Có nhiều lý do để một tôn giáo hay một giáo phái mới xuất hiện, nhưng tựu trung, có lẽ để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tinh thần khác nhau của mỗi người, hoặc để đáp ứng nhu cầu vận động cách mạng tư tưởng xã hội là hai lý do tiêu biểu hơn cả. Điều này nói lên rằng, bất kì tôn giáo nào ra đời cũng không thể tách rời những vận động nội tại trong bối cảnh văn hóa, tư tưởng của xã hội đó. Do đó, ảnh hưởng của văn hóa xã hội đương thời vào trong tôn giáo là một điều không thể tránh khỏi. Xã hội Ấn Độ cổ đại, là một xã hội đa thần giáo.
Theo kinh Phật ghi lại, có tổng cộng 62 ngoại đạo, nhưng tư tưởng xã hội chủ đạo lúc bấy giờ là lấy tư tưởng Bà-la-môn làm tư tưởng chính thống. Phật giáo được ra đời trong bối cảnh văn hóa xã hội như vậy. Ngoài Phật giáo, Kỳ-na giáo – một tôn giáo xuất hiện sớm hơn Phật giáo một chút – cũng ra đời trong bối cảnh xã hội Bà-la-môn đó. Phật giáo và Kỳ-na giáo nhanh chóng trở thành hai tôn giáo1 lớn ngoài Bà-la-môn giáo chính thống trong xã hội Ấn Độ đương thời.
Đọc trong kinh Phật, ngoài Bà-la-môn thường được nhắc đến nhất, chúng ta còn thấy tần số xuất hiện của Kỳ-na giáo – Ni-kiền tử – cũng không phải là ít. Điều này, ở một mức độ nào đó mà nói thì, giữa Phật giáo và Kỳ-na giáo có một tương tác, cộng hưởng nhất định nào đó, mà thậm chí, có học giả gọi đùa Phật giáo và Kỳ-na giáo là hai tôn giáo anh em.Vậy thì, giữa Phật giáo và Kỳ-na giáo có những điểm giống và khác nhau gì? Đó là chủ đề tìm hiểu của bài viết này.
1. Vài nét về giáo nghĩa Kỳ-na giáo
Như trên vừa nói, trong văn hóa Ấn Độ cổ đại, tư tưởng Bà-la-môn được xem là tư tưởng chủ đạo của toàn xã hội; và, với hệ thống giai cấp, Bà-la-môn giáo được xem là tôn giáo chính thống. Nhưng đến thời Phật, hoặc sớm hơn trước đó, nội bộ Bà-la-môn giáo xảy ra nhiều biến cố xung đột, tranh chấp lẫn nhau, đời sống của các giáo sĩ xa hoa trụy lạc, phẩm hạnh xuống cấp; thêm vào đó, giai cấp Sát-đế-lợi bắt đầu đứng lên như là một thế lực chủ đạo trong xã hội. Trong bối cảnh như vậy, đã khiến cho rất nhiều giáo phái mới “phi chính thống” ra đời. Kỳ-na giáo là một trong số những giáo phái mới “phi chính thống” trỗi dậy có sức ảnh hưởng khá lớn đối với Ấn Độ đương thời.
Gọi là giáo phái mới, tất nhiên, nó phải đưa ra những chủ trương, quan điểm tương phản với Bà-la-môn như là những tiêu chí để phân biệt với cái gọi là chính thống. Theo đó, điểm khác nhau cơ bản nhất giữa Kỳ-na giáo và Bà-la-môn giáo đó là Kỳ-na giáo triệt để phủ định thẩm quyền tuyệt đối của thánh điển Vệ-đà và hoàn toàn chống lại chế độ giai cấp do Bà-la-môn giáo đặt ra. Họ cho rằng, mê tín một cách mù quáng thần quyền và thiên khải vĩnh viễn sẽ không bao giờ đạt tới hạnh phúc thật sự. Và, chủ trương sát hại sinh vật để tế tự của Bà-la-môn, theo giáo nghĩa của Kỳ-na giáo, đó là việc làm vô nghĩa, chỉ càng làm cho con người thêm đau khổ, chúng sanh thêm ai oán, điêu linh.
Lý thuyết Đế (「諦理論」) được xem là nền tảng lý luận về vũ trụ quan của Kỳ-na giáo. Phạn ngữ của Đế là tattva, nghĩa là nguyên lý, chân lý2; Kỳ-na giáo cho rằng, vũ trụ được cấu thành từ bảy nguyên lý cơ bản, gọi là Bảy đế, đó là: Mạng, phi mạng, lậu, phược, giá, diệt, và giải thoát3. Ở nhiều tài liệu khác nhau, cách phân loại của Đế cũng khác nhau, đôi khi thêm vào hai đế Thiện và Ác nên gọi là Thuyết chín đế (九諦說).
Về sinh mệnh quan, Kỳ-na giáo chủ trương Duy tâm nhị nguyên luận, cho rằng, tất cả tồn tại trong vũ trụ được phân làm hai loại: linh hồn (命Jīva), và phi linh hồn (非命ajīva). Ở đây, tuy có nhắc tới linh hồn tồn tại như là một hữu thể tinh thần, nhưng Kỳ-na giáo không chấp nhận sự tồn tại một vị thần tối cao trong vũ trụ. Tồn hữu thứ hai – phi mạng, là chỉ những sự vật không có linh hồn. Trong tồn hữu này lại chia thành bốn, đó là: 1. Pháp (dharma), tức điều kiện vận động; 2. Phi pháp (adharma): tức điều kiện tĩnh chỉ; 3. Hư không (ākāśa): tức môi trường hoạt dụng của các sự thể; 4. Vật chất (pudgala), đây là nền tảng hình thành sắc thân, ngôn ngữ, tâm thức v.v…, đồng thời cũng là nguyên nhân tạo nên khổ, vui, sinh tử trong thế gian4.
Ngoài ra, trong một số kinh điển khác của Kỳ-na giáo còn xem Thời gian (kala) là một loại phi mạng thứ năm5. Bất luận linh hồn hay phi linh hồn, trong quan điểm của Kỳ-na giáo, chúng đều là những thực thể vĩnh viễn bất biến. Nói một cách ngắn gọn, sinh mệnh quan của Kỳ-na giáo là nhị nguyên thực tại luận, thế giới này được cấu thành từ hai nguyên tố linh hồn và phi linh hồn, chứ không phải do ý chí của một vị Thần nào cả, phủ nhận sự tồn tại của thần sáng tạo vũ trụ, thần bảo hộ và thần phá hoại.
Về phương diện giáo lý, Kỳ-na giáo chủ trương Nghiệp vật chất và luân hồi, cho rằng, con người do sự trói buộc của Nghiệp vật chất từ ba nghiệp thân, miệng, ý gây ra mà không ngừng chịu khổ luân hồi, không giải thoát được. Để thoát khỏi nỗi khổ luân hồi do nghiệp gây ra, đạt đến cảnh giới giải thoát vĩnh viễn, Kỳ-na giáo dạy con người xuất gia tu hành, xả bỏ dục vọng, tuân thủ năm giới và khổ hạnh nghiêm khắc. Song, Kỳ-na giáo không nghiêng về giải thoát hiện đời mà đặt kì vọng giải thoát ở đời sau, cho rằng: “Thân thể sau khi chết, linh hồn giải thoát sẽ phát huy tính chất thăng hoa vốn có của nó, thăng tiến hướng thượng, thoát ly thế giới, đạt tới phi thế giới tồn lưu trong tuyệt đỉnh thế giới…. Một khi đạt đến phi thế giới, linh hồn sẽ hiện ra bổn tính, mà đạt được an lạc tuyệt đối, giải thoát chơn chánh”6.
Về phương diện tu tập, Kỳ-na giáo chủ trương không một ai hay một vị thần nào có thể cứu rỗi được linh hồn của chúng ta, chỉ có dựa vào nỗ lực của chính mình mới đạt được giải thoát, tất cả những tha lực bên ngoài đều vô ích, như nói: “Họ không thể cứu bạn hay bảo hộ bạn được” Hay nói: “Các bạn ơi! Chính các bạn, không ai khác, là người bạn của chính mình, sao bạn lại ký thác đời mình vào người khác mà không ký thác vào chính mình.” Trích dẫn trên là y cứ rõ nét nhất cho quan điểm phủ nhận tư tưởng thần quyền của Bà-la-môn giáo, đồng thời, cũng phủ nhận luôn tư tưởng tế tự vạn năng hoang đường cho rằng thông qua cầu nguyện tế tự chí thành, Thần sẽ đến cứu rỗi, bảo hộ.
Ngoài ra, Cấm giới và Khổ hạnh cũng là phương pháp tu tập cơ bản của Kỳ-na giáo. Về cấm giới, Kỳ-na giáo cũng có năm giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, và không sở hữu. Trong đó, giới không sát sinh của Kỳ-na giáo được phát triển đến mức cực đoan. Theo đó, khi đi đường phải cực kỳ cẩn thận, phải quét đường rồi mới đi; uống nước phải dùng lược lọc nước rồi mới uống để tránh làm tổn hại đến côn trùng trong nước; thậm chí, hít thở cũng phải mang khẩu trang, sợ hít phải các loài trùng bay vào mũi, hay nuốt phải vào miệng. Điểm đáng chú ý nhất trong Kỳ-na giáo là chủ trương lõa thể, như kinh Trung A-hàm miêu tả: “Hoặc có Phạm chí Sa-môn lõa hình, không y phục hoặc dùng tay làm y phục, hoặc lấy lá làm y phục, hoặc lấy hạt châu làm y phục”.
Chủ trương nghiêm khắc khổ hạnh của Kỳ-na giáo, đến nay, có thể nói là đặc điểm độc nhất vô nhị của giáo phái này. Vì họ tin rằng, chỉ có khổ hạnh mới làm tiêu trừ vĩnh viễn Nghiệp vật chất bao vây đeo bám vào linh hồn. Kinh Trung A-hàm ghi: Các Ni-kiền ấy liền trả lời Ta rằng: Thưa Cù-đàm, chúng tôi có tôn sư tên là Thân Tử Ni-kiền có nói thế này: ‘Các Ni-kiền, nếu các ngươi trước kia đã tạo tác ác nghiệp; những nghiệp ấy đều có thể nhân sự khổ hạnh này mà bị diệt tận. Nếu nay hộ trì thân, khẩu, ý; nhân đó không còn tạo ác nghiệp nữa’. 7
Từ dẫn văn trên cho thấy, khổ hạnh một mặt có thể giúp tiêu trừ Nghiệp vật chất đã tạo, mặt khác vừa có thể làm phát sinh năng lực kiểm soát đối với thân, miệng, ý. Bình giảng về pháp tu khổ hạnh của Kỳ-na giáo, giáo sư Kōgen Mizuno cũng có những nhận định tương tự như trên và gọi đó là chế ngự (Samvara): “Để giải thoát khỏi thảm cảnh bị nghiệp trói buộc, và đạt tới trạng thái hạnh phúc, tịch tĩnh vĩnh viễn, một mặt cần phải thông qua khổ hạnh để diệt nghiệp quá khứ, mặt khác ngăn chặn nghiệp mới xâm nhập, tịnh hóa linh hồn, phát huy bổn tính của linh hồn. Đó gọi là chế ngự.”
Chủ trương khổ hạnh của Kỳ-na giáo, như trên đã nói, đã đến mức cực đoan, vì họ được dạy rằng: Tỳ-kheo, nếu ở thôn trang hay rừng núi, sau khi quan sát nơi chốn biết rằng không có chúng sinh nào thì hãy trải cỏ khô xuống. Ngủ ở đó, không được ăn uống, cho dù bị khổ nạn dụ dỗ cũng phải nhẫn nại. Hơn nữa, khi tiếp xúc với người khác cũng không giao tiếp quá lâu. Các côn trùng trên cây nho, hay các sinh vật bay nhảy lên xuống trên đó dù chúng có cắn các người, các người cũng không được giết chúng, cũng không được lau sờ vết thương. Dù các loài chim thú làm nguy hại đến thân thể các ông, các ông cũng không được rời tòa bỏ đi. Dù phải bị nhiều nỗi khổ tàn khốc cũng phải vui vẻ nhẫn chịu.8
Hoặc như kinh Trung A-hàm nói: Hoặc chỉ đứng thẳng không hề ngồi, hoặc đi chồm hổm, hoặc nằm gai, lấy gai làm giường; hoặc nằm trái, lấy trái làm giường; hoặc thờ nước, ngày đêm lấy tay vọc; hoặc thờ lửa, ngày đêm đốt lên; hoặc thờ mặt trời, mặt trăng, thờ Đấng Tôn Hựu Đại Đức, chắp tay hướng về. So như vậy thời phải chịu vô lượng khổ, học hạnh phiền lao.9
Từ những phương thức tu tập khổ hạnh dẫn trên cho thấy, Kỳ-na giáo không quá xem trọng thân thể của mình, và thái độ không quan tâm nhiều đến các nhu cầu trong đời sống thực tế. Mà, thay vào đó, họ lại rất chú trọng đến thiền định, thông qua thiền định để giảm thiểu, hạn chế nhu cầu vật chất từ bên ngoài. Với họ mà nói, càng khổ hạnh nghiêm khắc, càng tiết chế tối đa sự xâm nhập của vật chất từ bên ngoài thì càng mau đạt đến mục đích giải thoát.
Nói tóm lại, giáo nghĩa cơ bản của Kỳ-na giáo thuộc nhị nguyên thực tại luận, xem thường nhu cầu vật chất, chú trọng thiền định, phản đối chủ nghĩa tế tự vạn năng và tư tưởng thần quyền thiên khải. Trong giáo lý Nghiệp của họ, ở một ý nghĩa nào đó mà nói, nó đã trở thành một loại định mệnh, không còn thay đổi được nữa. Chủ trương nghiệp mang màu sắc bi quan chủ nghĩa này, được Phật giáo gọi là Túc mệnh luận.
(Còn tiếp)
Tư Nguyên (ĐSHĐ-010)
- Từ tôn giáo dùng ở đây, cần được hiểu trong cách gọi chung thời nay, vì nếu nói cho chính xác hơn thì Phật giáo và Kỳ na giáo lúc đó chỉ là những cộng đồng tu tập hay còn gọi là các Sa-môn đoàn chống lại tư tưởng Bà-la-môn.
- Cf. Đế nghĩa chứng đắc kinh quyển 01, ZW02, no. 21, p. 355, a8-9.
- Hán: 命、非命、漏、縛、遮、滅、解脫。
- Dương Huệ Nam trước tác, Ấn Độ triết học sử, Đài Bắc: Đông Đại đồ thư xuất bản, năm Dân quốc 84, trang 141.
- Kōgen Mizuno trước tác, Hứa Dương Chủ dịch Ấn Độ đích Phật giáo, NXB Pháp Nhĩ, Đài Bắc, Dân quốc thứ 87, trang 22.
- Sđd, trang 37-38
- Sđd, trang 443, c4-8.
- Sđd, trang 28.
- Tuệ Sỹ dịch, Trung A-hàm kinh quyển 4, Phẩm nghiệp tương ưng, T01, no. 26, p. 442, a7-11.