Thời hành điệu, chẳng biết lì xì là gì, cuối năm được may hai bộ đồ vạt hò mới là Tết, những chú điệu ở quê thời đó, ai cũng như vậy. Phật tử vùng quê, những ngày Tết họ đến chùa để thắp hương và cầu nguyện, nếu có thì cúng dường Tam bảo hay cúng dường Hòa thượng Trụ trì, còn những chú điệu, không ai lì xì cả, mà họ cũng không nên lì xì, vì mấy chú nhỏ quá đâu có cần tiền đâu mà cho.
Năm đó bắt đầu lớn, cái tuổi trẻ trâu nhà quê, nhổ giò vậy thôi, nói thiệt ngố lắm, cái ngố của ông điệu nhà quê, dễ thương và ngây thơ vô số tội, bà Đức Phát, bà Kim Túc, cô Đậm cho mỗi chú 3 tờ 5.000 đồng, cô Nga cho 10.000 đồng, vị chi mỗi chú được 15.000 đồng tiền mới. Tiền mới giữ không cẩn thận là nó cứa rách tay như chơi, thôi đó, mừng như diều gặp gió, khoái hơn ăn khoai lang nướng, cất liền, cất ở đâu? Đây mới là điều quan trọng, gấp lại thì xấu, mà để thẳng thì để ở đâu, tủ đồ đâu có hộc, có cửa gì đâu…, quần áo xếp để trong thùng carton, vỏn vẻn có đôi dép nhựa chớ mấy.
Chiếc xe lam ba bánh dừng trước cổng chùa, nẫu Tuy Hòa ra lễ Phật đầu năm, toàn là những vị Phật tử thuần tín Tam bảo, thời đó có được một chiếc xe lam ghé chùa vào dịp tết là dữ dằn lắm rồi, Sư ông Hòa thượng bảo mấy chú lo bánh tét cho họ dùng trưa, những đòn bánh tét không nhân, được chiên lên bằng dầu phộng, thơm ngát, dùng với tương hột có chút ớt hiểm ngon hơn trăng rằm, Bà Kim Túc nháy nhỏ với bà Đức Phát, lì xì cho mấy ổng đi, đâu có bao lì xì xanh đỏ tím vàng gì đâu, rút tiền trong xách một cái rẹt, dúi vô tay, hai ông điệu sợ tiền bị nhăn, nên đâu dám nhét vô túi…
Hai ổng cứ xầm xì hoài, không biết cất ở đâu cho nó mới hoài, bỏ vô trong cái gối, tối nằm ngủ, ngày mai săm soi lại, nó có mùi, hơi bị cũ, tìm chỗ khác cất… bỏ vô đít thùng carton, để quần áo lên… ai đâu mà làm vậy? Tiền mà… thôi bỏ vô quyển Kinh Nhật Tụng là chắc ăn nhất, vì quyển kinh lúc nào cũng nằm trên bàn để học hai thời công phu, an tâm.
Mỗi ngày học kinh, đều thấy những đồng tiền mới, săm soi cũng mất hết 5 phút mới học, đang học nửa chừng, giở ra coi lại, nó sướng con mắt đến quáng nhãn, bốn ngày sau không thuộc thêm câu kinh nào… nằm xuống tót… Hòa thượng tót mà không tìm ra nguyên nhân, ngu gì nói để bị ăn đòn nữa na… nín như nín…
Năm đó học sút, điểm trung bình không cao hơn những năm trước, hậu quả buồn thê lương, mà cũng hay lắm à nha, nhìn hoài cũng chán… ngày nào nó cũng bao nhiêu đó mà thôi, có gì đâu mà nhìn hoài… xài thì cũng không biết xài cái gì, cái gì cần Sư ông Hòa thượng mua cho hết rồi… thôi thì thú tội trần gian, xin gởi Sư ông Hòa thượng cất giùm… mấy tờ giấy tiền vẫn mới như ngày nào, nhưng bây giờ hai ông điệu chán lắm, lo học mà gỡ gạc năm rồi… tự nhiên thấy trời xanh hơn, đôi mắt tuổi thơ ngây ngô hơn, nắng hồng hơn và ngày yên bình hơn. Lớn lên một tí chợt ngộ: TÀI, SẮC, DANH, THỰC, THÙY…
Mỹ Nguyên
Diễn đọc: SC Đức Tạng