Từ bao đời nay nhiều nước ở Á Đông đều tiến hành lễ tưởng niệm những người thân đã khuất vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm… Vậy mà tại Thành phố Hồ Chí Minh có một cộng đồng dân tộc lại tiến hành nghi lễ này vào Rằm tháng Mười… Truyền thống độc đáo này do khi xưa đặc thù của người dân hành nghề sông nước… Bên cạnh nét tâm linh đặc sắc, lễ hội này còn là cơ hội từ thiện sẻ chia vật chất cho những người đang sống có hoàn cảnh khó khăn…
Ngôi chùa cổ độc đáo
Chùa Tam Sơn được tạo dựng từ hơn 200 năm nay, nổi tiếng linh ứng của cộng đồng người Hoa- Phúc Kiến. Chùa tọa lạc trên đường Triệu Quang Phục, phường 10, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Thờ tự chính của chùa là Thiên Hậu Thánh mẫu với pho tượng được thể hiện là người phụ nữ phúc hậu, đội mão, mặc áo choàng có hai cung nữ hầu hai bên. Tương truyền bà là người Phúc Kiến có phép mầu và là vị thần linh thiêng phù hộ cho người đi sông biển. Tín ngưỡng cúng bà Thiên Hậu rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa và Việt và là lễ hội phổ biến nhất hàng năm từ xưa cho đến ngày nay. Ngoài vị thần thờ chính, chùa còn có thờ nhiều vị thần dân gian khác. Mỗi gian thờ đều được trang trí bao lam chạm trổ tinh xảo với các đối trướng ca ngợi công đức của tiền nhân. Tại chùa vật phẩm cúng bái và khói hương luôn nghi ngút suốt ngày đêm.
Du khách đến tham quan hay chiêm bái rất dễ nhận ra các nhân vật được thờ tự tại đây thông qua các câu chuyện hoặc trên phim ảnh cổ trang của người Hoa. Dễ nhận thấy nhất đó là hình tượng Ngọc Hoàng, Tề Thiên Đại Thánh, Thành Hoàng, Thần Tài, Thổ Địa, Bà Mẹ sanh hoặc các nhân vật anh hùng trong truyện Tam quốc chí. Một nét khá đặc biệt là tại chùa Tam Sơn là bổn đạo hay du khách vẫn được mang giày dép khi vào chùa hoặc lễ bái trước các bàn thờ… Với truyền thống lâu đời và những nét văn hóa đặc sắc riêng biệt, từ lâu chùa đã nổi tiếng thu hút nhiều người khắp nơi đến tham quan lễ bái, cầu tài lộc hay để giải trừ xui xẻo…
Vu Lan -Lễ hội ông Tiêu
Tại chùa Tam Sơn lễ Vu Lan hàng năm được bắt đầu từ những ngày mùng một, tháng mười cho đến lễ chính là lúc nửa đêm 15 âm lịch. Vào dịp này khi đến chùa người ta đã hết sức ấn tượng khi nhìn thấy hình tượng của ông Tiêu được phết bằng giấy bồi rất to lớn được đặt ngay giữa cổng phần trước chánh điện. Hình tượng ông Tiêu là một vị thần có dáng điệu oai nghiêm, mặc trang phục võ tướng, đầu đội mão có hai tua dài. Tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng quắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Truyền thuyết kể rằng chiếc lưỡi chính là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Ông Tiêu có tên đầy đủ là Tiêu Diện Đại Sĩ chính là hóa thân của Bồ-tát Quan Thế Âm. Ông Tiêu rất quen thuộc với mọi người vì khi đến bất kỳ ngôi chùa nào, người ta thường nhìn thấy có hai pho tượng một vị rất hiền hòa, dân gian gọi đó là ông Thiện và một vị rất dữ dằn đó là ông Ác. Ông ác chính là ông Tiêu là Bồ-tát chuyên hàng phục ma quỷ, cứu độ chúng sanh. Ngài trông rất hung ác, nhưng trong lòng lại rất từ bi. Với gương mặt màu xám hung dữ đó là để xua đuổi ma quỷ ra khỏi bóng tối, khi ma quỷ thấy ngài hung tợn sẽ tránh né và chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo…
Vào dịp này chùa Tam Sơn còn tiến hành một lễ khác theo dân gian gọi là lễ “Thủy quan giải ách”. Một mô hình thuyền Bát Nhã bằng giấy đỏ được tạo dựng đặt bên phải cổng chùa với ý nghĩa chiếc thuyền này sẽ cứu vớt chúng sinh trên biển khổ và giúp những người làm ăn nghề sông nước luôn được an toàn. Ngày xưa khi điều kiện địa lý và phương tiện di chuyển còn thô sơ và khó khăn, bà con hành nghề ở sông nước rất cần có niềm tin tâm linh và hình tượng con thuyền cứu độ giúp họ an tâm và vững tin hành nghề. Tương truyền Thủy quan đại đế là vị thần gọi là Đại Vũ, chủ quản sông nước và các vị thần khác ở bốn biển. Vào ngày Rằm tháng Mười ngài giáng trần để răn dạy tội phúc và vì con người mà diệt họa đem lại mọi phúc lành cho người dân. Đặc biệt là những người đang bệnh nặng hoặc sắp bị tai họa đều được hóa giải tai qua nạn khỏi, gặp được thần y, tiên dược…
Lễ hội Vu Lan tại chùa Tam Sơn, ngoài ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu cho đấng sinh thành và thân nhân đã khuất thì đây cũng là dịp đông đảo bổn đạo thể hiện tấm lòng nhường cơm sẻ áo với những mảnh đời khó khăn hiện tại trong cuộc sống. Người ta đến chùa để ghi danh cầu siêu cho bà con thân thuộc đã khuất và tùy lòng hảo tâm của mỗi người tiền bạc và các vật phẩm như gạo, mì gói, dầu ăn… được tập kết với số lượng lớn về chùa và sau lễ sẽ được chuyển đến những nơi cần giúp đỡ. Trong thời gian này nhiều nhà sư ở các nơi khác cũng được mời về chùa để tiến hành các nghi lễ như: Tụng kinh cầu siêu, cúng thí thực cho các vong linh và phóng sanh chim cá.
Đỉnh điểm của lễ hội nghi thức đốt ông Tiêu và Thuyền Bát Nhã vào lúc 12 giờ khuya đêm Rằm tháng Mười. Đến đúng giờ qui định, ông Tiêu được thỉnh ra giữa sân đốt. Khi ngọn lửa cháy bốc lên cao, đó chính là biểu tượng cho sự siêu thăng của anh linh tổ tiên, anh hùng liệt sĩ và các oan hồn uổng tử. Ngọn lửa cũng thể hiện ý nghĩa cầu mong cho sự phát triển hài hòa của cây cỏ, vật nuôi, chim muông và con người. Lửa tàn cũng là lúc các vật phẩm cúng tế được ban phát chia sẻ đầy đủ cho những người có mặt. Lễ hội kết thúc trong niềm hân hoan với ý nghĩ cầu cho âm siêu dương thái, quốc thái dân an, cuộc sống an lành và công ăn việc làm được thuận lợi…
Lời kết
Ngày nay kinh tế- xã hội phát triển vượt bậc thì nhu cầu tìm hiểu về văn hóa tâm linh cũng được mở rộng và đa dạng. Mục đích của các nghi thức lễ bái các vị thần dân gian chính là giúp tâm hồn con người trở về với những giá trị tự nhiên. Bằng các hình tượng, đức độ và câu chuyện của các thần linh chính là tấm gương sinh động dễ hiểu nhất để hướng con người luôn tin vào cái Thiện. Đó cũng chính là cách nhanh nhất để giảm bớt các lo lắng đời thường và giúp cho con người cân bằng và thêm tin yêu vào cuộc sống.
Lễ Vu Lan vào Rằm tháng Mười của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến tuy nguồn gốc khác với lễ Vu Lan vào Rằm tháng Bảy của người Việt, nhưng mục đích sau cùng của hai lễ cúng đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, đề cao việc báo hiếu, làm phúc và bố thí. Lễ hội luôn giúp con người cân bằng được giữa đời sống hiện tại và tâm linh. Chiêm ngưỡng hay lễ bái các nét đẹp cổ xưa bao giờ cũng là những khoảnh khắc thú vị của cuộc đời. Giúp con người tìm thấy thêm nhiều ý nghĩa của cuộc sống để rồi khi quay lại thực tế người ta càng sống và ứng xử một cách tích cực và sâu sắc hơn…
Hoàng Dũng Hùng (ĐSHĐ-015)