Ngày xưa có một chàng trai yêu một cô gái, tình cảm hai người rất thân thiết. Sau cùng, đến lúc luận bàn đến hôn nhân, cô gái thử lòng chân thành của chàng trai, yêu cầu anh lấy trái tim của mẫu thân làm sính lễ mới đồng ý kết hôn với anh. Sau cuộc đấu tranh giữa tình yêu và tình thân gia đình, chàng trai trẻ này cuối cùng đã lựa chọn tình yêu. Nhân lúc mẹ anh đang ngủ, anh đã dùng dao cắt đi trái tim của mẹ mình. Trong đêm tối, chàng trai nâng trái tim đầy máu nóng hôi hổi của mẹ mình bằng đôi tay run rẩy, hoảng loạn té ngã trên nền đất, trái tim người mẹ lăn lộn hòa trong cát bụi và nói với đứa con đang sợ hãi:
– Con trai ngoan! Con ngã có phải không? Con có đau không?
Xã hội chúng ta cần dũng khí của những người mẹ với trái tim từ bi không oán hận, không lo lắng, không phàn nàn, không hối tiếc để thanh lọc và chuyển hóa. Các chị em phụ nữ nên dựa vào thiên tính bẩm sinh của mình, mỗi người hãy là một thiên thần áo trắng, mang lại sức khỏe cho chúng sinh có bệnh; mỗi người hãy là một phụ nữ từ bi nhân hậu, phục vụ những kẻ tư tâm tư lợi; mỗi người nên là Bồ tát Quán Thế Âm, để đại chúng trong xã hội có thể nắm giữ quan niệm trao đổi lẫn nhau giữa mình và người, sự bình đẳng giữa kẻ oán người thân, sự hòa nhập nhất thể giữa nhân và ngã, giúp cho xã hội của chúng ta có thể “mỗi nhà Quán Thế Âm, mỗi hộ Phật Di Đà”, đạt đến cảnh giới hòa thuận, vui vẻ không tranh chấp!
2. Hóa giải không khí bạo lực bằng nhẫn nại (以忍耐化解暴戾之氣)
Phụ nữ xưa nay vốn là người giỏi nhẫn nại, người phụ nữ cả đời vất vả lao tâm khổ trí vì con, nhường con chỗ khô, mẹ nằm chỗ ướt, cho con bú mớm, nuôi nấng vỗ về, chưa bao giờ chê bỏ con mình, sự nhẫn nại của phụ nữ đối với con cái thực sự không người đàn ông nào có thể sánh bằng. Ví dụ, khi đứa trẻ khóc, cha chỉ cần ôm con khoảng đôi ba phút thì nhờ mẹ ôm hộ, còn người mẹ ôm con suốt cả cuộc đời cũng không buồn phiền nhàm chán. Trong công việc nội trợ hàng ngày của gia đình, người phụ nữ còn tất bật nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, lau nhà…, đêm đêm còn phải đợi chồng về cùng ăn tối. Thậm chí đợi đến khô héo cả dung nhan mà vẫn không thấy về, đợi chờ ngày này qua ngày khác, từ năm này sang năm nọ, nhìn quyển lịch trên tường đến nỗi hai làn tóc mai biến thành màu sương trắng mờ nhạt. Trong tình huống khác, nếu một người đàn ông chờ đợi, trong vòng ba ngày thì gia đình chắc chắn sẽ gặp rắc rối, phong ba nổi dậy. Phụ nữ phải nhẫn nại làm việc chăm chỉ trong gia đình; phải nhẫn nại sinh con, nuôi con; phải nhẫn nại giúp đỡ chồng phát triển sự nghiệp; phải nhẫn nại hiếu thảo với bố mẹ chồng… Tôi tự hỏi không biết cuộc đời một người phụ nữ phải chịu đựng bao nhiêu điều nhẫn nại?
Trên thế gian, sự dũng cảm tương đối làm được dễ dàng, nhưng sức mạnh của sự nhẫn nại rất khó nuôi lớn, ví dụ như khi nổi cơn phẫn nộ, dùng nắm đấm đánh người dễ như trở bàn tay, nhưng để nhẫn nại kìm nén, nhượng bộ, giữ lại nắm đấm xiết bao là khó khăn; khi thương tâm rất dễ bật khóc, phải cố gắng biết bao mới có thể kìm được nước mắt và biến nỗi đau buồn, phẫn uất thành sức mạnh!
Đức tính nhẫn nại của người phụ nữ là sức mạnh lớn nhất trong thiên hạ. Xã hội chúng ta ngày nay tràn đầy không khí bạo lực, vô số vụ án giết người, trộm cắp, ngoại tình, dối trá, vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội cực kỳ tồi tệ, xã hội cần phải lấy sự nhẫn nại của nữ tính để hướng dẫn, chấn chỉnh, sửa chữa sai lầm, mới có thể chuyển bạo lực trở thành hòa bình, tốt đẹp, hóa đấu tranh thành khiêm tốn nhún nhường. Tôi xin nêu ra một ví dụ thật tế để nói rõ sức mạnh to lớn về sự nhẫn nại của phụ nữ.
Xưa có một người đồ tể, bản tính hung dữ hình thành từ khi còn nhỏ, thậm chí đối với mẫu thân của mình cũng lớn tiếng mắng mỏ một cách thô bạo, thường xuyên đấm đá mẹ. Một hôm, anh ta nghe nói ở núi Phổ Đà có Quan Âm sống rất linh nghiệm nên phát tâm quyết định đến bái lạy. Khi người đồ tể đến núi Phổ Đà, anh ta tìm khắp nơi vẫn không thấy Quan Âm sống ở đâu cả, nên anh ta hỏi vị Hòa thượng Trụ trì:
– Quan Âm sống ở đâu?
– Quan Âm sống đã đến nhà anh rồi! Hòa thượng trả lời.
– Hình dáng Quan Âm sống như thế nào?
– A! Mặc quần áo lộn ngược, chân mang giày ngược là Quan Âm sống. Anh hãy nhanh chóng quay về nhất định sẽ thấy được Bồ tát.
Anh chàng đồ tể nghe vậy, ngày đêm vội vã về nhà, khi về đến nhà thì đã nửa đêm, mọi người đều đang ngủ, anh ta gọi cửa thô lỗ gấp gáp:
– Mở cửa nhanh lên nào! Tôi đã về để ngắm nhìn Quan Âm sống!
Người mẹ đang ngủ bỗng nghe thấy tiếng con trai gầm thét, hoảng kinh bò ra khỏi giường, sợ bị con trai đánh mắng vì mở cửa chậm trễ, trong lúc vội vàng và tối tăm bà cuống quýt mặc quần áo lộn ngược, mang giày cũng ngược, vội vội vàng vàng đến mở cửa. Người con nhìn thấy bà mặc quần áo ngược, đi giày ngược, liền cúi đầu quỳ lạy thưa:
– Mẹ chính là Quan Âm sống! Mẹ chính là Quan Âm sống!
Người mẹ biết đó là sự cảm ứng của Bồ tát, thế là bà nắm lấy cơ hội giáo dục anh chàng đồ tể:
– Trong nhà không hiếu thảo với song thân, con đi đến những ngôi chùa xa để lạy Phật có công đức gì chứ nhỉ?
Từ đó về sau, anh chàng đồ tể sửa chữa triệt để những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ, và trở thành một người con hiếu thảo. Người mẹ già nua này đã dùng sự kiên nhẫn vô cùng lâu dài của mình, để cảm hóa đứa con phóng đãng, ngoan cố, tồi tệ thành một thanh niên hiếu thảo và lễ độ. Trước sự nhẫn nại của mình, bà đã “không gian nan nào mà không thể phá vỡ, không khó khăn nào không thể giải quyết.”
3. Tăng thêm màu sắc nhân gian bằng trí tuệ (以靈慧增加人間彩色)
Tánh thông tuệ linh hoạt, khéo léo, tâm địa thuần khiết như hoa lan, phẩm chất cao nhã như hoa huệ của phụ nữ, đã tô điểm thêm biết bao màu sắc tươi đẹp cho thế gian. Chẳng hạn, khi chồng ra ngoài công tác, vợ chải chuốt áo quần giày dép… để anh cảm thấy sảng khoái, tươi mới; con cái đến trường học tập, mẹ chải đầu mặc đẹp cho con; môi trường trong gia đình, phải sạch sẽ, chỉnh tề ngăn nắp, từ việc trang trí một bức tranh, cho đến cắm một chậu hoa, đều có thể bộc lộ sự khéo léo và trí tuệ của người phụ nữ. Phụ nữ có chức nghiệp thì phục vụ mọi tầng lớp trong xã hội; phụ nữ chủ gia đình thì tham gia các loại hoạt động từ thiện xã hội, đồng thời họ cũng mang lại nhiều phúc lợi cho xã hội!
Giới nữ của Phật giáo, nên phát huy trí tuệ của mình bằng cách tham gia vào các công tác từ thiện, hoặc là bố thí thuốc cho người nghèo, chăm sóc trẻ em, dưỡng nuôi người già; hoặc là tham gia chấp giáo Hạnh Đàn (Nho học chính thống, nơi được học và được giảng) giảng dạy đào tạo anh tài; hoặc là viết sách, biên soạn, lập ra chủ trương học thuyết của mình, tham gia sự nghiệp nguồn gốc văn hóa để làm phong phú xã hội và chiếu sáng nhân gian!
4. Lấy hòa bình sáng tạo phúc lợi quần chúng (以和平創造大眾福祉)
Nữ giới Phật giáo cần phát huy tính tình ôn hòa và tùy thuận, đôn hậu nhân từ với người thân trong gia đình, giúp đỡ gia tộc, gần gũi xóm làng, khiêm tốn nhã nhặn với xã hội, thậm chí còn làm một sứ giả của hòa bình thế giới. Vào triều đại nhà Đường, Công chúa Văn Thành1rất tín ngưỡng Phật giáo. Vì mối quan hệ giữa hai nước Đại Đường và Tây Tạng, bà đã kết hôn với người Tây Tạng và đưa Phật giáo đến Tây Tạng. Bà đã gieo những hạt giống quan trọng cho việc tuyên dương Phật giáo Tây Tạng, đồng thời đem văn hóa nhà Đường truyền bá đến vùng đất xa lạ. Phụ nữ Phật giáo ngày nay tiếp nhận đào tạo các thể loại chuyên môn và có thể đóng vai trò là sứ giả hòa bình cho Phật giáo thông qua nhiều con đường khác nhau.
Mọi người chúng ta đều có một người mẹ là nữ giới, tất cả nam giới biết đâu chừng có người có vợ là nữ, chị gái là nữ, con gái cũng là nữ. Tôi cũng có mẹ và tôi cũng có chị. Phụ nữ không cách nào rời khỏi đời sống của chúng ta, đặc biệt là phụ nữ có mối quan hệ mật thiết với Phật giáo. Hôm nay tôi nói về quan điểm của phụ nữ đối với Phật giáo, điều quan trọng nhất là vì mẫu thân của chúng ta, vì chị gái, em gái, con gái của chúng ta, cũng là vì muốn chúc phúc cho tất cả phụ nữ trên thế gian vậy!
Đại Sư Tinh Vân (星雲大師)
Thanh Như (dịch)
- Công chúa Văn Thành (625-680): Nữ tông thất nhà Đường, tộc Hán. Không có ghi chép về tên tiếng Trung, nhưng tên kính trọng của Công chúa nước Thổ Phồn là Giáp Mộc Tát. Trong Tạng ngữ, “Giáp” nghĩa là “Hán”, “Mộc” nghĩa là “Nữ” và “Tát” nghĩa là “Thần Tiên”. Năm Đường Trinh Quán thứ mười bốn (640), Đường Thái Tông Lý Thế Dân phong Lý Thị là “Văn Thành công chúa”. Vào năm Trinh Quán thứ mười lăm (641), Công chúa Văn Thành vâng chỉ xuất giá tận nơi xa xôi đó là Thổ Phồn, và trở thành hoàng hậu của vua Tùng Tán Can Bố (617-650), Thổ Phồn, Tây Tạng.