Nền Triết học Ấn Độ cổ đại rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng vào đầu thế kỷ thứ VI (TTL). Sáu mươi hai quan điểm triết học cùng tồn tại với những tư tưởng khác nhau dẫn đến sự lung lay niềm tin trong xã hội. Bức tranh toàn cảnh về tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại được phản ánh chân thực, cụ thể qua bài kinh Phạm Võng (Brahmajāla Suttanta), bài kinh đầu tiên của Trường bộ kinh.
1. Bối cảnh Đức Phật nói kinh Phạm Võng
Khi Đức Phật cùng với 500 vị Tỳ-kheo đang trên đường du hành từ Ràjagaha tới làng Nalanda. Bấy giờ, có hai thầy trò du sĩ ngoại đạo đi theo sau, trong khi vị thầy buông những lời hủy báng Đức Phật, giáo pháp, chư Tăng thì người đệ tử lại dùng những lời lẽ tốt đẹp để ca ngợi, tán thán ngôi Tam bảo, vì việc đó mà hai thầy trò bất đồng ý kiến. Tại nhà nghỉ Ambalatthikà, các vị Tỳ-kheo đã bàn luận về việc này. Nhân đó, Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo không nên sanh lòng bực bội, khó chịu, phiền não khi nghe lời nói xấu, chỉ trích, hủy báng Phật, Pháp, Tăng mà từ đó phản chiếu lại, rà soát lại và cũng chớ khởi tâm hân hoan, vui thích khi nghe lời tán dương, khen ngợi Tam bảo, vì cả hai trạng thái đó đều gây chướng ngại cho sự tu tập mà thái độ đúng đắn, cần nên làm là nói cho họ biết chỗ nào chưa chính xác trong lời chỉ trích và chỉ rõ đâu là điều khen ngợi chính xác trong lời tán thán.
Đồng thời, Đức Phật nói Kinh Phạm Võng để dạy về Tiểu giới, Trung giới, Đại giới cho các vị Tỳ-kheo. Đồng thời Ngài cũng chỉ rõ pháp thâm diệu, tịch tịnh mà Như Lai đã chứng biết, trí tuệ phân biệt rõ ràng giữa chánh kiến và tà kiến, giúp vượt ra khỏi 62 kiến chấp sai lầm khiến con người khổ đau trong vòng sinh tử.
2. Sáu mươi hai kiến chấp sai lầm
Trong bài giảng Brahmajàla Sutta, đức Phật đã lần lượt nêu ra sáu mươi hai quan điểm của các phái ngoại đạo đương thời mà theo tuệ nhãn của Ngài đó là những quan điểm sai lầm, dẫn con người đến chỗ khổ đau, bao gồm 18 luận chấp có liên hệ về quá khứ và 44 luận chấp liên hệ đến tương lai.
• Mười tám luận chấp về quá khứ: Từ những kinh nghiệm qua việc nhìn thấy các đời sống trước đây trong thiền định hoặc qua tư duy thẩm sát, phân tích suy luận mà một bộ phận các Sa môn, Bà-la-môn bấy giờ tuyên bố những quan điểm, chủ trương khác nhau về vấn đề bản ngã và thế giới. Có 18 luận chấp liên hệ đến quá khứ, gồm: 4 chủ thuyết thường kiến, 4 chủ thuyết thường kiến phiến diện, 4 luận chấp về hữu biên vô biên, 4 thuyết ngụy biện luận và 2 thuyết vô nhân luận.
• Bốn luận chấp về thường trú luận: Các kiến chấp này cho rằng bản ngã và thế giới là thường hằng. Nó được hình thành bởi các vị Sa-môn, Bà-la-môn chuyên thực hành thiền định, khi vào đại định, nhớ được nhiều đời sống trong quá khứ của mình. Cũng có một số Sa-môn hay Bà-la-môn có khả năng tư duy, phân tích, tiến hành chia chẻ, suy luận và thẩm sát các vấn đề về con người và vũ trụ, từ đó tuyên bố rằng: “Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường còn.” Bốn luận chấp trên là quan điểm của những người chủ trương thường trú luận.
• Bốn luận chấp về thường kiến phiến diện: Chủ thuyết này chủ trương bản ngã và thế giới là thường hằng đối với một loại hữu tình và biến dịch, vô thường với một loại hữu tình khác.
• Bốn luận chấp về thế giới hữu biên và vô biên: Luận chấp về thế giới có giới hạn hay chẳng có giới hạn được khởi lên từ vị Sa-môn hay Bà-la-môn tu tập thiền định một cách tinh cần, không phóng dật, trong định, vị ấy thấy có một đường chạy bao quanh quả địa cầu nên tuyên bố “Thế giới này là hữu biên”.“Cũng có những vị nhập định, lại thấy thế giới không có giới hạn, vì vậy chủ trương thế giới là vô biên. Lại có những người trong thiền định thấy thế giới chiều ngang thì vô biên nhưng bên trên và bên dưới thì có giới hạn, vì vậy họ đưa ra luận điểm cho rằng thế giới vừa hữu biên cũng vừa vô biên. Cũng có các vị Sa-môn hay Bà-la-môn có đầu óc tư duy thẩm sát, chia chẻ, suy luận về thế giới đã tuyên bố thế giới không phải hữu biên cũng không phải vô biên.
• Bốn luận chấp về ngụy biện vô tận
“Nguỵ biện vô tận hay còn được cho là vô ký kiến, tức là không có một lập trường chín chắn, khi được hỏi về một vấn đề nào đó thì vị ấy dùng nhiều lời trườn uốn như một con lươn để ngụy biện: “Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế. ”
• Hai luận chấp về vô nhân luận
Còn gọi là luận thuyết về sự sanh khởi ngẫu nhiên. Luận thuyết này cho rằng bản ngã và thế giới này tự nhiên mà có, không từ nhân duyên gì hình thành. Khởi xuất từ các vị chư thiên Vô tưởng hữu tình đã thác sanh xuống cõi trần do một tưởng niệm khởi lên, do đời này được xuất gia, nỗ lực thiền định, khi trong thiền định vị ấy nhớ lại đời sống trong quá khứ, lúc tưởng niệm phát sanh khiến mất thân thiên mà không nhớ được xa hơn về các kiếp trước. Từ đó, cho rằng trước kia mình không có nhưng nay có, đi từ không đến có một chúng sanh như bây giờ nên người đó tuyên bố rằng thế giới, bản ngã là vô nhân sanh. Do vậy, không quý trọng giá trị của đạo đức, sống một cách tà mạng, mặc tình tùy duyên.
• Bốn mươi bốn triết thuyết về tương lai
Dựa trên những kiến thức và suy đoán về tương lai, các Sa-môn, Bà-la-môn đã thường xuyên tranh cãi, đưa ra các quan điểm của mình xoay quanh vấn đề bản ngã còn hay không còn sau khi chết, bao gồm: 44 kiến chấp, trong đó có 16 luận chấp thuộc về Hữu tưởng luận, 8 vô tưởng luận, 8 luận chấp về phi tưởng, phi vô tưởng, 7 lý thuyết về đoạn diệt luận và 5 kiến chấp về hiện tại -Niết bàn.
• Mười sáu luận chấp về hữu tưởng
Thuyết này cho rằng con người sau khi chết, bản ngã con người tiếp tục tồn tại. Khái niệm tưởng ở đây được hiểu như là linh hồn, thần hồn, là một thực thể bất diệt, không bị lệ thuộc vào thân xác. Có 16 tà kiến: 1. Bản ngã có sắc, không bệnh, sau khi chết có tưởng; 2. Bản ngã không có sắc; 3. Bản ngã có sắc và cũng không có sắc; 4. Bản ngã cũng không có sắc và cũng không có không sắc; 5. Bản ngã không có sắc và cũng không không có không sắc; 6. Bản ngã vô biên; 7. Bản ngã hữu biên và vô biên; 8. Bản ngã không hữu biên cũng không vô biên; 9. Bản ngã là nhất tưởng; 10. Bản ngã là dị tưởng; 11. Bản ngã là thiểu tưởng; 12. Bản ngã là vô lượng tưởng; 13. Bản ngã là thuần lạc;”14. Bản ngã là thuần khổ; 15. Bản ngã là khổ lạc; 16. Bản ngã là không khổ lạc, không có bệnh, có tưởng sau khi chết.
• Tám luận thuyết về vô tưởng luận
“Cho rằng bản ngã không có tưởng, tức không có sự tồn tại của một linh hồn sau khi chết, gồm 8 luận chấp: 1. Bản ngã có sắc, chấp bản ngã không có tưởng sau khi chết, không bệnh, sau khi chết không có tưởng; 2. Bản ngã không có sắc; 3. Bản ngã có sắc và cũng không có sắc; 4. Bản ngã cũng không có sắc và cũng không không có sắc; 5. Bản ngã là hữu biên; 6. Bản ngã là vô biên; 7. Bản ngã là hữu biên và vô biên;”8. Bản ngã là phi hữu biên và phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng.
• Tám luận chấp về bản ngã phi hữu tưởng phi vô tưởng
“Gộp 2 luận chấp điểm trên, các Sa môn, Bà-la-môn theo luận thuyết này lại cho rằng bản ngã sau khi chết, nếu nói có linh hồn (tư tưởng) tồn tại hay không tồn tại đều không phải. Điều này có nghĩa rằng tư tưởng là rất vi tế, nhỏ nhiệm gọi là phi phi tưởng. Gồm 8 luận chấp rằng: 1. Bản ngã có sắc, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng; 2. Bản ngã vô sắc; 3. Bản ngã có sắc và cũng không có sắc; 4. Bản ngã là phi hữu sắc cũng phi vô sắc; 5. Bản ngã là hữu biên; 6. Bản ngã là vô biên;” 7. Bản ngã là hữu biên và vô biên; 8. Bản ngã là phi hữu biên và phi vô biên, không có bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng và phi vô tưởng.
• Bảy luận chấp về đoạn diệt luận
Các Sa-môn, Bà-la-môn theo chủ trương này, quan niệm sau khi chết, sắc thân này tan rã thì bản ngã cũng theo đó mà biến mất, bị tiêu diệt hoàn toàn, không còn cái gì, không tái sanh ở đâu nữa với 7 kiến chấp: Vì bản ngã có sắc, sắc thân từ 4 đại hợp thành nên khi thân hoại mạng chung, bản ngã cũng bị tiêu diệt, đoạn diệt, không còn nữa; Có một bản ngã khác có thiên tánh thuộc sắc giới; thuộc dục giới được tạo thành bởi ý; thuộc không vô biên xứ, vượt ngoài tất cả các tưởng; thức vô biên xứ; vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ là tịch tịnh, vi diệu… bản ngã cũng bị tiêu diệt, không còn lại gì theo sự huỷ hoại, tan rã hoàn toàn của thân tứ đại sau khi chết. Vị luận sư nổi tiếng của phái này là Ajita Kesakambàli, chủ trương không có tội phúc, không có quả báo, luân hồi tái sanh, con người sau khi chết tất cả đều tiêu mất hết.
• Năm luận chấp về hiện tại Niết Bàn luận
Do các Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương bản ngã của chúng sanh ngay trong đời này có thể đạt đến Niết bàn tối thượng. Gồm 5 luận kiến: 1. Khi bản ngã của chúng sanh tận hưởng sung mãn năm món dục lạc do các giác quan đem lại; 2. Khi bản ngã ấy xa lìa các dục lạc các ác pháp, chứng và trú ở cõi thiền thứ nhất; 3. Khi bản ngã ấy có tầm và tứ, chứng và trú ở cõi thiền thứ hai; 4. Khi bản ngã tận hưởng được hỷ niệm lạc trú, đạt đến và an trú tầng thiền thứ ba; 5. Bản ngã đạt xả niệm thanh tịnh, chứng và trú thiền thứ tư. Trong 5 luận chấp này thì luận chấp đầu tiên là loại hạnh phúc thấp nhất, được thỏa mãn bởi sự hưởng thụ từ các giác quan, 4 luận chấp sau có phần thăng tiến hơn. Tuy nhiên, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hay tứ thiền cũng mới chỉ là những điều kiện cần và đủ để đưa đến hạnh phúc tối thượng, chứ đó chưa phải là Niết bàn mà ở đây các Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo đã nhầm lẫn, ngộ nhận cho đó là Niết bàn.
Đức Phật chỉ ra, các Sa-môn, Bà-la-môn đã có sự nhìn nhận sai lầm về con người và thế giới vì đã bị bao trùm trong chiếc lưới của Phạm thiên (Phạm Võng) và không thể nào thoát ra. Đồng thời, các luận thuyết đều từ sự suy luận, kinh nghiệm bị mắc kẹt trong các vấn đề thuộc về quá khứ hoặc vị lai nên tất cả các tư tưởng hoàn toàn không tiếp xúc được với thực tại hiện hữu. Vì thế, sáu mươi hai quan điểm này bị Thế Tôn cho là tà kiến nghĩa là sự nhận thức, thấy biết sai lầm, không đúng với lẽ thật. Đức Phật đã khuyến khích các đệ tử tinh tấn tu tập để có được trí tuệ giải thoát.
Tóm lại:
Qua bài kinh, chúng ta thấy được bức tranh tổng quát về một vườn hoa triết học Ấn Độ đa dạng, đầy màu sắc với sáu mươi hai luận thuyết về nhân sinh quan và vũ trụ quan thời sơ kỳ Phật giáo. Sáu mươi hai quan điểm triết học bấy giờ bị rơi vào hai thái cực chấp thường và chấp đoạn. Chỉ khi đức Phật ra đời, với trí tuệ thấu suốt bản chất của vũ trụ và con người là Duyên khởi, khuyến khích con người nên từ bỏ cả hai cực đoan chấp thường, chấp đoạn. Ngài đã thuyết giảng Trung Đạo, con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát, tránh xa hai thái cực chấp thường và chấp đoạn.
TN. Huệ Quang (ĐSHĐ-115)
Diễn đọc: SC Quảng Hiếu