Sự vươn lên của Ni giới Việt Nam: Nhìn từ phong trào Chấn hưng Phật giáo (1931-1945) (Kỳ cuối)

Với sự nghiệp chấn hưng và đối với Ni giới nói chung. Lược qua một số vấn đề lớn được Ni giới quan tâm thời đó chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Các bài “Chúng ta nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín” (Huệ Tâm), “Khuyên người học đạo1” (thơ), “Thế nào là học Phật2” (Diệu Không), “Phật giáo không mâu thuẫn đối với cục diện ngày nay3” (Diệu Phước) là những bài viết có tính cách bênh vực đạo Phật, đề cập đến những lợi ích của việc học Phật. Ni sư Diệu Không giải nghĩa mục đích của việc học Phật: “… học Phật cốt để biết rõ tự tâm, để sống một cái sống hoàn toàn, làm việc cho đời, giúp ích cho đời, chính ở giữa trần gian mà tự tại giải thoát, chính ở giữa phồn hoa mà yên lành trong sạch, chớ nào phải tìm những cõi u nhàn tịch diệt mà ẩn núp đâu4”. Huệ Tâm trong bài “Chúng ta nên tín ngưỡng Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp không phải là mê tín” đã phê phán hai nhận thức sai lầm về Phật giáo. Nhận thức thứ nhất cho rằng Phật giáo là một đạo “mơ hồ huyễn hoặc” và nhận thức thứ hai, coi “đạo Phật là một thứ tôn giáo ỷ lại ở thần quyền, nên chỉ thiên về cúng tế, thờ phụng, để hễ động có việc gì quan hệ đến tính mạng, tài sản, thì cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi”. Biện giải vấn đề, Ni sư Huệ Tâm đã chỉ ra những “giá trị” tinh thần tốt đẹp của Phật giáo. Phật giáo bao hàm cái nghĩa “bình đẳng rất rộng”, “đạo Phật không bắt buộc chúng ta phải tin nhảm theo càn”. Phật dạy người ta “chú trọng cái tâm”. Từ những giá trị của Phật giáo nêu trên, bà đi đến một nhận định chung rằng, Phật pháp không chỉ dành riêng cho “mấy hạng Tăng Ni” và những “người có óc tín ngưỡng”, mà nó là cái gia tài của cả nhân loại.

Với các bài “Các hội Phật học nên hiệp nhất5” (Huệ Tâm), “Đôi lời thỏ thẻ6” (Diệu Tu), “Phật học ngày nay phải có sự cải cách triệt để7” (Diệu Tánh) Ni sư quan tâm đến các vấn đề của phong trào chấn hưng. Ni sư Huệ Tâm đề xuất để việc chấn hưng đạt hiệu quả “các hội Phật học nên hợp nhất” thành một “đại tùng lâm”, tức một cơ quan chung cho Phật giáo cả nước. Sau đó cơ quan này sẽ triển khai các hoạt động chấn hưng trên 4 phương diện: phân biệt Phật giáo với ngoại đạo, chỉnh đốn Tăng già, quy định bổn phận của Phật tử tại gia, kiểm soát các cơ quan tuyên truyền Phật giáo. Cùng ý tưởng với Huệ Tâm, Ni sư Diệu Tánh trên tạp chí Duy Tâm Phật học cũng đề cập đến vấn đề thành lập “Phật giáo Tổng hội8”. Đây là ý tưởng lớn, táo bạo, đề cập đến một vấn đề hệ trọng của phong trào chấn hưng. Tuy nhiên, ý tưởng này không khả thi trong bối cảnh Việt Nam bị chia cắt thành 3 kỳ. Trong khi đó, Ni sư Diệu Tu lại “thỏ thẻ” bày tỏ ý kiến về cách làm việc của các tạp chí Phật học thời bấy giờ. Đối với các tạp chí Phật học, thay vì dùng báo chí để “phỉ báng”, “chê bai”, “mắng nhiếc” lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Phật giáo thì nên “dùng lời hòa nhã mà khai thị lẫn nhau”, nên phản ánh những việc làm của “tà sư, ngoại đạo” để bảo vệ chính pháp.

Một vấn đề khác được Ni giới quan tâm, đó là vấn đề phụ nữ với Phật giáo. Ni sư Diệu Viên chỉ ra tình trạng “phân vân” của phụ nữ đối với việc học Phật cùng nguyên nhân của thực trạng đó (Diệu Viên, “Phật học của phái nữ9”), tiếp đó giới thiệu “Lợi ích của Phật học đối với phụ nữ10”. Trong khi đó, Ni sư Diệu Minh giới thiệu các phương pháp hoằng dương Phật pháp đa dạng cho phụ nữ theo những độ tuổi khác nhau. Ở độ tuổi niên thiếu, các nhà hoằng pháp có thể sử dụng những sáng tác thơ, ca có vần điệu, êm tai về Phật giáo, vẽ tranh Phật giáo, rồi sưu tầm và dịch những câu cách ngôn nổi tiếng về đạo đức Phật giáo để dạy trẻ em học thuộc lòng. Đến khi về già thì hướng dẫn họ niệm Phật, giảng kinh, luật nhân quả báo ứng, làm việc từ thiện11. Cuối cùng là việc chỉ ra ý nghĩa của việc thực hành luân lý nhà Phật đối với việc hoàn thiện đạo đức của người phụ nữ trong bài “Phụ nữ với Phật pháp12” (Diệu Phước). “… hấp thụ được cái luân lý nhà Phật rồi, thì nơi gia đình, chị em là người vợ hiền, người dâu thảo, là người mẹ có đều đủ đức hạnh; nơi xã hội, chị em là người có tánh duy tha vong kỷ, ích quốc lợi dân, mưu cuộc tiến hóa tốt đẹp cho xã hội13”. Với những dòng này, chắc hẳn Ni sư Diệu Phước mong muốn về hình ảnh một người phụ nữ mới, bên cạnh việc hấp thụ những tư tưởng phương Tây hiện đại vẫn giữ được những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nó khác với những phụ nữ “văn minh nửa mùa”, a dua, học đòi theo trào lưu tân thời và trở thành trò cười cho người ngoại quốc.

Trên báo chí Phật giáo, vấn đề Ni giới là vấn đề được các vị Ni sư quan tâm nhất. Có 11 bài viết liên quan đến vấn đề này đề cập tới các phương diện: mở trường cho Ni giới, lập tự viện Ni, xây dựng đoàn thể Ni, xuất bản một tờ báo Phật giáo dành riêng cho Ni giới. Trong đó vấn đề Ni học là vấn đề trọng tâm, thu hút sự quan tâm của Ni sư Diệu Tịnh14 15, Như Ý16, Diệu Hường17, Tâm Nguyệt18 , Đàm Như19, Đàm Hữu20, Đàm Hướng21. Luận bàn về vấn đề này, trước hết, Ni sư Diệu Tịnh nhấn mạnh vai trò của học tập đối với việc nâng cao trình độ của Ni sư cũng như đối với việc tu hành của Ni giới “Sự học thức là gậy là đuốc, có thông hiểu mới biết lối tu hành22”. Học, hiểu giáo lý mới có thể giúp họ “hoằng pháp lợi sinh23”, “đảm đang các công việc như bên Tăng giới24”, mới có thể “giúp ích cho Tăng già lo việc trùng hưng Phật pháp25”. Có như thế thì mới không uổng phí cuộc đời xuất gia.

Để đạt được mục đích này, họ mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng các Hội Phật giáo mở trường Phật học cho Ni giới. Ở Nam kỳ, Ni sư Diệu Tịnh, ngay từ năm 1933 đã đề đạt nguyện vọng “mỗi vị cao Tăng Đại đức nên chú trọng về sự giáo hóa cho chị em chúng tôi mau thành tài đạt đức26”. Ở Bắc kỳ, năm 1937, Ni cô Tâm Nguyệt, khi đó mới chỉ là một vị Sa di ni với mong muốn được học hành đến nơi đến chốn đã “đánh bạo viết bài này, mong rằng các vị có lòng nghĩ đến Phật pháp, đoàn thể, giơ tay mở mang trí thức cho chị em, không nên thiên vị bên nào, khinh thường chị em Ni giới27”. Ở đây cần phải giải thích thêm rằng “việc mở mang trí thức cho chị em” như Ni sư Tâm Nguyệt đề cập không phải là trường hạ, bởi lẽ như đã đề cập ở phần 2, ở Bắc kỳ đã có trường Hạ cho Ni sư theo học, mà Tâm Nguyệt muốn nói đến việc mở trường chư Ni sư theo “lối mới”, giống như bên Tăng sĩ. Vào năm 1936, Hội Phật giáo Bắc kỳ đã tổ chức lễ khai trường cho chư Tăng theo hướng “hiện đại” với 4 cấp học Tiểu học, Trung học, Đại học và Cao đẳng bác học. Học Tăng học quanh năm28. Bên cạnh đó, họ còn động viên nhau “thu xếp cho có được thì giờ mà học tập29”.

Không biết có phải vì nguyện vọng tha thiết của Ni giới hay không mà chúng tôi thấy ở Nam kỳ có nhiều vị Hòa thượng như Hòa thượng Giác Ngộ Chánh Quả, Hòa thượng Khánh Hòa đã mở các lớp học dành cho Ni giới hoặc Ni giới được phép tham dự. Chẳng hạn như Trường Kim Huê-1936 dạy Tăng Ni, Trường Ni Phước Huệ-1940 đều do Thiền sư Giác Ngộ Chánh Quả mở; lớp Phật học Ni Vĩnh Bửu (Mỏ Cày, Bến Tre) do Hòa thượng Khánh Hòa mở năm 194030. Không chỉ trông cậy vào các vị cao Tăng Đại đức mà Ni giới Nam kỳ còn chủ động trong việc mở trường. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của Ni sư Diệu Tịnh đối với hoạt động mở trường cho Ni giới Nam kỳ. Có thể thấy đóng góp của bà về phương diện giảng dạy, mở trường cho Ni giới qua bảng thống kê31.

Trường cho Ni giới qua bảng thống kê
Năm Tên trường/lớp Địa điểm
1933 Trường hương cho cả Tăng và Ni. Đây là trường hương đầu tiên cho phép cả Ni tham dự. Ni sư Diệu Tịnh được trao chức Giáo thọ Ni. Chùa Giác Hoàng (Bà Điểm)
1934 Lớp gia giáo (học các bộ kinh chữ Nho như Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn và những vấn đề Phật pháp đơn giản như quy y, sám hối. Hải Ấn ni tự (Gia Định)
1934 Trường hương 3 tháng. Ni sư Diệu Tịnh cùng ni sư Như Thanh dạy Luận và Luật. Đây là trường hương đầu tiên do Ni tổ chức. Chùa Thiên Bửu (Lái Thiêu)
1936 Trường Kim Huê, do thiền sư Giác Ngộ Chánh Quả mở dạy Tăng Ni. Chùa Kim Huê là nơi đầu tiên dạy chư Ni về nghi thức truyền giới, đào tạo các vị Giới sư Ni trong Ni bộ Bắc tông. Chùa Kim Huê (Sa Đéc)
1940 Trường ni Tân Hòa tồn tại 3 tháng. Ni sư Diệu Tịnh và Ni sư Diệu Không làm giáo thọ. Chùa Giác Linh (Tân Hòa, Sa Đéc)
1940 Trường ni Vạn An. Các môn học bao gồm Duy thức phương tiện đàm, Duy thức đích khoa học, Lăng Nghiêm tập chú, Luận Đại thừa bách pháp, Tứ phần luật, Viên Giác lược sớ, Tỳ ni Hương Nhũ. Chùa Vạn An (Sa Đéc)
Khoảng 1940 Lớp Phật học Ni Vĩnh Bửu do Hòa thượng Khánh Hòa mở. Chùa Vĩnh Bửu (Mỏ Cày, Bến Tre)
1941 Trường gia giáo do ni sư Diệu Tịnh mở theo lời mời của bà Bang Biện. Chùa Linh Phước (Cai Khoa, Sa Đéc)
1941 Trường Ni Phước Huệ. Thiền sư Ngộ Giác Chánh Quả đưa gần 30 vị Ni chúng về chùa Phước Huệ, phần đảm trách giao cho Ni sư Như Hoa – Chơn Ngạn. Chùa Phước Huệ (Sa Đéc)

Ở Bắc kỳ, bên cạnh các trường Hạ, năm 1938, một lớp trung và tiểu học dành cho Ni giới đã được mở, đặt cơ sở tại chùa Bút Tháp32. Ở Trung kỳ mặc dù trên tạp chí Viên Âm không có những bài viết đề cập đến việc mở trường cho Ni giới, nhưng thực tế các trường dành cho Ni giới cũng được lập trong khuôn khổ nền Phật giáo chấn hưng do An Nam Phật học hội làm trụ cột. Năm 1932, trường Ni học đầu tiên khai giảng tại chùa Từ Đàm. Năm 1934, Ni viện Diệu Đức thành lập, là cơ sở giáo dục tu tập riêng của Ni chúng miền Trung33. Đối với các hoạt động dành cho Ni giới như mở trường, xây chùa Ni ở Trung kỳ không thể không nhắc đến vai trò của các vị Ni sư lỗi lạc ở Huế, đặc biệt là Ni sư Diệu Không (1905-199734). Với lợi thế của một người xuất thân hoàng tộc, lại giỏi Nho học và Tây học, cùng với tư chất thông minh bà thực sự có đóng góp rất lớn đối với Ni giới Trung kỳ.

Trên báo chí Phật giáo, nếu như Ni giới Bắc kỳ chỉ quan tâm tới vấn đề mở trường thì Ni giới Nam kỳ còn quan tâm tới các vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính định hướng cho Ni giới. Việc xây chùa Ni cũng là một vấn đề cấp bách đặt ra đối với Ni giới Nam Kỳ. Ni sư Diệu Tịnh cũng chính là người có công lớn trong việc vận động các vị Hòa thượng xây dựng chùa Từ Hóa, tự viện dành cho Ni giới. Kể về việc vận động xây dựng chùa Từ Hóa, trong bài Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu35 đăng trên tạp chí Viên Âm bà viết: “Tháng Avril 1935, chúng tôi mới thân hành đến yêu cầu cùng Hòa thượng Thích Từ Phong, Hòa thượng Thích Pháp Ân, và nhờ thầy Đại đức Trang Quản Hưng đi xin đơn lập chùa Sư nữ, để hiệu Từ Hóa tự, tại làng Sơn Nhì, tổng Dương Hòa thượng, Gia Định… Ni tự này, chính là tiền của bá tánh, mà cũng là của chung tất cả Ni lưu. Ni tự tuy đã thành lập nhưng chưa thỏa mãn hy vọng của chúng tôi36”. Qua năm 1935, Ni sư Diệu Tịnh dời chùa về Tân Sơn Nhất đổi hiệu là Hải Ấn Ni tự. Ngôi chùa gồm 3 nóc 2 chái, được xây bằng gạch, lợp ngói và được khánh thành vào ngày 30/8/1936 tức ngày 14/7 Âm lịch37. Mặc dù hãy còn đơn sơ nhưng ngôi chùa là tâm huyết của bà dành cho Ni giới. Chính từ ngôi tự viện Ni đầu tiên này mà Ni giới đã có cơ sở riêng để tu học, khắc phục tình trạng “Ni lưu tùng Tăng đồng cư trụ” và cũng từ nền móng này, Ni giới tiếp tục xây dựng thêm những ngôi tự viện khác.

Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng tổ chức cho Ni giới cũng được đặt ra. Ni sư Diệu Tịnh là người đầu tiên và cũng là vị Ni sư đề cập nhiều nhất đến vấn đề này. Vào năm 1935, nhân dịp Đại hội của Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, Ni sư Diệu Tịnh đã kêu gọi Ni giới: “chỉnh đốn lại chế độ Ni lưu cho có trật tự, cho có đoàn thể, rồi phải gom hết tài lực và nhân lực mà chung lo việc trùng hưng Phật pháp… 38”. Cũng trong năm này trên tạp chí Viên Âm, trong một bài viết gửi tới Ni giới, bà lại tiếp tục đề cập đến vấn đề Ni giới biết liên lạc với nhau thành một đoàn thể của riêng Ni giới, “mong cầu tất cả chị em Ni lưu biết yêu thương nhau, biết kết đoàn thể liên lạc, chung hiệp ý kiến, đồng tuân theo một qui điều, tổ chức được một Giáo hội nữ lưu, đặc biệt cùng nhau tham cứu kinh điển, nghiêm tịnh giới luật đặng duy trì Phật pháp trong thời kỳ pháp nhược ma cường này, thế mới mỹ mãn cái hy vọng của chúng tôi39”. Tiếp đó trên Từ Bi Âm số 148, năm 1938, bà lại tiếp tục kêu gọi “lập nên được cái đoàn thể Ni nữ cho trang hoàng”. Trên tạp chí Duy Tâm, năm 1938, Diệu Hường cũng nhấn mạnh đến việc đoàn kết của chư Ni “… chị em nên nối dây đoàn thể, phải biệt lập Tăng Ni, phải sửa sang cho có trật tự, thì Ni lưu sau này mới tránh khỏi cái hại rã rời, chia rẽ40.”

Xét trong tổng thể các gương mặt Ni giới xuất hiện thời đó thì Ni sư Diệu Tịnh chính là nhân vật nổi bật nhất, không chỉ bởi những việc làm cụ thể của bà mà còn bởi chính những vấn đề bà khởi xướng liên quan đến Ni giới. Với xuất phát điểm thuận lợi, được thụ hưởng nền giáo dục Pháp-Việt, biết chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, được làm quen với văn hóa phương Tây92 khi xuất gia bà có những nhận thức sâu sắc về con đường tu học cũng như địa vị của Ni giới. Bên cạnh đó, chính những “chướng ngại” trong cuộc đời tu học của mình, bà đã sớm dành sự quan tâm đặc biệt đến việc học tập của Ni giới, đến việc xây dựng tự viện Ni và xướng xuất vấn đề đoàn kết trong Ni giới. Cuộc đời 32 năm ngắn ngủi bà đã dành trọn cho việc “Rung chuông thức tỉnh hàng Ni chúng” hướng tới mục tiêu “nâng địa vị của giới phụ nữ lên ngang hàng với nam giới41” như Nguyễn Lang đã từng nhận xét. Bà trở thành tấm gương được nhắc đến trên báo chí Phật giáo mỗi khi các vị khuyến tấn tinh thần tu học của Ni giới. Chính Từ Bi Âm cũng có thơ tặng Ni sư ca ngợi Ni sư Diệu Tịnh như sau:

“Hành vi ngôn luận bản siêu quần
Vì cớ sao mà hiện nữ thân?
Trăm kiếp rèn nên gươm trí huệ
Một tay tháo sổ cũi phong trần
Dắt thêm đạo lữ năm ba lớp
Đánh vỡ tà sư sáu bảy phần
Nào kẻ mê lưu xin ngó thữ [thử]
Tu my em cũng ớn hồng quần42.”

Ni giới Nam kỳ là những người đi tiên phong trong việc thể hiện tiếng nói của Ni giới Việt Nam trong phong trào chấn hưng. Trên báo chí, họ đề cập đến nhiều vấn đề của Ni giới, không chỉ là một sự phản ứng với điều kiện tu học của Ni giới Nam kỳ có phần không thuận lợi so với Bắc kỳ và Trung kỳ mà còn cho thấy bộ phận Ni giới ở khu vực này sớm chịu ảnh hưởng của lối sống cởi mở, hiện đại dưới ảnh hưởng của văn minh phương Tây. Trong lịch sử Việt Nam, đây là vùng đất ảnh hưởng của Nho giáo mờ nhạt hơn so với hai vùng đất còn lại, trong khi lại sớm tiếp nhận các yếu tố văn minh phương Tây bởi số phận đặc biệt của nó.

1. Kết luận

Sự cai trị của thực dân Pháp (1884-1945) bên cạnh những hệ quả tiêu cực 43cũng mang lại những tác động tích cực, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và tri thức, tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó có phụ nữ. Việc mở các trường nữ sinh, sự phổ biến chữ Quốc ngữ, in ấn và xuất bản báo chí đã tạo điều kiện cho một bộ phận phụ nữ Việt Nam cơ hội được tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng Âu Tây. Từ đó làm thay đổi nhận thức của phụ nữ về vai trò, địa vị của chính họ. Ni giới là một bộ phận của phụ nữ Việt Nam. Trong xã hội chịu ảnh hưởng của Nho giáo, cuộc đời của họ gắn với “tam tòng tứ đức”, đến khi xuất gia, họ lại chịu ảnh hưởng của quan niệm “quý Tăng tiện Ni” trong nhà chùa. Mặc dù tình hình cụ thể không giống nhau ở ba kỳ, nhưng nhìn chung Ni giới có địa vị thấp kém, hình ảnh mờ nhạt, đời sống lặng lẽ, khép kín, bó hẹp trong phạm vi tự viện cũng như trong một ngôi làng.


Phong trào chấn hưng xuất hiện, Ni giới đã mạnh dạn bước ra khỏi khuôn khổ cũ kỹ và chật hẹp đó. Họ xuất hiện trên truyền thông. Họ thuyết pháp trước công chúng, nhân những buổi lễ lớn như Đại hội của hội Phật học, lễ khánh thành chi hội, lễ thành lập hội Phật giáo hay lễ khánh đản. Họ thể hiện trình độ Phật học qua các bài báo và thuyết pháp. Họ phản ánh thực trạng Ni giới, bày tỏ nguyện vọng được có trường cho Ni giới, được có chùa riêng. Họ kêu gọi Ni giới đoàn kết để xây dựng đoàn thể riêng. Những vấn đề được quan tâm vừa là nhưng vấn đề cấp bách cần giải quyết nhưng cũng là những vấn đề định hướng phát triển của Ni giới trong các giai đoạn kế tiếp. Nhân vật tích cực nhất, đó là Ni sư Diệu Tịnh, một vị Ni sư trẻ tuổi, nhiệt huyết, có nền tảng học vấn tốt và vững vàng về kinh điển đạo Phật. Kết quả đạt được đã tạo nền tảng để chư Ni tiếp tục vươn lên trong các giai đoạn sau. Không những vậy, nó còn gó phần vào việc giải quyết vấn đề nữ quyền trong xã hội Việt Nam những thập kỷ đầu thế kỷ XX.

TS. Ninh Thị Sinh
Khoa lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2 (ĐSHĐ-119)


  1. Viên Âm, số 13, tháng 1-2/1935, tr.17-31.
  2. Viên Âm, số 14, tháng 3-4/1935, tr.54-55.
  3. Viên Âm, số 18, tháng 11-12/1935, tr.12-15.
  4. Diệu Không, Thế nào là học Phật, Viên Âm, số 16, tháng 7-8/1935, tr.40.
  5. Viên Âm, số 17, tháng 9-10/1935, tr.4-11.
  6. Viên Âm, số 20, tháng 3-4/1936, tr.61-63.
  7. Duy Tâm Phật học, số 36, tháng 4/1939, tr.527.
  8. Diệu Tánh, Phật học ngày nay phải có sự cải cách triệt để, Duy Tâm Phật học, số 36, tháng 4/1939, tr.531.
  9. Viên Âm, số 23, tháng 9 và 10/1936, tr.11-19.
  10. Viên Âm, số 12, tháng 11 và 12/1934, tr.11-15.
  11. Diệu Minh, Bàn về vấn đề hoằng dương Phật pháp về bên nữ giới, Từ Bi Âm, số 115, 1/10/1936, tr.26-29; số 116, 15/10/1936, tr.32-35, số 117, 1/11/1936, tr.24-27.
  12. Viên Âm, số 17, tháng 9 và 10/1935, tr.23-25.
  13. Viên Âm, số 17, tháng 9 và 10/1935, tr. 23-25. Viên Âm, số 17, tháng 9 và 10/1935, tr.23-25.
  14. Lời than phiền của một cô vãi, Từ Bi Âm, số 27, 1/2/1933, tr. 18-23; Nên tổ chức trường Phật học để giáo dục phụ nữ không?, Từ Bi Âm, số 148, 1-15/4/1938, tr.29-33. Bài này được đăng lại trên tạp chí Duy Tâm Phật học, số 32, 8.
  15. 1938, tr.355-358.
  16. Các quan niệm đối với chị em Ni nữ trong Phật giáo đồ, Từ Bi Âm, số 149, 15/5/1938, tr.26-30.
  17. Ý kiến của Ni lưu, Duy Tâm, số 29, 3-4/1938, tr. 243-245; số 30, 11/5/1938, tr.274-276.
  18. Lời than phiền của Ni cô Tâm Nguyệt, Đuốc Tuệ, số 60, 1/5/1937, tr.3-5.
  19. Bức thư ngỏ cùng chị em thanh niên Ni chúng trong Phật giáo nước nhà, Đuốc Tuệ, số 223-224, 1-15/3/1944, tr.36.
  20. Vấn đề Ni học, Đuốc Tuệ, số 229-230, 1-15/6/11944, tr.4-7
  21. Vấn đề Ni học, Đuốc Tuệ, số 231-232, 1-15/7/1944, tr.8, 17-20.
  22. Thích Nữ (1932), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.19.
  23. Thích Nữ (1932), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.19.
  24. Đàm Như, Bức thư ngỏ cùng chị em thanh niên Ni chúng trong Phật giáo nước nhà, Đuốc Tuệ, số 223-224, 1-15
    mars 1944, tr.5.
  25. Thích Nữ (1933), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.22.
  26. Thích Nữ (1933), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.18-23.
  27. Thích Nữ (1933), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.18-23.
  28. Xem Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ: Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr.198-217.
  29. Đàm Như, Bức thư ngỏ cùng chị em thanh niên Ni chúng trong Phật giáo nước nhà, Đuốc Tuệ, số 223-224, 1-15 mars 1944, tr.5.
  30. Như Đức, Lược sử Ni giới Bắc tông, NXB Tôn giáo, 2009, tr.68.
  31. Bảng thống kê được chúng tôi tổng hợp theo sách Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam.
  32. Bảng thống kê được chúng tôi tổng hợp theo sách Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam.
  33. Như Đức, Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, NXB Tôn giáo, 2009, tr.25.
  34. Như Đức, Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, NXB Tôn giáo, 2009, tr.25.
  35. Thích Nữ (1935), “Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em Ni lưu”, Viên Âm, số 17, tr.22.
  36. “Bài diễn văn của cô vãi Diệu Tịnh đọc bữa rằm tháng bảy Annam tại chùa Hải Ấn”, Từ Bi Âm, số 114, tr.44.
  37. “Bài diễn văn của cô vãi Diệu Tịnh đọc bữa rằm tháng bảy Annam tại chùa Hải Ấn”, Từ Bi Âm, số 114, tr.44.
  38. “Bài diễn văn của cô vãi Diệu Tịnh đọc bữa rằm tháng bảy Annam tại chùa Hải Ấn”, Từ Bi Âm, số 114, tr.44.
  39. Thích Nữ Diệu Tịnh, Một bức thư dài xin hỏi ý kiến chị em nữ lưu, Viên Âm, số 17, 9-10/1935, tr.22.
  40. Diệu Hường, Ý kiến của Ni lưu, Duy Tâm Phật học, số 30, 1/5/1938, tr.274. 92 Diệu Tịnh, Hồi ký sư cụ giản lược, bản chép tay.
  41. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập), NXB Phương Đông, Cà Mau, 2012, tr.779.
  42. Từ Bi Âm, số 73.
  43. Sự thống nhất lãnh thổ bị phá vỡ, nhà vua-biểu tượng cho ý chí và truyền thống quốc gia bị sụp đổ, các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một trước ảnh hưởng của văn minh phương Tây, tính cộng đồng của làng xã bị mai một; những cuộc khởi nghĩa vũ trang bị đàn áp. Ở Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những bài thơ khuyết danh nói lên sự tàn bạo của chế độ thực dân, chẳng hạn như: Cao su đi dễ khó về / Khi đi trai tráng, khi về bủng beo / Cao su đi dễ khó về / Khi đi mất vợ, khi về mất con / Cao su xanh tốt lạ đời / Mỗi cây bón một xác người công nhân.
SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
Video thumbnail
PBNG TW thăm trường Hạ 5 tỉnh Tây Nguyên - PL.2568 - DL.2024
16:46
Video thumbnail
Ni sinh trường Cao Trung Phật học Tiền Giang tụng kinh Pháp Hoa Kính mừng Phật đản - 11/5/2024
03:34
Video thumbnail
HỌP MẶT - MÓN QUÀ CAO QUÝ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
09:32
Video thumbnail
THIỀN HÀNH SAU KHI THỌ THỰC
02:18
Video thumbnail
Ni giới Phật giáo TP.HCM kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 - DL.2024
09:45
Video thumbnail
Lễ Húy Kỵ lần thứ 25 Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH tại Tổ đình Huê Lâm - Q11, TP.HCM
33:24
Video thumbnail
PBNGTW: Tiểu ban Thông tin Truyền thông | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
03:37
Video thumbnail
PBNGTW: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:51
Video thumbnail
Hội đồng Thập Sư 3 đàn phát thưởng cho các Giới tử - Đại giới đàn Bửu Huệ 2023
03:44
Video thumbnail
Tuần Chiếu tại Giới Đàn Ni Chùa Thanh Tâm
03:02
Video thumbnail
Đại Giới đàn Bửu Huệ tại Giới trường Ni - Chùa Thanh Tâm - 2023
09:53
Video thumbnail
Lễ Huý Kỵ lần thứ 3 cố NT. TN. thượng Như hạ Hải - Chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên - 26/9/2023
07:38
Video thumbnail
Lễ Khai đàn Dược sư Thất Châu - Chùa Pháp Hải
17:47
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 17 cố Ni trưởng Thượng Như Hạ Bổn - Viện chủ TĐ Kim Sơn (27/7/2006 - 23/7/2023)
45:08
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Nhật Quang tại Hội Sơn Cổ tự
16:37
Video thumbnail
Tọa đàm “Bình đẳng giới trong Nữ giới Phật giáo - 2023” – Chùa Huê Lâm, TP.HCM
19:56
Video thumbnail
Lễ húy nhật lần thứ 6 cố Sư trưởng Thượng Huyền Hạ Huệ - Hải Ấn Ni Tự, TP.HCM
14:11
Video thumbnail
Lễ Vu Lan và Dâng Y tại chùa Vạn Phước - Bình Tân - TP.HCM
11:04
Video thumbnail
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Pháp Võ - Nhà Bè - TP.HCM
12:37
Video thumbnail
“Rửa Chân Tri Ân Song Thân” - Chùa A Di Đà - Củ Chi - Tp.HCM
19:13
Video thumbnail
PBNG TW thăm, sách tấn Chư hành giả an cư tại các Hạ trường tỉnh miền Đông, 28/7/2023 (11/6/Quý Mão)
20:02
Video thumbnail
PBNG TW hoàn tất chuyến thăm và cúng dường Hạ trường tại Tây Nguyên 2023
18:50
Video thumbnail
PBNG TW thăm 4 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum
08:15
Video thumbnail
Kính mừng Đại lễ Phật đản - PL.2567 - DL.2023 - BTS Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang
08:05
Video thumbnail
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo & Chư Tôn Đức Tiền Bối Hữu Công PGVN | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
10:47
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước 2023: Triển lãm - Dâng hương - Tọa đàm - Thắp nến tưởng niệm
34:37
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước - 22 & 23/04/2023: Công tác chuẩn bị
04:59
Video thumbnail
Lễ Vinh danh cá nhân xuất sắc trong lãnh đạo Phật giáo tỉnh Tiền Giang năm 2023
06:55
Video thumbnail
Lễ công bố văn phòng PBNG & Khai giảng lớp luật dành cho chư Ni - Chùa Bảo An, TP. Cần Thơ
22:46
Video thumbnail
PBNG TW: Tổ chức khóa bồi dưỡng về các pháp Yết-ma, nghi thức giới đàn cho chư Ni
03:35
Video thumbnail
Lễ Hoàn Kinh Dược Sư Thất Châu & An vị tôn tượng Đức thánh tổ Kiều Đàm Di - Chùa Kiều Đàm
06:18
Video thumbnail
Khóa tu báo ân - Lễ Húy kỵ cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
17:23
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 24 cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
14:58
Video thumbnail
Chùa Từ Nguyên - Tân Phú: Lễ Khánh Tạ - Hoàn Nguyện - Lễ Húy Kỵ lần thứ 39 cố Ni trưởng khai sơn
08:50
Video thumbnail
Khí Xuân Quý Mão 2023
11:37
Video thumbnail
Hành hương thập tự 10 cảnh Chùa - Xuân Quý Mão 2023
15:24
Video thumbnail
Chùa Liên Trì - Củ Chi: Lễ cúng dường trai tăng - Xuân Quý Mão 2023
21:22
Video thumbnail
Tổ đình Huê Lâm: Mừng xuân Di lặc - PL.2566 DL.2023
09:08
Video thumbnail
PBNG Trung Ương: Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự - Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:42
Video thumbnail
Chùa Huê Nghiêm: Lễ Khánh Đản A Di Đà Phật với hơn 1000 Tăng Ni Sinh tham dự | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
04:24
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Các Công Trình Chùa Pháp Võ - Huyện Nhà Bè - TP.HCM | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
06:46
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Chùa Pháp Võ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
07:42
Video thumbnail
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:27
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ - Tưởng niệm lần thứ 14 cố Hòa thượng Thích Hoằng Từ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:55
Video thumbnail
#2: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư Vị Tiền Bối Ni Hữu Công (02/10/2020)
13:15
Video thumbnail
#1: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư vị Tiền Bối Ni Hữu Công (01/10/2020)
05:52
Video thumbnail
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo - Kiên Giang: Tổ chức Lễ húy kỵ lần II của cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải
09:14
Video thumbnail
Lễ Công bố & Quyết định Chuẩn y nhân sự Phân ban Ni giới - Nhiệm kỳ X (2022-2027) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
17:11
Video thumbnail
Kiên Giang: Tịnh xá Ngọc Hưng tổ chức Đại lễ Vu Lan – Dâng Y Ca sa – Cài hoa hồng - PL.2566
06:21
Video thumbnail
Tịnh xá Ngọc Phương: Lễ trao giáo chỉ - Tấn phong giáo phẩm – Lễ xuất gia & truyền giới
08:39
CÁC BÀI KHÁC