-kheo, là bốn như ý túc. Do tu tập làm cho sung mãn bốn như ý túc này Như Lai được gọi là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác12”. Tứ như ý túc hay Tứ thần túc là bốn phép thiền định. Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Nhất tâm như ý túc, Quán Như ý túc; bốn phương tiện này giúp thành tựu chánh định, có nghĩa là bốn phép làm nơi nương tựa cho các công đức thiền định, thần thông được thành tựu như ý mình.
Từ cơ sở tư liệu này cho thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng quả vị A-la-hán và nền tảng tu tập là làm cho sung mãn bốn như ý túc. Về phương diện lịch sử thời điểm Người chứng ngộ, không có thêm Đức Phật khác thành đạo. Do vậy, Thế Tôn được xem là vị đầu tiên chứng đắc quả vị A-la-hán.
Sau khi thành đạo được Phạm Thiên Sahampati thỉnh cầu Thế Tôn đã lên đường vận chuyển bánh xe pháp. Năm anh em ông Kodanna (Kiều Trần Như), Bhadhya (Bạt Ðề), Vappa (Ðề Bà), Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji (Ác Bệ) được Thế Tôn hóa độ sau ba lần chuyển Pháp luân “Thị chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển”, năm Tôn giả lần lượt chứng quả vị A-la-hán, ngôi Tam bảo hình thành. Ở giai đoạn đầu này chưa xuất hiện Tỳ-kheo-ni.
(Còn tiếp)
Ngọc Thúy (ĐSHĐ-102)
- Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển quyển 1, NXB. TP. Hồ Chí Minh, tr.11. Hay “Sát tặc, Ứng cúng, Bất sinh” Phân viện Nghiên cứu Phật học (2004), Từ điển Phật học Hán Việt, NXB. Khoa học Xã hội tr.27.
- Thích Hạnh Bình (2019), Nghiên cứu khái niệm A La Hán trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Hồng Đức, tr.203.
- Thích Chân Tính dịch (2015), Tôn giáo học so sánh của Thích Thánh Nghiêm, in tại Taiwan, tr.312.
- Tạp A Hàm, Kinh số 490, Thích Minh Châu (1994), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.239-240.
- Kinh Trung bộ, Kinh Devadaha, Thích Minh Châu (2012), NXB. Tôn giáo, tr.275.
- Kinh Tương Ưng, Phẩm Hạnh, kinh Sa-môn hạnh thứ nhất, Thích Minh Châu (2020), NXB. Hồng Đức, tr. 1016.
- K.M.Srivastava (1986), Buddha’s relics from Kapilavastu, page 77-78, Printed by S.K Mehra at Mehra Offset Press, New Delhi-110002.
- Kinh Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, Tuệ Sỹ dịch (2007), NXB. Tôn giáo, tr. 731.
- Thích Thiện Siêu dịch (1998), Đại Trí Độ luận, cuốn 25, chương 37, NXB. TP. Hồ Chí Minh.
- HT. Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Trung Bộ, Kinh Ba Minh Vacchagota, NXB. Hồng Đức, tr.513-514.
- Kinh Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, Tuệ Sỹ dịch (2007), NXB. Tôn giáo, tr.734.
- Thích Minh Châu (2020), Kinh Tương Ưng, Kinh bậc Chánh Đẳng Giác, NXB. Hồng Đức, tr.1191.