Đạo Phật cho rằng bệnh tật là một trong những nỗi khổ lớn nhất của đời người. Nó trực tiếp giày vò thân, tâm của người mắc bệnh với sự đau đớn, lo buồn và sợ hãi. Cho nên, muốn cứu người và thể hiện lòng từ bi đến chúng sinh thì trước tiên phải giúp họ làm sau thoát khỏi nỗi khổ do bệnh tật gây ra. Hiện tại, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh có 2 Tuệ Tĩnh Đường ở chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận) và Tịnh Xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh). Hai cơ sở này được xem là có nhiều nhân lực, giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực Đông-Tây y và cơ sở hạ tầng tốt. Trong năm 2006, Tuệ Tĩnh Đường chùa Pháp Hoa đã khám 14.657 lượt bệnh nhân, châm cứu 4.565 lượt người, hốt 123.200 thang thuốc Nam với tổng trị giá là 563.345.000 đồng và khám bệnh Tây y cho 4.700 lượt người, tiền thuốc 20.675.000 đồng. Còn Tuệ Tĩnh Đường Tịnh Xá Trung Tâm khám 33.120 lượt bệnh nhân, hốt 57.600 thang thuốc, tổng trị giá 192.000.000 triệu đồng1. Gần 30 năm nay, chùa Vạn Thọ (Quận 1) là nơi được người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận biết đến như là nơi chuyên chữa trị các chứng bong gân, trật khớp, bó gãy xương… với phương thuốc gia truyền.
Trực tiếp chữa là các nhà sư trong chùa, họ là những lương y và được đào tạo y học cổ truyền. Còn Linh Quang Tịnh Xá (quận 4) chuyên chữa các bệnh thần kinh tọa, viêm xoang, bại liệt, viêm xương khớp,…miễn phí cho bà con nghèo trên địa bàn Quận 4. Một số ngôi chùa khác như chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp), chùa Định Hương (quận 12), chùa Tập Thành (quận Bình Thạnh), Tịnh Xá Lộc Uyển (quận 6), chùa Phước Hòa (quận Gò Vấp),… có phòng khám và phát thuốc cho cộng đồng, theo hình thức Đông Tây y kết hợp. Nhìn chung, thông qua việc chữa bệnh cho cộng đồng ở các chùa là cách vận dụng y phương minh Phật giáo vào trong thực tiễn cuộc sống và để phát huy giá trị y học cổ truyền của dân tộc. Không dừng lại ở việc chữa trị cho người nghèo khó, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh còn thể hiện tinh thần “chúng sinh là bình đẳng” bằng việc giúp đỡ những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Từ năm 2002, Phật giáo Việt Nam đã triển khai Dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” – một chương trình hỗ trợ bệnh nhân HIV tạo được những hiệu ứng xã hội rất tích cực. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến nay, có 4 cơ sở tham vấn cho người nhiễm cũng như bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này được đặt tại chùa Diệu Giác (Quận 2), chùa Kỳ Quang II (Quận Gò Vấp), chùa Quang Thọ (Huyện Hóc Môn), chùa Linh Sơn (quận Bình Thạnh) và văn phòng điều phối đặt tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình). Với người bị nhiễm HIV/AIDS, các Tăng Ni, Phật tử giúp họ thông qua việc chăm sóc tại nhà và bệnh viện khi họ bị ốm hoặc khi họ bị thương, dạy họ các phương pháp thiền trị liệu, thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tổ chức các khóa tu để họ vượt qua khủng hoảng và bất an để sống vui, sống khỏe, cung cấp thức ăn, thuốc Nam và cả địa điểm để họ được điều trị khi bước vào giai đoạn cuối.
Thông qua hình thức này, bệnh nhân được tiếp thêm sức sống, được an ủi và chia sẻ với tinh thần bình đẳng, không kỳ thị, tạo điều kiện để họ tiếp tục tái hòa nhập cùng cộng đồng. Chương trình mở nhiều khóa tập huấn, nhiều hội thi cho Tăng Ni, Phật tử và các cộng tác viên tham gia để tăng cường kiến thức nhằm hỗ trợ tốt cho người bệnh cũng như vận động cộng đồng không kỳ thị họ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, hoạt động dự án này tại TP.HCM đã thực hiện: Tổ chức 12 lớp tập huấn ngắn hạn để nâng cao kiến thức chuyên môn cho tình nguyện viên và cộng tác viên, tổ chức 20 đợt truyền thông phổ biến kiến thức cơ bản về HIV/AIDS cho cộng đồng, tư vấn trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại cho 300 trẻ nhiễm và thân nhân, theo dõi cũng như giúp đỡ 298 trẻ nhiễm, tổ chức 48 lượt giáo dục kỹ năng sống phòng tránh HIV/AIDS và thăm viếng, tặng quà, phát thuốc cho người nhiễm2. Nhìn chung, việc cung cấp dịch vụ y tế cho người dân nghèo, khó khăn và nhiễm HIV/AIDS của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh góp phần tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu lo âu, phiền muộn từ bệnh tật, mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, những hoạt động hỗ trợ của Phật giáo giúp người nghèo có cơ hội được khám, chữa bệnh miễn phí đã phần nào giúp cho xã hội giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề bức xúc của dịch vụ được thể hiện ở ngành tài chánh y tế bất hợp lí khi chi tiêu công còn khiêm tốn, gánh nặng chủ yếu dồn cho người bệnh, bảo hiểm y tế chưa phát huy đầy đủ chức năng và diện bao phủ còn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường y tế và tinh thần, thái độ phục vụ chưa cao, còn gây phiền nhiễu với người bệnh, chất lượng dịch vụ chưa được người dân hài lòng. Y tế tư nhân ra đời đã thể hiện bước tiến mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân với nhiều chỉ báo tiến bộ phục vụ khách hàng, hiện đại hóa nhanh chóng cơ sở vật chất, nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước nên vẫn phải sử dụng viện phí làm nguồn thu chủ yếu đầu tư, tiếp tục dồn gánh nặng lên người bệnh, đẩy bất bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ y tế lên cao3.
Qua tìm hiểu thực trạng hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội (y tế và giáo dục) cho người dân của Phật giáo TP.HCM đã cho thấy một số đặc điểm cơ bản. Thứ nhất, đó là tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, sự phối hợp chặt chẽ giữa Phật giáo với chính quyền và cộng đồng, gắn liền với thực trạng từng địa bàn khác nhau. Thứ hai, giới Tăng Ni Phật tử TP.HCM ngày càng thể hiện vai trò xã hội của mình trong việc “ban vui cứu khổ”, đem tấm lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn đến với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội bằng cả sự dấn thân mà việc hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS là minh chứng cụ thể nhất. Thứ ba, những hoạt động thiết thực này của Tăng Ni Phật tử thành phố ngày càng trở nên quan trọng khi tham gia vào an sinh xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, ngăn ngừa và khắc phục rủi ro cho cộng đồng. Vì vậy, những thành quả của họ được xã hội ghi nhận, góp phần thể hiện lối sống nhân ái, nghĩa tình của người dân Sài Gòn – TP.HCM. Điều này cho thấy, Phật giáo TP.HCM luôn thể hiện tinh thần “Hộ quốc an dân”, đồng hành và phát triển cùng thành phố vì mục tiêu văn minh, hiện đại và bền vững.
Tuy nhiên, để hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng ngày càng hiệu quả, thiết thực, đặc biệt là giúp đỡ cho người nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đề ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, chính quyền các cấp thành phố nên có chủ trương, chính sách và tạo điều kiện, vận động giới Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội phục vụ cộng đồng, giúp đỡ bà con nghèo, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ miễn phí về y tế, giáo dục cho họ._Thứ hai, việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nên mở rộng đến nhiều địa bàn vùng ven, ngoại thành, khu vực đông dân cư nghèo,… để giúp họ có cơ hội ổn định và dần nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua vai trò của các tự viện, Tăng Ni tại địa phương.
Thứ ba, giới Phật giáo thành phố nên mở rộng nhiều hình thức, cách thức cung cấp các dịch vụ xã hội cho cộng đồng dân cư, chú trọng đến các đối tượng công nhân, người nhập cư, sinh viên nghèo, người dân trong khu vực bị qui hoạch treo, người già lang thang, trẻ đường phố,…hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề. Thứ tư, muốn thực hiện an sinh xã hội tốt cho cộng đồng, dịch vụ xã hội có chất lượng cao thì đội ngũ tham gia phải có kiến thức và kĩ năng liên quan đến công tác xã hội. Vì vậy, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nên có kế hoạch tổ chức hoặc tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử có tâm huyết phục vụ cộng đồng theo học các khóa học liên quan đến công tác xã hội.
TS. Trần Hoàng Hảo – ThS. Dương Hoàng Lộc (ĐSHĐ-014)
- Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2006 và chương trình hoạt động Phật sự năm 2007của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 19-20.
- Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2009 và chương trình hoạt động Phật sự năm 2010 của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 15.
- . Trần Hậu, Đoàn Minh Huấn, Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020 một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia, 2012, trang 264- 265.