Đại lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được diễn ra vào ngày 19/10/2024 tại Pháp Viện Minh Đăng Quang, TP.Hồ Chí Minh, do Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học VN phối hợp với Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và môn phái Tổ đình Tường Vân tổ chức. Trong đại lễ trang trọng này, chư Tôn đức Tăng Ni là Học viên các khóa Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, nay là Học viện Phật giáo Việt Nam từ khắp muôn nơi trên mọi miền đất nước hay các vị đang hoằng pháp ở nước ngoài đã có dịp về lại bên nhau, cùng ngồi quây quần nơi chánh điện Thiền viện Vạn Hạnh, thắp lên ngọn nến tri ân và tưởng nhớ đến Trưởng lão HT. Thích Minh Châu – vị Hiệu trưởng đầu tiên với biểu tượng sáng ngời về sự cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo, nghiên cứu và truyền bá Phật pháp, bậc giáo thọ khả kính, hiền hòa, “ông tiên phúc hậu” trong lòng bao thế hệ Tăng Ni sinh Việt Nam trong tiếng gọi “Ôn” kính trọng, trân quý, thương yêu vô bờ!
Quả vậy, vị Thầy khả kính mà chúng con lúc nào cũng nhớ đến công ơn tác thành của Người. Nhớ những ngày mới vào học, mỗi giờ đầu tuần chúng con đều được Ôn hướng dẫn hành thiền: bài kinh mười sáu quán niệm hơi thở. Từng lời kinh Ôn giảng, từng buổi hành thiền, tất cả và tất cả là những kỷ niệm đẹp gắn liền tháng ngày tươi đẹp dưới mái trường Cao cấp Phật học mà nơi đó chúng con đã học và thực hành lời Phật dạy để có cơ sở để tu tập và hướng dẫn đồ chúng, Phật tử hành thiền trên những nẻo đường, đem lời Phật truyền bá muôn nơi, từ những thành phố xa hoa rực rỡ ánh đèn màu cho đến cô thôn quạnh quẽ, hay những con đường giá tuyết, sương sa. Trên dặm dài truyền trì Chánh pháp gian nan đó, giờ đây nhiều vị đã trở thành bậc lãnh đạo tài ba, trụ cột thiền lâm trong ngôi nhà Giáo hội, những nhà hoằng pháp, những vị Trụ trì, nhiều vị đã hoàn thành xuất sắc mọi công tác Giáo hội giao phó, được sự kính trọng và tin tưởng của quần chúng Phật tử… những thành quả trên đều thấm nhuần ơn đức giáo huấn nghiêm từ của Hòa thượng.
Nhớ lại, khi đất nước còn chìm trong chiến tranh khói lửa, lúc còn là Phật tử, Hòa thượng đã hoạt động tích cực nhiều mặt, giúp phát triển Phật sự của 17 Tỉnh hội Phật giáo miền Trung và cuối cùng phát tâm dõng mãnh từ bỏ thú vui ở đời, phát tâm xuất gia cầu đạo, đặc biệt lúc đó Hòa thượng vừa là giảng sư, vừa làm công tác chấp lao phục dịch, tu học thiền tập của chú điệu thực hành nếp sống thiền môn.
Sau khi chính thức bước vào hàng Chúng trung tôn, là bắt đầu cho cuộc hành trình tầm đạo và dấn thân phụng sự của Ôn. Tự hào thay cho Tăng Ni Việt Nam khi có Ôn là bậc Trưởng thượng tiên phong xuất dương tu học, là thủ khoa M.A (Cao học) về Pàli và Abhidhamma, là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học, Văn học Pàli tại Ấn Độ, được đích thân Tổng thống Ấn Độ thời ấy trao văn bằng Danh dự và hết lời ngợi khen.
Trở lại Việt Nam sau những tháng ngày cầu học ở nước ngoài, Ôn đã dành hết thời gian của mình cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và phụng sự chúng sanh. Trong đó, Ôn đã hoàn thành dịch thuật Kinh Trường bộ, Kinh Trung bộ, Kinh Tương ưng bộ, Kinh Tăng chi bộ và 7 tập đầu Kinh Tiểu bộ, mở ra con đường mới cho việc tìm hiểu và thực tập Giáo lý Phật giáo Nguyên thủy Theravada tại Việt Nam, là gia tài pháp bảo quý báu. Đặc biệt, Ôn là người khai sáng nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam khi thành lập Đại học Vạn Hạnh, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, nay là Học viện Phật giáo Việt Nam, là trường đại học Phật giáo đầu tiên đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ cho Tăng Ni, đáp ứng nguyện vọng học hỏi giáo lý, đào tạo Tăng tài, là thềm thang cho quá trình du học, cầu đạo tại nhiều nước trên thế giới.
Tuy đứng ở cương vị một bậc lãnh đạo, thế nhưng trên bục giảng, Ôn như người cha, người anh, người thầy từ mẫn hết lòng truyền dạy, chỉ bảo, đem hết hiểu biết của mình, dẫn dắt thế hệ đi sau. Nụ cười nhân hậu, đôi mày bạc phơ, tấm y đơn bạc, Ôn hiện thân như ông tiên trong lòng đại chúng, gieo vào tâm khảm Tăng Ni sinh hạt giống thiện hành, hun đúc chí nguyện phụng sự nhân sinh.
Hình ảnh HT. Thích Minh Châu chói sáng trên bầu trời Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Người có công lao to lớn trong việc sáng lập và điều hành Viện Nghiên cứu trong hơn hai thập niên đầu. Đến nay, trải qua ba đời Viện trưởng với sự đóng góp lớn lao trong quá trình đặt nền móng và phát triển của Viện. Tiếp nối HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Trí Quảng dẫn dắt Viện hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu quan trọng, tiếp tục thực hiện dự án Đại tạng Kinh Việt Nam. Và hiện nay, dưới sự điều hành của HT. Thích Giác Toàn, dự án Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam được phát triển, hoàn thành xuất bản 21 tập kinh điển, là biểu tượng cho sự nỗ lực không ngừng trong việc phát triển và truyền bá giáo lý Phật giáo, củng cố vai trò của VNCPHVN trong nghiên cứu học thuật và dịch thuật.
Nhìn lại chặng đường mà Hòa thượng đã đi qua với 95 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi đạo, mỗi một ngày đều cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng phụng sự đạo Pháp, những đóng góp của Ngài vẫn còn giữ nguyên giá trị sâu sắc cho đến hôm nay trong sự kế thừa và phát triển của Tăng Ni hậu học.
Nam mô Phật, Ôn kính mến của chúng con! Chúng con suốt đời kính lễ Người, suốt đời nhớ ơn Người, vị thầy hiện thân nơi đời như một sứ mạng thiên liêng. Cuộc đời của Ôn là tấm gương sáng ngời cho ý chí và hạnh nguyện cao đẹp, dù trong hoàn cảnh nào, khi đất nước lâm nguy hay hòa bình êm ấm, ngăn trở địa lý cũng như ngôn ngữ, văn hóa, Ôn luôn đặt gia tài Pháp Bảo, thực hành pháp và truyền bá chánh Pháp của người con Phật lên hàng đầu. Nếu Trung Hoa xưa có Ngài Huyền Tráng nhập Trúc cầu pháp, thì Việt Nam có Ôn, vị Cao tăng thời hiện đại mở đầu cho sự hội nhập Phật giáo Việt Nam cùng thế giới, mở ra con đường mới cho quá trình nghiên cứu và truyền bá Phật pháp. Nhìn giọt nước mắt xúc cảm của Ôn trong chuyến viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng cùng lời phát nguyện Tăng Ni Việt Nam trọn đời quy y, phụng sự Tam bảo khi Ôn tuổi đã xế chiều, mới thấy tấm lòng của bậc chân tu thạc đức, cả một đời tận tụy hy sinh, nay về chốn thiêng mà bật khóc như con thơ dưới bóng Cha lành. Hình ảnh ấy, công trạng ấy, là đuốc sáng, là niềm tin thắp lên bao thế hệ Tăng Ni hậu lai, nhớ ơn xưa gắng sức tu hành, kế thừa và phát triển hơn nữa sự nghiệp, gia tài Pháp bảo vô giá mà bậc Long tượng đã trọn đời bồi đắp, dựng xây.
Nam-mô Lâm Tế chánh tông, Tứ thập tam thế, Xuân Kinh Tường Vân Tổ đình trú trì, Hồ Chí Minh thị Vạn Hạnh thiền viện khai sơn, sung Việt Nam Phật giáo Giáo hội, Chứng minh Hội đồng, Phó Pháp chủ, húy thượng Tâm hạ Trí, tự Minh Châu, hiệu Viên Dung Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.
Như Minh – Bàu Lâm (ĐSHĐ-134)