Theo truyền thống họ Thích-ca, người nữ khi mang thai phải trở về quê ngoại để sinh nở. Vì vậy, hoàng hậu Ma-da cùng đoàn tùy tùng rời thành Ca- tỳ- la-vệ trở về xứ sở. Giữa đường đi, họ dừng chân tại vườn Lâm-tỳ-ni. Hoàng hậu thấy rất sảng khoái và dễ chịu. Bà đưa tay lên hái một cành hoa, dưới tán cây, thái tử Tất- đạt- đa hạ sinh từ hông phải của bà. Thái tử đi bảy bước qua bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và tuyên bố câu nói lịch sử “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”. Các nhà tôn giáo học hay các Phật tử nghiên cứu giáo lý của đức Phật cho rằng đó là giá trị lịch sử. Chúng ta nhìn nhận dưới góc độ biểu tượng, giúp cho ta hiểu rõ sự ra đời của đức Phật.
Người Ấn Độ không đặt nặng vấn đề lịch sử nhưng những sự kiện trọng đại, họ có nhiều cách thức để đánh dấu. Ở đây, hơn ba trăm năm sau, vua A-so-ka trở thành Phật tử và đến thăm viếng vườn Lâm-tỳ-ni và dựng trụ đá lưu dấu nơi đức Phật đản sinh. Trụ đá cao trên 8m, cùng một đường thẳng cách đó chừng 10m ghi một hàng chữ “Sự ra đời của đức Phật, người dân xứ Sa-ky-a được giảm thuế”. Cạnh đó là ngôi chùa thờ thánh mẫu Ma-da. Ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần nhưng hồ nước vẫn được bảo tồn. Hoàng hậu Ma-da, thái tử Tất-đạt-đa sau khi sinh đã từng tắm nơi hồ này.
Chúng ta đối chứng sự kiện lịch sử, ở góc độ tôn giáo cho rằng khi đức Phật hạ sinh, chư thiên mười phương xuất hiện, tắm cho Ngài bằng hai dòng nước nóng lạnh và chư thiên là những người đầu tiên nâng gót chân đức Phật khi Ngài đi các bước trên hoa sen. Ta hiểu cách mô tả là biểu tượng của triết lý, không hiểu theo nghĩa đen. Cái gì được miêu tả có nhiều điển tích thì khi tìm hiểu nội dung ta sẽ nhận thấy có nhiều mấu chốt liên quan sự kiện lịch sử văn hóa, sự giải mã hết sức lý thú. Sự có mặt của đức Phật trên cuộc đời nhằm mang lại nhiều hạnh phúc cho số đông, đây là cách nói thông thường. Cách miêu tả văn hóa sẽ khác: “Đức Phật sinh từ hông phải của thánh mẫu Ma-da là tượng trưng cho kiết tường, an lành, hạnh phúc, bình an, bền bỉ, luôn mang lại giá trị an lạc cho đại đa số”, đồng thời để bày tỏ lòng tôn kính, ta phải nói để thêm ấn tượng.
Chúng ta thường truyền nhau: đức Phật sinh ra như cây Vô Ưu 1000 năm nở một lần vì cây Vô Ưu không có hoa. Ta hình dung và nhân cách hóa nó để nói đến tính kỳ diệu trong sự ra đời của đức Phật. Và sự kiện thái tử vừa ra đời đã có bảy đóa sen nâng gót mang ý nghĩa: Mỗi bước đi của đức Phật trên cuộc đời mang lại thanh tịnh, an vui, hạnh phúc. Đó là cách mô tả biểu tượng và triết lý. Sự kiện ra đời của đức Phật đánh dấu một cái gì đó vô cùng đặc biệt. Kinh điển truyền thống Phật giáo nói, đó là sự thị hiện.
Chúng ta tiếp cận đức Phật dưới góc độ lịch sử giống như người phàm. Đức Phật cũng có vợ con, gia đình. Ngài sống có trách nhiệm như những người trong xã hội nhưng không thỏa mãn những giá trị hiện có và đã từ bỏ chúng, đi tìm giá trị hạnh phúc cao hơn. Ban đầu, thái tử cũng có sai lầm về phương pháp luận, nhưng sau đó Ngài sửa sai và cuối cùng trở thành bậc Giác Ngộ. Giữa hai cách thức tiếp cận, chúng ta thấy, cách thức tiếp cận dưới góc độ tôn giáo dành cho người có tín ngưỡng. Dưới góc độ lịch sử ta thấy Ngài gần gũi và đáng kính hơn. Những gì Ngài làm được cho phép chúng ta so sánh, xin nguyện noi theo gương, cố gắng đạt được trong cuộc đời.
Sự kiện khác liên hệ đến sự ra đời của đức Phật, đó là câu: Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”. Chúng ta đối chiếu toàn bộ hệ thống triết lý của đạo Phật dưới ánh sáng của học thuyết vô ngã, nhận thấy rõ đức Phật là người khiêm tốn. Theo thiển ý, câu nói này do các thế hệ đệ tử của Ngài tôn kính đức Phật nên đặt ra như vậy.
Chúng ta tôn vinh đức Phật là bậc siêu phàm, thoát tục, vĩ nhân trong nhân loại. Khi đức Phật thuyết giảng năm cuối cùng, mọi người muốn ca ngợi công lao khám phá chân lý của Ngài nên nói trong 49 năm thuyết pháp ta chưa nói một lời nào. Điều này nêu đại ý: đức Phật nói chân lý mang tính chất là quy luật, Ngài có ra đời hay không, chân lý vẫn muôn đời bất di bất dịch. Ngài có công khám phá, phát minh, không phải là tác giả của chân lý. Ngài khiêm tốn dưới học thuyết vô ngã rằng, Ngài không phải là người tạo ra. Chân lý đó ba đời đức Phật cũng nói như vậy, các bậc Bồ-tát, A-la-hán trong tương lai cũng nói như thế.
Câu tuyên bố đó nói về học thuyết vô ngã nhưng về phương diện nhận thức không thừa nhận cái gì thường hằng bất biến, về phương diện tâm lý đó là thái độ khiêm cung không có tác quyền, không có chủ nghĩa ngôn thần, không ỷ công cậy sức, không kể lể, không đề cao chính bản thân mình như là vòng xoay của các mối quan hệ. Đức Phật như tấm gương vĩ đại trong học thuyết, không lý gì đức Phật mới sinh ra đã tuyên bố một câu, phần lớn người nghe không ai thích thú. Đó là cách tiếp cận đức Phật của biểu tượng triết lý.
Trần Ngọc Thảo (ĐSHĐ-008)
Diễn đọc: SC Diệu Hoà