Gió vẫn rít từng hồi, cơn mưa cuối đông đổ xuống càng lúc càng mạnh. Mọi người ai cũng tìm cho mình nơi trú ẩn ấm áp. Chỉ riêng nó, chiếc lá cuối cùng còn lại trên cây vẫn kiên trì bám víu, biết bao dông bão đã qua đi làm cho nó chao đảo, hình như nó đã không còn đủ sức sống nữa, nó đau đớn khi nghĩ đến một mai mình sẽ lìa khỏi cành, rơi xuống đất và hủy hoại như các bạn… Chị ơi, em bây giờ cũng như chiếc lá ấy. Dông bão cuộc đời đã khiến em đuối sức, em không thể chịu nổi nữa, em phải đi thôi. Em muốn tìm cho mình một nơi bình yên, nơi mà không còn ai ganh tỵ, ghét em và cản trở bước chân em nữa…”
Tuệ Đăng thương mến!
Đọc những dòng thư của em, chị thấy thương em quá. Dù rằng chị bận rất nhiều việc nhưng chị vẫn tranh thủ hồi âm cho em. Vì chị nghĩ rằng những bức thư của chị sẽ là nơi bình yên nhất của em lúc này.
Tuệ Đăng à!
Bây giờ em như thế nào nhỉ? Dù ở xa em nhưng chị vẫn thấy được tâm trạng của em lúc này. Chị cảm giác rằng, em đang rất buồn, cô đơn và rất khổ đau. Em không tìm ra con đường để đi và lối thoát cho riêng mình… Đó là điều chị cảm thấy xót xa vô cùng, nếu một người tu mà bị những hạt giống ấy chế ngự thì làm sao đủ sức sáng suốt để tu tập phải không em? Chị và em tuy không cùng cha cùng mẹ, không cùng dòng tộc nhưng có cùng một điểm chung là lý tưởng giải thoát. Chúng ta bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ những niềm vui tạm bợ ở đời để khép mình vào nếp sống thiền môn, điều đó ít ai làm được. Đức Phật dạy: “Khi một người phát tâm xuất gia là cả tam thiên đại thiên rung động”. Chừng đó thôi cũng đủ biết con đường của mình cao cả và thuần diệu biết chừng nào…
Chị nhớ, ngày ấy… em đã kể cho chị nghe con đường học đạo của em. Xuất thân từ một gia đình khá giả, bố mẹ dành tất cả tình yêu thương cho em, phải nói không có ai sung sướng và hạnh phúc như em. Vậy mà, nhận ra sự vô thường tạm bợ của cuộc sống, vì yêu màu áo lam hiền mà em trốn nhà xuất gia. Cái “sơ tâm” mãnh liệt biến em từ một đứa bé nhút nhát, lúc nào cũng cần bàn tay của người thân thành một con người phải nói là “gan dạ”. Từ miền quê hẻo lánh, một mình vào Sài Gòn trên tay chỉ vẻn vẹn 50.000 đồng. Vậy nhưng em vẫn quyết định ra đi. Niềm khao khát được xuất gia cháy bỏng trong em, nó thôi thúc em cất bước ra đi… ngày ấy… cái “sơ tâm” đẹp quá phải không em?
Không phải ngẫu nhiên mà chị nói với em những điều như vậy, dù rằng chị hiểu những câu chuyện này em không bao giờ quên được… Bởi chị muốn em nhớ lại “sơ tâm” của mình. Cái “sơ tâm” ấy là thứ rất quan trọng trong cuộc đời của người xuất gia. Vì khi gặp khó khăn, gian khổ, khi thối chí nản lòng, chính nó là cái dây neo kéo ta trở về. Sư phụ thường dạy chị rằng “Các con đi tu là đi ngược dòng đời, là làm dâu trăm họ”, mà đi ngược dòng đời thì thiếu gì bảo tố. Điều đó thì chắc em đã quá rõ rồi phải không? Vậy thì những ganh ghét, buồn giận ấy… khiến em phải chùn bước ư? Như vậy em đã phụ cái “sơ tâm” ban đầu của mình rồi. Để chị kể cho em nghe một câu chuyện mà chị tình cờ đọc được.
“Ngày xưa, có một ông vua trị vì một vương quốc rất giàu có, bờ cõi của ông rộng vô cùng. Điều đó làm ông rất tự hào. Một hôm, ông nảy ra ý nghĩ là muốn “vi hành” bằng đôi bàn chân của mình để xem cuộc sống dân chúng thế nào. Và ngày giờ đã đến, ông cùng một vài vị quan thân tín lên đường. Vì đã quen với cuộc sống sung sướng, kẻ hầu người hạ, đi lại bằng kiệu hoa… nên đôi bàn chân ngọc ngà ấy đã sưng rộp lên. Nhà vua cảm thấy rất đau đớn, đành trở về cung tìm phương cách. Khi về đến cung, nhà vua họp quần thần tìm phương kế vi hành để Ngài đỡ mệt nhọc. Có một vị thần đưa ra ý kiến là phải phủ lụa trên các con đường mà vua đi… điều đó ai cũng tán thành. Nhưng cuối cùng có một vị thần đứng ra thưa với vua rằng:“ Tâu bệ hạ! Tại sao bệ hạ không may cho mình một đôi giày để đi, như vậy bệ hạ có thể đi được khắp nơi mà không tổn hại đến long thể và đỡ tổn phí tài sản…”. Nhà vua và các quần thần nghe vậy thấy rất chí lý nên ai cũng tán đồng ý kiến đó. Thế là ngày hôm sau, nhà vua lại ung dung vi hành bằng đôi giày bền chắc của mình mà không một chút đau đớn. Ông sung sướng ngắm nhìn bờ cõi và tận hưởng lạc thú chốn “bồng lai tiên cảnh” với niềm hân hoan tràn ngập.
Câu chuyện chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng càng đọc chị càng cảm thấy sâu sắc vô cùng. Em có thấy chúng ta giống ông vua đó không? Chúng ta luôn thích sự hoàn hảo đối với những gì xung quanh, mà cái đó làm sao có được. Do đó, ta cứ buồn khổ, cứ giận hờn, trách móc: “Tại sao chị lại như vậy? Tại sao không phải như thế này…?”. Và cuối cùng ta đi đến một kết luận rằng: “Nơi này không phải là nơi bình yên”. Nếu em cứ mải miết tìm kiếm sự bình yên bên ngoài mà không trở về nội tâm của mình thì chị chắc chắn em còn ra đi mãi mãi… Em thấy chị nói đúng không? Em nói: “Em đã mất phương hướng, không tìm ra cho mình pháp môn để tu…”. Chị nghĩ đây không phải là tâm trạng của riêng em mà còn là tâm trạng của rất nhiều người như chị em mình. Chị đã từng chứng kiến nhiều người bạn đồng học của chị bộc bạch như em… Những lần nghe những lời ấy, chị cảm thấy xót xa vô cùng. Chị nghĩ có thật chúng ta không có pháp môn để tu hay là chúng ta chưa thực sự thực tập hết lòng với pháp môn mà mình đã chọn. Đức Phật đã từng dạy: “Đạo của ta hãy đến rồi sẽ thấy”. Em đã thực sự đến với đạo chưa hay là chỉ đứng ngoài, dùng tri kiến của mình để nhận xét và phán đoán?
Em à! Bức thư của em viết cho chị khá dài, chị phải đọc chậm từng chữ, từng câu để chị có thể hiểu em hơn. Trong thư, em kể cho chị nghe rất nhiều khổ đau mà em đang vấp phải. Chị có cảm tưởng rằng dưới con mắt của em, con đường em đi toàn là khổ đau và khổ đau mà thôi. Có lẽ, sóng gió đã làm em không còn nhận ra hạnh phúc đang có mặt trong em… Em biết sao không, mười năm kể từ khi bỡ ngỡ bước vào chùa cho đến bây giờ, quãng thời gian đó tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho chị cảm nhận được niềm hạnh phúc từ giáo lý của chư Phật, chư Tổ. Niềm vui từ sư phụ, sư chị và sư em của mình. Nhất là trong những ngày được cùng đại chúng đến an cư tập trung tại một trú xứ.
Ngày đó, mọi người có cơ hội ngồi lại bên nhau, cùng tụng kinh, cùng làm việc với nhau trong tình huynh đệ, tình thầy trò… Những lời căn dặn của đức Thế Tôn trước khi nhập Niết – bàn, những lời sách tấn của chư Tổ trong Kinh Di Giáo và Quy Sơn Cảnh Sách mà chị được nghe và trì tụng trong các thời khóa hằng ngày đã nuôi dưỡng chị rất nhiều. Nhìn những gương mặt hiền từ, tươi mát, bình an của sư bà, sư phụ, sư bác, sư chị, sư em trong màu y vàng giải thoát, chị bỗng thấy mình thật may mắn, thật hạnh phúc biết dường nào! Chị càng có niềm tin hơn đối với con đường giải thoát mà chị em mình đang đi. Bây giờ, em hãy ngồi thật yên, suy ngẫm thật sâu sắc, em sẽ thấy mình cũng đang hưởng những niềm hạnh phúc đó. Khi hạnh phúc có mặt thì khổ đau sẽ không còn nữa…
Tuệ Đăng thương!
Chị muốn nói với em rất nhiều, nhưng thời gian không cho phép. Chị hy vọng những lời nói thẳng thắn này sẽ không làm em buồn. Xưa nay chị vốn là người “khô khan”, văn tự không “nhẹ nhàng” bay bổng như những người khác, nhưng chị nghĩ rằng, tất cả những gì chị nói với em xuất phát từ tình thương chân thành. Chị luôn muốn em trở về tự tâm của mình để nhìn nhận đúng sự thật, để sống vui và bình an. Thương chúc em Bồ đề tâm kiên cố, tinh tấn tu học và luôn may cho mình một đôi giày thật chắc để đi em nhé…
Tịnh Ánh (ĐSHĐ-007)