“Một bát cơm ngàn nhà
Thân đi muôn vạn dặm
Muốn thoát đường giải thoát
Xin tự độ, tự tha”.
Từ mờ sáng khi những hạt sương còn đọng trên lá, chư Tôn đức Ni tay ôm bình bát, thân đắp mảnh y vàng, đi khất thực hóa duyên. Từng đoàn người nối bước nhau ôn lại hạnh “Trì bình khất thực”. Từng bước chân chậm rãi của chư Tôn Đức Ni bước dần trên con đường vòng quanh thác Giang Điền. Thật đẹp biết bao nhiêu, hình ảnh bóng Y vàng, cứ nối gót nhau đi như một dòng sông vàng lấp lánh, chảy dài vô tận đến với cuộc đời thế nhân. Bên cạnh dòng sông vàng rực, bóng huỳnh y là hàng ngàn Phật tử đang chắp tay, cúi đầu đảnh lễ cúng dường vật phẩm. Nhìn các Sư nối gót nhau đi, trong lòng chúng con cảm kích vô vàn, cứ ngỡ như mình đang sống thời đức Phật còn hiện tiền.
Sớt Bát Cổ Truyền là một phương pháp của sự cung kính “trao” và “nhận” của hàng Phật tử dâng lễ cho bậc Tôn quý xuất gia vì đạo. Thật vậy, pháp khất thực trong Phật giáo là một hình thức gieo những hạt giống lành, tạo điều kiện cho hàng Phật tử có cơ hội gieo duyên phước lành đối với Tam Bảo, để phước được tăng trưởng, nghiệp nhẹ, lìa khổ đến bờ bến giác an vui trong đời. Còn với chư Tôn đức Tăng Ni đây là thời khắc đưa ý nghĩa hoằng pháp tự độ – độ tha đến với mọi chúng sanh.
“Lành thay trì bát khoát y
Phước lành gieo khắp đến nay còn truyền”
Mỗi lần nhìn thấy các nhà Sư đắp y, đầu trần, mang bình bát, đi chân trần, bước đi từng bước chậm rãi, khoan thai, theo hàng một, dọc theo con đường, lòng con bỗng dâng lên niềm tôn kính xúc động khôn tả. Bộ y và đầu trần, quá đỗi thiêng liêng, quá đỗi cao quý. Bởi vì, dù là người nghèo, người trí thức hay quyền quý cao sang, khi diện kiến các nhà Sư đều tỏ lòng tôn kính. Thậm chí người hung ác gian tà, một khi nhìn thấy các vị Sư từ xa đi đến cũng phải lánh mặt, nếu lỡ chạm trán thì cũng phải khép nép cúi đầu.
Hàng ngàn Phật tử thành kính chắp tay cung đón từng bước chân an lạc của chư Tôn đức. Hòa trong dòng người áo lam cung kính dâng phẩm vật. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, ai ai cũng có thể thành kính cúng dường Tăng đoàn như thời Phật tại thế. Con thật xúc động và bồi hồi, không thể quên thành kính tri ân sâu sắc, công hạnh cao vời của bậc Tổ sư khai sinh ra Tăng đoàn Ni giới. Cách đây hơn 2600 năm về trước, ngài Kiều Đàm Di là di mẫu của Đức Phật, nuôi nấng Ngài kể từ lúc mới được 7 ngày tuổi, khi mẫu hậu Ma-Ya mất.
Sau này, khi Phật tu đắc đạo, thành lập giáo đoàn chư Tăng. Di mẫu dẫn 500 công chúa, công nương và cung nữ… cầu thỉnh Phật cho xuất gia. Nghĩ thương số phận vất vả của người nữ, duyên lành gặp chánh pháp không phải dễ dàng nên Phật chấp thuận. Kể từ đó, Ni đoàn được thành lập và ngày càng hưng thịnh như ngày hôm nay. Con còn nhiều lắm những cảm xúc khó diễn đạt thành lời, nhiều lắm những điều muốn chia sẻ. Nhưng chỉ xin ghi lại nơi đây, một lòng thành kính tri ân sâu sắc ngàn đời Đức Tổ Sư Ni Kiều Đàm Di đã khai sáng Ni đoàn và thành kính tri ân chư Tôn Đức Ni đã cho chúng con sống lại những giây phút hiện hữu của hình ảnh Tăng đoàn Phật còn tại thế.
Với lòng “Từ bi và Trí tuệ”, Chư Tôn đức Tăng Ni đã từng bước dẫn dắt con đến với đạo. Và cũng chính tình cảm ấm áp của quý ngài đã giúp con đứng dậy. Bóng mát các ngài đã chở che cho con trước phong ba, bão táp cuộc đời. Nghĩ lại biết bao cảm xúc! Biết bao ân tình! Vậy là con đã đi đúng đường, đến đúng nơi. Phật pháp đã chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, cuộc sống mỗi ngày mỗi thăng hoa, đối với con đó là sự nhiệm mầu. Nó đến một cách âm thầm và nhẹ nhàng con không hề hay biết, chỉ khi nhìn lại và so sánh những việc làm trước kia và bây giờ, mới ngạc nhiên vì sự thay đổi lạ kỳ!
Chư Tôn Đức Tăng Ni là người dẫn đường, bản thân con phải tự thắp đuốc lên mà đi. Tuy chậm, nhưng có đi tất có đến, không kiếp này thì kiếp sau hoặc nhiều kiếp sau nữa. Vấn đề còn thật là một phước duyên lớn cho hàng Phật tử chúng con trong mùa hạ này. Các Ngài đã tạo Phước duyên bằng những hạnh nguyện“Trì bình khất thực”, xóa bỏ mọi chướng duyên ngăn ngại. Chúng con được dịp cung kính dâng vật phẩm cho bậc Tôn quý dù là ít ỏi nhưng việc làm phước báu này vô lượng và sẽ mở đường tu hành giải thoát sau này. Dù đây là lần thứ hai trong cuộc đời con có nhân duyên được tham dự chương trình Sớt Bát Cổ Truyền “Theo dấu chân xưa ”. Nhưng trong con vẫn có nhiều cảm xúc dâng trào, nhiều niềm hân hoan khó tả!
Huệ Trí (ĐSHĐ-012)
Diễn đọc: SC Đức Tạng