Trên thế giới có rất nhiều vị nữ tu Phật giáo tài giỏi, đức độ, có vị tên tuổi từng lưu danh ở xứ người, có vị đóng góp to lớn trong ngành y tế, có những vị làm rạng danh cho ngành giáo dục, đào tạo nhân tài, cụ thể Sư bà Hiểu Vân là người đã sáng lập ra Trường Đại học Hoa Phạm.
Sư bà Hiểu Vân người Quảng Châu- Trung Quốc, sinh năm 1912, viên tịch năm 2004. Người sinh ra trong một gia đình dòng thanh lưu sang trọng có tín ngưỡng Phật Giáo. Ngay từ thuở ấu thời, Sư bà đã mến mộ Phật Pháp và rất hiếu học. Năm mới lên 7 tuổi tự tìm đến thư viện đọc sách, và Người đã tìm đọc “Tứ Thư Ngũ Kinh” cho đến nhiều loại sách khác. Năm 12 tuổi do tính Người yêu thích tĩnh lặng, có nhiều lúc chỉ một mình ngồi trong thư phòng mà suy ngẫm đến chuyện khổ đau của thế sự. Năm 18 tuổi Sư bà đi tìm vị thầy học vẽ tranh nghệ thuật được một thời gian ngắn, thấy không thỏa mãn ý nguyện, rồi sau đó chuyển hướng đến Hồng Kông nhập học tại Học Viện Mỹ Thuật, vừa học vừa tự nghiên cứu lịch sử về nghệ thuật. Sau khóa học 4 năm kết thúc, trở về quê hương làm việc.
Chưa dừng lại ở đây, Sư bà tiếp tục đến 22 quốc gia nữa như Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ v.v…Người đi tham quan một số Trường Đại học nổi tiếng, đồng thời tìm hiểu thêm cách giáo dục của một số trường đại Học Phật Giáo có quy mô chuẩn mực, cũng như nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật và nền văn minh các nước. Khi trở về, Sư bà chuyên tâm vào công tác giáo dục, đã đi giảng dạy khắp nơi, tại Đại Học Văn Hóa Đài Bắc – Đài Loan, Sư bà không những giảng dạy về văn hóa mà còn cả về nghệ thuật. Sau một thời gian Người lại nhận ra, cần phải làm một việc khó hơn, việc mà nhiều người khác khó có cơ duyên thực hiện.
Phải chăng Sư bà đã có phúc duyên được sinh trưởng trong gia đình lễ giáo sùng nho phụng Phật, nhận thức được cõi đời là vô thường khổ đau, rồi cơ duyên đến Sư bà phát nguyện xuất gia năm 47 tuổi, với hoài bão làm sao chuyển hóa con người hướng về điều thiện, huớng dẫn đồ chúng xuất gia, tại gia tu học, nhận ra đâu là chân lý nhân sinh mà hóa giải khổ đau.
Với niềm đam mê giáo dục nên Sư bà rất quan tâm và luôn đặt giáo dục lên hàng đầu, Sư bà đã sáng lập ra nhiều cơ sở, để cho thế hệ kế tiếp có nơi tu học. Ngoài xây dựng cơ sở Phật học “Liên Hoa Phật Học Viện” ra, còn sáng lập trường thế học được chính phủ công nhận. Ngôi trường ấy được mang tên “ĐẠI HỌC HOA PHẠM” tọa lạc tại huyện Thạch Định – Đài Bắc – Đài Loan. Nơi đây không những đào tạo kiến thức và đạo đức cho con người để trở thành những nhân tài hữu ích cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, còn là ngôi trường với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tĩnh lặng, xung quanh được bao phủ bởi núi non trùng điệp. Vào lúc bình minh vừa ló dạng hay hoàng hôn dần ẩn mình xuống núi, nếu ta để tâm thật tĩnh lặng đi xung quanh một vòng thì sẽ lắng nghe được tất cả tiếng nhiệm mầu lung linh huyền ảo của đất trời, lắng nghe được tiếng gió khua trên ngàn hoa nội cỏ, trên hàng ngàn cây trút lá, tiếng lá chuyển mình đầu mùa thay sắc mới của những hàng cây bên đường. Cũng chính nơi thiên nhiên tuyệt sắc thơ mộng này, mỗi năm đào tạo mấy ngàn sinh viên từ trong nước cho đến ngoài nước, đặc biệt trong đó có du học sinh Việt Nam, có nhiều vị tu sĩ đã đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ hiện đang giảng dạy tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và một số trường khác nữa. Phải nói sự cống hiến cho ngành giáo dục của Người quả là to lớn.
Ngoài vấn đề giáo dục ra, Sư bà còn là người đầy chất nghệ sĩ, lúc làm thơ, lúc vẽ tranh và đã cống hiến cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, bằng nhiều thể loại khác nhau. Có bức toát lên vẻ đẹp hiền từ, khuôn mặt rạng rỡ không tỳ vết của một vị Phật, có bức đậm chất nối xưa xe ngựa của mấy chục năm về trước, có bức lại mang vóc dáng của cô gái xinh đẹp tuổi mười tám đôi mươi cắp sách đến trường.
Thời gian đầu số lượng tranh bán chưa được nhân rộng, nhưng rồi các tác phẩm ra đời ngày một hoàn hảo hơn, không những trong nước mà nước ngoài cũng đều biết đến, tất cả số tiền bán được Người đã tích lũy và đóng góp một phần lớn công đức xây dựng trường đại học.
Sư bà là một vị trưởng lão Ni đã đem tất cả công sức và trí tuệ cống hiến đến cuối cuộc đời, đã làm rất nhiều công việc to lớn, tất cả đều là niềm đam mê, hứng thú trong cuộc đời Người, thế nên chẳng khi nào cảm thấy mệt mỏi. Sư bà có đầy đủ tài năng, chức quyền, thế mà không bao giờ tỏ ra mình là người quan trọng, luôn nhìn mọi người với con mắt thương yêu gần gũi, đem tất cả những gì sẵn có truyền lại cho thế hệ kế tiếp. Sư bà là một vị Đại Ni khả kính, đáng để cho chúng ta ngưỡng mộ và noi theo.
Minh Từ (ĐSHĐ-004)